/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ 75 năm Quốc hội khóa 1 ban hành Hiến pháp 1946

75 năm Quốc hội khóa 1 ban hành Hiến pháp 1946

02/02/2021 05:39 |

(LSVN) - Cách đây 75 năm, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã diễn ra theo lối phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội khóa I. Một công việc hàng đầu của Quốc hội là ban hành Hiến pháp. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của nhà nước và chế độ. Hiến pháp năm 1946 là một bản hiến văn ngắn gọn và súc tích, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp 1946 là: 1) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; 2) Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; 3) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Hiến pháp 1946 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã diễn ra tại 71 tỉnh thành trong cả nước theo lối phổ thông đầu phiếu và lựa chọn ra 333 đại biểu cho Quốc hội khóa I. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của nhà nước cách mạng Việt Nam non trẻ, mở ra một thời kỳ Việt Nam có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn hợp pháp để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Một công việc hàng đầu của Quốc hội là ban hành Hiến pháp. Theo dòng lịch sử lập hiến của nước ta, kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp, mỗi bản Hiến pháp đều ra đời trong những bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định, tuy nhiên Hiến pháp năm 1946 vẫn mang giá trị trường tồn của một bản Hiến pháp đầu tiên của xã hội Việt Nam thời hiện đại.

Sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” ngày 02/9/1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 03/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Ngày 20/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (tên của vua Bảo Đại sau khi thoái vị), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh). Người nói: Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tháng 11/1945, Ban dự thảo đã hoàn thành công việc và Bản dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo Hiến pháp với những nội dung thể hiện mơ ước và khao khát ngàn đời về độc lập dân tộc, về các quyền và tự do của con người Việt Nam. Ngày 02/3/1946, trên cơ sở Ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ, Quốc hội khóa I đã thành lập Tiểu ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người, đại diện cho nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tiểu ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo Hiến pháp. Trong phiên họp ngày 29/10/1946, Tiểu ban Hiến pháp được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo Hiến pháp. Tiểu ban dự thảo Hiến pháp có nhiệm vụ tổng kết các ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân và xây dựng Bản dự thảo cuối cùng để trình ra Quốc hội thảo luận, sửa chữa, xem xét. Ngày 09/11/1946, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 240 phiếu thuận, 2 phiếu chống. Hiến pháp 1946 được thông qua đã đánh dấu sự cáo chung của nền thống trị ngoại bang, tuyên bố nước Việt Nam độc lập, thống nhất từ Bắc đến Nam theo chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân, quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; các quyền tự do dân chủ được bảo đảm… Tuy nhiên, 10 ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, vì vậy Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội cùng với Chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện, trong thời kỳ chưa thi hành được Hiến pháp thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật.

Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 ra đời là một bản hiến văn ngắn gọn và súc tích, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này: i) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; ii) Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; iii) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ cộng hòa. Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật. Chương III quy định về nghị viện nhân dân. Chương IV quy định về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc. Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp. Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết Hiến pháp của dân.

Có thể khẳng định rằng, thấm nhuần tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới, thậm chí là bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam châu Á tại thời điểm đó. Các ưu điểm nổi bật của Hiến pháp 1946 là: đã thể hiện rõ ràng tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân; tư tưởng pháp quyền (rule of law), tư tưởng về các quyền và tự do cơ bản của con người và bảo đảm quyền công dân, về cơ chế bảo hiến, về sửa đổi hiến pháp, đặc biệt “quyền phúc quyết” hiến pháp của người dân rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh thực hiện Luật Trưng cầu ý dân mà Quốc hội khóa 14 đã thông qua hiện nay. Giá trị rất tiến bộ của bản hiến văn này còn như một bản cam kết giữa nhà nước và nhân dân về sự hạn chế quyền lực nhà nước, chống lạm quyền từ phía nhà nước, bảo đảm chủ quyền nhân dân. Điểm khác biệt và là nét độc đáo của Hiến pháp 1946 so với các bản Hiến pháp sau này là bản Hiến pháp này không theo bất kỳ một nguyên mẫu hiến pháp nào có sẵn trong lịch sử. Sau khi cách mạng Tháng mười Nga năm 1917 thành công, có một bản Hiến pháp rất nổi tiếng và có hiệu lực ở Liên Xô thời điểm đó là Hiến pháp năm 1936, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh - một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng không lấy bản Hiến pháp này là khuôn mẫu khi xây dựng Hiến pháp 1946. Nội dung Hiến pháp 1946 đã có những yếu tố nhất định thể hiện cơ chế phân công quyền lực, kiểm soát và cân bằng quyền lực. Đây là bản Hiến pháp được soạn thảo chịu ảnh hưởng của tinh thần “tam quyền phân lập”: lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (tòa án) đã được tích lũy kinh nghiệm từ Hiến pháp Hoa Kỳ, Pháp và hiến pháp của nhiều nước cộng hòa khác. Điều 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ cộng hòa”. Hiến pháp 1946 phản ánh đúng tinh thần pháp quyền với những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ. Những ưu thế nổi trội của Hiến pháp 1946 thể hiện ở 3 đặc điểm chính về nội dung sau đây:

Hiến pháp 1946 thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền, thiết lập các thiết chế của một bộ máy nhà nước dân chủ theo chính thể cộng hòa

Sự phân công quyền lực nhà nước và đặc trưng của thiết chế nguyên thủ quốc gia thể hiện khá rõ. Sự phân công các nhánh quyền lực nhà nước được thể hiện: quyền lập pháp (Điều 23 - Nghị viện nhân dân có quyền ban hành pháp luật); quyền hành pháp (Điều 43 - Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc); quyền tư pháp (Điều 63 - hệ thống tòa án nhân dân chuyên xét xử các vụ án hình sự). Sự phân công quyền lực nhà nước trên đây là tiền đề và tất yếu cho sự ra đời thiết chế nguyên thủ quốc gia với thực quyền cần phải có. Chủ tịch nước (CTN) vừa là người đứng đầu nhà nước vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp, có quyền hạn rất lớn. CTN thay mặt Nhà nước Việt Nam trong các quan hệ đối nội và đối ngoại, là Tổng chỉ huy quân đội và các lực lượng vũ trang; tặng thưởng huy chương, bằng cấp danh dự của Nhà nước; ký hiệp ước; tuyên bố đình chiến hay tuyên chiến. CTN là thành viên của Nghị viện nhân dân (NVND), ban bố các đạo luật, sắc lệnh đã được Nghị viện thông qua; có quyền phủ quyết luật (yêu cầu Nghị viện thảo luận lại luật trước khi ban bố); có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại việc bất tín nhiệm nội các. Đối với quyền hành pháp: CTN là thành viên Chính phủ, trực tiếp điều hành Chính phủ thông qua việc chủ tọa các phiên họp Chính phủ; ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, các nhân vật cao cấp của Nội các, các đại sứ; ký sắc lệnh của Chính phủ. Đối với quyền tư pháp: CTN có quyền đặc xá và công bố đại xá. Hiến pháp 1946 đặt ra các quyền hạn cho CTN và Chính phủ mà không đặt ra các quyền hạn riêng cho thủ tướng; đồng thời cũng không quy định bắt buộc phải có phó thủ tướng mà chỉ là “có thể có phó thủ tướng” (Điều 44). Quyền hạn tập trung thống nhất cho CTN là người đứng đầu cơ quan hành pháp, đồng thời vai trò và quyền của cá nhân các thành viên nội các được đề cao. Tổ chức cơ quan hành chính như vậy sẽ thông suốt, tinh gọn. Sự phân công triệt để ba nhánh quyền lực nhà nước và đặc trưng của thiết chế nguyên thủ quốc gia ở Hiến pháp 1946 là sự vận dụng, kết hợp sáng tạo của hình thức chính thể cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị như của Hoa Kỳ, Pháp…, vì thế sau này có người gọi Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp “mang dáng dấp tư sản”. 

Tư tưởng pháp quyền trong Hiến pháp 1946 còn thể hiện ở sự kiểm soát quyền lực nhà nước và kiểm chế, đối trọng quyền lực. CTN dù có quyền hạn rất lớn nhưng vẫn bị kiểm soát để tránh lạm quyền. Cụ thể: CTN là thành viên của Nghị viện do Nghị viện bầu ra với 2/3 số phiếu tán thành, nếu không đủ số phiếu ấy thì bầu lần thứ hai theo đa số tương đối. Về nhiệm kỳ, Nghị viện được bầu 3 năm một lần (Điều 24) nhưng nhiệm kỳ của CTN được bầu 5 năm một lần (Điều 45). Như vậy nhiệm kỳ của CTN dài hơn nhiệm kỳ Nghị viện. Điều đó cho thấy sự ổn định và tính độc lập cao của CTN, tránh phụ thuộc vào Nghị viện trong bất cứ hoàn cảnh nào. CTN dù có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại các đạo luật đã biểu quyết nhưng luật đã đem ra thảo luận lại, nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc CTN phải ban bố (Điều 31). Như vậy, vai trò quyết định của Nghị viện nhân dân vẫn được đề cao. Quyền hạn “phủ quyết luật” của CTN ở Hiến pháp 1946 giống với quyền của tổng thống trong Hiến pháp Mỹ và ở nhiều nước theo chế độ cộng hòa đại nghị, song sự phát triển sáng tạo của Hiến pháp 1946 là ở chỗ: Nghị viện nhân dân chỉ cần biểu quyết lại, CTN phải công bố luật đó (điều này giúp tránh sự lạm quyền của CTN); khác với Hiến pháp Mỹ, nếu tổng thống phủ quyết luật, cần phải có sự chấp thuận lần thứ hai của hai Viện (Hạ viện và Thượng viện) với 2/3 thành viên của mỗi Viện thì tổng thống mới ban bố dự luật đó. Mặt khác, Điều 54 Hiến pháp 1946 quy định: Trong thời hạn 24 giờ, nếu Nghị viện bất tín nhiệm nội các thì CTN có quyền đưa vấn đề tín nhiệm ra Nghị viện thảo luận lại. Cuộc thảo luận thứ hai phải cách cuộc thảo luận thứ nhất 48 giờ. Sau cuộc biểu quyết lại này, nếu nội các vẫn không đủ tín nhiệm thì nội các phải từ chức. Điều này cũng cho thấy quyền hạn CTN là rất lớn trong xây dựng nội các, nhưng vai trò quyết định nội các vẫn là Nghị viện nhân dân.

Hiến pháp 1946 quy định CTN Việt Nam không phải chịu trách nhiệm nào, trừ phạm tội phản quốc (Điều 50). Đây là một điều đặc biệt, chỉ có quy định ở Hiến pháp 1946 nước ta. Một mặt CTN cần có nhiều quyền hạn và thời gian để lãnh đạo đất nước. Mặt khác nếu phản bội Tổ quốc thì CTN sẽ bị xét xử bởi một tòa án đặc biệt do Nghị viện thành lập. Như vậy, Hiến pháp 1946 đã gián tiếp quy định tội phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất; dù là nguyên thủ quốc gia vẫn không tránh khỏi bị xét xử bởi tòa án do Nghị viện thành lập. Tư tưởng pháp quyền thể hiện rất rõ trong hoạt động lập pháp. Nó có thể đặt nền móng cho việc thành lập tòa án hiến pháp ở Việt Nam mà trong lịch sử lập hiến và lập pháp nước ta trong suốt 75 năm qua chưa bao giờ có. Hiện nay vấn đề bảo hiến và thành lập tòa án hiến pháp vẫn đang là vấn đề thường trực có tính thời sự cao.

Hiến pháp 1946 xác định Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Điều 22). Điều 23 của Hiến pháp quy định thẩm quyền của Nghị viện nhân dân là được đặt ra pháp luật (tức là thực hiện hoạt động lập pháp) và theo Điều 70 về sửa đổi Hiến pháp thì Nghị viện nhân dân là cơ quan duy nhất quyết định việc sửa đổi Hiến pháp, đưa Hiến pháp ra toàn dân phúc quyết (tức là thực hiện hoạt động lập hiến). Các đạo luật Nghị viện ban hành được công bố áp dụng trên quy mô toàn quốc, Chính phủ phải có trách nhiệm thi hành và làm cho các đạo luật đó đi vào cuộc sống; Nghị viện nhân dân chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ đã ký với nước ngoài thì nó mới có hiệu lực (Điều 23); Nghị viện biểu quyết ngân sách (Điều 23) - quyền hạn này sẽ tác động trực tiếp đến cơ quan hành pháp và tư pháp. Ngược lại, Chính phủ cũng có quyền tác động trực tiếp đến Nghị viện, cụ thể như: quyền trình dự án luật ra trước Nghị viện, dự án sắc luật ra trước Ban Thường vụ trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt (Điều 52). Sự kiểm soát quyền lực phần nào tạo ra sự “cân bằng quyền lực” giữa Nghị viện nhân dân và cơ quan hành pháp còn được biểu hiện đặc sắc ở các quy định: khi Nghị viện không họp, Ban Thường vụ có quyền kiểm soát và phê bình Chính phủ (Điều 36); khi Nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến (Điều 38).   

Trách nhiệm cá nhân của các thành viên cao cấp của nội các được quy định rõ tại Điều 54: Bộ trưởng phải được tín nhiệm, nếu không được tín nhiệm thì phải từ chức; Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của nội các; tập thể nội các không phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi của bộ trưởng. Có thể thấy, Hiến pháp 1946 đã đặt rất cao về trách nhiệm pháp lý cá nhân đối với các thành viên Chính phủ và văn hóa từ chức được ấn định. Các Hiến pháp sau này và pháp luật thực định chưa xác lập cơ chế từ chức, do đó trong sinh hoạt chính trị cũng chưa có văn hóa từ chức. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật hoặc năng lực công tác yếu hoặc người có lối sống, đạo đức xấu bị dư luận lên án, mất tín nhiệm nghiêm trọng đáng lẽ phải từ chức ngay nhưng trong thực tế đều chờ đợi để được bố trí công tác khác hoặc chờ để được “miễn nhiệm”, “bãi miễn”. Hiến pháp 1946 cũng xác định rõ ràng quan hệ giữa cơ quan tư pháp (tòa án) và cơ quan hành pháp (Chính phủ). Thẩm phán do Chính phủ bổ nhiệm, nhưng khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự can thiệp của bất cứ cơ quan nào khác (Điều 69). Như vậy trong Hiến pháp 1946, thiết chế tòa án đã có sự độc lập trong hoạt động xét xử.

Hiến pháp 1946 với tên gọi nước ta là Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vừa khoa học vừa phù hợp và có ý nghĩa dài lâu. Hiến pháp 1946 thành lập ra các ủy ban hành chính, tên gọi cơ quan này vừa phù hợp với khoa học quản lý hành chính, vừa phù hợp với nhận thức của người dân, phản ánh đúng bản chất của các tổ chức này, thể hiện sự thống nhất với quy định Chính phủ là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất” và với thuật ngữ “sự phân chia các đơn vị hành chính”. Điều đáng chú ý là Hiến pháp 1946 đã không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) cấp huyện. Điều 58 nêu rõ: “Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có HĐND do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. HĐND tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện, chỉ có ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính bộ do hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Ủy ban hành chính huyện do hội đồng các xã bầu ra”. Như vậy ngay từ Hiến pháp 1946, cơ quan dân biểu cũng đã được tổ chức rất tinh gọn, khi không có HĐND huyện thì ủy ban hành chính huyện do HĐND các xã bầu ra.

Hiến pháp 1946 thể hiện rõ chủ quyền nhân dân, tư tưởng mọi quyền lực thuộc về nhân dân

Quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định đanh thép ngay ở Điều 1 Hiến pháp 1946: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo. Như vậy, bao nhiêu quyền hạn cũng là của dân. Ai cũng có bình đẳng về quyền, không phân biệt địa vị, giai cấp, tôn giáo. Với tư tưởng và tuyên bố về chủ quyền nhân dân, Hiến pháp 1946 đã xóa bỏ hoàn toàn luật, lệ, phong tục hà khắc bất bình quyền của chế độ phong kiến tồn tại gần một ngàn năm và gần trăm năm thực dân đô hộ nước ta. Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân ở Hiến pháp 1946 thể hiện sâu sắc khi nó được hiện thực hóa trong việc quy định toàn dân bầu ra Nghị viện nhân dân và nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra (Điều 20); nhân dân được phúc quyết hiến pháp và các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia; trong việc tổ chức, phân chia quyền lực nhà nước nhằm phục vụ lợi ích của dân. Giá trị cốt lõi của chủ quyền nhân dân được khẳng định ngay từ Lời nói đầu của Hiến pháp, là một trong ba nguyên tắc xây dựng Hiến pháp, đó là “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

Hiến pháp 1946 quy định nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21). Đây là một quy định quan trọng và rất tiến bộ, cần phải có trong một nhà nước pháp quyền đích thực. Quy định đó bảo đảm cho nhân dân tham gia sinh hoạt chính trị dân chủ, bày tỏ chính kiến của mình. Các bản Hiến pháp sau này xác lập việc trưng cầu ý dân nhưng không quy định rõ quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Quyền phúc quyết Hiến pháp ghi trong Hiến pháp 1946 đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt có ý nghĩa khi Quốc hội đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân.   

Hiến pháp 1946 thể hiện rõ tư tưởng quyền con người, quyền công dân và cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền này

Trong lịch sử lập hiến nói chung, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được xem là sứ mệnh của hiến pháp, là cốt lõi của nội dung hiến pháp. Với Hiến pháp 1946, tiếng gọi thiêng liêng “công dân” đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia. Mặc dù không xuất hiện cụm từ “quyền con người” nhưng những quy định trong Hiến pháp 1946 đã thấm đẫm tư tưởng về độc lập dân tộc và các quyền, tự do cơ bản của con người đã được thể hiện rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945. Công dân Việt Nam ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và đều bình đẳng trước pháp luật. Mặt khác, quyền lợi của công dân được gắn với nghĩa vụ phải tôn trọng Hiến pháp và chấp hành pháp luật (Điều 4), cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật - một đặc trưng cơ bản của tư tưởng pháp quyền. Cùng với sự bình đẳng về quyền lợi, Hiến pháp 1946 còn quan tâm đến các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, như: người dân là đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước giúp đỡ về mọi phương diện để nhanh chóng tiến kịp trình độ chung (Điều 8); quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trên mọi phương diện (Điều 9); công dân già cả hoặc tàn tật được Nhà nước giúp đỡ và trẻ em được săn sóc về mặt giáo dưỡng (Điều 14); trẻ em học sơ học là bắt buộc và không phải đóng học phí, đồng bào dân tộc thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình, học trò nghèo được Chính phủ giúp đỡ. Bên cạnh đó, Nhà nước cho phép mở trường tư nhưng phải dạy theo chương trình của Nhà nước (Điều 15). Những quy định này cho thấy Hiến pháp 1946 có những quy định vô cùng tiến bộ nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong xã hội ta. Ở đó thể hiện những giá trị nhân văn cao quý về bản chất của một nhà nước dân chủ ưu việt. Những quy định đó được Hiến pháp 2013 kế thừa, phát triển và vẫn còn nguyên giá trị thời đại. Xét về thời gian thì Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 1945 và Hiến pháp Việt Nam 1946 ra đời trước Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948 và các Công ước quốc tế về nhân quyền 1966, tuy nhiên đã in đậm nét các tư tưởng nhân quyền của Bộ luật Nhân quyền quốc tế. Hiến pháp 2013 trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đã kế thừa các tư tưởng nhân quyền của Hiến pháp 1946 đồng thời ghi nhận, phản ánh khá đầy đủ các nội dung và yêu cầu cơ bản của Bộ luật Nhân quyền quốc tế, điều mà các Hiến pháp 1960, 1980 và 1992 chưa có được.

Trong cơ cấu Hiến pháp 1946, nội dung về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II) được đặt ngay sau chương Chính thể (Chương I), trước cả các chương về các thiết chế trong bộ máy nhà nước. Đây cũng là một minh chứng cho thấy, Hiến pháp 1946 rất coi trọng, đề cao quyền con người, quyền công dân. Càng về sau, các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến 1992 càng đặt lùi dần Chương về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sau các thiết chế khác. Sau này Hiến pháp 2013 đã lấy lại tư tưởng coi trọng quyền con người, quyền công dân và sắp xếp lại cơ cấu của Hiến pháp, đưa nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên Chương 2 Hiến pháp, nhìn nhận đúng đắn về các giá trị quyền con người, quyền công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Từ ba đặc điểm chính nổi bật về nội dung trên đây có thể nhận xét về tính độc đáo của Hiến pháp năm 1946 với một số điểm nhấn sau đây: Một là, quyền năng giữa các cơ quan nhà nước về lập pháp, hành pháp và tư pháp đã được phân định khá rõ và cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế, bảo đảm cho “kiểm soát quyền lực nhà nước” được thực hiện. Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rất rõ ràng rành mạch, theo hướng gọn nhẹ, phục vụ nhân dân. Hai là, chủ quyền nhân dân được ghi nhận, mọi quyền bính thuộc về nhân dân. Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước, do nhân dân quyết định. Nghị viện nhân dân là cơ quan nhà nước có quyền cao nhất nhưng cũng không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70). Cơ chế bảo Hiến đã bước đầu được xác lập. Ba là, vai trò độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm, các cơ quan khác không có quyền can thiệp.

Hiến pháp 1946 đã tiếp thu có chọn lọc các tư tưởng và hiến pháp dân chủ, tiến bộ trên thế giới, đồng thời đã “Việt hóa” tối đa cho phù hợp với điều kiện của nước ta ở thời điểm đó. Mặc dù những quy định trong Hiến pháp 1946 chưa được tổ chức kiểm nghiệm nhiều trong thực tế do điều kiện lịch sử ngay sau đó đất nước phải trải qua chiến tranh, nhưng tinh thần, tư tưởng và giá trị của Hiến pháp 1946 đã được đặt ra và kế thừa trong quá trình xây dựng Hiến pháp 2013, trong đó tư tưởng Hiến pháp về một nhà nước liêm chính, kiến thiết quốc gia và phục vụ nhân dân vẫn là tư tưởng nhân văn trường tồn ở Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

                                                                   PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH

Đại hội XIII – Điểm hội tụ lịch sử

Lê Minh Hoàng