/ Góc nhìn
/ Khi đồng tiền thao túng pháp luật

Khi đồng tiền thao túng pháp luật

24/06/2025 14:20 |20 ngày trước

(LSVN) - Có những vụ án kinh hoàng, ghê rợn, thậm chí là thảm sát do người tâm thần gây ra. Thay vì phải nhận sự trừng phạt của pháp luật, họ được hưởng một chính sách hình sự nhân đạo là “chữa bệnh bắt buộc”.

Lợi dụng điều này, những tên tội phạm có tiền và mối quan hệ (hoặc có cả những trường hợp gia đình quyền thế) chạy tội bằng cách biến mình thành kẻ tâm thần. Giấy chứng nhận bệnh tâm thần trở thành “kim bài miễn tội”. Chỗ ở của chúng lẽ ra phải ở trong tù nhưng chỉ phải ở trong bệnh viện tâm thần, chúng biến nơi này thành địa điểm nghỉ dưỡng, ăn chơi, hưởng lạc, thậm chí là “động lắc” tràn ngập âm thanh kích động và đầy rẫy ma túy đủ loại…

Cảnh tượng đó đã bị phơi bày trong một vụ phá án ở một cơ sở điều trị tâm thần xảy ra cách đây chưa lâu. Và, bây giờ nó vẫn tiếp tục xảy ra trong một vụ án mà Công an vừa phá.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để đạt được “cảnh giới” tưởng chừng như không thể có được trong một xã hội coi pháp luật là thượng tôn, cần tiếp cận được với những người có trọng trách bảo vệ pháp luật nhà nước cũng như sức khỏe con người, có quyền cấp những chứng chỉ như “kim bài miễn tội”. Không ai khác, người đó là bác sĩ tâm thần, giữ trọng trách công tác và phục vụ, cống hiến trong các cơ quan uy tín, nghiêm túc, danh tiếng, quyền uy như Viện Pháp y tâm thần Trung ương chẳng hạn.

Nhưng ở đó, họ đã làm gì với chức năng, nhiệm vụ và trọng trách của mình? Họ đã cấp chứng chỉ tâm thần cho tội phạm, tạo cơ hội cho tội phạm hưởng lạc sống ngoài vòng pháp luật và tiếp tục phạm tội. Không những thế, họ còn “chung vui” với tội phạm, cùng thực hiện những cái mà pháp luật cấm. Chúng chỉ việc vung tiền để biến các bác sĩ pháp y thành những người dễ sai khiến và lợi dụng. Những cán bộ với trọng trách bảo vệ pháp luật trở thành bảo kê tội phạm, góp phần làm đảo điên cán cân công lý. Tội phạm là bạn của họ và đưa họ - những cán bộ “liêm chính, vì dân, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp pháp y” - trở thành tội phạm.

Vẫn biết rằng, danh từ “tội phạm” chỉ dùng cho nhưng người đã bị kết án bởi bản án của Tòa án nhưng trong ngữ cảnh này và trên thực tế dùng từ “tội phạm” để chỉ những người này là chính xác. Họ thực sự là tội phạm đang sống nhởn nhơ trong xã hội chúng ta.

Vụ án đã bị phanh phui nhưng còn đó những giám định pháp y đầy nghi ngờ vẫn tồn tại từ trước đến nay. Ở nhiều phiên tòa, những giám định viên pháp y được triệu tập nhưng vắng mặt, Tòa vẫn xét xử vì sự vắng mặt đó “không làm thay đổi bản chất vụ án”. Liên quan và góp phần quyết định sinh mạng pháp lý của một con người mà thờ ơ đến lãnh cảm như thế sao ?

                                                                                     NHỊ NGỌC