Sự việc trên cho thấy pháp luật hiện còn một số kẽ hở trong quy trình giám định tâm thần đối với người bị tình nghi phạm tội, dẫn đến khả năng bỏ lọt tội phạm khá cao, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Vậy, pháp luật quy định ra sao về trường hợp này?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Điều 21 Bộ luật Hình sự quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, thì cơ quan chức năng sẽ đưa đối tượng đi trưng cầu giám định, bởi đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại tại khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể như sau:
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: “Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án”...
Như vậy, nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết quả này đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.
Tuy nhiên, Điều 206 chỉ quy định về trưng cầu giám định tâm thần mà không quy định cụ thể số lần giám định bắt buộc đối với người bị tình nghi phạm tội, dẫn đến trường hợp kết luận giám định tâm thần lần đầu đương nhiên có giá trị pháp lý mà không phải xem xét lại.
Điều này dẫn đến khả năng “thông đồng” giả mạo kết luận giám định tâm thần để chạy tội, thay vì bị truy tố xét xử thì đối tượng chỉ bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc mà thôi. Khi đó, các cơ quan tố tụng dù biết đối tượng có khả năng không bị bệnh nhưng đành “bó tay” vì luật quy định kết quả giám định một lần duy nhất là cơ sở xem xét và đánh giá việc có xử lý hình sự hay không.
Được biết, trên cả nước hiện chỉ có 07 cơ sở có chức năng giám định tâm thần thực hiện giám định (lần 1) khi cơ quan tố tụng có yêu cầu.
Với trình bày trên, việc có hai cấp giám định tâm thần là đảm bảo tính khách quan và có sự giám sát chặt chẽ, minh bạch hơn trong hoạt động tố tụng. Trong trường hợp nghi ngờ kết quả giám định đầu tiên, cơ quan Công an có quyền yêu cầu trưng cầu giám định lần hai, yêu cầu này cần được thống nhất giữa các cơ quan tố tụng để tránh tình trạng lạm quyền, “làm khó” người phạm tội.
Việc sửa đổi, bổ sung Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự về nguyên tắc “giám định hai lần” là bước tiến cần thiết để hoàn chỉnh pháp luật hình sự, không bỏ lọt tội phạm.
Luật sư NGUYỄN HỒNG LÂM
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh