Một số vấn đề pháp lý về tội 'Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ'

20/12/2020 03:42 | 3 năm trước

(LSVN) - Hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà gây thiệt hại cho người khác do không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và người giao phương tiện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015.

Ảnh: Xét xử vụ án - Tòa án Khu vực Quân khu 2.

Tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là một tội danh mới được tách từ tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 205 BLHS năm 1999 và được quy định như sau:

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Các yếu tố cấu thành tội phạm của tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ:

- Mặt khách quan: Hành vi giao xe cho người mà biết rõ là người đó không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi trái pháp luật, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Để xác định hành vi giao xe cho người không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có phải là hành vi của tội phạm hay không phải căn cứ vào việc người đó có biết hoặc buộc phải biết người được giao phương tiện để tham gia giao thông không có đủ điều kiện điều kiện không.

Mối quan hệ nhân quả: Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác. Nếu hậu quả xảy ra không xuất phát từ việc người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì người giao xe không phải chịu trách nhiệm về hậu quả đó.

- Mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý. Đối với tội phạm này, người phạm tội tuy thấy trước hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi đó có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

- Chủ thể: Chỉ có thể là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

- Khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến an toàn công cộng, trật tự công cộng; ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Hiện nay, qua thống kê trên cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao thì số lượng bản án được công bố đối với tội phạm này là rất ít. Theo thống kê tại cổng thông tin điện tử Công bố bản án, quyết định của tòa án thì tính đến 30/9/2020 chỉ có 07 bản án xét xử về tội phạm này được công bố.

Qua đó, phần nào cho thấy số lượng các vụ án xét xử về tội danh này là tương đối ít và hình phạt áp dụng là tương đối nhẹ (chủ yếu là phạt tiền hoặc cải tạo không giao giữ) mặc dù hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn là tương đối phổ biến (như việc bố, mẹ giao xe cho con chưa có bằng lái; giao xe cho người đã sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định…). Theo quan điểm của người viết, thực tế này cũng xuất phát từ quan điểm, cách hiểu quy định của BLHS còn khác nhau giữa những người thực thi pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi này.

 Vụ án: Chiều ngày 29/9/2019, Nguyễn Văn A (sinh năm 1965) và Trần Thế B (sinh năm 1988) sử dụng xe mô tô do A là chủ sở hữu để đi ăn giỗ ở quê với khoảng cách là 20 km. Trong quá trình ăn uống, A và B có sử dụng mỗi người khoảng 0,5 lít rượu. Sau khi ăn xong, A đã giao xe và chìa khóa xe cho B để điều khiển chở A cùng về nhà. Trên đường về, do trời mưa, đường trơn, đồng thời do B đã sử dụng rượu bia nên không làm chủ được tốc độ đã tự ngã trên đường dẫn đến B tử vong tại chỗ, A bị thương tích 21% và xe mô tô bị hư hỏng nhẹ. Trường hợp này, A có phạm tội: "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không còn có những quan điểm khác nhau. Cụ thể:

 Quan điểm thứ nhất: Cho rằng hành vi giao xe của Nguyễn Văn A không cấu thành tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 264 BLHS 2015. Bởi lẽ, Trần Thế B điều khiển xe mô tô dẫn đến tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng (chết 1 người), nhưng người chết ở đây lại chính là B chứ không phải là "người khác" nên hành vi giao xe của Nguyễn Văn A không cấu thành tội phạm theo Điều 264. Cũng có nghĩa là nếu A giao xe cho B điều khiển mà B gây tai nạn làm "thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác", là người thứ 3 ngoài A và B thì B mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.         

Quan điểm thứ hai: Đồng thời cũng là quan điểm của người viết, lại cho rằng, hành vi giao xe của A đủ yếu tố cấu thành tội " Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 264 BLHS 2015. Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền, tuy nhiên quy định về “người khác” tại Điều 264 BLHS 2015 phải được hiểu là chỉ loại trừ chủ thể của tội phạm tức là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp phương tiện tham gia giao thông đường bộ được giao cho người không đủ điều kiện đó. Hay nói cách khác, quy định “Gây thiệt hại cho người khác” bao gồm cả việc gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người được giao phương tiện. Bởi lẽ, A biết rõ B đã sử dụng một lượng rượu vượt ngưỡng cho phép (0,5 lít), nhưng vẫn giao xe cho B điều khiển, dẫn đến tai nạn làm B tử vong. Hành vi của A đã xâm phạm đến an toàn công cộng, trật tự công cộng và dẫn đến hậu quả là B hoặc người thứ 03 chết đều là thiệt hại về tính mạng con người giống nhau.

Vụ án nêu trên có tình tiết đơn giản và việc chủ sở hữu phương tiện giao cho người khác không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là khá phổ biến trong xã hội hiện nay, như việc bố, mẹ giao xe mô tô, ô tô cho con chưa có giấy phép lái xe hoặc giao cho người biết rõ là có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định… điều khiển tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn dẫn đến hậu quả thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho chính người điều khiển phương tiện. Cho nên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này góp phần răn đe, phòng ngừa các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nói chung và hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ nói riêng. Đồng thời, hạn chế những hậu quả thương tâm, đáng tiếc do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.

Bài viết là quan điểm cá nhân của người viết, do đó, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của quý độc giả và các đồng nghiệp.

NGUYỄN TỨ
Tòa án Quân sự Quân khu 2

/trach-nhiem-phap-ly-cua-chu-dau-tu-trong-cac-du-an-bat-dong-san-sai-pham.html