/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số vướng mắc khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Một số vướng mắc khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

05/01/2021 18:09 |

(LSO) - BLHS năm 2015 thiết kế riêng Chương XII: ‘‘Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội’’. Đây là cơ sở pháp lý để xử lý đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên khá đầy đủ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn xét xử còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong giải quyết vụ án.

TAND thị xã Long Mỹ, Hậu Giang xét xử vụ án cướp giật tài sản, bị cáo chưa thành niên.

Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi pháp luật quy định đối với người chưa thành niên phạm tội. Để quyết định hình phạt được chính xác, Điều 50 BLHS đã quy định các căn cứ quyết định hình phạt: Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, ngoài các căn cứ chung còn có những căn cứ mang tính đặc thù riêng được pháp luật quy định thể hiện chính sách hình sự của Đảng và nhà nước ta. Qua thực tiễn xét xử, xin nêu một số vướng mắc như sau:

Cách tính mức phạt tù

người chưa thành niên phạm tội bị phạt tù có thời hạn thì cách tính mức phạt tù được quy định tại Điều 101 BLHS; Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS, trong đó hướng dẫn việc quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng cũng có nhiều quan điểm khác nhau về cách tính mức hình phạt tù:

Ví dụ: Trần Nam B là người chưa thành niên phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 168 BLHS có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.

Quan điểm thứ nhất: Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên phải thấp hơn mức hình phạt cao nhất áp dụng cho người thành niên, BLHS không khống chế mức tối thiểu. Do đó, nếu B từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với B là 15 năm tù (không quá ¾ của 20 năm tù), nếu B từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng cao nhất được áp dụng đối với B là 10 năm tù (không quá ½ của 20 năm tù).

Quan điểm thứ hai: Cần xác định một khung hình phạt tương ứng cho người chưa thành niên từ mức tối thiểu đến mức tối đa, sau đó Tòa án xác định mức hình phạt tù cụ thể trong phạm vi khung hình phạt đó. Nếu B từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì khung hình phạt được áp dụng đối với B là ¾ x (12 đến 20) năm tù = 9 năm tù đến 15 năm tù; nếu B từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì khung hình phạt được áp dụng đối với B là ½ x (12 đến 20 năm tù) = 6 năm tù đến 10 năm tù.

Với quan điểm thứ nhất thì xác định được mức hình phạt cao nhất để áp dụng đối với B, nhưng chưa xác định mức hình phạt khởi điểm của khung hình phạt này đối với B là bao nhiêu, trong khi đó mức hình phạt khởi điểm của khoản 3 Điều 168 BLHS là 12 năm tù?

Theo tác giả quan điểm thứ hai hợp lý hơn vì Điều 101 BLHS quy định về mức hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên “… đối với người đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không qúa ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định và đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức hình phạt tù mà điều luật quy định” có nghĩa là luật chỉ khống chế không được vượt quá mức tối đa cho phép, chứ không phải tất cả mọi trường hợp đều áp dụng đối với người chưa thành niên luôn chính là mức tối đa đó. Tòa án phải xác định được khung hình phạt từ khởi điểm đến mức tối đa tương ứng đối với người chưa thành niên B, sau đó căn cứ vào các yếu tố được pháp luật quy định để quyết định hình phạt tù cụ thể đối với B trong phạm vi khung hình phạt đã xác định.

Tổng hợp hình phạt

Khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm nhiều tội, ngoài những căn cứ quy định tại các Điều 98, 99, 100, 101, 102, 103 để xác định và áp dụng hình phạt.

Điều 103 BLHS quy định tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội, điều luật có sự phân biệt giữa tội phạm được thực hiện khi người chưa thành niên dưới 18 tuổi và tội phạm được thực hiện khi người người đó đủ 18 tuổi.

Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 103 BLHS.

Ví vụ: Lê Anh C phạm tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 123 BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự, trong đó tội giết người được thực hiện khi Lê Anh C mới 17 tuổi, thì hình phạt chung cho cả hai tội đối với Lê Văn C không được vượt quá 18 năm tù.

Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung được áp dụng như đối với người thành niên phạm tội quy định tại Điều 55 BLHS.

Ví dụ: Thái Tăng D phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 2 Điều 260 BLHS và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 170 BLHS, trong đó tội “Cưỡng đoạt tài sản” do Thái Tăng D thực hiện khi đã đủ 18 tuổi, nên Tòa án đã áp dụng Điều 55 BLHS mà không áp dụng Điều 103 BLHS để tổng hợp hình phạt đối với Thái Tăng D.

Việc xác định tội nào nặng nhất có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng hợp hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội hay áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xác định tội nào là tội nặng nhất cũng có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Cơ sở để xác định tội nào nặng nhất căn cứ vào hình phạt cụ thể mà Tòa án đã tuyên đối với từng tội. Tội nào có mức hình phạt cao nhất thì đó là tội nặng nhất.

Quan điểm thứ hai: Cơ sở để xác định tội nặng nhất là căn cứ vào hình phạt tối đa của khung hình phạt cao nhất, nhưng trường hợp không thể xác định tội nặng nhất nếu hình phạt tối đa của khung hình phạt cao nhất của hai tội bằng nhau và mức khởi điểm của khung hình phạt cao nhất cũng bằng nhau, thì tội nặng hơn là tội có khung hình phạt nhẹ nhất nặng hơn. Nếu khung hình phạt nhẹ nhất của hai tội có mức hình phạt tối đa bằng nhau thì tội nặng hơn là tội có mức hình phạt khởi điểm của khung hình phạt nhẹ nhất cao hơn.

Theo tác giả quan điểm thứ hai hợp lý hơn vì căn cứ xác định tội nặng nhất không phải là mức hình phạt cụ thể mà Tòa án đã tuyên, mà phải căn cứ vào mức hình phạt cụ thể được quy định trong điều luật. Tuy nhiên quan điểm thứ hai cũng chưa bao quát hết những trường hợp xảy ra trong thực tế. Nếu các trường hợp mà quan điểm thứ hai nêu ra đều bằng nhau thì việc xác định tội nào là tội nặng nhất lại không thể xác định được.

Ví dụ: Tại Điều 172 “Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” và Điều 173 “Tội trộm cắp tài sản” đều có quy định về khung hình phạt như nhau. Cụ thể: Khoản 1 – phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; khoản 2 – phạt tù từ hai năm đến bảy năm; khoản 3 – phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; khoản 4 – phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Như vậy, có thể thấy tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 và tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 là hai tội bằng nhau.

Tác giả cho rằng trong trường hợp này, tội nào có hình phạt bổ sung hoặc tội nào xâm phạm khách thể quan trọng hơn thì tội đó nặng hơn, nhưng việc xác định hình phạt bổ sung, khách thể nào quan trọng hơn còn nhiều ý kiến, đây là vấn đề thực tế còn có nhiều quan điểm áp dụng.

Hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội

Điều 102 BLHS quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt phải thấp hơn hình phạt được áp dụng đối với tội phạm hoàn thành. Tuy nhiên, trong BLHS chưa quy định cụ thể mức hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên khi họ phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Ví dụ: Trần Quang L là người chưa thành niên chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như “Cướp tài sản”, “Hủy hoại tài sản” thì vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đặt ra đối với họ như thế nào?ở mức độ nào?

Theo quy định hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết triệt để vấn đề này, có chăng chỉ là vận dụng Điều 102 BLHS khi quyết định hình phạt đối với họ. Đây là vấn đề bất hợp lý vì đối với người phạm tội nói chung, hành vi của họ ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn tội phạm hoàn thành nên hình phạt áp dụng phải nhẹ hơn hình phạt đối với tội phạm hoàn thành, người chưa thành niên phạm tội nói riêng cũng áp dụng như vậy nhưng hình phạt của họ còn thấp hơn so mức hình phạt của người thành niên, nhưng cụ thể là thấp hơn như thế nào thì lại chưa có hướng dẫn.

Tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm nhiều tội

Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, BLHS chưa có bất kỳ quy định riêng nào về việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội. Khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án áp dụng Điều 100 BLHS xác định thời hạn cải tạo không giam giữ không quá 1/2 thời hạn điều luật quy định. Đó là trường hợp người chưa thành niên phạm một tội. Còn trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội mà các tội đều bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì hình phạt chung được xác định tối đa là bao nhiêu vẫn chưa được quy định. Đối với vấn đề này, chúng tôi đồng ý với đề xuất mức giới hạn cao nhất cho việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ là không quá 2 năm, không nên lấy mức tối đa của hình phạt cải tạo không giam giữ là 3 năm như áp dụng đối với người đã thành niên theo quy định tại Điều 55 BLHS, có như thế mới đảm bảo chính sách khoan hồng hơn của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội so với người đã thành niên phạm tội.

Trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội nhiều lần, trong đó có thể có những lần thực hiện hành vi phạm tội khi chưa thành niên, có những lần thực hiện hành vi phạm tội khi đã thành niên. Do tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được thực hiện khi bị cáo chưa thành niên sẽ thấp hơn những hành vi được thực hiện khi đã thành niên, nên khi quyết định hình phạt, Tòa án phải cân nhắc đến những hành vi do bị cáo thực hiện khi chưa thành niên. Đây sẽ là một quy định phân hóa trách nhiệm theo độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội. Trong trường hợp này, tác giả đề nghị cần xem xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của những hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi để làm căn cứ quyết định hình phạt.

Miễn trách nhiệm hình sự và án treo

Trên thực tế, rất ít áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét xử. Về vấn đề áp dụng chế định án treo cũng không có ưu tiên nào cho người chưa thành niên. Điều 65 BLHS quy định về án treo, Điều 91 BLHS qui định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTPTANDTC ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn về việc áp dụng chế định án treo, cũng không có quy định nào về việc ưu tiên áp dụng án treo đối với người chưa thành niên. Về việc giao người chưa thành niên cho cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương để giám sát, giáo dục trong trường hợp họ được hưởng án treo cũng gặp nhiều vướng mắc.

Khoản 2 Điều 65 BLHS quy định: “Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó”. Trên thực tế trong nhiều trường hợp, cha, mẹ người chưa thành niên không sống cùng địa chỉ và có nhiều người chưa thành niên có tên trong hộ khẩu của cha (hoặc mẹ), nhưng lại thường sống chung với người kia nên việc giao giám sát, giáo dục cũng còn áp dụng khác nhau. Vì vậy, TANDTC cần ban hành những quy định cụ thể cho việc áp dụng chế định án treo cho người chưa thành niên.

Một số kiến nghị

Chương XII BLHS quy định đối với người chưa thành niên phạm tội không có điều luật quy định về trường hợp tổng hợp hình phạt khi có nhiều bản án nên về nguyên tắc Tòa án phải áp dụng quy định chung, tức là áp dụng đối với người đã thành niên với hình phạt chung có thể lên đến 30 năm đối với tù có thời hạn và 3 năm đối với cải tạo không giam giữ. Do đó, kiến nghị xây dựng một điều luật tại Chương XII quy định trường hợp tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên có nhiều bản án để cụ thể hóa mức hình phạt tối đa khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp này phù hợp với quy định tại Điều 100 BLHS.

Điều 101 BLHS cần được sửa đổi quy định như sau: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi… nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định” thành “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi…nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù của khung hình phạt được áp dụng”.

Các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, có văn bản hướng dẫn cụ thể tháo gỡ những vướng mắc đã nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được chặt chẽ, thống nhất.

LÊ ĐÌNH NGHĨA - TAQSKV1 QK5

(Theo Tạp chí toà án)

/ban-ve-uy-quyen-khang-cao-theo-quy-dinh-tai-khoan-6-dieu-272-blttds-nam-2015.html