“Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ” (điểm b khoản 1). “Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật” (khoản 2).
Việc quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tăng cường kỷ luật kỷ cương, sức mạnh chiến đấu của quân đội trên cơ sở phù hợp với các đặc điểm về tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, qua thực tiễn và quá trình áp dụng pháp luật, vấn đề xác định thẩm quyền của TAQS còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập cụ thể là:
1. Thẩm quyền xét xử liên quan đến “dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự mà bị cáo là “dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”. Tuy nhiên, Tại Điều 392, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 lại quy định dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu phục vụ chiến đấu là đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội “Xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân”. Như vậy, xét về phạm vi và đối tượng thì quy định tại BLHS là hẹp hơn so với quy định của BLTTHS 2015. Theo quy định tại Điều 5 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020) nhiệm vụ của dân quân, tự vệ được quy định như sau:
“1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức.
2. Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.
4. Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.
5. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.
6. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, quy định về nhiệm vụ của dân quân tự vệ là rất rộng, tuy Luật Dân quân tự vệ không quy định khái niệm “phối thuộc” nhưng các nhiệm vụ từ khoản 1 đến khoản 4 được xem là nội hàm của khái niệm “phối thuộc”. Theo đó, dân quân tự vệ phạm tội trong khi thực hiện nhiệm vụ từ khoản 1 đến khoản 4 thì thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, còn trong các trường hợp khác thì không thuộc thẩm quyền. Trên thực tế, trong trường hợp dân quân tự vệ là một bên bị thiệt hại (bị hại) về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc “phối thuộc” với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu cũng không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, điều này gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền giải quyết trong từng vụ án hình sự cụ thể. Mặt khác, trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có thể xảy ra trong doanh trại quân đội hoặc khu vực do quân đội quản lý, bảo vệ; trong địa bàn thiết quân luật... Do đó, việc chỉ quy định dân quân tự vệ phạm tội trong thời gian huấn luyện hoặc phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS như hiện nay là chưa phù hợp.
2. Thẩm quyền xét xử trong trường hợp “công dân được điều động trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội nhân dân”
Theo quy định trên thì đối với lao động hợp đồng trong các đơn vị, doanh nghiệp quân đội phạm tội khi đang thực hiện nhiệm vụ thì thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì và ở đâu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn quy định về “hợp đồng” tại điểm a khoản 1 Điều 272 của BLTTHS năm 2015, do vậy, khi xác định thẩm quyền xét xử của TAQS còn vướng mắc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) quy định hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
“a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng”.
Nếu hiểu theo quy định trên của BLLĐ 2019 thì công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong quân đội nhân dân nếu họ phạm tội gì và phạm tội ở đâu thì đương nhiên thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội không phụ thuộc vào loại hợp đồng. Tuy nhiên, quy định trên lại xung đột với điểm c mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 về thẩm quyền xét xử của TAQS đã hướng dẫn: “… Công nhân quốc phòng bao gồm:… Những công dân có hợp động lao động không xác định thời hạn trong các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, nếu họ phạm tội khi đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo hợp đồng…”. Điều này gây vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Ví dụ: Khoảng 10 giờ ngày 15/5/3019, Nguyễn Văn X., sinh năm 1988, là Giám đốc siêu thị Viettel thuộc Trung tâm Viettel NQ, Ninh Bình (ký hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng), điều khiển xe ôtô BKS: 30E-307.16 đi từ nhà đến siêu thị. Khi đi đến ngã tư giao nhau giữa đường 474 với trụ đường UBND xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình va chạm với xe môtô BKS: 36B4-329.66 do anh Nguyễn Đình L., trú tại: Xã GL, huyện GV, tỉnh Ninh Bình điều khiển. Hậu quả: Nguyễn Đình L. bị thương, hai phương tiện hư hỏng.
Thực tiễn xảy ra các vụ vi phạm giao thông tương tự như trên dẫn đến việc các cơ quan tư pháp trong và ngoài quân đội có cách hiểu khác nhau, không thống nhất trong việc xác định thẩm quyền.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Họ là đối tượng của TAQS nếu phạm tội khi đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo hợp đồng” chứ không phải trong mọi lúc, mọi nơi trong thời gian hợp đồng lao động có hiệu lực.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của người viết): Cho rằng chỉ cần xác định khi họ phạm tội trong thời gian thực hiện hợp đồng (có thời hạn hoặc không có thời hạn) với doanh nghiệp quân đội thì thuộc thẩm quyền của TAQS vì họ ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp quân đội thì họ đương nhiên chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động, được coi là bộ phận cấu thành nhân sự (cơ hữu) của đơn vị, doanh nghiệp. Khác với những người ký hợp đồng dịch vụ, họ chỉ làm theo công việc nhất định, hưởng thù lao theo kết quả lao động chứ không chịu sự quản lý của bên thuê dịch vụ, không phải là bộ phận cấu thành nhân sự (cơ hữu) của bên thuê dịch vụ.
3. Thẩm quyền xét xử trong trường hợp vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu
Theo quy định của luật, trường hợp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự. Tuy nhiên, trên thực tiễn quy định này cũng còn vướng mắc.
Ví dụ: Khoảng 16 giờ ngày 19/8/2018, chị Trần Thị Thu Tr., sinh năm 1993 là nhân viên hợp đồng có thời hạn của Siêu thị Viettel HB , đi xe máy đến nhà anh Hà Văn Hào, sinh năm 2001, trú tại xã TK, huyện TN, tỉnh HB để ký hợp đồng cho vay vốn trả góp. Khi chị Tr. đang làm thủ tục thì Hào đến có hành vi bóp cổ đe dọa chị Tr. để thực hiện hành vi hiếp dâm.
Trong trường hợp trên, chị Tr. là bên bị hại bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định thẩm quyền xét xử của TAQS.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp này không thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS vì chị Tr. không phải là “Công nhân, viên chức quốc phòng” cho nên Tr. không thuộc đối tượng được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 của BLTTHS.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của người viết): Thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS bởi lẽ căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 220/2013/NĐ-CP ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong quân đội nhân dân: “Công nhân viên chức quốc phòng là công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và người làm việc theo hợp đồng lao động trong cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân”. Quy định tại Nghị định này cũng phù hợp với Điểm a, b khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015.
4. Xác định đối tượng nào là “Công chức” theo quy định tại khoản 1 Điều 272 của BLTTHS?
Theo quy định về thẩm quyền xét xử của TAQS tại Điều 272 BLTTHS thì đối tượng “Công chức” thực hiện tội phạm hoặc bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS. Tại Điều 4 của Luật Cán bộ, Công chức năm 2018 có quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng”.
Tuy nhiên, hiện nay các Luật có liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng và các văn bản dưới luật được ban hành sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực đều không ghi nhận đối tượng là “công chức” thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, như: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015... không đề cập đến đối tượng là “Công chức”. Theo Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, Điều 2 quy định Bộ Quốc phòng có thẩm quyền “đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tuyển chọn, tuyển dụng, điều động, bố trí sử dụng, phong, thăng cấp bậc quân hàm, khen thưởng, kỷ luật đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng”. Với quy định này Bộ Quốc phòng không quản lý đối tượng là “Công chức”.
Như vậy, đối tượng “Công chức” thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS là đối tượng không thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Bên cạnh đó, theo Điều 392 BLHS năm 2015 “công chức” không phải là đối tượng chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm trách nhiệm, nghĩa vụ của quân nhân. Do đó, theo người viết thì cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành quy định cụ thể những đối tượng nào là “công chức” phục vụ trong quân đội nhân dân thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS.
Trên đây là nội dung một số vướng mắc về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự và những quan điểm của người viết, rất mong được sự đóng góp, trao đổi ý kiến của bạn đọc.
HỒ QUÂN
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4