Ảnh minh họa.
Theo đó, sau đây là một số góp ý đối với những sửa đổi, bổ sung nhằm xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi):
Thứ nhất, đối với việc chậm đóng kinh phí công đoàn quy định tại khoản 5 Điều 10 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), kinh phí công đoàn góp phần bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho, bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế xuất hiện tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp mặc dù được các cấp công đoàn tuyên truyền đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm và chậm đóng kinh phí công đoàn, dẫn đến tình trạng thất thu kinh phí công đoàn. Đơn cử, tại tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 06/2023, tổng nợ kinh phí công đoàn toàn tỉnh trên 100 tỉ đồng, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, nhất là trong việc chăm lo cho đoàn viên và người lao động.
Từ thực tế về đóng phí công đoàn, tôi đề xuất cần nghiên cứu, bổ sung các quy phạm pháp luật liên quan đến kinh phí công đoàn, cụ thể về phương thức đóng, nguồn đóng, thời hạn và chế tài xử lý vi phạm trong đóng kinh phí công đoàn. Một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 5, Điều 10 của dự thảo Luật Công đoàn là “Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng”. Từ quy định này, cần bổ sung thời hạn cụ thể đối với việc đóng kinh phí công đoàn, khoảng thời gian bao lâu thì được tính là chậm đóng kinh phí, để đảm bảo cho các đơn vị, doanh nghiệp thuận lợi trong việc theo dõi và thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí này.
Từ đó, đề nghị sửa đổi như sau: “Không đóng kinh phí công đoàn, chậm đóng kinh phí công đoàn quá 6 tháng kể từ ngày đóng kinh phí theo quy định".
Thứ hai, về việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định tại khoản 4 Điều 11 nêu rõ, đại diện cho người lao động, tập thể người lao động tham gia tố tụng dân sự, hành chính trong vụ việc, vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị nên bỏ đại diện trong vụ án hành chính vì hiện nay theo quy định của Luật tố tụng hành chính tại Điều 61 Luật Tố tụng hành chính thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chỉ bao gồm Luật sư, trợ giúp viên pháp lý và công dân Việt Nam. Nếu đưa nội dung đại diện cho người lao động trong vụ án hành chính thì chưa thống nhất với quy định trong Luật tố tụng hành chính.
Thạc sĩ, Luật sư PHẠM BÍCH HẢO
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội