/ Nghề Luật sư
/ Mức thù lao của Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự

Mức thù lao của Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự

01/10/2023 12:01 |

(LSVN) - Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về mức thù lao của Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự? Bài viết dưới đây nhằm phân tích, làm rõ nội dung này.

Ảnh minh họa.

Mức thù lao theo thỏa thuận với khách hàng

Theo quy định tại Điều 55 Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 thì mức thù lao Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng Luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ sau:

- Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;

- Thời gian và công sức của Luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;

- Kinh nghiệm và uy tín của Luật sư.

Theo quy định tại Điều 18,19 Nghị định 123/2013/NĐ-CP thì mức thù lao được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của Luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Thời gian làm việc của Luật sư do Luật sư và khách hàng thỏa thuận. Trong đó, mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP là 1.800.000 đồng/tháng (áp dụng từ ngày 01/7/2023).

Như vậy, thù lao của Luật sư tham gia tố tụng theo thỏa thuận với khách hàng do khách hàng và văn phòng Luật sư, công ty luật thỏa thuận nhưng không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở trên 01 giờ làm việc của Luật sư tương ứng với số tiền thù lao tối đa mà Luật sư có thể nhận được là 540.000 đồng/giờ.

Mức thù lao của Luật sư tham gia tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP về Thù lao của Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng như sau:

Thứ nhất, mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở.

Ngày làm việc của Luật sư được tính trên cơ sở 08 giờ làm việc. Trong trường hợp, Luật sư làm việc trong nhiều ngày, nhưng mỗi ngày thực hiện không đủ 08 giờ, thì số ngày làm việc của Luật sư được tính trên tổng số giờ làm việc thực tế của Luật sư. Số giờ làm việc lẻ còn lại (nếu có) được tính như sau:

Nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 06 giờ thì tính thành ½ ngày làm việc.

 Nếu số giờ làm việc lẻ từ 06 giờ trở lên thì tính thành 01 ngày làm việc.

Thứ hai, thời gian làm việc của Luật sư được tính bao gồm:

- Thời gian gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử: Được xác định bằng thời gian thực tế Luật sư gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam của cơ quan tiến hành tố tụng theo lịch cho phép;

- Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa: Được xác định căn cứ theo văn bản thoả thuận về số ngày thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Luật sư tuỳ theo tính chất phức tạp của từng vụ án;

- Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng: Được xác định theo bảng chấm công có xác nhận của nơi Luật sư đến nghiên cứu hồ sơ;

- Thời gian tham gia phiên tòa: Được xác định theo thời gian diễn ra phiên toà xét xử; trong trường hợp phiên toà hoãn xử không phải do yêu cầu của Luật sư và Luật sư không được báo trước, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thanh toán tiền thù lao cho Luật sư bằng ½ ngày làm việc của Luật sư;

- Thời gian hợp lý khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện việc tham gia tố tụng.

Trường hợp Luật sư gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo lịch cho phép gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam hoặc thời gian tham gia phiên tòa vào ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian làm việc được tính mức theo nguyên tắc chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể như sau:

- Mức 150% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường.

- Mức 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần.

- Mức 300% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ bù nếu ngày nghỉ lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần.

Thời gian làm việc của Luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án xác nhận trên cơ sở tổng hợp thời gian làm việc tại điểm a, b, c, d, đ khoản này, làm căn cứ chi trả thù lao cho Luật sư.

Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên toà, nếu Luật sư phải đi công tác thì được thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước theo mức chi áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Thời gian và địa điểm đi công tác của Luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng xác nhận.

Ngoài khoản thù lao và các khoản chi phí trên, Luật sư không được đòi hỏi thêm bất cứ khoản tiền, lợi ích nào khác từ người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc thân nhân của họ.

Theo đó, mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 01/7/2023 thì thù lao tạm tính của Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng là 720.000 đồng/ngày.

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án quân sự Quân khu 7

Luật sư góp phần đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của bị can, bị cáo

Bùi Thị Thanh Loan