/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Luật sư góp phần đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của bị can, bị cáo

Luật sư góp phần đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của bị can, bị cáo

29/09/2023 06:58 |

(LSVN) - “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [1], đó là những lời bất hủ trong Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố với quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 02/9/1945. Suy rộng ra, quyền bình đẳng mà vị Chủ tịch đáng kính nói trên còn được hiểu là bình đẳng của mọi công dân trong áp dụng pháp luật.

Luật sư là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của bị can, bị cáo. 

Kể từ thời điểm nước Việt Nam được khai sinh đó, đảm bảo quyền con người nói chung và quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân là một trong những nội dung, mục đích then chốt để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng ta. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030” khẳng định: “Đòi hỏi của công dân và xã hội đói với cơ quan tư pháp ngày càng cao, các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của Nhân dân trong việc bảo đảm công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo đảm pháp luật và pháp chế Xã hội chủ nghĩa, đánh dấu có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm" [2]. Văn kiện Đại hội X của Đảng ta cũng quy định: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo đảm công lý, quyền con người”.

Quyền bình đẳng trước pháp luật là một trong những quyền cơ bản trong hệ thống các quyền con người được Việt Nam và Quốc tế ghi nhận cụ thể trong các văn bản pháp lý. Điều 14 Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Intertional Covenant on Civil and Polical Rights - ICCPR) đã nêu: Mọi người đều được bình đẳng trước các Tòa án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự,... [3]. Ở Việt Nam, quyền bình đẳng trước pháp luật đã được thể hiện ngay từ Hiến pháp năm 1946, một bản Hiến pháp được ca ngợi ở nhiều phương diện trong đó có phương diện bảo vệ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn,Điều 6, 7 Hiến pháp 1946 quy định: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hoá”; "Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình” [4].

Kế thừa tư tưởng lập hiến tiến bộ trong đó có những tư tưởng văn minh tiến bộ về quyền con người có từ những năm đầu thế kỷ và đặc biệt là Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1992 tái khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật tại Điều 51 bằng việc khẳng định: “Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật” [5]. Đến Hiến pháp 2013, tại Điều 16 quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật tại khoản 1 Điều 16 như sau “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” [6].

Từ đó có thể khẳng định, quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền Hiến định và đã cụ thể hóa trong mọi chính sách pháp luật cũng như các luật chuyên ngành. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” [7]. Cũng tại Bộ luật này, Điều 26 quy định về tranh tụng trong xét xử được bảo đảm như sau: “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”. Theo đó, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Ở đây, quyền bình đẳng được hiểu là mỗi bên, khi tham gia quá trình xét xử, đều có cơ hội ngang bằng nhau để nêu lên quan điểm của mình và không bên nào được hưởng bất kỳ sự thiên vị thuận lợi nào hơn so với bên còn lại. Tại phiên tòa, dù là bị cáo hay bị hại cũng như những người có liên quan có tư cách khác nhau đều có cơ hội và quyền năng ngang nhau trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước phiên tòa.

Bởi vậy, ngay chính Bộ Quy tắc Đạo đứng và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt nam đã nêu: “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân” [8].

Điều này một lần nữa khẳng định rõ vai trò của người bào chữa trong hoạt động đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của bị cáo trong phiên tòa hình sự nhằm giám sát, bảo vệ cho bị cáo được thực thi quyền bình đẳng của mình.

Vì vậy, có thể hiểu rằng, để đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, đặc biệt là đối với bị cáo, người mà đang bị buộc tội trong phiên tòa hình sự là yếu tố then chốt để thực hiện quyền con người, đồng thời giảm thiểu oan sai. Không chỉ dừng lại ở đó, quyền bình đẳng ở đây còn được hiểu mở rộng là quyền bình đẳng giữa bên công tố và bên gỡ tội, mà đại diện bên thực hiện quyền công tố là Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân còn bên gỡ tội là Luật sư, người bào chữa.

Trong những năm vừa qua, công tác đảm bảo quyền con người trong đó quyền bình đẳng của bị cáo trước pháp luật đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó Hội đồng xét xử đã hạn chế tình trạng ngắt lời bị cáo hoặc không cho bị cáo trình bày, hay đáng kể hơn nữa là những ý kiến bào chữa của người bào chữa hoặc của chính các bị cáo được Hội đồng xét xử lắng nghe, ghi nhận đầy đủ trong biên bản phiên tòa, bản án.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật là lĩnh vực rất rộng, có ảnh hưởng tới bất cứ chủ thể nào có liên quan, đặc biệt là bị cáo, người mà đang có nguy cơ sẽ bị tước quyền công dân. Do đó, để đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của bị cáo thì Luật sư là nhân tố quan trọng đang và sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của mình.

[1] Việt Nam (1945) Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Hà Nội.

[2] Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030”, Hà Nội.

[3] Liên hợp quốc (1966), Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 Thông qua tại New York - Mỹ năm 1966.

[4] Quốc hội (1946), Hiến pháp, Hà Nội.

[5] Quốc hội (1992), Hiến pháp, Hà Nội.

[6] Quốc hội (2013), Hiến pháp, Hà Nội.

[7] Quốc hội (2015), Bộ luật tố Tụng hình sự, Hà Nội.

[8] Liên đoàn Luật sư Việt nam (2019), Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Hà Nội.

Luật sư NGUYỄN HỒNG TÂM

Bùi Thị Thanh Loan