Ảnh minh họa.
1. Chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước xây dựng đội ngũ Luật sư trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng
Quyền bào chữa, nhờ người bào chữa của công dân là quyền cơ bản được Nhà nước ghi nhận, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử. Ngay từ khi mới thành lập nước, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 46/SL về việc thành lập Đoàn thể Luật sư, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đều có quy định về quyền bào được, nhờ người bào chữa.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa. (Điều 31); Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”(Điều 103).
Song song việc ghi nhận quyền bào chữa, nhờ người bào chữa, quyền được bảo vệ, hỗ trợ pháp lý của công dân. Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản quy định về tổ chức và hoạt động hành nghề Luật sư như: Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư, Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW; Nghị quyết số: 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban quy định Liên đoàn Luật sư Việt Nam là Hội Quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có nhiều nội dung khẳng định vai trò, vị trí nghề luật sư… Pháp lệnh Luật sư 1987, Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật Luật sư sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012...
Điểm lại các giai đoạn lịch sử chúng ta thấy rằng, tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành Luật sư có sự khác nhau phù hợp bối cảnh lịch sử, nhưng tiêu chuẩn, yêu cầu về sự liêm chính, trung thành với tổ quốc, với dân tộc, đất nước, tiêu chuẩn về nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ pháp chế luôn được quy định nhất quán xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
2. Quyết tâm chính trị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam xây dựng đội ngũ Luật sư trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội
Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam quyết tâm và đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều hoạt động để xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của người luật sư, trong đó phải kể đến các hoạt động như:
2.1. Xây dựng, phổ biến, áp dụng Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
02 năm sau khi được thành lập năm 2011, Liên đoàn đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam gồm 06 chương 27 Điều. Năm 2019, Liên đoàn Ban hành Bộ Quy tắc mới gồm 6 chương 32 Điều làm cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư; thực hiện việc giám sát, xem xét khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với Luật sư.
Việc xây dựng, tuyên truyền, phổ biến Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được Liên đoàn học tập, nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm của nhiều quốc gia, đặc biệt là sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA Nhật Bản.
2.2. Thành lập Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III với chủ đề: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng đội ngũ Luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tổ chức thành công.
Ngay sau Đại hội, cụ thể hóa chủ đề Đại hội, Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được thành lập năm 2022, với cách là cơ quan chuyên môn trực thuộc Liên đoàn thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất, giúp việc nhằm xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong lĩnh vực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Sau thời gian ngắn thành lập, đến nay Ban đã tổ chức thực hiện có hiệu quả một số hoạt động như:
- Phối hợp cùng Tạp chí Luật sư Việt Nam mở chuyên mục: “Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư”. Từ ngày 04/10/2022 đến ngày 25/4/2023 chuyên mục đã đăng tải 165 bài viết. Các bài viết tập trung giới thiệu nội dung Văn kiện của Đảng, các hoạt động chính trị - xã hội quan trọng liên quan nghề Luật sư, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam; tuyên truyền, phân tích, giới thiệu về chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước về nghề Luật sư và hành nghề Luật sư, tự quản nghề Luật sư, quyền nghĩa vụ của Luật sư với xã hội, đất nước và nhân dân, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về Luật sư… Đặc biệt các bài viết giới thiệu, trao đổi, luận bàn, giải đáp nội dung của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam; việc vận dụng, áp dụng nội dung từng Quy tắc trên thực tiễn; đề xuất hoàn thiện Bộ Quy tắc; biểu dương, giới thiệu những hình ảnh, việc làm cao đẹp của Luật sư, đấu tranh, phản bác các hoạt động, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động Luật sư. Nội dung các bài viết đa dạng, phong phú thực hiện bằng nhiều hình thức từ các bài viết nghiên cứu chuyên sâu, các bài viết dạng hỏi đáp, phân tích tình huống, câu chuyện giả định…
- Tham mưu, giúp việc cho Liên đoàn tổ chức “Cuộc bình chọn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tiêu biểu”: Liên đoàn tổ chức cuộc bình chọn để lựa chọn và tôn vinh các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hoạt động hiệu quả, tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; có đóng góp tích cực đối với việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu của các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; quảng bá vị trí, vai trò của đội ngũ Luật sư đối với xã hội, đối với việc phát triển kinh tế và sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nhằm từng bước xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hoạt động nghề nghiệp của Luật sư và chất lượng dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, qua đó góp phần phát triển nghề luật sư và đội ngũ Luật sư Việt Nam.
2.3. Đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư thành viên
Hàng năm, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nhiều lớp bồi dưỡng cho nhiều nghìn lượt Luật sư. Qua đó góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng nội dung Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam góp phần tạo lập bản lĩnh chính trị, nâng cao trách nhiệm xã hội của nghề luật sư.
Môn thi Pháp luật hành nghề Luật sư trong đó nội dung chủ yếu về Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được quy định là 1/3 môn thi bắt buộc để trở thành Luật sư.
2.4. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, kỷ luật luật sư được thực hiện nghiêm túc, kịp thời
Hàng năm, Liên đoàn, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố nhận được nhiều đơn thư có nội dung đề nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến Luật sư, người tập sự hành nghề luật sư. Các đơn, thư cơ bản được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Các Đoàn Luật sư đã kiên quyết trong việc xử lý Luật sư thiếu ý thức kỷ luật, không chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, nội quy, quy định của Liên đoàn, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố đặc biệt trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp phí thành viên.
Hàng năm, Liên đoàn đã kịp thời động viên khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng, phát triển Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư, hoạt động hành nghề luật sư, tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển luật sư Việt Nam” cho Luật sư có thời gian hoạt động và cống hiến trong nghề luật sư.
Công tác khen thưởng, kỷ luật đã trực tiếp góp phần duy trì kỷ cương, kỷ luật và tôn vinh các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư, góp phần xây dựng đội ngũ luật sư vững mạnh, có phẩm chất, bản lĩnh chính trị.
2.5. Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính trị pháp lý của đất nước, địa phương giao phó
Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực tiếp cử thành viên thực hiện nhiệm vụ chính trị pháp lý do các cơ quan Đảng, Nhà nước giao, trong đó phải kể đến như công tác xây dựng pháp luật, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, cử Luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định, cử Luật sư tham gia tiếp dân hàng ngày tại Trụ sở Tiếp công dân của Đảng, Nhà nước…
2.6. Hoàn thiện tổ chức hoạt động và ban hành các văn kiện quản lý nội bộ để thực hiện chức năng tự quản nghề luật sư. Bộ máy lãnh đạo, các cơ quan giúp việc của Liên đoàn đã được kiện toàn và hoạt động trách nhiệm, khoa học, hiệu quả, ban hành đầy đủ các văn kiện để thực hiện chức năng tự quản nghề luật sư, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, quy định pháp luật.
3. Kết quả hoạt động Luật sư Việt Nam được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận
Quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hoạt động, đóng góp thực tế của giới Luật sư Việt Nam, của Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Số lượng Luật sư năm 2007 là 4.161 Luật sư, đến 15/12/20223 là 18.191, bình quân tăng khoảng 1.000.Luật sư/năm. Đa phần các Luật sư có phẩm chất đạo đức, tận tâm trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam. Một số luật sư được đào tạo ở nước ngoài. Việc số lượng Luật sư tăng nhanh về số lượng, chất lượng được bảo đảm, hoạt động Luật sư dần trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội chính là thước đo, đánh giá sự tín nhiệm của cộng đồng xã hội với nghề luật sư.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản ghi nhận kết quả hoạt động nghề Luật sư tại Việt Nam. Thông báo số 136/TB-VPCP, ngày 06/5/2022 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam có đoạn: “…Các thành tích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói riêng, đội ngũ Luật sư nói chung được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương các thành tích mà đội ngũ Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua”.
4. Hạn chế hoạt động Luật sư thời gian qua có nguyên nhân từ nhận thức, ý thức chưa cao
Cùng kết quả đạt được, hoạt động Luật sư thời gian qua đã bộc lệ một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ Luật sư hiện có so với dân số Việt Nam còn thấp, sự phân bổ Luật sư không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn; nhận thức về tư tưởng, chính trị của một bộ phận luật sư chưa cao, chỉ chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà chưa quan tâm đến bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ pháp chế XHCN; chất lượng tham gia tố tụng của một bộ phận luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp; hoạt động quản lý, điều hành của Ban Chủ nhiệm một số Đoàn Luật sư còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động hành nghề của luật sư bộc lộ một số bất cập, chưa đảm bảo sự đồng nhất, thống nhất trên toàn quốc.
Trong các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong tổ chức, hoạt động Luật sư có nguyên nhân xuất phát từ nhận thức, còn bộ phận Luật sư thiếu trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, trách nhiệm xã hội của người luật sư,
5. Kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp, để xây dựng đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội nghề nghiệp xứng đáng sứ mệnh cao quý nghề luật sư
Xây dựng đội ngũ Luật sư tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; có ý thức phấn đấu tranh, đóng góp xây dựng và phát triển của đất nước; có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề nghiệp nhuần nhuyễn là yếu tố cốt lõi tạo nên chất lượng, giá trị, bản lĩnh của đội ngũ Luật sư Việt Nam. Xin kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này:
5.1. Làm rõ bản chất, nội dung, hình thức thể hiện của bản lĩnh chính trị của Luật sư Việt Nam, mối quan hệ biện chứng với Đạo đức nghề nghiệp và thực hiện trách nhiệm xã hội luật sư. Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có văn bản, tài liệu chính thức quy định, hướng dẫn làm rõ về phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị của Luật sư Việt Nam; mối quan hệ giữa bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người luật sư. Từ đó, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn để tuyên truyền, đấu tranh, phản biện lại các luận điểm chưa phù hợp, chưa đúng đắn về bản chất nghề Luật sư, tổ chức học tập, tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư Việt Nam.
5.2. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tư pháp”.
Luật sư là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, qua đó góp phần hoàn thành mực tiêu “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có chất lượng cao có trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, do vậy cần có chiến lược phù hợp, bố trí nguồn lực tương xứng hoàn thành nhiệm vụ này; không giao khoán toàn bộ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư cho Liên đoàn, Đoàn Luật sư.
5.3. Xác định cụ thể các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh thành phố và chủ động thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc. Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư.
Cần thể chế hóa, làm rõ và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc các định các nhiệm vụ Trung ương, địa phương sẽ giao cho luật sư thực hiện, bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đồng. Quy định cụ thể, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thống nhất, đồng bộ tại các địa phương, tránh tình trạng có địa phương được giao nhiệm vụ, có địa phương không được giao nhiệm vụ, và phải có cơ chế đảm bảo nhiệm vụ phải được thực hiện đồng bộ. Cần có quy định để tạo điều kiện, điều tiết và hỗ trợ việc phát triển nghề luật sư tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
5.4. Xác định rõ Luật sư là một chức danh tư pháp. Nghề Luật sư, hoạt động luật sư gắn liền với hoạt động tư pháp, gắn liền với quyền tư pháp, quyền công dân, quyền con người. Liên đoàn Luật sư Việt Nam được xác định là tổ chức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, tiêu chuẩn của Luật sơ có tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, bản lĩnh chính trị.
Tổ chức hành nghề luật sư hiện nay vận hành theo quy định của một doanh nghiệp. Luật sư hiện nay không phải là người tiến hành tố tụng mà là người tham gia tố tụng. Người Luật sư hiện nay chưa có các quyền tư pháp mà chỉ Luật sư mới có. Việc xác định luật sư là một chức danh tư pháp, giao cho luật sư thực hiện một số quyền tư pháp mà chỉ luật sư mới được thực hiện. Xác lập rõ một số nhóm nhiệm vụ, hoạt động của cơ quan hành pháp bắt buộc phải sử dụng dịch vụ Luật sư như: Các hoạt động liên quan đến quốc kế dân sinh, quyền lợi ích cơ bản của công dân; việc xác lập một số giao dịch liên quan đến nhân thân, có yếu tố pháp lý phức tạp; việc thực hiện các dự án đầu tư công lớn… là rất cần thiết.
5.5. Quy định tổ chức hành nghề luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh thành phố để để đảm bảo tính thống nhất trong tự quản hành nghề luật sư.
Nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoạt động hành nghề luật sư trước hết cần nâng cao vai trò, trách nhiệm tự quản của nghề luật sư. Tự quản nghề luật sư cần tự quản của chính cá nhân luật sư với suy nghĩ, hành động của mình, tự quản của cá nhân luật sư với đồng nghiệp, tự quản của tổ chức hành nghề luật sư, tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư. Cần quy định tổ chức hành nghề luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh thành phố.
5.6. Đồng bộ tiêu chuẩn luật sư đặc biệt việc học tập, bồi dưỡng về Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Tiêu chí, tiêu chuẩn người luật sư trong giai đoạn mới bao gồm tiêu chí, tiêu chuẩn về Đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp luật sư, đây là các tiêu chí, tiêu chuẩn của riêng người luật sư và bắt phải qua quá trình đào tạo, học tập, rèn luyện, thử thách mới được hình thành.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang