/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh

Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh

06/07/2023 06:41 |

(LSVN) - Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định nội dung cốt lõi chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2023, định hướng đến năm 2045 bao gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, nhược điểm, gây ảnh hưởng, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp có thể kể đến 06 nội dung mấu chốt như sau:

Thứ nhất, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Thực trạng này dẫn đến nhiều khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp và thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Trên bình diện chung, còn tồn tại sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác, dẫn đến tình trạng “áp dụng quy định pháp luật này thì đúng, áp dụng quy định pháp luật khác thì sai”. Sự mâu thuẫn, chồng chéo được thể hiện rõ nhất trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm,... gây ra nhiều tác động tiêu cực có thể kể đến điển hình là lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, tính ổn định của pháp luật thấp, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật trong thời gian qua có thể nói là còn rất cao. Nhiều văn bản pháp luật có tuổi thọ rất ngắn, thậm chí có văn bản mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung. Pháp luật luôn phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của thực tiễn cuộc sống nên việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về nguyên tắc là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu pháp luật thường xuyên thay đổi sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực tới quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức và gây nên nhiều khó khăn trong thực hiện pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp, còn tình trạng ban hành văn bản pháp luật sai về nội dung và thủ tục, hình thức. Tình trạng này gây nhiều khó khăn, phức tạp cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các quy định đưa ra thiếu thực tiễn, bất hợp lý mà không có hội đồng thẩm định, phản biện một cách nghiêm túc.

Thứ tư, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức xây dựng pháp luật còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng, phân tích chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản, chế độ trách nhiệm cùng các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật cũng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung khiến cho trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa theo kịp tình hình phát triển của đời sống.

Thứ năm, chưa thực hiện đúng các yêu cầu về xây dựng, phân tích chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã đổi mới cơ bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định, quy định quy trình xây dựng chính sách cần được thông qua, phê duyệt trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản. Nhưng trong thực tiễn, công đoạn xây dựng, phân tích, lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đánh giá tác động chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Nhiều dự thảo luật do vậy đã phải soạn thảo lại, sửa đổi nhiều lần, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền bạc.

Cuối cùng là hạn chế về thực hiện đánh giá tác động của chính sách, pháp luật, lấy ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong thực tiễn, nhiều dự thảo văn bản mới chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, hầu như chưa lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Do việc gửi dự thảo văn bản xin ý kiến thường tốn rất nhiều thời gian nên không bảo đảm đủ thời gian cần thiết để cho các cá nhân, tổ chức liên quan nghiên cứu, đóng góp ý kiến, phản biện. Trên thực tế, ở nhiều nơi tuy có tổ chức lấy ý kiến góp ý, tham vấn, song nội dung, chất lượng của các ý kiến góp ý còn sơ sài, nặng về câu chữ, kỹ thuật trình bày văn bản mà chưa tập trung nhiều vào các nội dung của dự thảo văn bản.

Giải pháp chủ yếu khắc phục những hạn chế trong xây dựng pháp luật, thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh

Giải pháp căn bản nhất để khắc phục các bất cập, hạn chế trong xây dựng pháp luật chính là phải xác định đầy đủ, rõ ràng, hợp lý về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm thực hiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc xây dựng pháp luật. Nếu chúng ta chỉ dừng lại quy trình, thủ tục xây dựng là chủ yếu thì chưa thể khắc phục hoàn toàn sự chồng chéo, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như giữa các cơ quan được phân công xây dựng pháp luật.

Xây dựng pháp luật cần phải đi liền với việc rà soát, đánh giá để đề nghị loại bỏ văn bản quy phạm không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, không đúng thẩm quyền, thiếu tính đồng bộ, thống nhất và thực hiện nghiêm túc đánh giá tác động xây dựng pháp luật. Cần phải quy định trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân và người đứng đầu khi có sai phạm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức về xây dựng pháp luật còn nhiều hạn chế nên đòi hỏi cần phải được đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp, thường xuyên hơn, bổ sung thêm các quy định thiết thực, nghiêm khắc khi xử lý sai phạm. Vì lý do đó mà trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng pháp luật tại các cơ quan ban hành văn bản pháp luật lại càng phải được quy định nghiêm khắc hơn bao giờ hết. Nếu sai phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức thì phải xử lý nghiêm đối với cơ quan ban hành văn bản sai sót, kiểm điểm, kỷ luật đối với các cán bộ, công chức, viên chức liên quan trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật.

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận khâu chưa mạnh trong thời gian qua đó là công tác tổ chức thi hành pháp luật. Pháp luật có đầy đủ và chặt chẽ đến mấy, nếu khâu tổ chức thi hành không tốt thì pháp luật cũng không đi vào cuộc sống. Để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật thì điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất chính là thực hiện kiểm soát pháp luật.

Kiểm soát pháp luật là một trong những điều kiện bảo đảm tạo lập, vận hành một hệ thống pháp luật đơn giản, gọn nhẹ, khắc phục nhanh chóng sự phức tạp khi mà số lượng văn bản pháp lý quá lớn, dẫn đến tình trạng khó tiếp cận, khó áp dụng, gây ảnh hưởng đến ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Kiểm soát pháp luật hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều khiếm khuyết hiện nay trong xây dựng pháp luật như sự mâu thuẫn, chồng chéo, vi hiến, ngăn chặn tình trạng “luật ở trên trời, cuộc đời dưới đất” và dần dần xóa bỏ sự chậm trễ, nóng vội, nợ đọng văn bản pháp luật đang diễn ra hiện nay. Công tác kiểm soát pháp luật cần tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi như: tôn trọng trật tự thứ bậc về hiệu lực pháp lý của các văn bản pháp luật; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người; công bằng, bình đẳng, nhân đạo; được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và nguyên tắc chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nói cách khác, kiểm soát pháp luật bao quát cả kiểm soát việc đưa cuộc sống vào pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống.

Đi song song với việc kiểm soát pháp luật thì cũng cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế, hoàn thiện chế độ công chức, công vụ theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền. Đồng thời cũng phải tập trung tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về lý luận đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường năng lực phản ứng chính sách tập trung vào việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về tình hình thi hành pháp luật. Cuối cùng là xem xét đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế giải trình minh bạch, kịp thời trong tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.

Thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách giữa chính sách pháp luật của Nhà nước với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Để gia tăng hiệu quả các chính sách pháp luật đến với doanh nghiệp, ngoài những giải pháp chung nói trên, cần tập trung vào việc triển khai đồng bộ, toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời cần phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung xây dựng chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp để có thể kịp thời trợ giúp doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra một số mong muốn đối với công tác xây dựng chính sách pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, như: cần phải ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật; kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ hạn chế, bất cập, đề cao sự đồng bộ, ổn định trong hệ thống chính sách pháp luật.

Tiếp theo là phải xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch và thông thoáng. Đồng thời, yêu cầu được hỗ trợ pháp lý, giúp đỡ trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề thực thi pháp luật. Song hành với các yêu cầu này, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan chức năng có cơ chế hiệu quả trong việc phòng ngừa, giải quyết tốt, kịp thời các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của nhà đầu tư.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Hợp đồng đặt cọc có bị vô hiệu theo hợp đồng chính

Nguyễn Hoàng Lâm