Nâng cao, hoàn thiện cơ chế bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa

06/10/2021 22:51 | 2 năm trước

(LSVN) - Cải cách tư pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, khẳng định tại các Chỉ thị, Nghị quyết, đặc biệt được tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Ảnh minh họa.

“Cải cách tư pháp chính là quá trình đề cao quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp, coi con người là chủ thể là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển”.

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Các cơ quan Tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; đồng thời, là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Chỉ thị 48-CT/TW coi việc “đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội” là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Năm 2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới, theo đó gần 70 luật, pháp lệnh liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp và quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp được ban hành, đi vào thực tế, trong đó có sự ra đời của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chiến lược cải cách tư pháp đã được cụ thể hóa bằng việc bổ sung nhiều quyền tố tụng cho bị can, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự khác; đảm bảo chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đây là cơ sở, tiền đề để việc phòng chống oan sai, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự được đảm bảo thực hiện trên thực tế.

Thực tiễn thực hiện quyền tố tụng của bị can, bị cáo

So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung nhiều quyền tố tụng khác cho bị can, bị cáo.

Bị can đã được bổ sung một số quyền mới, như: (1) Được biết lý do mình bị khởi tố; (2) trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; (3) trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (4) đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu (lần lượt được quy định tại điểm a, d, e, i khoản 2 Điều 60). 

Và bị cáo cũng được bổ sung một số quyền mới: (1) trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (2) trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; (3) đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa; (4) xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa; (5) các quyền khác theo quy định của pháp luật (lần lượt được quy định tại điểm e, h, i, l, o khoản 2 Điều 61).

Có thể thấy việc bổ sung các quyền tố tụng của bị can, bị cáo đã giúp bị can, bị cáo có khả năng tự bảo vệ chính mình, từ đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân của chính họ - những người đang ở thế yếu.

Trên thực tế, về cơ bản bị can, bị cáo được thực hiện các quyền của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Song, vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định. Vẫn còn có trường hợp bị can, bị cáo không được thông báo, giải thích hoặc thông báo, giải thích không đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình; không được nhận đầy đủ các quyết định tố tụng liên quan đến mình; bị ép cung, dụ cung, dùng nhục hình; khi khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhưng không được giải quyết; không được xem biên bản phiên tòa,…

Những bất cập, hạn chế này xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Chủ quan là bị can, bị cáo thường là những người hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên họ có thái độ “buông xuôi”, “bất cần”, “chấp nhận” không quan tâm đến các quyền mà mình được pháp luật bảo vệ, do đó không thực hiện hoặc không biết để thực hiện. 

Nguyên nhân khách quan của bất cập này có thể kể đến như: cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tình trạng "lạm quyền", "bao che", "cố ý làm sai lệch hồ sơ", "sửa chữa hồ sơ",... vẫn xảy ra; ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà nước còn hạn chế, chưa hiệu quả, dẫn đến hiểu biết pháp luật của đại đa số bộ phận dân cư còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng dân tộc miền núi, nông thôn,…

Luật sư Vũ Thị Nga tại phiên tòa.

Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa

Để đảm bảo quyền con người, quyền công dân của bị can, bị cáo, phòng chống oan sai cho người vô tội thì không thể không nói đến vai trò của Luật sư bào chữa. Trong quan hệ tố tụng hình sự, Luật sư bào chữa đóng vai trò bên gỡ tội, là bên đối tụng với Viện kiểm sát – bên buộc tội, là một bên của “cán cân công lý”, góp phần để công lý không bị nghiêng, lệch về bên nào.

Luật sư tham gia tố tụng là cả một quá trình dài, song kết quả của cả quá trình đó tựu chung lại là ở tại phiên tòa. Do đó, việc Luật sư tranh tụng tại phiên tòa có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo; đây là “thời điểm” để Luật sư đưa ra quan điểm gỡ tội cho bị cáo trước những quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát. Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp”. Theo đó Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những điểm mới, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Có thể kể đến một số điểm mới nổi bật như: đã quy định nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (Điều 26), nguyên tắc “Suy đoán vô tội” (Điều 13), nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16).

So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình bảo vệ cho thân chủ của mình trước sự buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng quyền của người bào chữa. Theo đó, người bào chữa có quyền được gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giam giữ, bị can, bị cáo (điểm a khoản 1 Điều 73); thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm nhất là từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 74); sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị giữ, bị can (điểm b khoản 1 Điều 73); quy định cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm báo trước cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động động tra (điểm d khoản 1 Điều 73), quy định này tránh việc cơ quan tiến hành tố tụng chậm trễ, gây khó khăn cho người bào chữa trong việc tham gia vào các hoạt động điều tra của cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chi tiết, cụ thể, và thuận lợi hơn về việc lựa chọn người bào chữa, thủ tục đăng ký bào chữa, đảm bảo tối đa quyền bào chữa của người bị buộc tội (Điều 75, Điều 78). Các quy định này cũng đã cho thấy một bước tiến lớn góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng của Luật sư.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thì một mình nỗ lực của người bào chữa là không đủ. Yêu cầu đặt ra chính là cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo tính khách quan trong quá trình tố tụng, đảm bảo tính độc lập, không bị cơ quan, cá nhân khác can thiệp, tác động vào quá trình tiến hành tố tụng và đảm bảo quyền của người bào chữa không chỉ đối với bị can, bị cáo mà đối với cả những người có liên quan trong quá trình tham gia tố tụng. 

Song, trên thực tế, việc Luật sư thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa vẫn gặp những hạn chế, rào cản nhất định mà nguyên nhân chính xuất phát từ chính các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, có thể kể đến một vài vi phạm như: Vẫn còn đâu đó có người bất chấp pháp luật xét hỏi không khách quan; cố bảo vệ Cáo trạng, sửa chữa hồ sơ, bút lục mặc dù các tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn nhưng vẫn bất chấp, vội vàng kết luận; hay lạm quyền của chủ toạ phiên toà điều hành, hạn chế Luật sư xét hỏi, có tình trạng “Giới hạn phạm vi xét hỏi, chỉ cho Luật sư hỏi những vấn đề đã có trong hồ sơ”, những tình tiết liên quan trực tiếp khác bị bỏ qua; cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án - nhiều tài liệu của vụ án bị bỏ ra ngoài sau khi đã thu thập, đã có biên bản giao nhận nhưng đến giai đoạn xét xử không có trong hồ sơ; không thu thập đầy đủ chứng cứ là lời khai những nhân chứng khách quan (chỉ đưa những lời khai buộc tội vào hồ sơ, những lời khai gỡ tội hoặc lời khai khách quan khác bị bỏ ra ngoài) hay thu thập chứng cứ không theo quy định, ví dụ như: thu tiền tang vật trong vụ “Đánh bạc” nhưng không kiểm đếm trước sự chứng kiến của người làm chứng, bỏ tiền vào túi bóng đem về Cơ quan Công an gọi người chứng kiến đến trụ sở ký biên bản (vụ án Đánh bạc tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Khi Luật sư yêu cầu làm rõ, đưa ra những chứng cứ khách quan thì Thẩm phán Chủ toạ phiên toà lạm quyền, cản trở hoạt động hợp pháp của Luật sư. Liên đoàn Luật sư cũng đã có văn bản đề nghị xem xét nhưng Toà án này đã không làm rõ. Ngoài ra, tình trạng biên bản phiên tòa, bản án không ghi nhận đầy đủ quan điểm tranh tụng của Luật sư trong khi Luật sư đã đưa ra nhiều chứng cứ, nhân chứng, vật chứng chứng minh, phản biện lại Kết luận điều tra, Cáo trạng, để rồi Hội đồng xét xử tuyên một Bản án trái pháp luật, không căn cứ vào kết luận tranh tụng tại phiên tòa.

Mặt khác, trong tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng, Hội đồng xét xử chỉ đóng vai trò là trọng tài, ra phán quyết căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đặc biệt dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, thứ tự xét hỏi để làm rõ các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án lại được “ưu tiên” cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, thành viên khác của Hội đồng xét xử, sau đó mới đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Chính quy định này đã bị lạm dụng để hạn chế việc xét hỏi của Luật sư, và rất nhiều các bất cập khác nữa trong quá trình tranh tụng tại tòa đã xảy ra.

Để có kết quả tranh tụng đảm bảo thì việc xét hỏi công khai các vấn đề liên quan đến chứng cứ, lời khai, làm rõ mâu thuẫn, thẩm tra tài liệu có trong hồ sơ vụ án, tranh luận tại phiên tòa là điều đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng Luật sư tranh tụng tại phiên tòa. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Tố tụng hình vẫn là việc phải tính trong tương lai. Tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện, bảm đảm cơ chế để Luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà, cụ thể là:

- Về thứ tự xét hỏi, theo đó nên sửa đổi theo hướng “Khi xét hỏi từng người, thứ tự xét hỏi được thực hiện như sau: Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, và sau cùng là phần xét hỏi của các thành viên Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên toà”. 

- Bổ sung chế tài đối với bản án tuyên không dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên toà, trách nhiệm của hội đồng xét xử khi biên bản phiên toà không ghi nhận đầy đủ các nội dung tranh tụng,...

- Ngoài ra, cần tăng cường và duy trì, phát huy hơn nữa vai trò của Tòa án trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, theo đó cán bộ, nhân viên, nhất là Thẩm phán cần tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để nhanh chóng khắc phục những sai sót ảnh hưởng đến quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Nhất là hiện nay, chúng ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thì yêu cầu đối với quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm là hết sức cần thiết và cần chú trọng đến mục tiêu đề cao công lý, không làm oan người vô tội, mà nhiệm vụ trọng tâm là tranh tụng tại Toà án. Vì vậy, Toà án cần phải nâng cao trách nhiệm, có như vậy mới bảo đảm đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân đúng với mục tiêu mà cải cách tư pháp đề ra “Phòng chống oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết trong công tác cải cách tư pháp”.

Cải cách tư pháp nói chung, trong đó có cải cách tư pháp trong lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng, với sự ra đời của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quyền của bị can, bị cáo xa hơn là quyền con người, quyền công dân đã được đảm bảo bằng việc đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo;  quyền bào chữa của người bào chữa được thực hiện một cách hiệu quả. Song, trên thực tế vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện quyền tố tụng của bị can, bị cáo cũng như việc thực hiện quyền của người bào chữa, đặc biệt trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Việc này dẫn đến tình trạng còn nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai chưa được làm rõ, minh oan. 

Do vậy, yêu cầu hoàn thiện quy định của pháp luật,đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, của Luật sư để pháp luật được thực hiện trên thực tế là điều tất yếu cần thiết ngay thời điểm này, không để tình trạng oan, sai xảy ra do những lỗ hổng của pháp luật, sự thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền, cũng là để đảm bảo đúng tinh thần của cải cách tư pháp “coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển”. Có như vậy, mục tiêu “Phòng chống oan sai trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong công tác cải cách tư pháp” mới có thể đạt được trong tương lai.

Thạc sĩ, Luật sư VŨ THỊ NGA

Văn phòng Luật sư Công Lý Việt

Vai trò của Luật sư trong hoạt động tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013

Từ khoá : lsvn.vn LSVN