Ảnh minh họa.
Nền móng của nghề Luật sư ở Việt Nam
Nghề Luật sư là một nghề cao quý, nghề mà chỉ những người trong cuộc mới thấm thía hết được giá trị, Luật sư với sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một nghề xứng đáng để được xã hội tôn vinh.
Còn nhớ ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL tổ chức đoàn thể của Luật sư. Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 đã trở thành dấu mốc quan trọng của nghề Luật sư Việt Nam, đến ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định số 149/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, đây là dấu mốc đáng tự hào về nghề Luật sư.
Qua từng giai đoạn lịch sử Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của nghề Luật sư, thể hiện qua việc rất nhiều các văn bản như Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa”, trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử, đề cao vai trò tranh tụng của Luật sư, xem đây là khâu trọng tâm để cải cách tư pháp. Đến Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987, Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012... đã tạo hành lang pháp lý quan trọng đặt nền móng và thúc đẩy nghề Luật sư phát triển chuyên nghiệp. Với những thuận lợi trên, số lượng Luật sư phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao và đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đội ngũ Luật sư thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư.
Sự trưởng thành và lớn mạnh
Đội ngũ Luật sư Việt Nam qua những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cơ chế và hành lang pháp lý về nghề Luật sư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động tư pháp, cho sự phát triển của đất nước.
Nhìn lại Chiến lược phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011, nghề Luật sư ở Việt Nam hiện có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề, đến nay cả nước đã có 62 đoàn Luật sư trên tổng số 63 tỉnh thành, tính đến ngày 31/9/2021 đã tăng lên 16.134 Luật sư (sau hơn 06 năm số lượng Luật sư tăng gần 6.700 Luật sư tương đương 40%). Số lượng Luật sư tăng đều hàng năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1000 Luật sư. Trong đó, sự phát triển về số lượng Luật sư vẫn chủ yếu tập trung ở 02 thành phố lớn là TP. Hà Nội (4.752 Luật sư) và TP.Hồ Chí Minh (6.489 Luật sư), chiếm hơn 2/3 tổng số Luật sư của cả nước; còn lại 61 Đoàn Luật sư có số lượng Luật sư là 4.893 Luật sư.
Đội ngũ Luật sư đã có nhiều đóng góp cho hoạt động hoàn thiện và xây dựng pháp luật một cách toàn diện, theo số liệu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong hơn 06 năm qua, liên đoàn đã có ý kiến đóng góp 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan, trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Các dự thảo luật Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015... Các Đoàn Luật sư cũng triển khai nhiều hoạt động trong công tác tham gia xây dựng các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương.
Đồng thời, tham gia vào việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân và cộng đồng xã hội về những văn bản pháp luật mới được ban hành. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử Luật sư tham gia rà soát các thủ tục hành chính theo yêu cầu của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho người dân; lĩnh vực lý lịch tư pháp; lĩnh vực công chứng, chứng thực...
Hội nhập để phát triển toàn diện
Định hướng phát triển nghề Luật sư chất lượng và bền vững với đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu về tập quán pháp luật quốc tế, tiến tới thành thạo ngoại ngữ, có ý chí bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, chú trọng phát triển đa dạng các lĩnh vực hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực, bên cạnh một số lĩnh vực truyền thống như tranh tụng, tư vấn pháp luật để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động Luật sư thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Luật sư, phạm vi hành nghề của Luật sư, các trường hợp được miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư; xã hội hóa công tác đào tạo nghề Luật sư bảo đảm lộ trình phù hợp, tính khả thi về nguồn lực xã hội và các điều kiện cần thiết có; rà soát, điều chỉnh các quy định đối với Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tương thích với các quy định đối với Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trong nước.
Nếu như trước đây, những vấn đề khúc mắc về doanh nghiệp chỉ có thể giải quyết được ở các văn phòng Luật sư nước ngoài, thì nay Luật sư trong nước hoàn toàn có khả năng thực hiện những vấn đề này, nhất là khi Việt Nam tham gia WTO, cùng với khối lượng giao thương trong nước và thế giới ngày càng mở rộng, thì khả năng đáp ứng được các nhu cầu về dịch vụ pháp lý doanh nghiệp của đội ngũ Luật sư trong nước đã trở nên hết sức cấp bách. Bởi vậy, sự trưởng thành về lực lượng và trình độ của đội ngũ Luật sư trong nước không chỉ góp phần giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo ra sự thuận lợi hơn trong việc chọn lựa về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh pháp lý trong nước.
Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, những cá nhân và tổ chức trong nước khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế tuy am hiểu thị trường quốc tế, nhưng do hạn chế hiểu biết về pháp luật nước ngoài nên rất cần sự trợ giúp pháp lý của đội ngũ Luật sư, nếu Luật sư trong nước có thể sử dụng ngoại ngữ và tìm hiểu được luật pháp quốc tế để trợ giúp được các cá nhân, tổ chức Việt Nam khi có hoạt động kinh doanh, thương mại ngoài nước thì đây là một cơ hội khá lớn để củng cố kỹ năng nghề nghiệp và vị thế ảnh hưởng của Luật sư Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển tốt hơn.
Hơn lúc nào hết, việc nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng, nâng cao vị thế nghề Luật sư luôn là một ưu tiên hàng đầu, một trăn trở thường trực luôn được Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, để tạo nên một tập thể có chất lượng, để nâng tầm vị thế của Luật sư Việt Nam thì phải cần tới vai trò và sự đóng góp của từng Luật sư thành viên, những cống hiến của đội ngũ Luật sư hôm nay đang tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư cao quý được chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng dựng xây.
Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội