/ Trao đổi - Ý kiến
/ Nghề Luật sư thời công nghệ thông tin

Nghề Luật sư thời công nghệ thông tin

05/02/2022 03:47 |

(LSVN) - Luật sư tham gia các phiên tòa hình sự, dân sự… mà không cần đến trụ sở Tòa án; bị cáo có thể tham gia phiên tòa từ trại giam hay đương sự ngồi nhà cũng có tranh luận, trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử, người bảo vệ quyền lợi đương sự… sẽ là điểm nhấn về hoạt động hành nghề Luật sư trong năm 2022.

Thích ứng với phiên tòa trực tuyến

Cách nay một vài năm nếu ai đó cho rằng: “Một ngày nào đó, Luật sư sẽ tham gia phiên tòa qua môi trường mạng. Hội đồng xét xử ngồi tại trụ sở, còn đương sự, Luật sư ngồi nhà hay bị cáo ngồi trong trại giam, thông qua nền tảng trực tuyến để cùng tham gia phiên tòa xét xử mà không cần thiết phải cùng có mặt tại phòng xử án như cách xử truyền thống”, sẽ bị xem là “nói chuyện viển vông”. Nay, chuyện “viển vông” đó sắp trở thành hiện thực.      

Ngay trong năm 2022, công tác xét xử của hệ thống Tòa án cũng sẽ có sự thay đổi vừa để thích ứng với tình hình mới của đại dịch, vừa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử mà phiên tòa trực tuyến là một điển hình. Ngày 12/11/2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 (Nghị quyết 33) về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Theo đó, phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Theo Điều 1 của Nghị quyết 33, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Đối với vụ án phức tạp hoặc thuộc các trường hợp: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự, thì xét xử trực tiếp.

Với Nghị quyết này của Quốc hội, mở ra một hình thức xét xử phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thích ứng linh hoạt với sự thay đổi này, giới Luật sư Việt Nam ngay từ lúc này cần trang bị cho mình kiến thức về phần mềm trực tuyến để khi hệ thống tòa án triển khai thì sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ.

“Số hóa” hoạt động hành nghề Luật sư

Theo dự báo của tờ New York Time (Hoa Kỳ) vào năm 2020 hay mới đây là Diễn đàn vì tương lai (Forum for the Future - Anh) cho thấy: Đến năm 2030, thời kỳ của công nghệ thông tin bùng nổ, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo của cách mạng công nghiệp 4.0, quản trị nhà nước của các quốc gia cũng phải thay đổi để thích ứng. Bối cảnh phát triển công nghệ thông tin trên thế giới và Việt Nam đã và đang đặt ra cho giới Luật sư Việt Nam nhiều vấn đề cần thích ứng.

Ngoài việc phải thích ứng với việc tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến như nói ở trên, Luật sư Việt Nam cần phải tận dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc. Trong thời gian tới, việc hội họp, đào tạo, bồi dưỡng… bằng nền tảng trực tuyến sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong năm 2021, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh và một vài Đoàn Luật sư khác đã chuyển hình thức bồi dưỡng trực tiếp sang nền tảng trực tuyến và đạt những kết quả rất tốt.

So với hình thức bồi dưỡng trực tiếp, bồi dưỡng trực tuyến có nhiều lợi thế hơn: vẫn tổ chức bồi dưỡng thông suốt trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, không cho tập trung đông người để phòng chống dịch; số lượng Luật sư tham gia cho một lần bồi dưỡng cũng nhiều hơn so với tổ chức trực tiếp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; chi phí tổ chức tiết kiệm hơn so với tổ chức các khóa trực tiếp; việc kiểm tra, điểm danh người học cũng khoa học và không mất nhiều thời gian dù số lượng lớn. Với số lượng gần 6.700 Luật sư thành viên (tính đến hết tháng 11/2021), trong thời gian tới, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh việc bồi dưỡng trực tuyến. Đây cũng được xem là thế mạnh của Đoàn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và được Luật sư thành viên nhiệt tình ủng hộ.

Với các nền tảng trực tuyến cũng giúp cho công việc của Luật sư tiếp xúc khách hàng được dễ dàng hơn. Trước đây, việc trao đổi với thân chủ qua điện thoại di động trong những tình huống cần sự hỗ trợ nhanh chóng của Luật sư là một sự tiện lợi. Nay, Luật sư Việt Nam có thể tư vấn cho thân chủ theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn nhìn thấy mặt nhau, quan sát biểu cảm trên gương mặt, cái chau mày, nụ cười tươi, dù hai người cách nhau vài trăm, thậm chí vài nghìn cây số.        

Một tiện ích khác của công nghệ thông tin là việc sao chụp và xử lý hồ sơ vụ án. Hiện nay, với việc tận dụng điện thoại thông minh (smart phone), Luật sư có thể sao chụp tài liệu và dùng phần mềm chuyển đuôi từ JPEG sang PDF để nghiên cứu tiện lợi, nhanh chóng hơn. Hồ sơ vụ án, nhất là án hình sự với nhiều bị cáo, người bị hại… dày hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bút lục là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nếu làm theo cách truyền thống là photocopy hoặc chụp ảnh rồi in hình ảnh ra để đọc thì sẽ rất bất tiện, hồ sơ lưu trữ nhiều, vừa tốn kém, vừa xử lý lâu. Nếu tận dụng phần mềm chuyển đổi tập tin, Luật sư có thể xử lý xong hồ sơ chỉ bằng 1/5 thời gian xử lý kiểu truyền thống. Tiện lợi hơn nữa là Luật sư có thể sắp xếp thành từng nhóm tài liệu với mức độ quan trọng để khi ra phiên tòa, có thể tra cứu trong máy tính xách tay (laptop) rất nhanh, không phải lục tìm trong đống hồ sơ đồ sộ. Một số Luật sư còn sử dụng Google drive hoặc các trang mạng khác để đưa dữ liệu lên đó lưu trữ hộ, khi cần thiết tải về để nghiên cứu. Rất tiện lợi và có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi.

Mặt khác, với sự trang bị thiết bị công nghệ kết nối mạng không dây/dữ liệu di động, Luật sư có thể tra cứu các văn bản pháp luật ở bất cứ nơi đâu. Chỉ cần một cái nhấp chuột, “tất tần tật” quy định pháp luật có thể được tra cứu trong vòng “một nốt nhạc”.   

Đã qua rồi cái thời hình ảnh Luật sư “tay xách, nách mang”, khệ nệ mang từng chồng hồ sơ cao ngất ngưởng vào phiên tòa cùng với các quyển sách luật đi kèm. Với việc trang bị một điện thoại thông minh với dung lượng 256G cùng laptop trang bị ổ cứng 1TG, kết nối mạng (4G/5G/wifi), việc hành nghề của Luật sư trở nên dễ dàng như trong lòng bàn tay. Sẽ không ngạc nhiên khi ngay trong năm 2022, hình ảnh Luật sư Việt Nam đến phiên tòa chỉ với một chiếc laptop cùng chiếc điện thoại thông minh nhưng được chứa đựng toàn bộ dữ liệu của vụ án cùng “thế giới luật” thu nhỏ trong một chiếc cặp gọn nhẹ.   

Luật sư tự tin, đĩnh đạc tham gia phiên tòa với một chiếc máy tính xách tay chứa dữ liệu vụ án được số hóa, sử dụng điện toán đám mây được kết nối mạng không dây. Đã qua rồi cái thời, Luật sư “tay xách, nách mang” khệ nệ ôm hàng đống hồ sơ vào phiên tòa. Đó là những tiện ích của công nghệ thông tin mà giới Luật sư Việt Nam cần tận dụng để phát huy tốt nhất cho nghề nghiệp của mình.

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Vai trò của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng trong nền kinh tế thị trường

Admin