/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự: Một số vướng mắc, bất cập và đề xuất

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự: Một số vướng mắc, bất cập và đề xuất

01/05/2023 06:38 |

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 ra đời đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Trong những năm qua, hoạt động của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (NBVQVLIHPCĐS) đã đạt những thành tựu đáng kể. Thực tiễn tham gia tố tụng dân sự (TTDS) của NBVQVLIHPCĐS thời gian qua cho thấy số lượng vụ án có NBVQVLIHPCĐS gia tăng. Không thể phủ nhận những kết quả đạt được khi NBVQVLIHPCĐS tham gia tố tụng. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự còn chưa cao. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đã chỉ rõ các quy định về NBVQVLIHPCĐS trong TTDS ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, những vướng mắc, bất cập từ chính những khiếm khuyết của pháp luật như: Quy định chưa rõ ràng, thiếu tính cụ thể, nhiều trường hợp còn chưa được dữ liệu. Những hạn chế này tạo ra rào cản không nhỏ trong việc thi hành pháp luật, gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS.

Ảnh minh họa.

1. Vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự tại các Tòa án 

Thứ nhất, NBVQVLIHPCĐS còn bị gây khó dễ khi đề nghị Tòa án công nhận tư cách tham gia vào việc giải quyết vụ việc dân sự và chưa được tạo điều kiện tốt khi tham gia tố tụng 

Mặc dù BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi quy định theo hướng tiến bộ hơn. Tuy nhiên có thể thấy, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể về thủ tục đăng ký NBVQVLIHPCĐS theo Điều 75 BLTTDS năm 2015. Khi ban hành các biểu mẫu trong TTDS theo BLTTDS năm 2015 trong Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng không có mục nào hướng dẫn việc thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 75 BLTTDS năm 2015. Ngoài ra, các trường hợp từ chối đăng ký NBVQVLIHPCĐS trong thủ tục này cũng chưa có điều khoản quy định cụ thể (thủ tục đăng ký bào chữa đối với người bào chữa theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể vấn đề này). Do đó dẫn đến việc các cơ quan tố tụng thực hiện một cách tùy nghi khi làm thủ tục đăng ký cho NBVQVLIHPCĐS, gây khó khăn cho việc tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Quy định này đã làm cho thủ tục giải quyết vụ án dân sự xuất hiện cơ chế “xin -cho” trong TTDS. Thực tế hiện nay vẫn còn Tòa án vẫn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho NBVQVLIHPCĐS theo quy định của BLTTDS cũ mà chưa thực hiện thủ tục vào sổ đăng ký theo đúng quy định tại Điều 75 BLTTDS năm 2015. Nhiều vụ án Tòa án còn chậm trễ trong việc làm thủ tục cho NBVQVLIHPCĐS tham gia tố tụng. Số vụ án dân sự đảm bảo thời gian thực hiện thủ tục như quy định của pháp luật còn rất ít. Việc này cũng gây khó khăn trong việc triển khai áp dụng quy định mới của các Tòa án. Có thể thấy rõ thực tế này qua vụ án  sau:

- Ngày 09/9/2020, TAND quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 50/2018/TLST-KDTM ngày 01/10/2018 về “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”. Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 02/11/2018, Văn phòng Luật sư N có văn bản cử Luật sư Phạm Văn P. là NBVQVLIHP cho Công ty Đ – là bị đơn trong vụ án nhưng Tòa án không vào sổ đăng ký và xác nhận vào giấy yêu cầu của bị đơn. Ngày 14/7/2020, Văn phòng N có đơn đề nghị Tòa án chấm dứt tư cách NBVQVLIHP của Luật sư Phạm Văn P. do Luật sư không thể tiếp tục tham gia tố tụng nhưng không cử người khác thay thế. Ngày 15/7/2020, Tòa án có văn bản thông báo cho Công ty Đ biết về việc Văn phòng Luật sư N gửi đơn chấm dứt tư cách NBVQVLIHP. Nhưng sau gần hai tháng, ngày 08/9/2020, ông Hồ Mai H. - là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Đ mới gửi văn bản xác nhận đồng ý với việc chấm dứt tư cách NBVQVLIHP của Luật sư Phạm Văn P. và đề nghị Tòa án xét xử vụ án. Và ngay ngày hôm sau 09/9/2020, TAND quận Hai Bà Trưng đưa vụ án ra xét xử.

Việc một người vừa làm đại diện theo ủy quyền, vừa là NBVQVLIHP của chính đương sự đó khi tham gia tố tụng hiện cũng chưa được quy định tại bất cứ văn bản pháp luật nào. Ở mỗi tư cách, họ đều có quyền và nghĩa vụ giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Pháp luật cũng không có quy định cấm về trường hợp này nên dẫn tới việc Tòa án sẽ lúng túng khi gặp tình huống này và khó khăn khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho một người mang hai tư cách khi mà ở “vai” này thì họ có quyền này nhưng ở “vai” kia lại bị hạn chế. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự khách quan trong việc giải quyết vụ án thì việc liệt kê các đối tượng tại đoạn cuối của điểm d khoản 1 Điều 75 BLTTDS năm 2015 muốn nói đến những đối tượng này đã và đang công tác trong ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm NBVQVLIHPCĐS là chưa thật phù hợp. Bởi theo Luật Luật sư thì quy định những người đã từng làm Thẩm phán, Kiểm sát viên thì có quyền trở thành Luật sư. Hơn nữa, việc liệt kê chỉ có cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an là chưa bao quát hết, bởi còn một số cán bộ, công chức, nhân viên công tác trong ngành khác cũng ảnh hưởng đến tính khách quan của việc giải quyết vụ án, chẳng hạn như cơ quan thi hành án; cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn,...

Thứ hai, việc tham gia phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm theo thủ tục rút gọn của NBVQVLIHPCĐS còn bị hạn chế 

Đối với quy định về sự tham gia của NBVQVLIHPCĐS trong việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn chưa đảm bảo sự thống nhất trong BLTTDS và chưa đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của NBVQVLIHPCĐS. Trong thành phần tham gia phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm theo thủ tục rút gọn chỉ đề cập đến việc: “Các đương sự, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp phải có mặt” (khoản 1, Điều 320, Điều 324 BLTTDS năm 2015). Trong khi cũng tại Điều 324 BLTTDS năm 2015 có quy định về việc NBVQVLIHPCĐS trình bày về nội dung kháng cáo, kháng nghị, tranh luận, đối đáp.

Thứ ba, việc yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của NBVQVLIHPCĐS còn gặp nhiều khó khăn

Trên thực tế, việc thu thập chứng cứ của NBVQVLIHPCĐS gặp nhiều khó khăn đa phần là do sự bất hợp tác tới từ cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ. Trong khi pháp luật có quy định về quyền xác minh, thu thập chứng cứ của NBVQVLIHPCĐS nhưng lại không có quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan dẫn tới NBVQVLIHPCĐS gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. 

Mặc dù theo quy định tại khoản 6 Điều 76 và khoản 6 Điều 70 của BLTTDS năm 2015 thì NBVQVLIHPCĐS có quyền “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình”. Tuy nhiên, NBVQVLIHPCĐS sẽ không làm được điều này nếu như không có sự phối hợp và tạo điều kiện của các cơ quan đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ. Khoản 2 Điều 106 BLTTDS năm 2015 quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp cho đương sự khi nhận được yêu cầu, trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do” nhưng lại không quy định chế tài pháp lý nếu các chủ thể này không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hay cung cấp quá thời hạn luật định mà không có lý do chính đáng.

Như vậy, khi không có biện pháp, chế tài xử lý thì dù được đánh giá là mới, là tiến bộ so với các quy định cũ, quy định này vẫn không có giá trị thực thi trên thực tế. Điều đáng nói là một khi hình thức từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chủ yếu bằng lời nói, hành vi mà không thể hiện qua bất kỳ một văn bản nào thì không có căn cứ để đương sự chứng minh cho Tòa án rằng họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể thu thập chứng cứ. “Điển hình là với các thông tin, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, các tài sản chưa được công nhận quyền sở hữu hợp pháp… thì quá trình yêu cầu xác nhận nguồn gốc, xác nhận quá trình sử dụng ổn định lâu dài… vẫn là một bài toán chưa có lời giải” [1].

Thứ tư, theo quy định của BLTTDS 2015 thì NBVQVLIHPCĐS gặp khó khăn trong vấn đề trưng cầu giám định.

Trong thực tiễn khi giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, nhiều trường hợp cần phải trưng cầu giám định như: Giám định chữ ký của các hợp đồng, thỏa thuận; xác nhận huyết thống thông qua trưng cầu giám định AND; giám định mức độ thương tích để tiến hành bồi thường ngoài hợp đồng… Nếu như BLTTDS năm 2004 quy định chỉ Thẩm phán mới có quyền ra quyết định trưng cầu giám định thì BLTTDS năm 2015 (Điều 102) đã bổ sung thêm nội dung đương sự có thể tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối; nhưng đương sự phải thực hiện quyền này trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

Trong khi đó luật không quy định trực tiếp cho NBVQVLIHPCĐS có quyền yêu cầu trưng cầu giám định. Điều này gây cản trở tới việc xác minh, thu thập chứng cứ của NBVQVLIHP vì họ là người am hiểu pháp luật sẽ biết rõ khi nào cần trưng cầu giám định, đặc biệt là trong những vụ án mà kết luận giám định là chứng cứ quan trọng nếu thiếu sẽ không giải quyết được vụ án.

Thứ năm, hiện tượng Tòa án chưa thực sự coi trọng vai trò của NBVQVLIHPCĐS tại phiên tòa dân sự vẫn còn tồn tại. Việc thực hiện những quy định tiến bộ của BLTTDS về tranh luận tại một số phiên tòa nhiều khi chỉ mang tính hình thức. NBVQVLIHPCĐS bị hạn chế khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. 

Các quy định của BLTTDS năm 2015 về tranh luận chưa tạo được điều kiện tối đa để các bên đương sự sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chưa có những quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện những quyền và nghĩa vụ này. Vai trò của NBVQVLIHPCĐS trên thực tế còn hạn chế và nhiều khi chưa được các Tòa án tôn trọng. Nhiều trường hợp Tòa án gây khó khăn cho việc tiếp cận hồ sơ để nghiên cứu của NBVQVLIHPCĐS với nhiều lý do.

Ví dụ như việc thực hiện quyền sao chụp tài liệu, chứng cứ của NBVQVLIHP cũng gặp nhiều cản trở, chẳng hạn có Tòa án yêu cầu phải làm đơn, Tòa án khác lại yêu cầu làm danh mục tài liệu cần phô tô. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng còn yêu cầu Luật sư phải nộp giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề Luật sư hoặc những giấy tờ khác mà pháp luật  không quy định. Trong khi theo quy định tại Điều 27 Luật Luật sư năm 2012 thì Luật sư khi tham gia tố tụng chỉ cần xuất trình thẻ Luật sư và giấy yêu cầu Luật sư của khách hàng. 

Vẫn có những phiên tòa dân sự diễn ra trong tình trạng NBVQVLIHPCĐS tham gia chỉ mang tính chất hình thức và cho “đủ thành phần". Tại một số Tòa án, nhiều Thẩm phán chỉ coi sự có mặt của NBVQVLIHPCĐS như một sự đầy đủ về mặt thủ tục. “Trong quá trình tham gia tranh tụng, vẫn còn tình trạng Luật sư không được tôn trọng. Thẩm phán chủ tọa, nhân danh quyền lực nhà nước có thể tùy tiện ngắt lời Luật sư mà không dựa trên một quy định nào” [2]. Một số bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự không phản ánh hết quá trình tranh luận tại phiên tòa. Tòa án chưa thực sự quan tâm tới các yêu cầu, đề nghị của NBVQVLIHPCĐS. 

Điều này dẫn đến thực tiễn xử án dân sự vài năm trở lại đây đã ghi nhận khá nhiều trường hợp Luật sư, đương sự khiếu nại về công tác xét xử của tòa. Không ít phiên tòa mà HĐXX gạt bỏ ý kiến của Luật sư, thậm chí không cho Luật sư kiến nghị, đặt câu hỏi, cắt lời của Luật sư khi tranh tụng hết sức vô lý hoặc ý kiến của Luật sư không được xem xét để xử lý. “Trên thực tế hiện nay, thủ tục tranh luận ở nhiều phiên tòa không được tiến hành hoặc được tiến hành rất đại khái, phiên tòa không khách quan, không có việc tranh tụng thực tế mà việc đó diễn ra một cách “hình thức” và “một số Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa coi phiên tòa chỉ là một hình thức để hợp pháp hoá một bản án đã quyết định trước rồi, quyết định của tập thể Thẩm phán hoặc của Tòa án cấp trên” [3]. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc tham gia tố tụng của NBVQVLIHPCĐS, khiến họ không thực hiện được đầy đủ, quyền, nghĩa vụ của mình, nhất là quyền tranh luận tại phiên tòa. Tại nhiều hội thảo, giới Luật sư vẫn thường nói đến về chuyện tòa bỏ qua chứng cứ mới, “làm lơ” quan điểm, lập luận, có hành vi cản trở Luật sư khi xét hỏi... Trong nhiệm kỳ IX (2013-2018), Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và có văn bản kiến nghị đến cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền 78 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền hành nghề của Luật sư.

Thực tế nêu trên hiện nay vẫn còn tiếp diễn, chúng ta có thể thấy điều này qua một số vụ án sau: 

- Vụ án dân sự thụ lý số 68/2019/TLST-DS ngày 17/12/2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” của TAND huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Trọng H. - Luật sư, NBVQVLIHPCĐS trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn. Tuy nhiên Bản án số 01/2020/DS-ST ngày 27/7/2020 của TAND huyện Thanh Oai không phản ánh quá trình tranh tụng, không ghi nhận quan điểm, lập luận của NBVQVLIHPCĐS mà chỉ nêu ý kiến của NBVQVLIHP của nguyên đơn là “đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”, không nhận định quan điểm của Luật sư có căn cứ hay không có căn cứ pháp luật. 

- Ngày 13/5/2021 TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Hôn nhân gia đình” thụ lý số 192/LHST-HNGĐ ngày 20/12/2019 về việc “Xin ly hôn” giữa: Nguyên đơn là anh Casteret RH Jean RH, quốc tịch: Pháp, chỗ ở: Tòa án  guig, Metro Manila, Philippines. Người được nguyên đơn ủy quyền nhận văn bản tố tụng: Luật sư Đỗ Xuân Đ., trú tại: Thôn 2 xã L, huyện H, TP. Hà Nội. Bị đơn: Chị Phùng Thị C.T., hộ khẩu: Phòng 104 CX phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội.

NBVQVLIHP cho bị đơn: Luật sư Phạm H. và Luật sư Đỗ Viết H., Văn phòng Luật sư T, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Tuy nhiên Bản án số 65/2021/HNGD-ST ngày 13/5/2021 của TAND thành phố Hà Nội không phản ánh quá trình tranh tụng, không nêu bất kỳ quan điểm, lập luận nào của NBVQVLIHPCĐS. 

Thứ sáu, các Tòa án xử lý theo các cách khác nhau khi NBVQVLIHPCĐS vắng mặt tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

Mặc dù BLTTDS năm 2015 quy định cho NBVQVLIHPCĐS khá nhiều quyền và nghĩa vụ nhưng lại không quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp NBVQVLIHPCĐS vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Điều này dẫn đến các Tòa án xử lý theo các cách khác nhau, có Tòa án vẫn tiến hành phiên họp, có Tòa án hoãn phiên họp để bảo đảm “an toàn”.

Thứ bảy, chưa có cơ chế hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho NBVQVLIHPCĐS 

Khi các tranh chấp dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình,... ngày càng căng thẳng hơn, việc bị tuyên thua kiện khiến nhiều đương sự bức xúc, nóng giận, mất bình tĩnh dễ dẫn đến xô xát, ẩu đả, thậm chí hành hung cả Luật sư và HĐXX. Đã có rất nhiều những vụ việc tiêu biểu về việc đương sự hoặc người nhà của đương sự có quyền lợi đối lập trong vụ án chửi bới, xúc phạm, hành hung, đánh đập … NBVQVLIHPCĐS, nhưng không được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh. Trong quá trình hành nghề cũng không thiếu trường hợp Luật sư bị đe dọa ngoài đường hay tại trụ sở văn phòng nơi Luật sư công tác nhưng không được quan tâm giải quyết. Chỉ tính trong vòng vài năm trở lại đây đã có hàng chục phiên tòa bị đương sự gây náo loạn, hành hung Luật sư và cả HĐXX. Tại phiên tòa hình sự còn có lực lượng cảnh sát bảo vệ (dẫn giải bị cáo) xử lý, riêng các phiên tòa dân sự thì không có ai giải quyết.

Thứ tám, những vụ án dân sự có NBVQVLIHPCĐS tham gia tố tụng tại các Tòa án chiếm tỷ lệ thấp. Trong đó NBVQVLIHPCĐS tham gia tố tụng chủ yếu là Luật sư, rất ít các trường hợp khác. 

Mặc dù sự tham gia của NBVQVLIHPCĐS trong các vụ án dân sự có xu hướng tăng nhưng tỷ lệ số vụ án có NBVQVLIHPCĐS trên tổng số các vụ án mà Tòa án đã giải quyết nhìn chung vẫn còn thấp. Số lượng vụ việc tham gia TTDS của trợ giúp viên pháp lý trong thời gian qua còn thấp so với nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) của người dân và số lượng án có liên quan đến người được TGPL phải giải quyết hàng năm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia TTDS do trợ giúp viên pháp lý thực hiện chiếm tỉ lệ chưa cao (khoảng 20%) trong tổng số các vụ việc TGPL do trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Chất lượng vụ việc TGPL trong TTDS chưa đồng đều, chất lượng một số bản bảo vệ chưa cao. 

Đặc biệt, còn rất nhiều vụ án mà Tòa án giải quyết chưa có sự tham gia của NBVQVLIHPCĐS. Trên thực tế, phần lớn NBVQVLIHPCĐS là Luật sư, mặc dù pháp luật cho phép cả những người không phải là Luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Có hạn chế đó một phần do đối tượng đương sự được bảo vệ bị giới hạn với những trường hợp này. Cụ thể trợ giúp viên pháp lý chỉ trợ giúp một nhóm đối tượng đặc biệt được quy định trong luật TGPL. Đối với đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động cũng chỉ tham gia bảo vệ cho các đương sự là người lao động trong các vụ án tranh chấp về lao động. Trong khi số lượng các vụ án về lao động rất ít. Có những Tòa án tại Hà Nội trong năm 2020, 2021 không phát sinh vụ tranh chấp về lao động nào ̣như TAND Quận Long Biên, Gia Lâm, Ba Vì, Hoài Đức . Đối tượng công dân Việt Nam tham gia làm NBVQVLIHPCĐS tuy rằng là một điểm tiến bộ của BLTTDS, nhưng về mặt thực tiễn là không thực sự khả quan. Qua nghiên cứu thì hầu như không có đối tượng là công dân Việt Nam tham gia làm NBVQVLIHPCĐS ngoài Luật sư, trợ giúp viên pháp lý hay đại diện của tổ chức đại diện tập thể người lao động. Bởi lẽ công dân Việt Nam thường chỉ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự với tư cách là người đại diện của đương sự do có thể họ có kiến thức pháp luật, nhưng chưa có kỹ năng tham gia tố tụng. Thực tế đương sự cũng rất ít khi “nhờ” đối tượng này bảo vệ cho mình. 

Thứ chín, chất lượng người tham gia TTDS với vai trò NBVQVLIHPCĐS chưa được đánh giá cao và chưa có sự đồng đều

Chất lượng tham gia tố tụng của của NBVQVLIHPCĐS tại Tòa án chưa đáp ứng được triệt để yêu cầu tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Nhiều NBVQVLIHPCĐS còn thiếu kinh nghiệm trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, tình tiết liên quan đến quá trình tranh luận, đưa ra yêu cầu, kiến nghị tại phiên tòa. Một số ít NBVQVLIHPCĐS còn yếu về nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp, chưa cập nhật được các văn bản pháp luật cần thiết cho hoạt động bảo vệ đương sự của mình. Thực tế nêu trên dẫn đến tình trạng nhiều Luật sư vi phạm quy định của pháp luật, về trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, hoạt động của Luật sư vẫn còn dàn trải, thiếu sự chuyên môn hóa trong việc tham gia TTDS dẫn tới năng lực của Luật sư nói chung, và trong hoạt động TTDS nói riêng còn chưa cao. Vẫn còn một số Luật sư bị khiếu nại, tố cáo, có trường hợp bị kỷ luật tạm đình chỉ tư cách thành viên, xóa tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn Luật sư.

Hoạt động của trợ giúp viên pháp lý trong thực tiễn còn gặp nhiều vướng mắc. Nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập. Một số địa phương bố trí cán bộ không có bằng cử nhân luật tham gia làm việc tại Trung tâm gây khó khăn trong việc tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý. Số lượng Luật sư thuộc các tổ chức TGPL không nhiều, mà chủ yếu là các Luật sư mới hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế. Đội ngũ cộng tác viên TGPL dù đông về số lượng nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, nhiều cộng tác viên không thực hiện tham gia TGPL. Điều đáng chú ý là, cộng tác viên là Luật sư thực hiện số vụ án rất thấp, trung bình chỉ 10 vụ/năm và chủ yếu xuất phát từ sự tự nguyện, tự giác của từng cá nhân Luật sư. Tổng số vụ việc tham gia tố tụng chỉ chiếm một con số khá khiêm tốn là 5,8% trong tổng số các vụ việc TGPL. Các phòng chuyên môn được thành lập nhiều năm nhưng lại chưa bảo đảm về nguồn lực con người. “Ngoài TGPL, thống kê cho thấy số lượng viên chức và người lao động của Trung tâm TGPL chiếm 61%, tổng số cán bộ của Trung tâm, trong đó chuyên viên pháp lý chiếm 43% nhưng theo quy định hiện hành, chuyên viên lại không được thực hiện vụ việc TGPL. Đây là một sự lãng phí về nguồn lực” [5].        

Như vậy, thực trạng bảo đảm quyền bảo vệ của NBVQVLIHPCĐS còn nhiều bất cập, vướng mắc. Điều này ảnh hưởng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và việc xác định sự thật khách quan của của vụ án.

2. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự tại các Tòa án 

2.1. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự 

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung  quy định liên quan đến thủ tục đăng ký tham gia tố tụng của NBVQVLIHPCĐS trong TTDS

Quy định tại khoản 5 điều 75 BLTTDS năm 2015 dường như đã trao cho Tòa án quyền quyết định có cho NBVQVLIHPCĐS tham gia tố tụng hay không, điều này đôi khi dẫn đến việc quyết định của Tòa án có phần thiếu khách quan, minh bạch. Do vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 75 BLTTDS năm 2015 thì sự tham gia tố tụng của NBVQVLIHPCĐS không nên quy định phụ thuộc vào sự chấp nhận của Tòa án, mà chỉ cần đương sự nhờ hoặc yêu cầu và họ xuất trình được các giấy tờ theo quy định pháp luật là đủ.

Thứ hai, cần bổ sung quy định về trường hợp những người không được tham gia tố tụng với tư cách NBVQVLIHPCĐS

Để thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự cũng như đảm bảo tính khách quan và công bằng giữa các đương sự thì pháp luật TTDS cần bổ sung quy định một người chỉ có thể tham gia tố tụng với một tư cách hoặc là người đại diện do đương sự ủy quyền hoặc là NBVQVLIHP cho đương sự. Theo BLTTDS, đại diện theo ủy quyền vẫn có quyền trình bày luận cứ, đưa ra chứng cứ để bảo vệ quan điểm của đương sự. Do đó việc NBVQVLIHPCĐS cùng lúc đóng “hai vai” là không cần thiết, không khách quan, độc lập và trung thực. 

Bên cạnh đó, đoạn cuối của điểm d khoản 1 Điều 75 BLTTDS năm 2015 cần nêu rõ: Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…; không phải là cán bộ, công chức “đang công tác” trong các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm NBVQVLIHPCĐS. 

Thứ ba, quy định thống nhất về sự tham gia của NBVQVLIHPCĐS trong việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn trong BLTTDS

Đối với quy định về sự tham gia của NBVQVLIHPCĐS trong việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn cần được rà soát và điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất trong BLTTDS và đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của NBVQVLIHPCĐS. 

Thứ tư, bổ sung Điều 76 BLTTDS 2015 cho phép NBVQVLIHPCĐS có được quyền của đương sự quy định tại khoản 7 Điều 70 BLTTDS 2015 và cần quy định các chế tài đối với việc cản trở hoạt động thu thập chứng cứ của NBVQVLIHPCĐS

Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và đảm bảo việc giải quyết vụ án dân sự đảm bảo khách quan và chính xác thì cần xem xét việc trao cho NBVQVLIHPCĐS một số quyền hạn tố tụng nhất định nữa. Chẳng hạn, quyền đề nghị tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình. Bởi theo khoản 2 Điều 76 BLTTDS năm 2015 thì họ có quyền thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nhưng nếu như họ xác minh, thu thập không được với lý do khách quan nào đó mà không quy định cho họ có quyền yêu cầu Tòa án thu thập thì có khi không đảm bảo tính chính xác cho việc giải quyết vụ án. Cần quy định cho NBVQLIHPCĐS có quyền yêu cầu giám định. Do họ là người hiểu rõ nhất trường hợp nào cần phải trưng cầu giám định để thu thập chứng cứ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự của mình. Quy định này sẽ giúp họ chủ động thực hiện việc bảo vệ tốt nhất quyền lợi của đương sự trong những vụ án cần thiết phải trưng cầu giám định.

Pháp luật TTDS cũng cần quy định cụ thể hơn biện pháp chế tài đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ hoặc quản lý chứng cứ cố tình không cung cấp chứng cứ cho NBVQVLIHPCĐS. Cần phải hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý các hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của NBVQVLIHPCĐS giống như đối với các hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án, Viện Kiểm sát. 

Thứ năm, cần thiết lập những quy định cụ thể về quyền của NBVQVLIHPCĐS, đặc biệt quyền tranh luận tại phiên tòa

Các quy định của BLTTDS năm 2015 về tranh luận chưa tạo được điều kiện tối đa để các bên đương sự sử dụng các phương pháp chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật TTDS thì chỉ có một số quy định về quyền và nghĩa vụ của NBVQVLIHPCĐS. Việc xây dựng các quy định của pháp luật nhằm thiết lập được mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các chủ thể tiến hành tố tụng với NBVQVLIHPCĐS trong TTDS là yêu cầu hết sức cần thiết. Cần bổ sung các quy định về mọi chứng cứ, tài liệu và các ý kiến, quan điểm của NBVQVLIHPCĐS đều phải được ghi nhận trong bản án, quyết định của Tòa án. Nhận định của Tòa án trong bản án phải phân tích rõ lý do mà HĐXX chấp nhận hoặc không chấp nhận các tài liệu chứng cứ, yêu cầu, đề nghị mà NBVQVLIHPCĐS đưa ra. 

Thứ sáu, cần hướng dẫn về vấn đề NBVQVLIHPCĐS không tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và việc vắng mặt tại phiên tòa khi được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử

Để bảo đảm quyền của NBVQVLIHPCĐS, đồng thời nâng cao trách nhiệm cũng như tránh việc lợi dụng quyền được tham gia phiên họp để kéo dài thời gian giải quyết vụ án của NBVQVLIHPCĐS, cần hướng dẫn cụ thể như sau: “Trường hợp NBVQVLIHPCĐS không tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét; nếu NBVQVLIHPCĐS vắng mặt và không gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.” Vấn đề này cũng cần được luật hóa vào Điều 209 của BLTTDS 2015.

Cần bổ sung quy định tại phiên toà được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nếu vắng mặt NBVQVLIHPCĐS, nhưng đương sự được bảo vệ không đồng ý hoãn phiên toà và yêu cầu Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt người bảo vệ và tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì phiên toà vẫn diễn ra bình thường.

Thứ bảy, cần quy định các biện pháp bảo đảm sự an toàn cho NBVQVLIHPCĐS

Để NBVQVLIHPCĐS yên tâm hành nghề và thực hiện vai trò của mình, pháp luật cần có những quy định, cơ chế chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn cho NBVQLIHP đặc biệt là trong những vụ án dân sự có tranh chấp lớn. Bên cạnh đó cũng cần có sự nghiêm minh, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh tại phiên tòa của chủ tọa phiên tòa. Tránh tình trạng lơ là hay cố tình làm ngơ dẫn đến việc phát sinh những hậu quả đáng tiếc. Cần có cảnh sát tư pháp - lực lượng cảnh sát tư pháp này là của Tòa án, hoàn toàn khác với cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc ngành Công an hiện nay.

2.2. Kiến nghị về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự tại Hà Nội

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng của cán bộ, thẩm phán tại các Tòa án và định hướng xây dựng hệ thống Tòa án theo chiến lược cải cách tư pháp

Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, thẩm phán, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu vị trí công tác. Quán triệt sâu sắc uy tín của Tòa án là sự tín nhiệm, niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Cần lồng ghép chương trình bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật cho cán bộ Tòa án. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực như nhận tiền hối lộ, chạy án. 

Thứ hai, cần đẩy mạnh sự phát triển số lượng, chất lượng của NBVQVLIHPCĐS, đặc biệt là Luật sư, trợ giúp viên pháp lý

Cần đào tạo nhiều Luật sư hơn cũng như nâng cao chuyên môn cho Luật sư. Để nâng cao chuyên môn cho Luật sư, nhất là các Luật sư trẻ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phối hợp với Bộ Tư pháp sớm thành lập Trung tâm đào tạo Luật sư hội nhập kinh tế quốc tế để có các chương trình đào tạo, theo học kịp thời, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề sát với yêu cầu thực tiễn. Phát triển đội ngũ Luật sư, trợ giúp viên pháp lý lực lượng nòng cốt làm NBVQVLIHPCĐS, có phẩm chất đạo đức và năng lực tranh tụng. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ quan, tổ chức này. Đồng thời Luật sư cũng phải nâng cao ý thức tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của mình bằng cách nghiên cứu văn bản luật, trao đổi với các đồng nghiệp, không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, coi trọng đạo đức nghề nghiệp và tâm huyết với công việc. 

Thứ ba, nâng cao nhận thức về vai trò của NBVQVLIHPCĐS trong TTDS

Những người tiến hành tố tụng phải thực sự coi trọng vai trò của người bảo vệ, phải có trách nhiệm bảo đảm cho người bảo vệ thực hiện tốt việc quyền, nghĩa vụ của mình. Có nhận thức như vậy thì người tiến hành tố tụng mới làm việc khách quan, có thiện chí phối hợp với Luật sư và tạo điều kiện cho Luật sư được thực hiện các hoạt động TTDS của mình. 

Thứ tư, phải tăng cường hoạt động TGPL để giúp đương sự trong việc tranh tụng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước Tòa án và tăng cường sự phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng

Nâng cao nhận thức về vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong TTDS, tăng cường truyền thông về quyền được TGPL. Cần tăng cường, kết hợp các biện pháp truyền thông như truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, …), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại hotline,…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin TGPL tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…) để nâng cao nhận thức về quyền TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, cần quan tâm tổ chức phối hợp có hiệu quả với tổ chức thực hiện TGPL và kịp thời thông tin, giới thiệu những người thuộc diện TGPL đến Trung tâm hoặc chi nhánh để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí. 

Thứ năm, tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân

Hiểu biết về các quy định pháp luật TTDS của người dân còn rất hạn chế mặc dù so với các thủ tục tố tụng khác (hành chính, hình sự) thì thủ tục TTDS diễn ra phổ biến nhất. Cần tổ chức tuyên truyền pháp luật tố tụng rộng rãi hơn, đặc biệt là đối với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cần tập trung làm cho mọi người nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình và vai trò của NBVQVLIHPCĐS khi tham gia tố tụng. Lựa chọn những phương pháp tuyên truyền giáo dục phù hợp với khả năng nhận thức và lĩnh hội kiến thức pháp luật của mỗi tầng lớp dân cư.

[1] https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/trach-nhiem-cung-cap-tai-lieu-chung-cu,

truy cập 02/6/2022.

[2] http://www.luatsungaynay.vn/news/Nhat-ky-luat-su/Muon-chuyen-luat-su-bi-can-tro-hoat-dong-452, truy cập ngày 02/6/2022.

[3] http://www.luatdaiviet.vn/xem-tin-tuc/xet-hoi-va-tranh-luan-tai-phien-toa-dan-su-so-tham, ngày 05/6/2022

[4] https://phapluatdansu.edu.vn/2008/07/29/19/57/nh%E1%BB%AFng-d%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u-dng-lo-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-tr%E1%BA%ADt-t%E1%BB%B1-t%E1%BA%A1i-cc-phin-ta-dn-s%E1%BB%B1/,  truy cập ngày 05/6/2022.

[5] http://tuvan.doisongphapluat.com/kien-thuc-phap-luat/binh-luan/vi-sao-hieu-qua-tro-giup-phap-ly-chua-cao-d5070.html, truy cập ngày 20/05/2022.

Thạc sĩ TRẦN THỊ THU

Pháp luật về đất tôn giáo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Bùi Thị Thanh Loan