(LSO) - Người có công với cách mạng hoặc cha mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) lần đầu được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Tuy nhiên, do luật chỉ quy định chung chung, không quy định rõ họ là ai và có quan hệ như thế nào nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và thực trạng áp dụng không thống nhất trong giải quyết các vụ án.
Bộ luật Hình sự nước ta qua nhiều lần pháp điển hóa đã có những sửa đổi bổ sung tiến bộ và phù hợp với thực tiễn; bên cạnh việc răn đe, trừng trị còn phản ánh chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người phạm tội; đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đặc biệt là đối với những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập và công tác; người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Người có công với cách mạng hoặc cha mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) lần đầu được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Tuy nhiên, do luật chỉ quy định chung chung, không quy định rõ họ là ai và có quan hệ như thế nào nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và thực trạng áp dụng không thống nhất trong giải quyết các vụ án. Cụ thể như:
– Cần xác định những ai là người có công với cách mạng và những người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương loại nào; người lập công trong chiến đấu trường hợp nào thì được hưởng tình tiết “Người có công với cách mạng”?
– Những người thân thích nào hoặc là thành viên nào trong gia đình của người có công với cách mạng được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo Điều 51 của BLHS?
– Vợ hoặc chồng liệt sĩ; vợ hoặc chồng người có công (khi người có công đã mất) mà xây dựng gia đình với người khác thì họ có được hưởng tình tiết nêu trên không ?
Thứ nhất, về người có công với cách mạng
Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh; Người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.
Đối với người có công với cách mạng như người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thương binh thì chúng ta đã hiểu rõ. Tuy nhiên, đối với Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến thì phải là người có thành tích trong lao động, sản xuất thời kỳ từ năm 1945-1975. Người hưởng chính sách như thương binh là người không phải là quân nhân, công an nhân dân, bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thuộc một trong các trường hợp như: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; đấu tranh chống tội phạm… và được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học và do nhiễm chất độc hóa học. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là người được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền công nhận trong thời gian bị tù, đày không khai báo có hại cho cách mạng, cho kháng chiến, không làm tay sai cho địch. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế là người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến. Người có công giúp đỡ cách mạng là người được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”; người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945; người được tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến; người trong gia đình được tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến.
Chúng tôi cho rằng, riêng đối với trường hợp hộ gia đình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến; Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” thì những người là thành viên của gia đình có thể là những người như vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại đang sống chung trong gia đình đó thì được hưởng chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Ngoài ra, trong thực tế giải quyết các vụ án cho thấy có nhiều trường hợp còn nhầm lẫn về các loại Huân, Huy chương nên cho hưởng tình tiết giảm nhẹ không đúng các điểm theo quy định tại Điều 51 của BLHS.
Ở đây chúng ta cần lưu ý: Không phải người nào được tặng thưởng Huân, Huy chương đều xác định là người có công với cách mạng; mà chỉ những người được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến mới là người có công với cách mạng và được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS. Trường hợp họ được tặng thưởng Huân, Huy chương khác như Lao động, Chiến công, Quân công, Bảo vệ Tổ quốc… là tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm v khoản 1 Điều 51 của BLHS.
Đối với trường hợp người phạm tội lập công hoặc lập công lớn trong quá trình chiến đấu thì họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người có công với cách mạng” chỉ trong trường hợp thành tích của họ được Nhà nước để xét phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang hoặc liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… hoặc các hình thức khác theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Thứ hai, những người thân thích nào hoặc là thành viên nào trong gia đình của người có công với cách mạng được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo Điều 51 của BLHS?
Về người “thân thích”, hiện nay có hai ngành luật đưa ra khái niệm. Theo quy định tại khoản 19 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì người thân thích “Là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”. Theo Điều 4 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Người thân thích gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Người thân thích của người có công với cách mạng được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo Điều 51 của BLHS khi họ là những người theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Người có công với cách mạng như cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi) của người có công. Những người này được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS. Riêng người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, khi liệt sĩ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 2 Điều 51 của BLHS.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: Người thân thích của người có công với cách mạng gồm những người là thành viên của gia đình và họ có quan hệ huyết thống, hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng và tùy thuộc vào phạm vi thân thích mà họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm x khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 51 của BLHS.
Theo khoản 16 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì thành viên trong gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột”. Tuy nhiên, những người này được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS thì họ phải là những người có quan hệ huyết thống trực hệ như cha mẹ đẻ, con đẻ; có quan hệ hôn nhân như vợ, chồng; có quan hệ nuôi dưỡng như con nuôi, cha mẹ nuôi theo quy định của pháp luật và quan hệ nuôi dưỡng theo thực tế. Những đối tượng còn lại được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 2 Điều 51.
Từ những vấn đề nêu trên ta thấy, mỗi ngành luật đều đưa ra các khái niệm khác nhau và xác định những đối tượng khác nhau, nhưng cơ bản đều xác định người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời hoặc người có quan hệ nuôi dưỡng như vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Ngoài những người nêu trên, theo chúng tôi còn có những người khác cũng là người thân thích của người có công với cách mạng như cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, cha dượng, mẹ kế; con riêng của vợ hoặc chồng (nếu có quan hệ nuôi dưỡng); con dâu, con rể; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; cháu nội, cháu ngoại; cụ nội, cụ ngoại; chắt nôi, chắt ngoại ruột. Bởi vì những người này là thành viên trong gia đình, họ có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng và liên quan đến quan hệ hôn nhân; đặc biệt họ là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ từ 10 năm trở lên khi liệt sĩ dưới 18 tuổi (mặc dù không có thủ tục đăng ký nuôi con nuôi).
Song, mặc dù là người thân thích nhưng không phải tất cả họ đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 của BLHS. Căn cứ vào bản thân hoặc mối quan hệ của họ như hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng mà tùy từng trường hợp họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khác nhau. Theo quan điểm của chúng tôi, người có công với cách mạng hoặc cha mẹ, vợ chồng, con của liệt sĩ gồm những người sau phạm tội thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS:
– Người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công;
– Cha, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ của liệt sĩ;
– Cha mẹ nuôi, con nuôi theo pháp luật về nuôi con nuôi của liệt sĩ hoặc người có công nuôi dưỡng liệt sĩ từ 10 năm trở lên khi liệt sĩ dưới 18 tuổi hoặc người mà liệt sĩ đang có trách nhiệm nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên.
Ngoài ra, những người thân thích khác của người có công với cách mạng phạm tội có thể được xem xét để hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLHS, bao gồm:
– Cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con dâu, con rể; anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha của liệt sĩ; ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại ruột của liệt sĩ mà liệt sĩ là cháu nội, cháu ngoại hoặc ông nội, ông ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột của liệt sĩ mà liệt sĩ là cháu, cô, dì, chú, cậu, bác ruột.
– Cha mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi theo pháp luật hoặc người nuôi dưỡng người có công với cách mạng thực tế từ 10 năm trở lên hoặc người phạm tội thực tế được người có công với cách mạng nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên;
– Cha dượng, mẹ kế; con dâu, con rể; con riêng của vợ hoặc chồng (nếu có quan hệ nuôi dưỡng thực tế từ 10 năm trở lên).
Thứ ba, vợ hoặc chồng liệt sĩ; vợ hoặc chồng người có công (khi người có công đã mất) mà họ đã xây dựng gia đình với người khác thì họ có được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo Điều 51 của BLHS không?
– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Họ không được hưởng, vì thời điểm hiện tại họ không phải là vợ của liệt sĩ.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: Họ vẫn được hưởng tình tiết này, bởi vì về mặt pháp luật thì hiện tại họ đang là vợ hoặc là chồng của người khác (cuộc hôn nhân thứ 2); tuy nhiên, do chồng hoặc vợ là liệt sĩ hoặc chồng, vợ người có công chết nên họ mới phải lấy chồng, lấy vợ khác; do vậy, về nguyên tắc họ vẫn được hưởng chính sách và thuộc đối tượng của quy định này.
Chúng tôi, đồng ý với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, về nguyên tắc ngay trước thời điểm người chồng hoặc người vợ hy sinh hoặc người có công chết thì bản thân họ với liệt sĩ, người có công vẫn đang tồn tại quan hệ hôn nhân. Cá nhân và gia đình họ phải chịu đựng mất mát to lớn vì công sức của người chồng hoặc người vợ của họ đã cống hiến cho đất nước. Tại thời điểm người vợ hoặc người chồng của họ hy sinh hoặc người có công chết thì đồng nghĩa cuộc hôn nhân của họ kết thúc (thời điểm này họ là người không có vợ, có chồng). Pháp luật hôn nhân và gia đình không cấm họ tái hôn với người khác, do vậy cuộc hôn nhân sau của họ là hợp pháp và được pháp luật ghi nhận. Vì vậy, trong trường hợp họ phạm tội thì vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS (nếu họ là vợ hoặc chồng của liệt sĩ). Đối với người vợ hoặc chồng của người có công cũng vậy, họ cũng có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 2 Điều 51 của BLHS.
Như vậy, BLHS năm 2015 đã bổ sung một số quy định mới về tình tiết giảm nhẹ TNHS; trong đó bổ sung thêm tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm x khoản 1 Điều 51. Tuy nhiên từ những vấn đề nghiên cứu nêu trên hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau về người có công, những ai là thành viên trong gia đình người có công; thân nhân người có công để được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định này.
Để thống nhất áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này trong việc giải quyết các vụ án hình sự, chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 01/2000 ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC, trong đó hướng dẫn cụ thể những đối tượng được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của BLHS, đặc biệt hướng dẫn người “thân thích” nào được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 2 Điều 51 của BLHS.
DƯƠNG HỒNG ĐIỆP (TAQSQK3)/TẠP CHÍ TÒA ÁN