Luật sư Tạ Quang Tòng, Luật sư Trần Văn An trao đổi cùng Học viên Khóa Đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (gọi tắt Bộ Quy tắc) dành chương II gồm 12 quy tắc để quy định cụ thể về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư trong quan hệ với khách hàng ở các giai đoạn: tiếp nhận vụ việc, thực hiện vụ việc và kết thúc vụ việc. Trong bài viết này, nhóm tác giả bàn về nguyên tắc cơ bản khi Luật sư tiếp nhận vụ việc của khách hàng.
Thứ nhất, Luật sư có nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Đây có thể nói là quy tắc cơ bản và quan trọng nhất của nghề Luật sư và được quy định tại Quy tắc 5: “Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”.
Quy tắc này quy định Luật sư phải đặt quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng là ưu tiên hàng đầu khi thực hiện dịch vụ pháp lý. Trong mọi trường hợp, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng phải được bảo vệ ở mức độ cao nhất trong khả năng cho phép. Do vậy, bên cạnh việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức thì Luật sư còn phải tận tâm với công việc, tức là làm việc hết mình, dành thời gian để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ pháp lí cho khách hàng.
Thứ hai, Luật sư không thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Quy tắc 9 Bộ Quy tắc quy định cụ thể những hành vi Luật sư không được thực hiện trong quan hệ với với khách, quy định này nhằm bảo quan hệ bình đẳng, lành mạnh giữa Luật sư và khách hàng; bảo vệ bình đẳng xã hội, bảo vệ các giá trị chuẩn mực, vinh dự, uy tín của nghề Luật sư; đồng thời ngăn ngừa Luật sư lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi, xâm hại các quyền lợi hợp pháp, chính đáng đối với khách hàng.
Nghề Luật sư mang sứ mệnh lớn lao “bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan”, “góp phần bảo vệ công lý, công bằng”. Chính vì vậy, Luật sư phải đảm bảo rằng họ không chỉ đại diện cho khách hàng mà còn đóng vai trò là người bảo vệ công lý và đảm bảo rằng quyền lợi của tất cả mọi người được bảo vệ. Quy tắc này đặt ra các nội dung Luật sư không được làm. Bởi thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp Luật sư vi phạm nghiêm trọng đạo đức hành nghề như Luật sư sử dụng tiền, tài sản mà mình nhận quản lý cho khách hàng với mục đích riêng, không đúng như đã thỏa thuận. Hay việc luật sư nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để nhằm mục đích thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng. Hay việc Luật sư lợi dụng những thông tin từ vụ việc của khách hàng để khai thác, trục lợi gây ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất, tinh thần của khách hàng. Đó đều là những hành vi phản bội lại niềm tin, kỳ vọng mà khách hàng dành cho Luật sư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của nghề luật sư.
Chính vì vậy, nếu Luật sư thực hiện một trong những hành vi đã nêu tại quy tắc này, có thể Luật sư sẽ đối mặt với chế tài nặng nhất là bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư.
Thứ ba, không phải trường hợp nào Luật sư cũng được nhận vụ việc mặc dù được khách hàng yêu cầu.
Trong khi Quy tắc 9 là quy tắc về những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng, tức những người sẽ hoặc đã trở thành khách hàng của Luật sư thì Quy tắc 11 đề cập đến trường hợp Luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng mặc dù được khách hàng mời cung cấp dịch vụ. Đây có thể là trường hợp vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15.
Để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc hành nghề Luật sư, Quy tắc 11 nêu trên đã quy định Luật sư phải từ chối tiếp nhận những vụ việc trong những trường hợp mà nếu Luật sư nhận vụ việc đó thì có khả năng xâm hại quyền lợi khách hàng, xâm hại lợi ích công cộng, thiếu tính độc lập, khách quan trong việc thực hiện vụ việc, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Thứ tư, Luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không và nếu đã nhận vụ việc cần nhanh chóng bắt tay thực hiện công việc cho khách hàng.
Quy tắc 10.1 Bộ Quy tắc quy định: “Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, Luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không”.
Quy tắc đòi hỏi Luật sư khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, trên cơ sở xem xét, nhận diện chính xác các yêu cầu của khách hàng, cần giải thích cho họ biết khả năng của Luật sư và những giới hạn trách nhiệm để tránh sự lầm tưởng là Luật sư có thể giải quyết mọi vấn đề. Việc nhanh chóng phản hồi cho khách hàng biết việc Luật sư có có nhận hay không nhận vụ việc của khách hàng đảm bảo quyền có Luật sư của khách hàng vì nếu Luật sư trả lời không nhận vụ việc, khách hàng có thể lựa chọn Luật sư khác; việc nhanh chóng trả lời khách hàng sẽ không đẩy khách hàng vào tình huống có thể hết thời hạn, thời hiệu,…
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc phản hồi nhanh chóng có thể dẫn đến việc đưa ra quyết định vội vàng hoặc bỏ sót một số thông tin quan trọng. Vì vậy, Luật sư cần nghiên cứu, xem xét cẩn trọng trên cơ sở đủ thời gian nghiên cứu, đánh giá vụ việc, sau đó trả lời dứt khoát với khách hàng là có tiếp nhận hay không. Và nếu tiếp nhận thì cần nhanh chóng kí hợp đồng và thực hiện công việc theo hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý đã ký đó.
Thứ năm, Luật sư không được phân biệt đối xử khi tiếp xúc, nhận vụ việc của khách hàng.
Quy tắc 10.2 quy định: “Luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khoẻ, khuyết tật, tình trạng tài sản của khách hàng khi tiếp nhận vụ việc”.
Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội (Điều 16). Luật sư với sứ mệnh bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ công lý thì không được phép phân biệt đối xử khi tiếp xúc với khách hàng. Luật sư phải tôn trọng các khách hàng tới với mình và đối xử công bằng với họ. Điều này đảm bảo tính bình đẳng trong quá trình tiếp nhận vụ việc và tránh những phân biệt đối xử không đúng đắn. Việc tuân thủ quy định này cũng giúp đưa ra một thông điệp tích cực về tính công bằng và đạo đức của ngành luật.
Thứ sáu, Luật sư có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý.
Khi có khách hàng đến mời Luật sư cung cấp dịch vụ có thu phí, Luật sư cũng phải tìm hiểu và giải thích rõ về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí nếu họ thuộc đối tượng trợ giúp. Nội dung này được được quy định tại Quy tắc 10.2: “Trường hợp biết khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lí miễn phí thì Luật sư thông báo cho họ biết”.
Thứ bảy, Luật sư không phải là người làm được tất cả mọi việc.
Quy tắc 10.3 quy định: “Luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng”.
Nghề Luật sư là một nghề nghiệp được thực hiện bởi các Luật sư - những người được đào tạo đặc biệt để có trình độ pháp lý, kỹ năng pháp lý và đạo đức nghề luật thích hợp. Tuy nhiên, không phải Luật sư nào cũng có khả năng và trình độ chuyên môn trong tất cả các phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý. Vì vậy, khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng yêu cầu, Luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, chuyên môn của mình. Điều này giúp Luật sư tập trung vào các lĩnh vực mà mình có chuyên môn và kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cho vụ việc được yêu cầu. Việc tuân thủ quy định này cũng giúp tránh những rủi ro về tính chuyên môn và pháp lý khi thực hiện các vụ việc.
Trong môi trường hành nghề Luật sư hiện đại đòi hỏi người Luật sư làm việc dựa trên kỹ năng tư duy chứ không dựa trên sức khoẻ cơ bắp. Luật sư cần phải biết cách vận dụng những tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân vào công việc mình làm để mang lại kết quả tốt nhất cho khách hàng. Và khi thực hiện nghĩa vụ của mình bất kể với tư cách là cố vấn, tư vấn, đàm phán hoặc bào chữa, Luật sư phải thể hiện một trình độ hoặc kỹ năng nhất định. Một Luật sư không nên hành nghề ở những lĩnh vực mà mình không đủ năng lực, Luật sư phải có lòng tự trọng nghề nghiệp. Luật sư không được xử lý vấn đề pháp lý mà Luật sư biết hoặc phải biết rằng mình không đủ khả năng; xử lý một vấn đề pháp lý thiếu sự chuẩn bị đầu đủ trong các trường hợp cụ thể. Luật sư không được tư vấn cho khách hàng tham gia hoặc thực hiện những hành vi mà Luật sư biết là vi phạm hoặc gian trá.
Tuy nhiên, Luật sư có thể thảo luận về hậu quả pháp lý của hành vi mà khách hàng định thực hiện và có thể tư vấn hoặc giúp đỡ khách hàng xác định hiệu lực pháp lý, phạm vi, phương thức hoặc luật áp dụng. Nếu Luật sư biết rằng khách hàng chờ đợi ở Luật sư một sự giúp đỡ để làm một việc bất hợp pháp, Luật sư phải nói rõ cho khách hàng giới hạn đạo đức mà nghề luật cho phép.
Thứ tám, Luật sư phải giải thích rõ cho khách hàng về các nội dung có liên quan.
Quy tắc 10.4 quy định: “Luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với Luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với Luật sư”.
Mối quan hệ giữa Luật sư và khách hàng là mối quan hệ bình đẳng và hai bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Và khi tiếp xúc với khách hàng, để cân nhắc quyết định tiếp nhận vụ việc hay không, bên cạnh trách nhiệm, nghĩa vụ của Luật sư, việc giải thích cho khách hàng biết quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với Luật sư có ý nghĩa rất quan trọng bởi điều này giúp khách hàng hiểu rõ hơn về quá trình tiếp nhận và xử lý vụ việc, cũng như giúp Luật sư đối phó với những khiếu nại có thể xảy ra trong quá trình làm việc. Việc giải thích đầy đủ và rõ ràng cũng giúp tăng tính minh bạch và tin cậy trong quan hệ giữa khách hàng và Luật sư.
Trong thực tế hiện nay, có rất nhiều trường hợp khách hàng đến tìm Luật sư và đưa ra những yêu cầu không hợp pháp, trái quy định pháp luật, đạo đức hoặc vượt quá khả năng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của Luật sư. Trong trường hợp này, Luật sư có trách nhiệm giải thích pháp luật cho khách hàng, giúp khách hàng hiểu được những yêu cầu chưa hợp pháp, định hướng cho khách hàng có những ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật. Luật sư không được vì những lợi ích vật chất, tinh thần mà làm tiếp nhận những yêu cầu trái pháp luật, đạo đức của khách hàng. Dù khách hàng luôn được coi là “thượng đế” nhưng không phải yêu cầu nào của khách hàng Luật sư cũng đều phải có nghĩa vụ tiếp nhận và bảo vệ quyền lợi bởi nếu làm theo mọi yêu cầu đó thì Luật sư có thể vi phạm pháp luật, vi phạm các quy tắc của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư.
Ngoài việc phải có trách nhiệm giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với Luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lí thì Luật sư cũng phải giải thích cho khách hàng biết về quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với Luật sư để trong trường hợp nếu Luật sư thực hiện không đúng, không đủ theo hợp đồng dịch vụ pháp lý thì khách hàng có thể bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ chín, Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng phải có hợp đồng theo quy định.
Quy tắc 10.5 quy định: “Khi nhận vụ việc của khách hàng, Luật sư phải kí kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật”.
Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thoả thuận giữa tổ chức hành nghề luật sư hoặc Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và khách hàng của mình, theo đó tổ chức hành nghề Luật sư/Luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng và khách hàng phải trả phí dịch vụ theo thoả thuận. Hợp đồng dịch vụ pháp lý chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Như vậy, khác với những hợp đồng dịch vụ khác, bên cung cấp dịch vụ phải là tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng Luật sư hoặc công ty luật) hoặc Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; đối tượng của hợp đồng này là các dịch vụ pháp lý bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Và theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được lập thành văn bản và có những nội dung chính như sau: Thông tin của các bên; nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có); trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp. Khi tiếp nhận vụ việc theo yêu cầu của khách hàng hai bên phải kí hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức. Nếu Luật sư không ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng mà tiến hành các công việc theo yêu cầu của khách hàng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính – phạt tiền theo điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Lưu ý, nội dung hợp đồng dịch vụ pháp lý càng chi tiết, cụ thể, tường minh thì càng bảo vệ tốt quyền và lợi ích của hai bên (Luật sư/ tổ chức hành nghề Luật sư – khách hàng) bởi hợp đồng là một trong những căn cứ pháp lí quan trọng chứng minh việc thực đúng quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng. Đồng thời, hợp đồng dịch vụ pháp lý cũng là cơ sở bảo vệ tối ưu đối với Luật sư/ tổ chức hành nghề Luật sư. Thực tế hiện nay, có rất nhiều tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dịch vụ pháp lý. Vì vậy, để tránh mâu thuẫn, cũng như tranh chấp, Luật sư cần thực hiện tốt quy tắc này trong việc tiếp nhận vụ việc của khách hàng.
Tóm lại, việc tiếp nhận vụ việc của khách hàng là một quá trình đòi hỏi Luật sư cần tuân thủ các quy định về tiếp nhận vụ việc, tính chính xác và đầy đủ khi phản hồi với khách hàng, sự bình đẳng và công bằng trong quá trình tiếp nhận vụ việc và chỉ nhận vụ việc đúng với khả năng chuyên môn của mình, giải thích đầy đủ và rõ ràng cho khách hàng biết về quyền và nghĩa vụ của mình, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, bảo vệ thông tin khách hàng, đưa ra lời khuyên và giải pháp hợp lý, và tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của mình. Và làm được như vậy, Luật sư và nghề Luật sư mới được xã hội tôn vinh.
TẬP THỂ LỚP C9, K25.2
Khoá Đào tạo nghề Luật sư
Luật sư có được quyền cam kết bảo đảm kết quả vụ việc với khách hàng?