/ Pháp luật bốn phương
/ Nhật Bản sửa luật để khuyến khích nam giới nghỉ phép chăm vợ sinh con

Nhật Bản sửa luật để khuyến khích nam giới nghỉ phép chăm vợ sinh con

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo luật sửa đổi vừa được Hạ viện thông qua, trong vòng 08 tuần kể từ khi vợ sinh con, nam giới Nhật Bản được phép đăng ký nghỉ phép tối đa 04 tuần để chăm sóc gia đình.

Ảnh minh họa. Ảnh: Kyodo.

Tại Tokyo, tại phiên họp toàn thể ngày 03/6, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua sửa đổi Luật Nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó khuyến khích nam giới nghỉ phép tối đa 04 tuần để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con.

Cụ thể, trong vòng 08 tuần kể từ khi vợ sinh con, nam giới Nhật Bản được phép đăng ký nghỉ phép tối đa 04 tuần để chăm sóc gia đình.

Các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tạo điều kiện tốt nhất giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và gia đình.

Thời điểm đăng ký nghỉ phép với nơi làm việc là trong khoảng thời gian 01 tháng hoặc 02 tuần trước ngày vợ dự kiến sinh và có thể chia thời gian nghỉ phép thành 02 đợt.

Về chế độ tiền lương, nam giới nghỉ phép để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con sẽ được hưởng 67% lương trong thời gian nghỉ, do bảo hiểm chi trả.

Luật cũng khuyến khích các doanh nghiệp linh hoạt bố trí thời gian làm việc của nhân viên nghỉ việc tạm thời để chăm sóc vợ con cũng như sắp xếp nhân sự làm thay.

Ngoài ra, luật cũng quy định doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 nhân viên phải công bố số liệu về tỷ lệ nhân viên nam giới nghỉ phép chăm sóc gia đình khi vợ sinh con.

Quy định này áp dụng từ tháng 04/2023, số liệu được công bố mỗi năm một lần.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỈ lệ nam giới nghỉ việc chăm sóc gia đình trong khu vực kinh tế tư nhân chỉ ở mức 7,48%.

Sửa đổi luật lần này không chỉ khuyến khích mà còn ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở sử dụng lao động và chính các lao động nam giới ở Nhật Bản phải chia sẻ công việc chăm sóc gia đình khi vợ sinh con và gắn kết tình cảm giữa các thành viên.

Luật sửa đổi dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2022.

PHẠM TUÂN/TTXVN

Mỹ ban hành Đạo luật về 'Tội ác thù hận Covid-19'

Lê Minh Hoàng