Thủ tục rút gọn được áp dụng để giải quyết các vụ án hình sự khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc quy định thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự là nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, đẩy nhanh việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án ít nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, hành vi phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, chứng cứ rõ ràng. Mục đích của việc áp dụng thủ tục rút gọn là giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật, tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của cơ quan tiến hành tố tụng.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định thủ tục rút gọn tại chương XXXI từ Điều 455 đến Điều 465, theo đó Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án khi có đầy đủ 4 điều kiện quy định tại Điều 456 BLTTHS. Thực tế số vụ án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết còn ít, nguyên nhân do số lượng vụ án, công việc của các cơ quan tiến hành tố tụng nhiều, phức tạp cần tập trung nhân lực và thời gian để giải quyết. Trong khi áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án thời gian ngắn, không thể gia hạn được nên khó hoàn thành trong thời gian luật định. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng thường chọn giải quyết vụ án theo thủ tục chung để chủ động về mặt thời gian, lại không vi phạm thời hạn giải quyết vụ án.
Ảnh minh họa.
1. Một số vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn
BLTTHS năm 2015 quy định thủ tục rút gọn cụ thể, rõ ràng hơn so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để thực hiện thống nhất.
Thứ nhất, Điều 456 BLTTHS năm 2015 quy định để áp dụng thủ tục rút gọn phải đáp ứng được 4 điều kiện đó là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng; nếu không đáp ứng đủ bốn điều kiện nêu trên thì không được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà phải giải quyết theo thủ tụng chung, kể cả trường hợp người phạm tội đầu thú. Quy định trên dẫn đến một số vụ án sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc là tội phạm nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp phạm tội đơn giản, người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, tuy nhiên người phạm tội đầu thú không thuộc trường hợp quy định các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng thủ tục rút gọn.
Thứ hai, việc hiểu như thế nào là “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”, phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và đây là quy định tùy nghi, nên nhận thức và áp dụng hai điều kiện này chưa thống nhất, còn có quan điểm áp dụng khác nhau, dẫn đến có những vụ án nội dung, tính chất tương tự nhau, nhưng có trường hợp áp dụng, có trường hợp lại không áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
Ví dụ: Bị can Nguyễn Văn A. phạm tội "Trộm cắp tài sản" theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015, bị can A. phạm tội quả tang, có nơi cư trú rõ ràng, chứng cứ rõ ràng, phạm tội ít nghiêm trọng. Nhưng về nhân thân bị can A. có 1 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản", 1 tiền sự về hành vi đánh bạc cần phải xác minh thu thập tài liệu để xác định bị can A. thuộc trường hợp tái phạm hay không tái phạm. Với vụ án này, thời gian tiến hành các thủ tục điều tra, xác minh thu thập chứng cứ, nhân thân mất nhiều thời gian. Vậy vụ án trên có thuộc trường hợp: Phạm tội đơn giản - lý lịch rõ ràng hay không? Có áp dụng thủ tục rút gọn được không?
Thứ ba, thời hạn ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Khoản 1 Điều 457 BLTTHS quy định: ‘‘Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn’’, quy định này có những quan điểm, cách hiểu khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày khởi tố vụ án đối với Cơ quan điều tra, 24 giờ kể từ ngày nhận được đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án đối với Viện Kiểm sát, 24 giờ kể từ ngày thụ lý vụ án đối với Tòa án thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn nếu xét thấy có đủ điều kiện để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 BLTTHS được hiểu là đến ngày thứ 20 đối với giai đoạn điều tra, ngày thứ 5 đối với giai đoạn truy tố, ngày thứ 10 đối với giai đoạn xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án miễn là đảm bảo thời gian, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quan điểm của tác giả: Nếu xét thấy vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 24 giờ sau khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Cơ quan điều tra phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Đối với Viện Kiểm sát thời hạn 24 giờ kể từ ngày nhận quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án phải ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn.
Đối với Tòa án thời hạn 24 giờ kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án phải ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn. Bởi thủ tục rút gọn được áp dụng xuyên suốt từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, có thể giai đoạn điều tra không áp dụng thủ tục rút gọn nhưng đến giai đoạn truy tố, xét xử, Viện Kiểm sát, Tòa án xét thấy đủ điều kiện để áp dụng thì ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày nhận được quyết định truy tố, thụ lý hồ sơ vụ án vì còn liên quan đến áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo quy định tại Điều 459 BLTTHS thời hạn tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Thứ tư, trách nhiệm về việc không áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án khi có đủ điều kiện.
Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án khi có đầy đủ 4 điều kiện quy định tại Điều 456 BLTTHS nhưng hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định trách nhiệm về việc không áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án khi có đủ điều kiện theo quy định. Do đó việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án hình sự trở thành lựa chọn tùy nghi, có thể áp dụng hoặc không áp dụng.
Thứ năm, trường hợp Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn ra quyết định “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” thì Viện Kiểm sát hay Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn?
Điều 458 BLTTHS quy định: ‘‘Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung’’. Vậy trường hợp Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn ra quyết định “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” thì Viện Kiểm sát hay Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn?
Có quan điểm cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn được áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố do đó nếu Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện Kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và tiến hành điều tra bổ sung theo thủ tục chung.
Quan điểm của tác giả: Trong thời hạn 10 ngày, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án Tòa án xét thấy cần phải trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung thì trước khi ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Bởi vì, khi trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát điều tra bổ sung cũng có thể Viện Kiểm sát chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án. Nếu Viện Kiểm sát cho rằng quyết định trả hồ sơ của Tòa án là không có căn cứ, không chấp nhận và giao lại hồ sơ cho Tòa án, Tòa án sau khi nhận lại hồ sơ vụ án sẽ giải quyết, xét xử theo thủ tục chung. Điều 277 BLTTHS quy định rõ: Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải đưa vụ án ra xét xử. Do đó, trước khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn chứ không phải Viện Kiểm sát ra quyết định.
Thứ sáu, Tòa án không thể mở phiên tòa trong thời hạn 7 ngày vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.
Tòa án xét xử vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Như vậy, quy định này bắt buộc trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án mà không được kéo dài thời hạn mở phiên tòa như xét xử theo thủ tục chung. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan Tòa án không thể mở phiên tòa trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử. Ví dụ, vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp Tòa án không thể mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 7 ngày. Trường hợp này giải quyết như thế nào?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ra quyết định hoãn phiên tòa chờ tình hình dịch bệnh ổn định rồi mới tiếp tục giải quyết, xét xử vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể xét xử vụ án trong thời hạn 7 ngày, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, để giải quyết vụ án theo thủ tục chung, rồi ra quyết định hoãn phiên tòa, chờ tình hình dịch bệnh ổn định mới tiếp tục giải quyết vụ án.
Quan điểm của tác giả: Đồng tình với quan điểm thứ hai, trường hợp này Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng xét xử theo thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án theo thủ tục chung, sau đó ra quyết định hoãn phiên tòa chờ tình hình dịch bệnh ổn định rồi mới tiếp tục giải quyết vụ án. Bởi vì, BLTTHS năm 2015 không quy định xét xử theo thủ tục rút gọn được gia hạn thời gian xét xử vụ án và hoãn phiên tòa, đây là vướng mắc trên thực tế cần được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để áp dụng thống nhất.
Thứ bảy, thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn.
BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án hình sự được xét xử theo thủ tục rút gọn nên việc áp dụng chưa thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Bởi vì khoản 1 Điều 463 BLTTHS quy định: ‘‘phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành’’ và khoản 1 Điều 329 BLTTHS quy định rõ: ‘‘trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4, 5 Điều 328 của Bộ luật này’’. Do đó, trường hợp Hội đồng xét xử do một Thẩm phán tiến hành thì Thẩm phán đó có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bởi vì căn cứ, thẩm quyền, thủ tục tạm giữ, tạm giam theo thủ tục rút gọn được thực hiện theo quy định của BLTTHS và khoản 1 Điều 278 BLTTHS đã quy định: ‘‘sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định’’. Toà án xét xử theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành và không tiến hành nghị án nên không được xem là Hội đồng xét xử. Do đó, xét xử theo thủ tục rút gọn Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không có thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những vướng mắc đã nêu trên, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện triệt để, thống nhất thủ tục rút gọn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung thêm điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn đầu thú vào luật, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 thành: “Người phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó đầu thú, tự thú’’ để áp dụng thủ tục rút gọn cho trường hợp người phạm tội đầu thú, đáp ứng đủ các điều kiện còn lại của Điều 456 BLTTHS. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp người phạm tội đầu thú , đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nhưng vụ án lại không được giải quyết theo thủ tục rút gọn vì không đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 456 BLTTHS.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể các điều kiện: “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” quy định tại điểm b và d khoản 1 Điều 456 BLTTHS. Hướng dẫn trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan Tòa án không thể mở phiên tòa trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc bổ sung căn cứ hoãn phiên tòa tại khoản 1 Điều 297 BLTTHS: ‘‘Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:…đ) Do sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan’’.
Thứ ba, hướng dẫn trường hợp Thẩm phán được phân công xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn ra quyết định “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” thì Viện Kiểm sát hay Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Hướng dẫn thời hạn phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hướng dẫn thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn.
Thứ tư, thực tiễn cho thấy chưa có cơ quan tiến hành tố tụng nào bị nhắc nhỡ hoặc xử lý trách nhiệm cá nhân về việc không áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết án khi có đủ điều kiện. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần quy định xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện. Đưa tiêu chí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn vào tiêu chí thi đua, cũng như xem xét tái bổ nhiệm lại các chức danh, có như vậy mới nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tinh thần trách nhiệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.
Thứ năm, lãnh đạo, chỉ huy Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp cần quán triệt và nâng cao nhận thức cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán về mục đích và ý nghĩa của việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án hình sự. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, thủ tục rút gọn là một dạng đặc biệt của thủ tục tố tụng hình sự, trong đó có sự giản lược một số khâu, một số thủ tục không cần thiết trong việc điều tra, truy tố, xét xử làm cho việc xử lý vụ án nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, áp dụng thủ tục rút gọn yêu cầu phải tuân thủ các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; việc điều tra, truy tố, xét xử phải vô tư, khách quan; đảm bảo quyền bào chữa, quyền con người, quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.
Tài liệu tham khảo: 1. Hoàng Thị Minh Sơn (chủ biên), Giáo trình Luật tố tụng hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2017. 2. Lê Văn Quang, ‘‘Một số vướng mắc về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự’’, Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân, ngày 05/11/2020. 3. Nguyễn Duy Soạn, ‘‘Thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS năm 2015’’, trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ngày 07/9/2020. 4. Nguyễn Văn Anh, ‘‘Vướng mắc về thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm trong vụ án hình sự giải quyết theo thủ tục rút gọn’’ trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ngày 24/8/2020. 5. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân, ‘‘Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự’’, Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân, ngày 25/11/2019. |
Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA
NGUYỄN BÁ CƯỜNG
Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5
Bàn về việc áp dụng tội danh ‘Mua bán trái phép chất ma túy’ theo quy định hiện hành