/ Trao đổi - Ý kiến
/ Những vướng mắc khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam

Những vướng mắc khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam

01/04/2021 16:20 |

(LSVN) - Các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) trong đó có biện pháp tạm giam đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bám sát tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, nhằm bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm vừa gắn với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất đối với bị can, bị cáo sau khi đã có quyết định khởi tố bị can. Việc tạm giam bị can, bị cáo cần phải tuân thủ các thủ tục chặt chẽ các quy định về căn cứ tạm giam, thời hạn tạm giam và thẩm quyền tạm giam theo quy định của BLTTHS. Trong thực tiễn việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong trường hợp chuyển sang khoản khác nặng hơn hoặc nhẹ hơn trong cùng một tội danh, điều luật gặp một số vướng mắc, bất cập gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bài viết tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật khi áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp chuyển sang khoản khác nặng hơn hoặc nhẹ hơn trong cùng một tội danh, điều luật, một số vướng mắc bất cập và kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8, khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19 tháng 10 năm 2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS, có quy định rõ trường hợp trong quá trình điều tra xác định hành vi phạm tội của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố có thể theo khoản nặng hơn hoặc nhẹ hơn thì không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự và không thay đổi quyết định khởi tố bị can.

Thời hạn tố tụng trong trường hợp không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự và không thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn trong cùng một điều luật được quy định như sau:

 “Trường hợp đang điều tra vụ án mà xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật, và trường hợp quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội nặng hơn ở điều luật khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng hơn nhưng phải trừ thời hạn đã điều tra, tạm giam trước đó.

Trường hợp thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nặng hơn sang tội nhẹ hơn hoặc xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng tội danh, thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam được tính theo tội nhẹ hơn. Ngay sau khi thay đổi quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát để xem xét, quyết định về việc áp dụng hoặc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can phù hợp với tội nhẹ hơn”, (Điều 14 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cụ thể như sau: 

Thứ nhất, trong cùng một văn bản hướng dẫn là Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP có những quy định mâu thuẫn nhau, cụ thể tại khoản 4 Điều 9 có quy định rõ khi xác định hành vi của bị can phạm vào khoản khác (có thể tội nhẹ hơn hoặc tội nặng hơn) trong cùng một tội danh, điều luật thì không thay đổi quyết định khởi tố bị can. Trong khi tại khoản 4 Điều 14 lại quy định trường hợp xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng tội danh…, ngay sau khi thay đổi quyết định khởi tố bị can. Như vậy, đối với trường hợp xác định hành vi của bị can phạm vào khoản khác trong cùng một tội danh, điều luật có hay không thay đổi quyết định khởi tố bị can trước khi áp dụng thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong đó có biện pháp tạm giam. Cùng một nội dung có hai quy định đối lập nhau gây không ít khó khăn trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Thứ hai, cách tính thời hạn tạm giam khi xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng hơn, nhưng phải trừ thời hạn đã điều tra, tạm giam trước đó. Quy định này thực hiện như thế nào đối với trường bị can đang được gia hạn tạm giam lần 1 đối với tội ít nghiêm trọng sắp hết thời hạn tạm giam thì xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng trong cùng một tội danh và không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam để áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Việc tạm giam đối với bị can thực hiện như thế nào Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP không hướng dẫn chi tiết trường hợp này. Trường hợp này, ra lệnh tạm giam mới hay tiếp tục gia hạn tạm giam đối với bị can?. Nếu ra lệnh tạm giam mới không hợp lý ở chỗ bị can đã được gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội ít nghiêm trọng nên không thể ra Lệnh tạm giam mới; còn nếu tiếp tục gia hạn tạm giam lại không hợp lý ở chỗ theo quy định tại Điều 173 BLTTHS đối với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng chỉ được gia hạn tạm giam duy nhất một lần mà bị can đã được gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội ít nghiêm trọng nếu tiếp tục gia hạn có thể coi lần gia hạn này là lần gia hạn thứ hai không?. Nếu là gia hạn lần thứ hai không phù hợp quy định tại Điều 173 BLTTHS.

Thứ ba, chưa có biểu mẫu tố tụng về tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố áp dụng cụ thể trong trường hợp này cũng gây không ít khó khăn cho quá trình ban hành văn bản tố tụng về tạm giam trong thực tiễn.

Những vướng mắc, bất cập ở trên làm cho các quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19 tháng 10 năm 2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS khó áp dụng trên thực tế trong quá trình điều tra, truy tố, vụ án hình sự. Do đó, Liên ngành Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn áp dụng để thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc nêu trên.

HOÀNG NGUYÊN THẮNG

Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1

Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài có thể bị phạt đến 15 triệu đồng

Lê Minh Hoàng