/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Những nội dung cơ bản cần lưu ý của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014

Những nội dung cơ bản cần lưu ý của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014

16/10/2022 15:35 |

(LSVN) - Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, bản án, quyết định của Toà án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án được thi hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Ảnh minh họa.

Mục đích sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự trên cơ sở các quan điểm sau:

- Tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý công tác thi hành án dân sự theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án và Ủy ban nhân dân  trong công tác thi hành án dân sự; 

- Bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; 

- Có tính đến những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn trong các luật, bộ luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; 

- Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã được Bộ Chính trị kết luận, những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, đã được nghiên cứu rõ về lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp.

Với các quan điểm nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Luật sửa đổi, bổ sung 55/183 điều so với Luật hiện hành, trong đó bổ sung 03 điều; sửa đổi, bổ sung 44 điều, bãi bỏ 06 điều và bãi bỏ một phần của 02 điều (Điều 32, 33, 34, 51, 138 và 139, điểm b khoản 1 Điều 163, các khoản 3 và 4 Điều 179 của Luật Thi hành án dân sự hiện hành). 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung) có những nội dung cơ bản, cần lưu ý sau đây:

1. Quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự

Để tạo cơ sở pháp lý tốt hơn bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013, Luật sửa đổi, bổ sung có 03 điều (Điều 7, 7a và 7b) quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự. Theo đó, quy định cụ thể, quyền nghĩa vụ của từng chủ thể:

1.1. Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án

Điều 7 của Luật Thi hành án dân sự 2008 về quyền yêu cầu thi hành án, đã được sửa đổi thành điều luật quy định về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án. Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung được thiết kế để quy định về những quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất của người được thi hành án, bên cạnh những quyền, nghĩa vụ cụ thể khác được quy định tại các điều luật liên quan xuyên suốt quá trình tổ chức thi hành án dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện, do đó, điều luật được thiết kế với sự phân định rõ ràng giữa quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án. Trong các quyền của người được thi hành án, Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về quyền yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; được thông báo về thi hành án; thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; được ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác. 

Một quyền rất mới mà Luật sửa đổi, bổ sung cho đương sự, đó là quyền được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Quy định này phù hợp với quy định hiện hành về thay đổi người tiến hành tố tụng trong các thủ tục tố tụng, đảm bảo sự khách quan trong tổ chức thi hành án dân sự, tạo niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động thi hành án dân sự. 

Đặc biệt, Luật đã sửa đổi một cách căn bản quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được thi hành án trong việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án đã được pháp luật công nhận, bỏ nghĩa vụ của người được thi hành án trong việc phải chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, bỏ nghĩa vụ của người yêu cầu thi hành án phải nộp chi phí xác minh. 

Từ nghĩa vụ xác minh, quy định chuyển hóa thành quyền của người được thi hành án trong việc cho phép họ được tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp cho cơ quan thi hành án thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án, trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và các trường hợp khác theo quy định thì người được thi hành án còn được miễn, giảm phí thi hành án. Luật đã quy định bổ sung quyền của người được thi hành án trong việc yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án. Đây là quyền quan trọng để tạo điều kiện cho người được thi hành án bảo vệ kịp thời và đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp mà bản án, quyết định đã ghi nhận. 

Người được thi hành án có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định; thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định.

1.2. Quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án

Luật đã bổ sung mới Điều 7a về quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án. Bên cạnh các quyền của người phải thi hành án, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung điểm quan trọng là quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Đây là quy định mới, vừa khuyến khích sự tự nguyện thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, ràng buộc trách nhiệm của người phải thi hành án đối với nghĩa vụ thi hành án, vừa giảm tải trách nhiệm của Chấp hành viên, chi phí của nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người được thi hành án. Bổ sung quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú.

1.3. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan

Với việc bổ sung mới Điều 7b về quyền, nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, Luật sửa đổi, bổ sung đã làm rõ các quyền của người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án giữa các bên đương sự, giúp cho họ kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự. Luật sửa đổi, bổ sung cũng khẳng định người có quyền, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự

Khoản 7 Điều 14 sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh: Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án nhân dân về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.

Khoản 2 Điều 15 sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo Tòa án quân sự về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.

Khoản 7 Điều 16 sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện: Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.

3. Thủ tục thi hành án dân sự

3.1. Chuyển giao bản án, quyết định

Điều 28 bổ sung trách nhiệm của Trọng tài thương mại phải chuyển giao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định. Mặt khác, quy định cụ thể hơn thời hạn Tòa án, Trọng tài phải chuyển giao bản án, quyết định theo đó:

Toà án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Toà án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.

Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.

3.2. Thủ tục nhận bản án, quyết định

Quy định cụ thể về cách thức khi nhận bản án, quyết định do Toà án, Trọng tài thương mại chuyển giao, cơ quan Thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định. Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên; trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Toà án đã chuyển giao biết.

3.3. Tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án 

Gộp các Điều 31, 32, 33 và 34 thành 01 điều (Điều 31). Thay đổi quy định “đơn yêu cầu thi hành án” bằng thuật ngữ có ý nghĩa chung hơn “yêu cầu thi hành án” để thể hiện việc yêu cầu thi hành án không chỉ bằng đơn mà còn bằng hình thức khác và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế không bắt buộc chỉ bằng đơn yêu cầu thi hành án.

Quy định rõ hơn về tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án thay cho tiếp nhận, từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án.

Không bắt buộc yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Quy định trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung cụ thể; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.

Quy định khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ tiếp nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thay cho việc cấp giấy xác nhận đã nhận đơn như trước đây.

3.4. Ra quyết định thi hành án

Có những nội dung sửa đổi, bổ sung: Thay đổi quy định về ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu chuyển lên trước quy định về chủ động ra quyết định thi hành án nhằm đáp ứng yêu cầu tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Bổ sung một số loại việc chủ động thi hành án để bảo đảm lợi ích Nhà nước, gồm: Lệ phí Tòa án; các khoản thu khác cho Nhà nước; quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Quy định rõ hơn thời hạn ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với một số trường hợp cụ thể. Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên, chức vụ của người ra quyết định; số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành bản án, quyết định; tên, địa chỉ của người phải thi hành án, người được thi hành; phần nghĩa vụ phải thi hành án; thời hạn tự nguyện thi hành án.

3.5. Gửi quyết định về thi hành án

Quy định rõ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

3.6. Xác minh điều kiện thi hành án

Vấn đề này có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung: Chuyển trách nhiệm xác minh của người phải thi hành án thành trách nhiệm của Nhà nước. Xác định rõ thời hạn Chấp hành viên phải tiến hành xác minh: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.

Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Bổ sung quy định mới: “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”. Cho phép cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án.

Quy định khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm cụ thể như: Xuất trình thẻ Chấp hành viên; lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh thay cho phải 03 chữ ký như trước đây.

Quy định người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự. Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát.

Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án phải cung cấp thông tin cho Chấp hành viên, người được thi hành trong thời hạn nhất định và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin:

Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

3.7. Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án

Đây là quy định hoàn toàn mới so với pháp luật hiện hành. Luật sửa đổi, bổ sung quy định thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành.

Quy định mới này nhằm nhắc nhở người phải thi hành án cân nhắc, lựa chọn biện pháp tự nguyện thi hành án, hạn chế các trường hợp không chấp hành án, góp phần giảm chi phí, thời gian của Chấp hành viên và người được thi hành án trong việc tổ chức thi hành án; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người phải thi hành án đối với việc chấp hành pháp luật để tiếp tục giữ uy tín; từ đó, đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự, phù hợp với thông lệ quốc tế.

3.8. Thời hạn tự nguyện thi hành án

Nội dung này được sửa đổi theo hướng rút ngắn thời hạn tự nguyện thi hành án từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Quy định này nhằm hạn chế việc kéo dài thời hạn thi hành án.

Vấn đề tự nguyện thi hành án liên quan đến việc thi hành bản án Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, việc chấp hành nghĩa vụ án phí hình sự, thi hành án dân sự đối với các khoản nộp ngân sách Nhà nước khác (nếu có) mà người phải thi hành án thực hiện liên quan đến việc công nhận không có án tích (Xác nhận xóa án tích), khi người bị kết án chấp hành xong toàn bộ bản án (về hình sự, dân sự và án phí), để được công nhận xóa án tích (coi như chưa từng bị Tòa án kết án) phải có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự là người đó đã chấp hành xong về án phí và các vấn đề dân sự khác thì Trung tâm lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp mới có cơ sở xác nhận một người có được xóa án tích hay không. Nếu người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ về án phí hoặc các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo bản án đã tuyên thì người đó cũng chưa đủ điều kiện để công nhận xóa án tích mặc dù đã chấp hành xong bản án về hình sự, nhưng chưa chấp hành xong toàn bộ bản án (ví dụ chưa nộp án phí hình sự). 

Như vậy, khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án phải chủ động nộp hoặc nhờ người thân, gia đình thực hiện nộp án phí hình sự, các nghĩa vụ dân sự khác và có biên lai xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đã nộp tiền án phí, các nghĩa vụ dân sự đã tuyên trong bản án, để đảm bảo quyền lợi sau này khi họ chấp hành xong về hình phạt tù hoặc thời gian thử thách của án treo, đủ điều kiện về thời gian theo quy định của pháp luật mới được công nhận xóa án tích, nếu người bị kết án không thi hành đầy đủ về án phí, nghĩa vụ dân sự khác thì dù đã chấp hành xong hình phạt, đủ điều kiện về thời gian theo quy định cũng không được công nhận xóa án tích. 

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, ngày 01/7/2020 Nguyễn Văn A chấp hành xong hình phạt tù, đến ngày 02/7/2022 A làm đơn đề nghị Trung tâm Lý lịch tư pháp thuộc Sơ Tư pháp tỉnh B xác nhận xóa án tích, mặc dù A đủ điều kiện về thời gian để được công nhận xóa án tích nhưng khi kiểm tra A chưa thực hiện việc nộp án phí hình sự sơ thẩm nên A chưa được công nhận xóa án tích. A phải chấp hành xong toàn bộ bản án, cả về hình sự, dân sự, án phí mới đủ điều kiện để được công nhận xóa án tích, trường hợp này A phải nộp xong án phí hình sự sơ thẩm cho cơ quan thi hành án dân sự và thời hạn để được công nhận xóa án tích của A tính lại từ ngày A nộp xong án phí hình sự sơ thẩm, chứ không phải tính từ ngày A chấp hành xong hình phạt tù. 

3.9. Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án

Nội dung này có 03 vấn đề được sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Bổ sung khoản lệ phí Tòa án được thanh toán cùng với án phí Tòa án. Sửa đổi làm rõ hơn quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp bán tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể (khoản 3 Điều 47). 

Về nội dung, bổ sung quy định án phí, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này được thanh toán trước khoản tiền bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm của bản án, quyết định được thi hành đó. Ngược lại, trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản án phí, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.

3.10. Hoãn thi hành án

Luật sửa đổi, bổ sung các trường hợp hoãn thi hành án, cụ thể Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án; 

b) Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định; 

c) Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác; 

d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm; 

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 170 của Luật này; 

e) Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận; 

g) Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng; 

h) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.

3.11. Đình chỉ thi hành án

Sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 về đình chỉ thi hành án trong trường hợp đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự “không tiếp tục việc thi hành án”, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba bằng việc “đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”.

Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 50: “Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này”. Theo đó, bổ sung quy định không đình chỉ thi hành án trong trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

Sửa đổi điểm e khoản 1 Điều 50 theo hướng bỏ quy định đình chỉ thi hành án trong trường hợp có quyết định “giảm một phần nghĩa vụ thi hành án”. Vì vậy, theo khoản này thì đình chỉ thi hành án khi “có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án”.

Sửa đổi điểm h khoản 1 Điều 50 theo hướng bổ sung đình chỉ thi hành án trong trường hợp “người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên”.

3.12. Kết thúc thi hành án

Do bỏ trả đơn yêu cầu thi hành án, vì vậy cũng bỏ trường hợp đã có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, do đó, việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp: Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình và có quyết định đình chỉ thi hành án.

3.13. Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước

Khoản 1 Điều 61 sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định điều kiện chung mà người phải thi hành án có thể được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây: 

- Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình họ; 

- Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; 

- Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án; 

- Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng/lần.

Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì có thể được miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.

Người phải thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì có thể được miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại) chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm đối với mỗi bản án, quyết định. Quyết định thi hành án lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Thực tiễn việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước, các đương sự được xét hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên vẫn có trường hợp bị Tòa án bác đơn, không chấp nhận xét miễn, giảm đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước vì hồ sơ chưa đảm bảo, người chấp hành án chưa thi hành được một phần án phí, tiền phạt vì vậy không đủ điều kiện để Tòa án xét miễn, giảm khoản nộp ngân sách Nhà nước. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người chấp hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật và có yêu cầu thi hành án, người chấp hành án phải chủ động thực hiện nghĩa vụ nộp án phí hình sự, một phần án phí dân sự hoặc khoản nộp ngân sách Nhà nước để khi có đơn đề nghị, hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước (đủ điều kiện theo quy định) mới được Tòa án xem xét, giải quyết.

4. Các biện pháp bảo đảm thi hành án

4.1. Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Bổ sung biện pháp phong toả tài sản ở nơi gửi giữ. Bổ sung đối tượng “cá nhân” đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án” phải thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm. Bổ sung quy định về lập biên bản và thực hiện lập biên bản trước khi ra quyết định áp dụng phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. 

Sửa đổi nâng thời hạn từ 05 ngày lên 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này. Thời hạn này cũng phù hợp với thời hạn tự nguyện thi hành án được sửa đổi từ 15 ngày xuống 10 ngày, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

4.2. Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và bổ sung trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Bổ sung việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải bằng quyết định, cũng như cách thức thực hiện quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ.

Thay đổi quy định về xử lý quyết định tạm giữ theo hướng chuyển đổi thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc chấm dứt việc tạm giữ thành “trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.

4.3. Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản 

Điều 69 sửa đổi, bổ sung rõ hơn quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó. 

Bổ sung quy định Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản và yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật.

Thay đổi quy định về xử lý quyết định tạm dừng theo hướng chuyển đổi thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc chấm dứt việc tạm dừng thành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

5. Về cưỡng chế thi hành án dân sự

5.1. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án

Được sửa đổi, bổ sung Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong trường hợp cần huy động lực lượng chứ không phải trong bất kỳ trường hợp nào như trước đây và bổ sung kế hoạch cưỡng chế thi hành án phải có tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Mặt khác, bổ sung quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.

5.2. Chi phí cưỡng chế thi hành án

Điểm a Khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 73 được sửa đổi, bổ sung theo hướng người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án, chi phí này do ngân sách nhà nước trả.

5.3. Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án

Quy định rõ Chấp hành viên phải tự xác định phần tài sản chung của người phải thi hành án để xử lý. Trong trường hợp chưa xác định được quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản đó biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận, thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Toà án. Bổ sung và quy định rõ hơn về quyền của chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. 

5.4. Giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án

Điều 75 được sửa đổi, bổ sung những nội dung sau: Quy định về quyền khởi kiện của người tranh chấp, trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Toà án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này.  

Bổ sung quy định trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Bổ sung quy định trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung, tuyên bố giao dịch vô hiệu hủy các giấy tờ liên quan đến giao dịch quy định để thi hành án thì không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án.

5.5. Định giá lại tài sản kê biên

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 và bổ sung khoản 3 Điều 99  theo hướng: Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản. Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định.

5.6. Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án

Điều 103 bổ sung nội dung mới: Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. 

Việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thực hiện theo quy định tại các điều 114, 115,  116 và 117 của Luật này

5.7. Đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản

Quy định rõ hơn hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng gồm có quyết định kê biên tài sản, nếu có; văn bản bán đấu giá thành hoặc quyết định giao tài sản, biên bản giao nhận tài sản để thi hành án.

Bổ sung quy định trường hợp tài sản là quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có hoặc không thu hồi được giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ. 

Quy định cụ thể hơn giấy tờ được cấp mới thay thế cho giấy tờ không thu hồi được. Giấy tờ không thu hồi không còn giá trị.

5.8. Thủ tục cưỡng chế trả vật

Điểm c khoản 1 Điều 114 bỏ quy định trả đơn yêu cầu thi hành án ở Điều này trong trường hợp cưỡng chế đối với vật đặc định, nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được mà đương sự có thoả thuận khác về việc thi hành án thì Chấp hành viên thi hành theo thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được.

5.11. Cưỡng chế giao, trả giấy tờ

Điều 116 bổ sung quy định về cưỡng chế giao giấy tờ. Theo đó, trường hợp người phải thi hành án không giao, trả giấy tờ cho người được thi hành án theo nội dung bản án, quyết định thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người phải thi hành án giao, trả giấy tờ đó. Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải giao, trả thì Chấp hành viên yêu cầu người đó giao, trả giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao, trả thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao, trả giấy tờ để thi hành án.

Bổ sung quy định về trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người trúng đấu giá tài sản thi hành án. Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì ra quyết định xác định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại Điều 44a của Luật này.

6. Giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự

Bổ sung khoản 5 vào Điều 146 thời hạn giải quyết khiếu nại như sau: “Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại".

7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án trong thi hành án dân sự

Điều 170 bổ sung thẩm quyền của Tòa án Cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương cho phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi.

Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án: Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết; giải quyết kháng nghị về quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này. Nâng thời hạn trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày lên thành 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

Trên đây là những nội dung cơ bản, cần lưu ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Thi hành án dân sự được xem là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Với những nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới nêu trên, công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam

Lê Minh Hoàng