Những quả lừa từ hội chứng POW/MIA (Kỳ 2): Nới rộng phạm vi 'dịch vụ'

21/07/2020 19:58 | 3 năm trước

(LSO) - Lại nói chuyện sau khi phái đoàn hỗn hợp của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và phái đoàn MIA của Mỹ đến TP. Hồ Chí Minh thu giữ của Robert Chaillard và 6 nhóm được 742 bộ hài cốt vào tháng 12/1990 đưa đi giám định toàn là xương người châu Á da vàng và thiêu hủy hết, ông Hai Robert nghĩ ra một kế khác. Ông ta tung tin là nhân viên phái đoàn MIA đang truy tìm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh hiện còn sống ở Việt Nam. Nếu ai tìm được sẽ được chính phủ Mỹ thưởng 500.000 USD, còn nếu muốn sẽ được xuất cảnh sang Mỹ...

Khoảng tháng 10/1991, Nguyễn Kim Chi và Đỗ Tiến Mỹ biết Quỳnh Kim Cô ở cư xá Đống Đa, phường 14, quận 10 đang kiếm lính Mỹ mất tích nên Mỹ bàn với Chi làm hồ sơ giả giao cho Côn để kiếm tiền xài. Mỹ dựng lên hai lý lịch giả của hai lính Mỹ tên là Smith Samuen và Rosep Evan Rors giao cho Côn. Qua Nguyễn Quý ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh giới thiệu, Côn gặp Trương Minh Ngọc ở đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận giao hồ sơ. Trương Minh Ngọc quen biết với Hai Robert từ trước và biết lý lịch của Hai Robert đang tính làm “dịch vụ” này nên chuyển giao hồ sơ. Hai Robert yêu cầu Ngọc và Côn cung cấp đầy đủ về hai lính Mỹ trên, gồm 1 lý lịch, 2 ảnh, 1 bản lăn dấu 10 ngón tay và một lá thư viết bằng tiếng Anh làm bút tích...

Ảnh minh họa.

Nhân cơ hội này, Hai Robert làm ngay “báo cáo” với các cơ quan chức năng là ông ta phát hiện được một số người Mỹ còn sống ở Việt Nam. Nhận được tin báo, Bộ Nội vụ có gửi cho Hai Robert một thông báo cho biết sẽ cử người đến thanh tra trực tiếp. Hai Robert vớ ngay văn bản này, tự đánh máy phía sau ủy quyền cho Ngọc và Côn được thay mặt ông ta “tiến hành truy tìm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh hiện còn sống”. Để có tiền trả cho Mỹ và Chi làm hồ sơ, Ngọc đến gặp người quen là Lê Mạnh Giàu mượn tiền được 4 lượng vàng. Số tiền này, Ngọc đưa Côn 3,5 lượng và 1,3 triệu, Côn xài riêng, còn lại Côn đưa cho Mỹ 2 lượng và 2,7 triệu để nhận 2 bộ hồ sơ, đưa cho Quý 1 triệu, còn lại Côn chiếm hưởng. Mỹ chỉ chia cho Chi 4 chỉ, còn lại Mỹ chiếm hết...

Cũng thời gian này, Hai Robert gặp lại người cháu tên là Nguyễn Văn Sơn. Bữa đó, nhà của Hai Robert tiếp hai người khách mang hài cốt đến. Người bước vào trong nhà tên Đức, còn một người đứng ngoài cửa. Tình cờ, Hai Robert bước ra, bất chợt người thanh niên ôm chầm lấy:

- Ôi, cậu Hai! Cậu Hai ở đây à?

Hai Robert sững người một lát, hỏi lại:

- Vậy anh là...?

- Cháu là Sơn đây, cậu không nhớ cháu à?

- Ủa, mầy là thằng Sơn hả? Hai Robert không khỏi ngạc nhiên vì chính thằng Sơn mẹ ông ta đã nuôi từ nhỏ khi nhà còn ở vựa cá Cầu Muối, sau khi mẹ ông ta chết thì Sơn bỏ đi... Sao không vào nhà?

- Dạ cháu mang bộ hài cốt đến, nào ngờ?

- Ừm, cháu đâu biết cậu làm việc này. Cháu mừng quá...

Hàn huyên một hồi rồi Sơn đi về. Đến tháng 11/1991, Sơn giới thiệu Đỗ Quang Dũng ở đường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, Bình Định đến gặp ông Hai Robert để “cung cấp” 4 hồ sơ lính Mỹ còn sống là Biber Gerald Mack, Terill Phillipb, Abrams Lewis Herbert và Debery Ralph... Thấy có vẻ ngon ăn, thông qua sự quen biết với Nguyễn Hữu Châu tạm trú ở đường Nguyễn Văn Cừ quận 1, đang làm kinh tế cho trung tâm phát triển kỹ thuật môi trường và biển, để xúc tiến việc liên lạc với “tuyến” Quy Nhơn.

Sở dĩ, Nguyễn Hữu Châu biết Hai Robert làm việc này cũng do vô tình, vì trong lúc đi tìm khách hàng tiêu thụ gỗ chế biến, có người giới thiệu đến ông Hai Robert là người quen biết nhiều khách hàng nước ngoài. Do đến nhà nhiều lần, thấy Hai Robert làm “dịch vụ” này nên Châu nhảy vào phụ giúp. Đã vậy, Châu lại còn kéo cả ông Quách Ngẫu ở đường Lê Quang Sung quận 6 hùn hạp vốn, cả hai ứng tiền trước đi lại nhiều lần ra Quy Nhơn mà không có kết quả gì.

Phần Đỗ Quang Dũng là dân chuyên vào TP. Hồ Chí Minh buôn bán xe, qua nghe tin Bảy Trà và Ngô Công Hùng ở Qui Nhơn cho biết tin “có một số lính Mỹ còn sống được đồng bào dân tộc nuôi dưỡng” nên tìm đến Hai Robert. Đã mấy lần ông Châu và Sơn ra Quy Nhơn mà chưa “gặp mặt” được lính Mỹ... Đầu tháng 12/1991, Dũng từ Quy Nhơn điện vào nói “tụi người Thượng” yêu cầu đưa 4 lượng vàng tiền cọc. Lúc này, nghe lời Châu, ông ngẫu đem 4 lượng vàng cùng ra Quy Nhơn, nhưng không gặp được Bảy Trà và Hưng. Đỗ Quang Dũng yêu cầu đưa tiền cọc, về lấy thêm tiền cho đủ 30 lượng/1 người... Lần ra sau, Châu được Dũng hẹn cho gặp Ngô Công Hưng. Điểm hẹn là quán bỏ hoang ở triền đồi Hàn Mạc Tử vào lúc 9 giờ tối. Tại đây, Dũng giới thiệu Bảy Trà cùng 2 người ngồi kế bên im lặng được giới thiệu là người Thượng ở Gia Lai xuống...

Châu nói với Bảy Trà:

- Tại sao các ông hứa cho gặp lính Mỹ mất tích, tiền cọc đã nhận mà đến nay chưa được gặp?

Ông Trà kéo đầu Châu nói nhỏ:

- Bữa nay có hai người Thượng xuống, tôi thấy phải nói rõ một số yêu cầu, nếu đáp ứng được thì sẽ được gặp.

- Ông nói ngay đi, điều kiện gì?

Bảy Trà chậm rãi nói:

- Thứ nhất, phải giao đúng đối tượng MIA. Thứ hai, địa điểm giao bọn người Thượng quyết định. Thứ ba, các ông phải cho một người của chúng tôi đi cùng, nếu có gì bất trắc chúng tôi sẽ hàng động ngay...

Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Những quả lừa từ hội chứng POW/MIA (Kỳ 3): Đón lõng" sẽ được đăng tải vào ngày 24/7/2020).

PHONG LINH

/nhung-qua-lua-tu-hoi-chung-pow-mia-ky-1-thoa-thuan-tren-nhung-bo-hai-cot.html