/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Những quy định mới của BLHS năm 2015 về các biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Những quy định mới của BLHS năm 2015 về các biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã quy định 02 biện pháp tư pháp mới, gồm biện pháp khiển trách (Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015) và biện pháp hòa giải tại cộng đồng (Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015). Trong bài viết này, tác giả sẽ làm rõ nội dung và trình tự thủ tục áp dụng những biện pháp trên.

Ảnh minh họa.

Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đã kế thừa và phát huy tinh thần nhân đạo, bảo vệ trẻ em từ Bộ luật Hình sự năm 1999 và những Bộ luật trước đó. Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định: "Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm". 

Nhằm đáp ứng nhu cầu răn đe đồng thời cải tạo, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định 02 biện pháp tư pháp mới, gồm biện pháp khiển trách (Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015) và biện pháp hòa giải tại cộng đồng (Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015). 

Trong bài viết này, tác giả sẽ làm rõ nội dung và trình tự thủ tục áp dụng những biện pháp trên. 

Đối với người dưới 18 tuổi, tâm – sinh lý vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhận thức về xã hội cũng như pháp luật còn nhiều thiếu sót, do đó việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng này cần được xem xét kỹ lưỡng, phải đảm bảo yếu tố xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhưng cũng không được bỏ qua nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Nguyên tắc này đã được nội luật hóa, ghi nhận tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm". Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi là một lựa chọn hợp lý, giải quyết được cả hai mục tiêu là trừng phạt hành vi phạm tội và giáo dục người dưới 18 tuổi trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. 

Để áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi, cần phải đáp ứng hai yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, hành vi phạm tội phải thuộc một trong các trường hợp ghi nhận tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015; phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ (ít nhất là 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự); tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả; không thuộc một trong các trường hợp ghi nhận tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Các trường hợp ghi nhận tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 bao gồm: 

"a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án".

Thứ hai, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này (Điều 92 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Hình thức khiển trách được ghi nhận tại Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo từ điển tiếng Việt, khiển trách nghĩa là "hình thức kỉ luật nhẹ nhất áp dụng đối với những người phạm khuyết điểm ở mức độ nhẹ, có tính chất nhất thời, không có hệ thống hoặc những trường hợp đã được phê bình nhưng không sửa chữa". Vì vậy có thể hiểu áp dụng biện pháp khiển trách đối với người chưa thành niên phạm tội là một trong số các biện pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với những trường hợp người vi phạm pháp luật hình sự nhưng chưa đủ 18 tuổi xét có đầy đủ điều kiện để áp dụng biện pháp khiển trách.

Điều kiện áp dụng: Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;

- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp khiển trách đối với người chưa thành niên phạm tội: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

Nghĩa vụ đối với người bị khiển trách:

- Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

- Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

- Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

Tuỳ từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ đối với đối tượng bị khiển trách từ 03 tháng đến 01 năm.

Về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp khiển trách được quy định tại Điều 427 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

“1. Khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp khiển trách theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết.

2. Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách có các nội dung chính:

a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;

b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người có thẩm quyền ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;

c) Lý do, căn cứ ra quyết định;

d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;

đ) Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự đã áp dụng;

e) Thời gian thực hiện nghĩa vụ của người bị khiển trách.

3. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho người bị khiển trách, cha mẹ hoặc người đại diện của họ”.

Hình thức hòa giải tại cộng đồng được ghi nhận tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là điều luật mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, là biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.

Về đối tượng và điều kiện áp dụng: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

Việc áp dụng để hòa giải tại cộng đồng đối với các nhóm đối tượng trên, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án cần căn cứ vào độ tuổi, tính chất của hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; các điều luật được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, cũng phải xem xét đến nhân thân, môi trường sống của người dưới 18 tuổi phạm tội tính chất lỗi của bị cáo cố ý hay vô ý, động cơ, mục đích phạm tội, mức độ tham gia đồng phạm, đối tượng bị cáo xâm hại hậu quả tội phạm... Quan điểm của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại có được tự nguyện không hay bị ép buộc, hay vì lý do nào khác mà không tự nguyện đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Trên cơ sở đó các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định có hòa giải hay không hòa giải tại cộng đồng mới đảm bảo quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền áp dụng gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phối hợp với UBND cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Về nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp và thời gian áp dụng, người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ: Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, với quy định như trên thì người phạm tội phải xin lỗi người bị hại, bồi thường thiệt hại; phải tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế nơi cư trú học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều 94 và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là 03 tháng đến 01 năm.

Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải được quy định cụ thể tại Điều 428 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

1. Khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng...

3. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải.

4. Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải...

6. Ngay sau khi kết thúc hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên bản phải ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.

Bên cạnh hai biện pháp đã tồn tại từ lâu là giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 2015) và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96 Bộ luật Hình sự năm 2015), thì hai biện pháp khiển trách và hòa giải tại cộng đồng nhìn chung có mức độ nhẹ hơn, không có những điều khoản hạn chế nhiều sự tự do của người dưới 18 tuổi phạm tội. Mục đích của hai biện pháp này chính là dùng sự giáo dục, thấu hiểu và cảm thông của gia đình và xã hội để thay đổi nhận thức, xóa bỏ những suy nghĩ lệch lạc, đưa trẻ vị thành niên trở lại con đường đúng đắn một cách nhẹ nhàng và nhân văn nhất. 

Hi vọng rằng những biện pháp tư pháp này tiếp tục được áp dụng một cách triệt để, hạn chế vấn đề hình sự hóa cứng nhắc, tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi sớm được giáo dục và hòa nhập với cộng đồng. 

LÊ THÀNH PHƯƠNG

Tòa án Quân sự Quân khu 1

Bàn về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng