/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện các quy định tại Điều 139 BLHS 2015

Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện các quy định tại Điều 139 BLHS 2015

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính", đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe của con người. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với chủ thể có trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, hành chính có hành vi xâm phạm, gây tổn hại đến sức khỏe, quyền bất khả xâm phạm đến thân thể của người khác được pháp luật bảo hộ; bảo đảm thực hiện các nguyên tắc Hiến định. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị về vấn đề này.

Ảnh minh họa.

So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có nhiều quy định tiến bộ hơn. Cụ thể, BLHS đã tách khoản 1 Điều 109 BLHS năm 1999 thành các khoản riêng biệt, điều này nhằm bảo đảm phân hóa hành vi, hậu quả và trách nhiệm hình sự, dễ dàng áp dụng pháp luật. Đồng thời đã bổ sung hình hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ là hình phạt chính, bảo đảm tính nhân văn hơn đối với loại tội phạm có lỗi vô ý. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến các quy định tại Điều 139 BLHS, cụ thể:

"Điều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Khi áp dụng pháp luật, cần chú ý một số nội dung sau:

Một là, về khách thể của tội phạm

- Khách thể chung: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, theo quy định tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013.

- Khách thể loại: Tội phạm đã xâm phạm quyền được bảo hộ sức khỏe của con người, đồng thời xâm phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính đã ban hành.

- Khách thể trực tiếp: Sức khỏe của đối tượng tác động bị giảm sút từ 31% trở lên do hành vi của chủ thể tác động trực tiếp.

Hai là, về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện qua việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Vi phạm quy tắc nghề nghiệp là vi phạm những quy tắc thuộc phạm vi một ngành, một nghề, một lĩnh vực do Nhà nước, Bộ, ngành quy định, như quy tắc điều trị trong các bệnh viện, quy tắc khai thác gỗ trong rừng, khai thác than dưới hầm mỏ, quy tắc an toàn khi mắc điện,... Quy tắc hành chính do Luật Hành chính quy định hoặc các cơ quan hành chính ban hành. Những quy tắc này cũng có thể do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các ngành ban hành, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một đơn vị sản xuất quy định.

Tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” là trường hợp tăng nặng của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nên cần phải làm rõ quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là gì để có cơ sở kết tội.

Người phạm tội thực hiện các hành vi trực tiếp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Mức độ thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác phải từ 31% trở lên mới phạm tội. Mức độ thương tật từ 30% trở xuống thì không phạm tội, chỉ bị xử lý hành chính, giải quyết bồi thường dân sự.

Ba là, về chủ thể của tội phạm: Là chủ thể đặc biệt, người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đang thực hiện công tác theo nghề nghiệp, chuyên môn của mình hoặc các hoạt động hành chính. 

Bốn là, về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý do cẩu thả hoặc vì quá tự tin.

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật còn tồn tại một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện các quy định tại Điều 139 BLHS.

Một số vướng mắc 

Một là, việc xác định chủ thể có thẩm quyền quy định, ban hành các quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính. Bởi, để bảo đảm đủ yếu tố, dấu hiệu cấu thành tội phạm này cần phải làm rõ quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính để có cơ sở kết tội.

Như đã phân tích ở trên, quy tắc nghề nghiệp là những quy tắc thuộc phạm vi một ngành, một nghề, một lĩnh vực do Nhà nước, Bộ, ngành quy định. Quy tắc hành chính do Luật Hành chính quy định hoặc các cơ quan hành chính ban hành. Những quy tắc này cũng có thể do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các ngành ban hành, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một đơn vị sản xuất quy định. Thực trạng hiện nay, cùng một lĩnh vực nhưng rất nhiều chủ thể ban hành các quy tắc nghề nghiệp khác nhau, do đó, để đánh giá có vi phạm quy tắc hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Ví dụ: Tại Công ty A., cho phép các xe nâng xếp các thùng hàng trong kho chứa với độ cao theo quy cách không quá 10 thùng, nhưng tại công ty B, không quy định quy cách về độ cao, hậu quả các thùng hàng ngã, rơi vào người của nhân viên, gây thương tích. Như vậy, quy cách độ cao bảo đảm an toàn là bao nhiêu, có an toàn hay không, thuộc chủ quan đánh giá của từng chủ thể đề ra quy tắc đó.

Hai là, theo quy định của pháp luật, chủ thể của tội phạm này là phải là người trực tiếp có hành vi gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác do thực hiện trái quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính.

Với quy định tại Điều 139 BLHS, kết hợp với các quy định khác tại Chương XI BLHS thì mặc nhiên chúng ta hiểu "người nào" ở đây là thể nhân có liên quan trực tiếp đến thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ theo quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính. Tuy nhiên, hiện nay có trường hợp chủ thể thực hiện công tác chuyên môn phù hợp với quy định của quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính của chủ thể có thẩm quyền ban hành quy tắc ấy, xong vẫn gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

Tình huống trên đặt ra vấn đề: Quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính của chủ thể có thẩm quyền ban hành là phù hợp, thì cơ quản có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 139 BLHS được mà phải truy tố theo Điều 138 BLHS. Tuy nhiên, quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính ấy được chủ thể có thẩm quyền ban hành trái với quy tắc chung thì lúc đó sẽ xử lý chủ thể nào. Trong khi đó, tại Chương XI BLHS quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76 của BLHS (không có quy định Điều 139 BLHS). Mặc dù thỏa mãn 04 điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đó là: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Thẩm mỹ viện A. là một pháp nhân thương mại, được Sở Y tế thành phố H. cho phép hoạt động trên các lĩnh vực làm đẹp. Quá trình hoạt động, thẩm mỹ viện A. đã đề ra quy tắc bảo đảm an toàn cho các hoạt động, nhưng không quy định khám sàng lọc, chuẩn đoán cho người sử dụng dịch vụ trước khi thực hiện yêu cầu. Quá trình thực hiện hoạt động hút mỡ thừa, nhân viên đã tuân thủ đúng quy trình do thẩm mỹ viện đề ra nhưng hậu quả gây tổn hại sức khỏe cho người sử dụng dịch vụ.

Trong tình huống này, phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhân viên hay là thẩm mỹ viện A. Bởi, thẩm mỹ viện A. là pháp nhân thương mại, hành vi đó không có quy định trong BLHS.

Ba là, có sự tranh chấp về định tội danh trong một số trường hợp cụ thể.

Tình huống: Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng vào thời điểm tháng 4/2021, ông T. tổ chức cuộc họp có trên 30 nhân viên công ty tham gia. Trong khoảng thời gian tổ chức cuộc họp từ 20h30 đến 22h15 ngày 02/5, trước khi vào họp các nhân viên đều mang khẩu trang theo quy định nhưng đến phần "truyền lửa" do mình chủ trì, vì tự tin tất cả nhân viên tham gia đề an toàn với Covid-19 nên ông T. đã yêu cầu các nhân viên bỏ khẩu trang, sau đó yêu cầu nhân viên hô to các mục tiêu,… Sau cuộc họp này, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Công ty với 65 người nhiễm. Nhà nước phải chi trả chi phí điều trị, truy vết, cách ly các trường hợp F1 và chi phí vận chuyển các ca bệnh trên với số tiền hơn 7,1 tỉ đồng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của ông T. cấu thành tội "Vô ý gây tổn hại sức khỏe cho người khác do vi phạm quy tắc hành chính". Bởi, quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương, phải bảo đảm thực hiện 5K trong các hoạt động, nhưng vì quá tự tin nhân viên không bị nhiễm Covid-19, ông T. đã yêu cầu nhân viên cởi bỏ khẩu trang, hậu quả đã xảy ra. Trường hợp này, nên truy tố ông T. theo quy định tại Điều 139 BLHS.

Quan điểm thứ hai cũng đồng quan điểm tác giả: Ông T. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" quy định tại Điều 295 BLHS. Bởi, hành vi của ông T. không thỏa mãn các dấu hiệu đã phân tích ở trên của tội "Vô ý gây tổn hại sức khỏe cho người khác do vi phạm quy tắc hành chính". Mặc dù hành vi của ông T. có lỗi vô ý vì quá tự tin, vi phạm quy tắc hành chính, tuy nhiên, hành vi đó là gián tiếp làm lây lan dịch bệnh.

Bốn là, Điều 139 BLHS quy định dấu hiệu tỷ lệ tổn thương cơ thể phải từ 31% trở lên mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, với hành vi vô ý như trên mà tỷ lệ dưới 31% thì phải bị xử lý hành chính. Nhưng hiện nay, hầu hết các quy phạm pháp luật quy định về xử lý hành chính trong các lĩnh vực, cơ bản với lỗi cố ý, chưa có quy định xử lý hành chính với lỗi vô ý do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính. Dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể áp dụng điều luật về vấn đề xác định chủ thể có thẩm quyền ban hành các quy tắc, khi có tranh chấp về tính đúng đắn của quy tắc thì cần áp dụng theo các quy tắc chung, chuẩn mực đạo đức xã hội và theo nguyên tắc có lợi cho người thực hiện hành vi. 

Thứ hai, cần mở rộng chủ thể của tội phạm, gắn trách nhiệm của pháp nhân thương mại khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, đề xuất ban hành các quy định về xử phạt hành chính cụ thể, rõ ràng hơn trên lĩnh vực này, nhằm dễ dàng hơn trong công tác áp dụng pháp luật trên thực tiễn.

VÕ MINH TUẤN

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Thời gian tập sự hành nghề Luật sư theo quy định mới

Lê Minh Hoàng