Nợ nần và hệ lụy

21/06/2020 20:11 | 3 năm trước

(LSO) - Hoạt động cho vay và vay là giao dịch dân sự không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội và cả trong sinh hoạt đời thường của cộng đồng. Giao dịch dân sự này được quy định rất rõ trong Bộ luật Dân sự hiện hành, kể cả việc giải quyết nếu có xung đột, tranh chấp hoặc người vay vì các lý do khác nhau mà không trả nợ.

Tại tỉnh Điện Biên vừa xảy ra thảm án khi hai vợ chồng bị đâm chém đến chết, hung thủ cũng tự đâm mình và không qua khỏi. Ba mạng người và món nợ 1,6 tỉ đồng, vợ chồng chủ nợ gọi thêm mấy người đến đòi nợ và con nợ ra tay luôn.

Đáng chú ý là vụ án mạng này xảy ra ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi và có điều khoản trong đó "cấm cửa" dịch vụ đòi nợ thuê. Cấm là đúng, bởi hoạt đòi nợ thuê đã làm náo loạn trật tự xã hội và có nhiều vụ vượt ra khỏi vòng cương tỏa của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đòi nợ thuê đi đôi với hoạt động cho vay nặng lãi - vốn đã là hành vi vi phạm pháp luật và kéo theo các hành vi phạm tội khác như đe dọa, giam giữ, xâm phạm chỗ ở, tra tấn,... và thậm chí là án mạng. Nếu triệt phá được các băng nhóm, tổ chức cho vay nặng lãi ngay từ trong trứng nước thì dứt khoát, hiện tượng đòi nợ thuê dã man không còn đất sống, nhường chỗ cho hoạt động đòi nợ thuê hợp pháp thực hiện. Tuy nhiên, cả những công ty đòi nợ thuê có "môn bài" cũng có những hành vi ngược ngạo và quá khích, cho nên việc cấm các dịch vụ đòi nợ thuê được nhiều người ủng hộ và đồng tình.

Mặt khác, hoạt động cho vay và vay là giao dịch dân sự không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội và cả trong sinh hoạt đời thường của cộng đồng. Giao dịch dân sự này được quy định rất rõ trong Bộ luật Dân sự hiện hành, kể cả việc giải quyết nếu có xung đột, tranh chấp hoặc người vay vì các lý do khác nhau mà không trả nợ. Con đường khởi kiện dẫn vụ việc đến tòa án và được giải quyết bằng một vụ án dân sự. Tuy vậy, trên thực tế, con đường này gặp nhiều trở ngại, kéo dài và ngay cả khi đã có phán quyết của tòa án thì việc thi hành án cũng không dễ dàng gì. Nếu có lấy được nợ thì cũng phải tốn nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc nữa. Do vậy, ít người chọn con đường "chính quy" này mà thay vào đó là đòi nợ bằng các hình thức khác, hiệu quả hơn.

Thực trạng trên cho thấy, nếu các cơ quan tư pháp, tố tụng, thi hành án, thừa phát lại và cả luật sư nữa, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, công bằng và nghiêm minh, người dân tuân thủ pháp luật thì làm giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ nợ nần giải quyết theo kiểu giang hồ, "xã hội đen" và có thể tránh được các hành vi dẫn tới tội phạm hình sự.

Thời trước, một nguyên tắc đạo lý trong việc nợ nần đúc kết bằng câu: "Phụ trái, tử hoàn; Tử trái, phụ bất can" (cha nợ, con trả; con nợ, cha không không liên quan). Thứ đạo lý đó ngày này không được duy trì, ít người con nào trả nợ cho bố khi bố chết vẫn để lại nợ nần. Trái lại, nhiều bậc sinh thành phải è cổ gánh nợ cho con cái, thậm chí họ còn bị đe dọa, hành hạ,... Xã hội không thể bình yên khi tình trạng này vẫn còn tồn tại!

NHỊ NGỌC

/phia-sau-quyen-im-lang.html