Ảnh minh họa.
Dân gian có câu “học tài, thi phận”, đó là câu nói lưu truyền để chỉ những những người thực sự có năng lực nhưng lại không được may mắn trong thi cử hoặc những người không có năng lực nhưng may mắn trong thi cử.
Đối với học sinh cũng vậy, không phải học sinh nào cũng may mắn trong thi cử. Thành tích tổng tích năm học đôi khi chưa phản ánh đầy đủ, thực chất về học lực của các học sinh.
Tuy thành tích năm học tốt, phù hợp với năng lực của mình nhưng nhiều học sinh lại không thích khoe khoang trên mạng xã hội vì sợ mọi người chúc tụng, sợ “nổi tiếng”, sợ bạn bè ganh tỵ... Và ngược lại, có học sinh tuy học lực khá nhưng khi thi cử thì đạt thành tích cao, nếu khoe thành tích trên mạng xã hội sẽ dẫn đến các em bị các bạn nghi kỵ, cho rằng “ăn may”, “chạy điểm”... và bạn bè càng không coi trọng. Việc này có thể làm cho các em cảm thấy tự ti trong học tập và đôi khi sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục các em.
Việc phụ huynh đăng ảnh, giấy khen hay thành tích học tập của con xuất phát từ tình yêu con, tự hào và muốn động viên trẻ, giúp các con có động lực hơn trong học tập. Tuy nhiên việc đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội là một hành động lợi bất cập hại. Bởi vì, trên giấy khen, thành tích học tập của trẻ thường đính kèm họ và tên, lớp học, thông tin về trường lớp, thậm chí là những thông tin khác liên quan đến giáo viên, hoặc gia đình. Điều này dẫn đến các thông tin của học sinh rất dễ bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lợi dụng bởi những cá nhân hay tổ chức không đúng đắn, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh, phụ huynh, thậm chí cả nhà trường.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên lưu ý rằng, khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: “11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em". Do đó, đối với trẻ trên 07 tuổi, việc đăng tải hình ảnh, thông tin mà không được sự đồng ý của trẻ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính. Ngoài phạt tiền, còn có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi đăng ảnh trẻ em trên 07 tuổi lên mạng xã hội. Đồng thời, thu hồi, xóa gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh phải chú ý đến cảm xúc của các con khi đưa bảng thành tích của con lên mạng xã hội, tuyệt đối không dễ dãi trong việc công khai thông tin cá nhân, hình ảnh của con lên mạng xã hội. Khi muốn đưa thông tin các con lên mạng xã hội thì cần phải hỏi ý kiến thống nhất của con, không được tùy tiện đăng tải thông tin của các con vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực và vi phạm pháp luật.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum