/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu tại Hàn Quốc có được mở rộng sau khi đã được bảo hộ?

Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu tại Hàn Quốc có được mở rộng sau khi đã được bảo hộ?

25/08/2024 06:14 |

(LSVN) - Tại Hàn Quốc, chủ đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền nộp đơn đăng ký bổ sung danh mục sản phẩm/dịch vụ cho nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký hoặc cho nhãn hiệu đã được bảo hộ để mở rộng danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu.

Ảnh minh họa.

Theo quy định, tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, nhãn hiệu khi được bảo hộ thì sẽ được bảo hộ cho các sản phẩm/dịch vụ cụ thể được liệt kê tại thời điểm chủ sở hữu nộp đơn đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Danh mục sản phẩm/dịch vụ này chính là phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu khi được ghi nhận đăng ký, bởi, chủ sở hữu chỉ được độc quyền sử dụng/xác lập quyền đối với nhãn hiệu cho các sản phẩm/dịch vụ đăng ký và các sản phẩm/dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn/liên quan gần/có liên quan hoặc/và cùng kênh phân phối…

Cũng theo quy định nêu trên, tại Việt Nam, đơn nhãn hiệu sau khi được nộp hoặc nhãn hiệu sau khi được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm/dịch vụ, chủ đơn hay chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu sửa đổi danh mục sản phẩm/dịch vụ đã nộp đơn/đăng ký NHƯNG chỉ được yêu cầu thu hẹp danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu dưới hình thức nộp yêu cầu sửa đổi, mà không được mở rộng danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu. Trường hợp muốn đăng ký thêm cho các sản phẩm/dịch vụ khác, chủ sở hữu bắt buộc phải nộp một đơn nhãn hiệu mới tại thời điểm mong muốn và đơn được thẩm định từ đầu và được ghi nhận ngày nộp đơn tại thời điểm nộp đơn mới này.

Tuy nhiên, không giống như Việt Nam, tại Hàn Quốc, chủ đơn hay chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp đơn yêu cầu bổ sung danh mục sản phẩm/dịch vụ cho đơn nhãn hiệu hoặc cho nhãn hiệu đã được cấp Văn bằng bảo hộ (VBBH), hay nói cách khác là được mở rộng phạm vi bảo hộ sau khi đơn đã nộp hoặc sau khi nhãn hiệu đã được bảo hộ. Cụ thể, sau khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc sau khi nhãn hiệu được cấp VBBH, chủ đơn hay chủ sở hữu nhãn hiệu nếu muốn bổ sung thêm sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu thì không cần nộp đơn nhãn hiệu mới mà có thể nộp đơn yêu cầu bổ sung danh mục sản phẩm/dịch cho đơn nhãn hiệu đã nộp hoặc VBBH.

Đơn yêu cầu bổ sung danh mục sản phẩm/dịch vụ sẽ được xem xét và thẩm định theo quy định tương tự như quy trình của một đơn mới. Nếu đáp ứng yêu cầu bảo hộ, phạm vi danh mục/sản phẩm dịch vụ được nộp đơn hoặc đăng ký theo nhãn hiệu sẽ được đồng ý mở rộng. Nếu không, Cơ quan SHTT sẽ thông báo cho Người nộp đơn lý do đơn bổ sung danh mục sản phẩm/dịch vụ bị từ chối và các thiếu sót cần được khắc phục trong khoảng thời gian quy định để người nộp đơn trả lời và theo dõi tiến trình tiếp theo.

Đơn yêu cầu bổ sung danh mục sản phẩm/dịch vụ phải đảm bảo quy định về nhãn hiệu và chủ đơn, cụ thể nhãn hiệu trong đơn yêu cầu bổ sung phải trùng với nhãn hiệu trong đơn đã nộp/đã được cấp VBBH; tên, địa chỉ của chủ đơn trong đơn yêu cầu bổ sung phải trùng với tên, địa chỉ của chủ đơn trong đơn đã nộp hay chủ sở hữu nhãn hiệu đã được cấp VBBH. Ngoài ra, Đơn nhãn hiệu nộp ban đầu vẫn phải đang trong quá trình thẩm định, chưa bị thu hồi, chưa rút đơn, chưa có quyết định từ chối bảo hộ cuối cùng hoặc VBBH nhãn hiệu phải còn hiệu lực.

Tài liệu tham khảo:

https://www.kipo.go.kr/en/HtmlApp?c=930006&catmenu=ek04_01_01#a7_3

https://wipolex-res.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/kr/kr036en.pdf

Luật sư NGUYỄN HOA LÊ 

Công ty Luật TNHH Vietthink

Bất cập của thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất trong hoạt động cấp tín dụng tại các Ngân hàng thương mại và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật

Nguyễn Hoàng Lâm