/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng

Phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng

10/07/2023 05:19 |

(LSVN) - Phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước là quy luật khách quan, cơ sở cho việc phòng chống tham nhũng và phải được quy định trong hiến pháp của mỗi quốc gia. Bài viết phân tích cơ sở lý luận của mối quan hệ này và những biểu hiện qua các quy định hiến pháp của một số quốc gia phát triển và của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Nhưng công cuộc phòng chống tham nhũng có những phức tạp mới, nhiều hình thức tham nhũng mới được nhận ra. Trong số đó có tham nhũng lớn nhất xuất hiện, có thể gọi là tham nhũng chính trị hay còn được gọi chung là lũng đoạn nhà nước.

Lũng đoạn nhà nước cũng là lợi ích nhóm, cũng là tham nhũng thể chế, cũng phải phòng chống như những dạng tham nhũng khác. Nhưng bên cạnh những quy tắc phòng chống tham nhũng chung cho tất cả các loại hình tham nhũng khác, lũng đoạn nhà nước/tham nhũng chính trị có quy tắc riêng. Một trong nhũng quy tắc riêng đó là cách thức đấu tranh phòng và chống nó phải được quy định trong hiến pháp, đạo luật tối cao của quốc gia.

Tham nhũng như một bệnh dịch lây nhiễm và phải chống nó như phương pháp của việc phòng chống bệnh dịch trong y tế. Vấn đề này đã được J. Madison nhắc đến trong những bài bình luận Hiến pháp Mỹ để phản lại những lập luận chống lại dự thảo Hiến pháp Mỹ cách đây gần 2 thế kỷ rưỡi. Ông cho rằng: Chính phủ, cơ quan do Hiến pháp liên bang thành lập ra không phải là những thiên thần, mà chính là của những con người bình thường phải có trách nhiệm quản lý con người. Họ có 2 việc cần phải làm: thứ nhất phải quản lý được con người và thứ hai phải quản lý lại chính bản thân mình. Con người với bản chất là đam mê quyền lực hay có xu hướng lạm quyền, quyền lực tuyệt đối luôn có xu hướng đồi bại tuyệt đối(1). Sự thông minh ở họ nằm chính ở chỗ quyền lực nhà nước cần phải chia ra và lấy quyền lực nọ kìm chế, đối trọng với quyền lực kia. Thực ra về mặt lý thuyết, đây là sự dũng cảm vượt ra khỏi tư duy thông thường của những người bình thường chỉ muốn tập quyền trong tay của các chế độ đã từng tồn tại trước đó, theo những học thuyết của các triết gia đi trước đã tìm ra như J. Locke, trong tác phẩm Khảo luận thức hai về chính quyền dân sự năm 1689, của S. Montesquieu trong tác phẩm Tinh thần pháp luật (1748).

Quyền lực cần phải được phân ra theo kiểu: Tham vọng phải được chống lại bằng tham vọng.(2) Phòng và chống tham nhũng phải được quy định trong hiến pháp. Theo Montesquieu, khái niệm “hiến pháp” gắn liền với ý tưởng tự do và phân quyền mà ông suy ra và sáng tạo thêm từ việc quan sát chế độ chính trị của Anh quốc. Chương 11 trong tác phẩm Tinh thần pháp luật ông viết: “Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn”.

Vấn đề là phải đặt ra giới hạn cho quyền lực. Phân quyền nhằm mục đích giới hạn quyền lực, vì “quyền lực ngăn chặn quyền lực” để quyền lực không nằm trọn trong một bàn tay(3).

Theo cách tiếp cận của bệnh dịch trong y học, bao giờ phòng cũng hơn là chống. Phòng bệnh bao giờ cũng rẻ và tốt hơn chống. Tham nhũng cũng vậy, phòng quan trọng hơn chống, vì chống thì tốn kém và phức tạp hơn. Phòng chống trong bệnh dịch trước hết phải tiêm phòng vắc- xin. Có thể cho rằng, phân quyền, tiến tới “kìm chế và đối trọng” như là vắc-xin ở trình độ cao hơn của phòng chống tham nhũng cho các cơ quan nhà nước. Tham nhũng của nhà nước cũng nên và phải được xem xét như là một bệnh dịch của con người. Kiểu gì nhà nước cũng mắc phải, nếu như không có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Vì vậy, một nhà nước anh minh, dân chủ nào cũng phải có chủ trương chống tham nhũng, việc tổ chức và hoạt động của nhà nước phải tuân theo nguyên tắc phân quyền. Nguyên tắc pháp quyền (The Rule of Law) và trong một nhà nước dân chủ phải có tiêu chí kiểm soát quyền lực nhà nước, tức là phải có chủ trương chính sách chống tham nhũng, hay nói một cách khác, kiểm soát quyền lực nhà nước là cơ sở của phòng chống tham nhũng. Có kiểm soát quyền lực nhà nước mới có phòng chống tham nhũng.

Vaccine đối với nhà nước không thể nào là khác hơn là phải lấy “quyền lực đối trọng với quyền lực”, như phải lấy tham vọng đối trọng với tham vọng theo nhận định của J. Madison(4). Muốn vậy thì trước hết trong nhà nước phải có sự phân quyền. Sau đấy phải dùng ngay quyền lực của cơ quan này chống lại quyền lực của cơ quan kia. Điều này có nghĩa là các quyền của nhà nước không nên trao một cách trọn gói và hoàn hảo từ A đến Z cho bất kể một cành quyền lực hoặc một người nào nắm giữ, mà phải được phân định nhiều công đoạn. Trong khi phần nhiều quyền lực vẫn được giao cho một chủ thể nắm quyền thực hiện, thì một phần nhỏ của quyền lực ấy phải giao cho chủ thể khác nắm giữ. Tức là quyền lực mầm bệnh đã được làm cho yếu đi, tạo ra thế tự kiểm tra một cách mặc nhiên giữa chủ thể nắm giữ và không nắm giữ quyền. Tôi nắm quyền lực cũng vậy và anh nắm quyền lực cũng vậy, đều phải bị cơ chế tự kiểm tra giám sát và theo dõi, một cách mặc nhiên, như một sự phòng bệnh trước của con người. Cơ chế này được gọi là tự kiểm soát - kiểm soát mặc nhiên. Ví dụ như quyền lập pháp được giao cơ bản cho quốc hội - lập pháp thực hiện, nhưng dự luật mặc dù đã được quốc hội thông qua vẫn chưa trở thành luật, vẫn nằm ở dạng dự thảo, chúng chỉ trở thành luật có hiệu lực thực thi, khi và chỉ khi có sự công bố của tổng thống - người đứng đầu hành pháp. Trong thời gian này, tổng thống có quyền phủ quyết dự luật đã được quốc hội thông qua. Như vậy, làm cho quốc hội không thể lạm dụng quyền lập pháp, mà thông qua những đạo luật vi phạm nhân quyền hoặc có hại cho quốc gia, cũng như không cho phép hành pháp thực thi trên thực tế. Làm như vậy sẽ giảm đi cơ hội lũng đoạn nhà nước từ phía quyền lập pháp.

Cũng tương tự như vậy, về phía tổng thống - người đứng đầu hành pháp. Mặc dù tổng thống có quyền bổ nhiệm các quan chức cao cấp hành pháp - bộ trưởng, nhưng các quan chức này chỉ có thể bắt tay vào việc thực hiện quyền hành pháp và tư pháp của mình khi và chỉ khi có sự đồng ý phê chuẩn của quốc hội/thượng viện. Trong quá trình phê chuẩn, quốc hội bắt các quan chức được bổ nhiệm phải điều trần… Cuộc điều trần này có thể được diễn ra ở các ủy ban của quốc hội không khác nào một phiên xét xử giữa các thành viên của ủy ban tương ứng với người được tổng thống bổ nhiệm. Ứng cử viên này phải trả lời tất cả các câu hỏi được các thành viên của ủy ban đặt ra, và kết quả phải được một cuộc bỏ phiếu đồng ý quá bán của các thành viên ủy ban. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các bên phải đem nhân chứng, vật chứng của mình ra trước ủy ban.

Hệ thống “kìm chế và đối trọng”/checks and   balances   đã có như ở Hiến pháp Mỹ được thể chế hóa từ tác phẩm Tinh thần pháp luật (De l’esprit des lois), được Nam tước de Montesquieu xuất bản năm 1748. Hơn 240 năm trước đây, hiến pháp thành văn của Hợp chủng Hoa Kỳ đã sử dụng “kìm chế và đối trọng” như là một nội dung chính yếu trong bản văn có hiệu lực tối cao nhất của họ. Sở dĩ như vậy, vì họ hiểu một cách thấu đáo rằng: Chính phủ của họ không phải là những thiên thần, mà là những con người với đầy đủ tính xấu của con người có thể xảy ra, khi con người có trong tay quyền lực nhà nước. Hiến pháp phải là những sợi dây xích bằng sắt để cột chặt những tính xấu của con người lại. Một khi tính xấu đã được cột lại thì tự khắc tính tốt sẽ được duy trì. Đấy là những vắc xin phòng chống tham nhũng cho nhà nước của họ.

Quyền lực nhà nước có rất nhiều rào cản cho việc thực hiện cơ chế kiểm soát, mà rào cản lớn nhất cho cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là nhận thức của con người. Quyền lực nhà nước gắn với thần quyền, là thần bí, nếu gắn liền với tôn giáo, duy ý chí, tập trung quan liêu thì không thể có một cơ chế nào kiểm soát được. Chỉ khi quyền lực nhà nước được nhận thức rõ là của nhân dân, thuộc về chủ quyền nhân dân thì vấn đề kiểm soát nó để phục vụ lợi ích của nhân dân mới được đặt ra một cách thiết thực và cấp thiết. Khi có quyền lực nhà nước thì cần phải hiểu rõ rằng: Quyền lực luôn luôn có xu hướng bị tha hóa; quyền lực có xu hướng đồi bại, quyền lực càng tuyệt đối bao nhiêu thì càng có tính đồi bại bấy nhiêu(5).

Cho dù được gắn với thần quyền, nhưng quyền lực nhà nước vẫn phải do con người đảm nhiệm. Có quyền không những chỉ có tiền mà có cả công cụ bạo lực làm cho mọi người phải phục tùng, mà người bình thường không có: Người dân không có quyền có vũ khí, không có quân đội, không có nhà tù... Những thứ công cụ cực nguy hiểm đó, chỉ có ở nhà nước(6). Con người không thể là các thiên thần(7). Khi con người có quyền lực nhà nước, nếu không có những dự phòng trước thì rất nguy hiểm cho người dân và cho cả xã hội. Tiến sĩ Tom G. Palmer Phó Chủ tịch chương trình quốc tế Atlas Network có viết: “Chính phủ cũng là sản phẩm của con người. Họ cũng giống ở Việt Nam, không có chủng người đặc biệt - dù họ là những vị vua, hoàng đế, tổng thống, thủ tướng, nhà lập pháp - với trí tuệ khả năng uyên bác và năng lực siêu phàm để họ cao hơn những người bình thường. Những người cai trị kể cả khi được bầu chọn một cách dân chủ, không hề có “tinh thần vì mọi người” cao hơn những người bình thường, đôi khi còn kém hơn. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ ít ích kỷ hơn những người khác hay có lòng nhân từ hơn. Và cũng không có dấu hiệu họ lo lắng cho những hành động đúng hơn hay sai hơn những người bình thường. Họ giống ở Việt Nam”(8).

Thế giới dân chủ hiện nay về cơ bản tồn tại 3 mô hình tổ chức nhà nước: Chính thể đại nghị, chính thể tổng thống và chính thể hỗn hợp. Chính thể đại nghị là loại hình tổ chức có nhiều biến dạng nhất. Sự biến chuyển của chính thể đại nghị cũng như sự hình thành của chính thể này chủ yếu dựa trên lịch sử của nhà nước Anh quốc. Các cơ quan hành pháp do quốc hội thành lập ra có nhiệm vụ tổ chức thực thi các quyết định luật của quốc hội, nhưng trên thực tế là hoàn toàn khác. Với sự hoạt động chặt chẽ của các đảng chiếm đa số trong quốc hội, các đảng viên phải tuân thủ các quyết định của đảng, nên dưới sự chỉ đạo của đảng, thủ tướng chính phủ là thủ lĩnh của đảng cầm quyền, mọi quyết định của quốc hội đều là quyết định của đảng cầm quyền. Sự phân chia quyền lực nhà nước giữa lập pháp và hành pháp không còn nữa, mà có chăng chỉ là sự phân chia giữa một đảng cầm quyền và một đảng đối lập có trách nhiệm. Trên cơ sở của thực tế này, GS Roman Herzog, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức đã viết: “Chính Montesquieu cách đây hơn một phần tư thiên niên kỷ đã đề xuất rằng tam quyền kinh điển trong cai trị - lập pháp, hành pháp và tư pháp cần phải chia đều cho một số thiết chế. Ý tưởng này đã được các chính thể của phương Tây chấp nhận.

Mặt khác, phương Tây gần đây cũng đang vướng phải một số vấn đề trong chia tách quyền lực. Ví dụ: Ở nước Cộng hòa liên bang Đức, việc thực thi pháp luật, xét về mặt hình thức, nằm trong tay Chính phủ và chính quyền, trong khi giải thích pháp luật lại do các tòa án độc lập giải quyết. Những vẻ ngoài thuần tuý hình thức chỉ đánh lừa người ta, vì chỉ có tòa án mới thực sự độc lập. Mặt khác, Quốc hội và Chính phủ còn xa mới tuân thủ yêu cầu của Montesqiueu, trước hết bởi vì Chính phủ do Quốc hội bổ nhiệm và có thể bị Quốc hội miễn nhiệm bất cứ lúc nào và thứ hai bởi vì cả Chính phủ lẫn Quốc hội của nó đều thuộc cùng một đảng hoặc liên minh, nên thực ra hầu như không có khả năng xảy ra rạn nứt giữa hai thiết chế này”(9).

Biến chuyển này là hậu quả của một hiện tượng chính trị quan trọng. Đó là sự hiện diện của một hệ thống đảng cầm quyền (đảng nắm hành pháp) và đảng đối lập. Hệ thống lưỡng đảng này đã làm thay đổi hẳn ý nghĩa phân quyền của chế độ đại nghị. Với sự hiện diện thường xuyên của đảng đối lập trong quốc hội/hạ viện, thậm chí còn được quyền thành lập ra chính phủ mờ (shadow cabinet), rất có tác dụng cho việc phòng chống tham nhũng của chính phủ đảng cầm quyền, chiếm đa số của hạ viện.

Chế độ ở Anh quốc là chế độ điển hình của loại hình chính thể đại nghị, kể cả ở cộng hòa đại nghị lẫn quân chủ đại nghị. Mối tương quan giữa lập pháp và hành pháp đã biến thành mối tương quan giữa “hai cơ quan” của đảng cầm quyền. Đó là diễn biến vai trò của các đảng phái chính trị của nhà nước Anh quốc điển hình đại diện cho chế độ đại nghị, một mô hình quan trọng bậc nhất của các cách thức tổ chức nhà nước hiện nay. Mặc dù là phân chia quyền lực giữa lập pháp và hành pháp, nhưng trên thực tế chỉ là sự phân chia giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập.

Rõ ràng các đảng phái có một vị trí quan trọng thực sự trong đời sống chính trị của các quốc gia tư sản. Hoạt động của đảng đối lập có ý nghĩa rất lớn trong việc kiểm tra, đối trọng với đảng cầm quyền, nhất là trọng việc kiềm chế sự thái quá, sự lũng đoạn quyền lực của đảng cầm quyền. Vị trí đó gọi là đối lập có trách nhiệm, có trách nhiệm tìm ra sự khiếm khuyến của đảng cầm quyền, một loại vắc xin mới phù hợp sự phân quyền mới được hình thành giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập.

Hãy xem hình ảnh Quốc hội - Hạ viện của Anh quốc (ảnh bên): Hai dãy hàng ghế ngồi đối diện nhau. Bên tay trái hàng ghế đầu tiên giành cho các thành viên Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng đang cầm quyền, phía sau là các đảng viên nghị sỹ cùng đảng. Hàng ghế bên tay phải là của đảng đối lập, ngồi đầu là chính phủ mờ.

Hình thức tổ chức chính thể thứ hai là cộng hòa tổng thống có sự phối kết hợp giữa chế độ đại nghị và chế độ tổng thống. Mặc dù áp dụng nguyên tắc phân quyền cứng rắn không có sự phối kết hợp và chịu trách nhiệm giữa lập pháp và hành pháp, nhưng trên thực tế các tổng thống vẫn can thiệp sang lĩnh vực lập pháp bằng những thông điệp đọc hàng năm trước Quốc hội - lập pháp. Hơn nữa, ở chính thể này còn áp dụng cơ chế kìm chế và đối trọng và chế độ đàn hạch giữa lập pháp và hành pháp, nên sự kiểm soát tham nhũng chính trị và lũng đoạn ở đây mạnh hơn của các nhà nước được tổ chức theo mô hình nghị viện cổ điển.

Xem sơ đồ dưới đây:

Có thể diễn giải như sau:

- Quốc hội có quyền thông qua dự thảo luật, nhưng dự thảo luật bị tổng thống phủ quyết.

- Tổng thống có quyền bổ nhiệm các chức sắc quan trọng nhưng phải có sự phê chuẩn của thượng viện.

- Quốc hội có quyền thành lập ra tòa án, nhưng tòa án có quyền xét xử quốc hội.

- Tổng thống có quyền bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán có quyền xét xử tổng thống…

Mô hình tổ chức nhà nước thứ ba ở Pháp được gọi là chính thể lưỡng tính cộng hòa, sự kiểm soát quyền lực nhà nước được phối kết hợp những đặc điểm của 2 mô hình nói trên.

Sau hơn 70 năm xây dựng Nhà nước Việt Nam, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước mới được đề ra trong quy định của Hiến pháp 2013(10). Trước đó Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 đã thừa nhận những hạt nhân hợp lý của nguyên tắc phân quyền. “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001). Hiến pháp năm 2013 không những tái khẳng định nguyên tắc phân công, phân nhiệm giữa 3 quyền như trên, mà còn khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực chính là một loại vắc-xin chống tham nhũng. Các điều khoản tiếp theo của Hiến pháp năm 2013 còn quy định rõ ràng hơn so với trước đây bằng cách quy định: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp (Điều 69); Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (Điều 94); tòa án thực hiện quyền tư pháp (Điều 102). Phân quyền mà Việt Nam áp dụng thực hiện trong Hiến pháp gọi là phân công, phân nhiệm chính là nền tảng của kiểm soát quyền lực nhà nước, cũng đồng thời là nền tảng của việc phòng chống tham nhũng.

Khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Nước - nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 còn tái khẳng định quyền veto của Chủ tịch Nước của Hiến pháp năm 1992 đối với pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quyền này của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam không khác nào biểu hiện nguyên tắc “kìm chế và đối trọng” của tổng thống trong Hiến pháp Mỹ năm 1787, nhưng chỉ khác ở chỗ quyền này không được mở ra cho tất cả các văn bản luật của Quốc hội. Liều vắc-xin rất tốt như vậy, tại sao không mở rộng ra tất các văn bản của quyền lập pháp (Quốc hội)? Tính pháp quyền của xã hội sẽ được gia tăng, một khi các quyền được đứng ngang hàng nhau, mà không cần phải có quyền nào đứng cao hơn hay vượt trội so với các quyền còn lại. Mọi quyền lực được phân công làm hết trách nhiệm của mình đều phải chịu trách nhiệm trước Hiến pháp sẽ tạo nên tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Việc phòng và chống tham nhũng phải tập trung vào những nơi có nhiều cơ hội cho tham nhũng. Tham nhũng/lũng đoạn xảy ra nhiều ở những nơi tập trung quyền lực nhiều nhất. Trong số 3 quyền lực của nhà nước được phân ra, thì quyền hành pháp là nơi tập trung quyền lực thực tế.

Mặc dù không phải thuộc hệ thống nghị viện, nhưng về cơ bản các dấu ấn của phòng chống tham nhũng quyền lực nhà nước Việt Nam tương đối giống các dấu ấn của nhà nước đại nghị. Quốc hội của Nhà nước Việt Nam cũng được quy định là cơ quan quyền lực tối cao. Chính phủ - cơ quan hành pháp do Quốc hội thành lập và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội Việt Nam. Nhưng sự khác biệt ở đây là: Anh quốc có chế độ lưỡng đảng, có đảng cầm quyền và có đảng đối lập, sự hạn chế quyền lực hành pháp thực chất do đảng đối lập thực hiện. Việt Nam là chế độ một đảng cầm quyền, không có đảng đối lập. Bù khuyết cho vấn đề này, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng.

Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất của Mặt trận Tổ quốc hiện nay là phải có trách nhiệm hạn chế bớt, hay là khắc phục những điểm yếu của chế độ chính trị một đảng cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam những năm của công cuộc đổi mới và cải tổ cũng đã nhanh chóng nhận ra vấn đề này. Đảng có chủ trương thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc động viên những người ngoài đảng tham gia chính quyền bằng cách tự ứng cử. Theo quy định của pháp luật bầu cử, Mặt trận là nơi lập danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Quyền này của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không khác với các quyền giới thiệu ứng cử viên của các đảng phái chính trị của các nhà nước tư sản. Với tư cách là tổ chức liên hiệp mọi lực lượng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này thông qua các quy trình hiệp thương. Hiến pháp và luật pháp Việt Nam quy định hiệp thương để giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cho các tổ chức của Mặt trận. Các thành viên của Mặt trận và Mặt trận một khi đã có quyền giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, thì cũng phải có quyền giám sát việc hoạt động của các đại biểu dân cử của mình. Mặt trận là một trong hai chủ thể được quyền đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước. Nhưng rất tiếc rằng những năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa phát huy tốt được chức năng này của họ.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng giống như của các đảng cầm quyền trong chế độ dân chủ tư sản khác, không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các thành viên của mình ra đảm trách các công việc quan trọng của nhà nước, mà còn đề ra các chủ trương chính sách cho sự phát triển của quốc gia. Nếu như ở trên, các đảng phái đối lập thiểu số của nền dân chủ tư sản rất khó có thể thay đổi những chính sách của đảng cầm quyền, thì ở Việt Nam hiện nay theo quy định của Hiến pháp và luật quy định, Mặt trận Tổ quốc phải có trách nhiệm tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh nhằm tham gia góp ý, phản biện lại các dự thảo của Đảng và Nhà nước. Theo quy định của Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì các tổ chức là thành viên của Mặt trận phải có trách nhiệm phản ánh những ý nguyện đa dạng của hiệp hội để Đảng Cộng sản có thể đưa những ý nguyện đó thành những chính sách hoặc bổ khuyết cho những dự thảo chính sách phiến diện không phản ánh hết sự vận động khách quan của sự vật cùng quyền lợi chính đáng của nhân dân mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội (Điều 21 Luật Mặt trận Tổ quốc).

Nguyên Chủ tịch Mặt trận Phạm Thế Duyệt đã từng nhắc lại câu nói của ông Nguyễn Cao Kỳ trong chuyến hồi hương về Việt Nam: “Việt Nam là chế độ một đảng nhưng đã có Mặt trận Tổ quốc”(11).

Trong nhiều khóa Quốc hội gần đây, mỗi đầu kỳ họp Quốc hội Việt Nam đều nghe Mặt trận Tổ quốc báo cáo về các kiến nghị của cử tri toàn quốc, nhưng mới chỉ ở dạng phán ánh mà chưa thành những giải pháp cho việc thực hiện những kiến nghị xác đáng của nhân dân để Quốc hội cân nhắc thành những quyết định chính thức của Quốc hội. Có lẽ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng được mong đợi của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước để phòng chống tham nhũng chính trị không chỉ tập trung ở bên trong, mà còn phải được diễn ra ở bên ngoài nhà nước. Đó là một môi trường trong lành để các mầm bệnh dịch không thể lan truyền. Môi trường đó được hình thành từ những hoạt động công khai và minh bạch của các cơ quan nhà nước, cho đến các quyền được tham gia của người dân thông qua quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin vào hoạt động của nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài do báo chí, dư luận xã hội rất cần thiết cho công cuộc chống tham nhũng nên người ta vẫn gọi báo chí là quyền lực thứ tư.

Những năm qua, báo chí có nhiều công trong việc phòng chống tham nhũng. Nhiều vụ tham nhũng quyền lực thường được báo chí, dư luận nêu ra, làm cơ sở bước đầu cho các cơ quan nhà nước vào cuộc. Việc năm 2016 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Tiếp cận thông tin là một cố gắng lớn cho công cuộc công khai minh bạch ở Việt Nam. Trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp những tài liệu mà cơ quan nhà nước ban hành và nắm giữ. Nếu không cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước phải giải thích rõ lý do không cung cấp. Trong một môi trường nhất nguyên của một đảng cầm quyền, bên cạnh mặt tích cực làm cho các chủ trương, chính sách cùng các dự án luật rất dễ được thông qua một cách nhanh chóng. Nhưng mặt trái của vấn đề nằm ở chỗ, việc phòng và chống tham nhũng so với nhiều quốc gia trở nên rất khó khăn. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói khái quát trong cuộc gặp gỡ cử tri Hà Nội năm 2016 bằng thuật ngữ “ta đánh ta”, người của mình chống lại người của mình(12).

Tất cả những quy định, những nguyên tắc đều có phần xa lạ so với các quy trình làm việc của các cơ quan nhà nước dưới thời kỳ chiến tranh trước đây, và sau đấy tiếp theo gần như vậy của thời kỳ kinh tế tập trung kế hoạch và bao cấp, trong môi trường làm việc bí mật, gần như thói quen tất cả mọi việc đều theo chỉ thị được quyết định từ trên, một cách tập trung mà không cần thiết phải phân công phân nhiệm, kiềm chế và đối trọng hay cần phải tính toán đến ý kiến phản biện của bên dưới, từ những trăn trở của người dân.

Kết luận

Quyền lực nhà nước luôn gắn liền với tha hóa, tham nhũng. Để quyền lực không bị tha hóa phải có phân công, kiểm soát quyền lực. Phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước là cơ sở nền tảng của việc phòng, chống tham nhũng. Với tư cách là đạo luật cơ bản của quốc gia, hiến pháp phải có những quy định kiểm soát quyền lực nhà nước. Sự hiện diện của các quy định này tạo nên yếu tố pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp của mỗi quốc gia, mà trọng tâm của sự kiểm soát và phòng chống tham nhũng là sự chịu trách nhiệm của của hành pháp và tư pháp độc lập. Hiến pháp của các quốc gia với sự phân quyền thậm chí còn được nâng thành cơ chế “kìm chế và đối trọng” như của Hiến pháp Mỹ. Đó là vắc xin phòng chống tham nhũng của các nhà nước hiện đại.

Sau một thời gian dài không thừa nhận một cách tuyệt đối, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001, và tiếp theo Hiến pháp năm 2013 đã từng bước thừa nhận những hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền, bằng quy định phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước và trách nhiệm phản biện của Mặt trận Tổ quốc đối với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là nền tảng quan trọng cho việc kiểm soát quyền lực nhà nước cho công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam.

(1) Huân tước Acton, Thư gửi Giám mục Mandell Crighton năm 1887.

(2) Federalist paper No 10.

(3) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Văn hóa Nghệ An, ngày 07/3/2013.

(4) J. Madison, The federalist papers No 50, trong cuốn Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào, Nxb. Thế giới H. 2002 phần Phụ lục.

(5) Acton - nhà triết học người Anh thế kỷ XVIII, Thư gửi người đồng thời, 1887.

(6) G. Palmer (chủ biên), Nguyên lý nền tảng cho một thế giới thịnh vượng và hòa bình, Nxb Tri thức, 2014, tr.14-15.

(7) Nguyễn Cảnh Bình (biên soạn), Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào, Nxb. Thế giới, 2013, tr. 423-425.

(8) G. Palmer (chủ biên), sđd, tr.13.

(9) Xem, Nhà nước pháp quyền, J. Thesing (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, 2002, tr.40-41.

(10) Hiến pháp CHXHCN Việt Nam, Điều 2, Bình luận Hiến pháp CHXHCN Việt Nam, Chủ biên Nguyễn Đăng Dung, Trịnh Quốc Toản và Đặng Minh Tuấn, Nxb Chính trị Quốc gia, 2016.

(11) Lời phát biểu của Nguyễn Cao Kỳ, Nguyên Thủ tướng của chế độ Việt Nam Cộng hòa khi về thăm quê hương năm 2004 tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(12) Nguyễn Phú Trọng, Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta/VietNamNet, 17/10/2016.

GS.TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Bùi Thị Thanh Loan