Ảnh minh họa.
Quy định về phản tố qua các thời kỳ
Quy định về “phản tố” được hình thành, phát triển và hoàn thiện qua các thời kỳ của pháp luật tố tụng dân sự, từ Pháp lệnh số 27-LCT/HĐNN8 ngày 07/12/1989 về “Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự” đến Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 và nay là BLTTDS năm 2015.
Pháp lệnh số 27 ngày 07/12/1989 không quy định cụ thể về phản tố, tuy nhiên với những nội dung được nhắc đến tại Điều 20: “Bị đơn có quyền đề đạt yêu cầu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn”; Điều 30: “Các đương sự chịu án phí theo quy định của pháp luật, tùy theo loại vụ án và trên cơ sở lợi ích, mức độ lỗi của họ trong quan hệ pháp luật mà tòa án giải quyết trong vụ án” và Điều 31: “... bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn… phải nộp tiền tạm ứng án phí...” thì “yêu cầu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn” được hiểu chính là yêu cầu “phản tố” và chỉ đối với yêu cầu của nguyên đơn. Thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án dân sự trong giai đoạn này khi bị đơn có yêu cầu liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn thì yêu cầu đó phải được thể hiện bằng văn bản, phải nộp tạm ứng án phí và khi yêu cầu không được chấp nhận thì phải chịu án phí theo quy định. Tuy nhiên, do Pháp lệnh không quy định về thời điểm đưa ra yêu cầu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn nên không có sự thống nhất khi áp dụng.
Đến BLTTDS năm 2004, “phản tố” đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Điều 176 và Điều 178 về quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2004 không quy định về thời hạn cuối cùng bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố và vẫn giới hạn về đối tượng mà bị đơn được ra yêu cầu phản tố, cụ thể bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với yêu cầu của nguyên đơn “Cùng với việc phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn”; quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không được quy định. Phải đến khi sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Luật số 65/2011/QH12) thì yêu cầu phản tố của bị đơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mới được quy định cụ thể và thời hạn cuối cùng đưa ra yêu cầu phản tố là “trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử” (Điều 176).
Tại BLTTDS năm 2015, quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn (Điều 200, 202) cơ bản không thay đổi so với quy định tại BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, chỉ có điểm khác - điểm mới, đó là quy định về thời điểm cuối cùng được đưa ra yêu cầu phản tố: "Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Quy định về phản tố theo BLTTDS năm 2015
Về yêu cầu phản tố
Hiện nay có nhiều bài viết phân tích, bình luận về yêu cầu phản tố. Theo quan điểm của tác giả, yêu cầu phản tố là “yêu cầu khởi kiện” được chủ thể đưa ra để kiện ngược lại chủ thể khác trước đó đã kiện mình.
Một yêu cầu phản tố phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:
(1) Phải độc lập với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Độc lập được hiểu là có thể khác hoặc cùng quan hệ tranh chấp nhưng phải khác về nội dung và nằm ngoài phạm vi của yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập. Theo cố tác giả Chu Xuân Minh thì sự độc lập còn thể hiện “… yêu cầu có thể giải quyết bằng một vụ án riêng, không phụ thuộc vào nhau…”. Độc lập còn thể hiện ở việc đánh giá chứng cứ khi xem xét tính có căn cứ của yêu cầu này.
(2) Phải để bù trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập khi yêu cầu này được chấp nhận (Điều 200 BLTTDS năm 2015).
Ví dụ: A. khởi kiện yêu cầu B trả tiền phí gia công là 200 triệu đồng:
- B. không đồng ý trả với lý do hàng hóa gia công bị lỗi, hỏng. Đây chỉ là ý kiến phản đối của B. không trả và lý do, nó nằm trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của A. Nếu chỉ là ý kiến như vậy, khi tách ra không thể khởi kiện bằng một vụ án khác. Đây không phải là yêu cầu phản tố.
- B. yêu cầu A. phải bồi thường thiệt hại số tiền 200 triệu đồng do hàng hóa gia công bị lỗi, hỏng. Yêu cầu bồi thường thiệt hại của B. là một yêu cầu khác, khác về nội dung và không nằm trong phạm vi của yêu cầu khởi kiện, yêu cầu này có được chấp nhận hay không là phụ thuộc vào việc đánh giá chứng cứ, không phụ thuộc vào việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A. và nếu yêu cầu này của B. được chấp nhận sẽ dẫn đến đối trừ nghĩa vụ trả nợ cho B. Đây là yêu cầu phản tố. Cụ thể hơn, việc đánh giá chứng cứ khi xem xét yêu cầu phản tố là xem xét đến các căn cứ về hành vi trái pháp luật, thiệt hại xảy ra trên thực tế và mối quan hệ nhân quả; còn việc đánh giá chứng cứ khi xem xét yêu cầu khởi kiện là xem xét đến căn cứ có hay không việc nợ tiền phí gia công.
(3) Yêu cầu đưa ra và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự “liên quan với nhau” và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn (Điều 200 BLTTDS năm 2015).
Chủ thể đưa ra yêu cầu phản tố
Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 07/12/1989 đến BLTTDS năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 (Điều 176) và nay là BLTTDS năm 2015 (Điều 200) quy định cụ thể về quyền đưa ra yêu cầu phản tố là “bị đơn”. Vậy nguyên đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu phản tố không? Yêu cầu của họ đưa ra thỏa mãn điều kiện nêu trên có được gọi là yêu cầu phản tố không?
Ví dụ: A. khởi kiện chia tài sản chung với B., C. có yêu cầu độc lập yêu cầu A. và B. cùng thanh toán công sức tôn tạo, quản lý tài sản 100 triệu đồng (kỷ phần ngang nhau). Sau đó A. và B. đều có yêu cầu C. phải trả tiền hàng còn nợ 100 triệu đồng. Vậy yêu cầu của A. đối với C. có phải là yêu cầu phản tố không? (tình huống đặt ra trong trường hợp yêu cầu của các đương sự được đưa ra trước thời điểm tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải).
Có quan điểm cho rằng yêu cầu của A. đối với C. không phải là yêu cầu phản tố. Bản chất yêu cầu phản tố là yêu cầu khởi kiện, nó chỉ được gọi là phản tố khi chủ thể đưa ra yêu cầu là bị đơn, nếu chủ thể đưa ra là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì nó là yêu cầu độc lập. Trong trường hợp này cần xác định yêu cầu của A. là yêu cầu “bổ sung yêu cầu khởi kiện” bởi A. có quyền bổ sung yêu cầu khởi kiện (Điều 5, Điều 70 BLTTDS năm 2015) và “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” (1), xác định như vậy bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về yêu cầu phản tố qua các thời kỳ. Với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng cần xác định như vậy (bổ sung yêu cầu độc lập).
Theo cố tác giả Chu Xuân Minh thì: “Khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, sau đó nguyên đơn hoặc bị đơn có yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì đó cũng là phản tố”. Quan điểm này là phù hợp, thuyết phục, đã lột tả được bản chất của yêu cầu phản tố. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chỉ mang tính chất tương đối, tư cách tố tụng của đương sự cần được hiểu một cách linh hoạt. Trong một vụ án dân sự, ngoài yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn còn có các yêu cầu khác của bị đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xác định ai kiện, kiện ai, kiện trong quan hệ, phạm vi nào sẽ là cơ sở để xác định chủ thể có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Với yêu cầu của nguyên đơn thì họ là người kiện còn bị đơn là người bị kiện, còn với yêu cầu của bị đơn đối với nguyên đơn thì bị đơn là người kiện còn nguyên đơn là người bị kiện (giữa nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng vậy). “Phản tố” cần được hiểu theo phạm vi rộng, theo đó khi nguyên đơn có yêu cầu đối với yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc ngược lại, nếu có đầy đủ điều kiện thì cũng cần xác định đó là “yêu cầu phản tố” hay nói cách khác nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Trên thực tế, đã có tòa án xác định yêu cầu của nguyên đơn là yêu cầu phản tố và tiến hành thụ lý giải quyết theo quy định chung.
Thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố
Thời điểm bắt đầu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 199 BLTTDS năm 2015 thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có). Như vậy, thời điểm bắt đầu để bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố là kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý của tòa án.
Trường hợp nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, thì thời điểm bắt đầu họ được quyền đưa ra yêu cầu phản tố là thời điểm nào? Theo tác giả, cũng như thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố, đó là thời điểm họ nhận được văn bản thông báo của tòa án về việc thụ lý yêu cầu của chủ thể đưa ra yêu cầu đối với họ.
Thời điểm kết thúc (cuối cùng)
Yêu cầu phản tố bản chất là yêu cầu khởi kiện, vì vậy khi xem xét, giải quyết yêu cầu phản tố cũng thực hiện như thủ tục giải quyết một yêu cầu khởi kiện (thu thập chứng cứ, hòa giải, công khai chứng cứ…). BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Quy định này qua thực tiễn áp dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế nhất định (2). Khắc phục tình trạng bất cập đó, BLTTDS năm 2015 đã có quy định rút ngắn thời gian mà bị đơn thực hiện quyền đưa ra yêu cầu phản tố: bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (khoản 3 Điều 200).
Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là quy định mới của BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, do không có quy định về thời gian cụ thể (từ ngày thụ lý) và số lần mở phiên họp, vì vậy đã dẫn đến có quan điểm, cách hiểu gây nhiều tranh cãi như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Do không có quy định cụ thể về việc sau bao lâu tòa án được/phải mở phiên họp nên dẫn đến tình trạng khi giải quyết vụ án tòa án mở phiên họp quá sớm khiến bị đơn không có đủ thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ nên chưa đưa ra được yêu cầu phản tố, mặt khác, việc đưa ra yêu cầu phản tố hay không thuộc “quyền” tự định đoạt của bị đơn và họ có thể thực hiện quyền trước hoặc sau thời điểm tòa án mở phiên họp (3).
Theo tác giả, quan điểm này là không phù hợp, bởi: Ngay sau khi nhận được văn bản thụ lý vụ án của tòa án, bị đơn có quyền được nhận bản sao các tài liệu chứng cứ do nguyên đơn gửi hoặc được tòa án hỗ trợ gửi (khoản 9 Điều 70 BLTTDS) hoặc có quyền yêu cầu tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (khoản 2 Điều 199 BLTTDS). Thực hiện quyền này cho phép bị đơn hoàn toàn biết được nguyên đơn khởi kiện nội dung gì, có tài liệu chứng cứ gì. Từ đó có thể đưa ra yêu cầu phản tố ngay tại thời điểm này. Về tài liệu chứng cứ để chứng minh, BLTTDS không quy định bắt buộc chủ thể đưa ra yêu cầu (kể cả nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) phải giao nộp tài liệu, chứng cứ trước phiên họp. Việc giao nộp tài liệu chứng cứ hoàn toàn có thể thực hiện trước thời điểm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, thậm chí giao nộp tại phiên tòa nếu có lý do chính đáng (khoản 4 Điều 96 Bộ luật TTDS 2015). Hay nói cách khác, việc chứng minh tính có căn cứ của yêu cầu đưa ra được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Mặt khác, việc đánh giá chứng cứ khi xem xét tính có căn cứ của yêu cầu phản tố độc lập với việc xem xét yêu cầu khởi kiện. Vì vậy, việc viện dẫn lý do không đủ thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ do đó không/chưa đưa ra được yêu cầu phản tố là không thuyết phục.
Quy định về phiên họp và thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp là những quy định mới của BLTTDS năm 2015 mục đích để đương sự được tiếp cận đầy đủ chứng cứ, từ đó bảo đảm quyền tranh tụng và hướng tới giải quyết nhanh chóng, dứt điểm vụ việc. Chính vì vậy, dù BLTTDS quy định cho đương sự có quyền tự định đoạt (Điều 5) nhưng cần phải hiểu rằng quyền đó phải nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Quyền đưa ra yêu cầu phản tố cũng giống như quyền khởi kiện, quyền kháng cáo, khiếu nại mà thôi, nếu trong thời gian quy định họ không thực hiện thì được coi là họ từ bỏ quyền của mình. Thực tế giải quyết các vụ án hiện nay, có rất nhiều trường hợp bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm tòa án mở phiên họp. Tuy nhiên, hầu hết các thẩm phán đều không chấp nhận.
- Quan điểm thứ hai: Tòa án có thể mở nhiều phiên họp (4) bởi mục đích của phiên họp là để các đương sự được tiếp cận các tài liệu chứng cứ, từ đó bảo đảm quyền tranh tụng, mặt khác việc giao nộp tài liệu chứng cứ có thể thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án vì vậy, khi một trong các bên đương sự giao nộp tài liệu chứng cứ mới (sau khi đã mở phiên họp) thì Tòa án vẫn tiến hành mở phiên họp tiếp theo. Do có nhiều phiên họp và pháp luật không quy định là phiên họp nào nên việc bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm phiên họp cuối cùng cũng phải được chấp nhận.
Theo tác giả, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là một thủ tục tố tụng. Việc thực hiện mở nhiều phiên họp khi giải quyết vụ án chỉ để công khai một hoặc một vài chứng cứ mới dẫn đến sự cồng kềnh, tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án. Mặt khác, nếu cho rằng được mở nhiều phiên họp và yêu cầu phản tố đưa ra trước thời điểm mở phiên họp cuối cùng cũng được chấp nhận sẽ dẫn đến trường hợp có đương sự cố tình đưa ra yêu cầu phản tố trước khi mở phiên họp cuối cùng nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, như vậy thì việc sửa đổi quy định về thời điểm cuối cùng đưa ra yêu cầu phản tố từ “trước thời điểm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử” (Điều 176 BLTTDS năm 2004) thành “trước thời điểm mở phiên họp” (Điều 200 BLTTDS năm 2015) có đạt được mục đích?
Tòa án nhân tối cao đã có hướng dẫn tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017. Tại mục 14 phần IV có hướng dẫn “Trường hợp tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần thì lần hòa giải đầu tiên tòa án phải tiến hành theo đúng trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải quy định tại Điều 210 BLTTDS năm 2015. Đối với lần hòa giải tiếp theo, tòa án chỉ tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ khi có tài liệu, chứng cứ mới và ghi vào biên bản hòa giải”.
Theo nội dung này thì tòa án chỉ mở một phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, sau phiên họp này nếu phát sinh tài liệu chứng cứ mới thì thẩm phán vẫn tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai và được ghi vào biên bản hòa giải hoặc biên bản phiên tòa (nếu đương sự cung cấp tại phiên tòa) mà không mở thêm phiên họp nào khác, hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao là phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế có thể vì lý do khách quan hoặc chủ quan (thẩm phán thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ, đương sự cố tình giấu…) dẫn đến sau thời điểm tòa án tiến hành mở phiên họp mới phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng. Trường hợp này tòa án có mở thêm phiên họp không? Nếu mở thêm phiên họp thì việc đưa ra yêu cầu phản tố của các đương sự thời điểm này được xác định như thế nào (5). Vấn đề này hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, trên thực tế thẩm phán còn nhiều lúng túng khi gặp tình huống này. Theo tác giả, trường hợp nếu phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc tham gia tố tụng mà việc xem xét yêu cầu của họ là cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án, để bảo đảm quyền được tiếp cận, công khai các tài liệu chứng cứ của các đương sự thì tòa án nên mở phiên họp tiếp theo.
Đây là vấn đề đang có vướng mắc trong cả lý luận và thực tiễn áp dụng. Thiết nghĩ Tòa án nhân dân Tối cao nên có hướng dẫn chi tiết về nội dung này trong thời gian sớm nhất để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ có quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự (Điều 184), không có quy định về thời hiệu đối với yêu cầu phản tố. Điều này dẫn đến có những quan điểm trái chiều về việc có hay không việc áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố (6).
Theo tác giả, yêu cầu phản tố là yêu cầu khởi kiện vì vậy phải thực hiện theo các quy định về thời hiệu của BLTTDS (Điều 184), bởi một yêu cầu đưa ra là yêu cầu khởi kiện được giải quyết bằng một vụ án và thuộc trường hợp áp dụng thời hiệu, khi có đương sự yêu cầu thì phải áp dụng thời hiệu. Cũng là yêu cầu này nhưng được đưa ra chỉ với tên gọi là yêu cầu phản tố, khi đương sự có yêu cầu thì xét thấy cũng cần phải áp dụng thời hiệu là phù hợp, có như vậy mới bảo đảm được quyền của người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu.
============== (1) Mục 7, phần IV Công văn số 01/2017 ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân Tối cao; (2) Nguyễn Ngọc Sơn, Thời điểm thực hiện quyền yêu cầu phản tố của bị đơn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210622; (3) Nguyễn Ngọc Sơn, Thời điểm thực hiện quyền yêu cầu phản tố của bị đơn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210622; (4) Dương Tấn Thanh, Yêu cầu phản tố theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và vướng mắc trong thực tiễn, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2485; (5) Dương Tấn Thanh, Yêu cầu phản tố theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và vướng mắc trong thực tiễn, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2485; (6) ThS Đoàn Ngọc Hải, Quyền phản tố của bị đơn trong tố tụng dân sự, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quyen-phan-to-cua-bi-don-trong-to-tung-dan-su. |
PHÙNG NGUYỄN HOÀNG
Công ty Luật TNHH Bách Lâm