/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quy định tạm ngừng phiên tòa, hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm: Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Quy định tạm ngừng phiên tòa, hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm: Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

04/12/2021 14:38 |

(LSVN) - Quy định tại Điều 251 và Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 về tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm đã rõ ràng, cụ thể, dự lường các tình huống, các trường hợp có thể phát sinh trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa để Tòa án quyết định tạm ngừng phiên tòa hoặc ra quyết định hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này còn có những bất cập, vướng mắc.

             Ảnh minh họa. 

Điều 251 BLTTHS quy định về tạm ngừng phiên tòa hình sự (1) để giải quyết những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa hình sự. Tạm ngừng phiên tòa được hiểu vì một lý do nào đó phải tạm ngừng phiên tòa để giải quyết tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa mà vụ án đang xét xử không tiếp tục xét xử trong một thời hạn, sau thời hạn đó vụ án tiếp tục được xét xử. Quy định này phù hợp với thực tiễn, mục đích của việc tạm ngừng phiên tòa là nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí tố tụng, bởi khác với hoãn phiên tòa, khi tiến hành phiên tòa sau thời gian tạm ngừng thì Hội đồng xét xử không phải xét xử vụ án lại từ đầu mà xét xử tiếp theo phần đã tạm ngừng trước đó.

Điều 297 BLTTHS quy định về hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm (2), hoãn phiên tòa được hiểu là việc không tiến hành xét xử vụ án vì một số lý do nhằm đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng. Việc hoãn phiên tòa chỉ trong một thời gian nhất định, sau khoảng thời gian đó vụ án sẽ được tiến hành xét xử, trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

Những bất cập, vướng mắc khi áp dụng quy định tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm

Vướng mắc, bất cập về tạm ngừng phiên tòa

Thực tiễn áp dụng quy định về tạm ngừng phiên tòa còn có hạn chế, vướng mắc đó là: Thời hạn tạm ngừng phiên tòa ngắn (5 ngày); thủ tục tạm ngừng của Hội đồng xét xử phải lập biên bản gì; Ai là chủ thể tiến hành các bước tiếp theo sau khi tạm ngừng phiên tòa; Tiến hành thu thập chứng cứ như thế nào; Ai có thể tiến hành thu thập chứng cứ; Thế nào là “có thể thực hiện được trong thời hạn 5 ngày”; Sau khi mở lại phiên tòa thì Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký phiên tòa có thể được thay thế bởi người khác hay không; Hết thời hạn 5 ngày tạm ngừng phiên tòa mà chưa thể mở lại phiên tòa thì có phải mở phiên tòa để ban hành quyết định hoãn phiên tòa hay không; Thư ký phiên tòa vắng mặt ngay từ đầu thì ai lập biên bản phiên tòa ghi nhận việc tạm ngừng nếu không có Thư ký dự khuyết; chưa có các biểu mẫu liên quan đến quyết định tạm ngừng phiên tòa; biên bản tạm ngừng phiên tòa, biên bản ghi nhận việc vắng mặt Thư ký, sự kiện bất khả kháng. Làm sao có thể xác định được trong thời hạn 5 ngày những người tiến hành tố tụng có thể tiếp tục phiên tòa. Sau đây, tác giả phân tích một số vướng mắc, bất cập cụ thể:

Thứ nhất, về thời hạn tạm ngừng phiên tòa. BLTTHS 2015 quy định tạm ngừng phiên tòa là sự tiến bộ trong quá trình lập pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hình sự một cách nhanh chóng, tuy nhiên việc quy định thời gian tạm ngừng 5 ngày là ngắn, không đảm bảo thời gian để thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc mở lại phiên tòa, trong khi quy định hoãn phiên tòa đến 30 ngày thì 5 ngày để thu thập chứng cứ mang tính chủ quan của Hội đồng xét xử, nếu thấy cần thu thập chứng cứ thì hoãn phiên tòa sẽ có nhiều thời gian hơn.

Thứ hai, về lý do tạm ngừng phiên tòa. Căn cứ do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa khi áp dụng có vướng mắc đó là căn cứ vào đâu để Hội đồng xét xử cho rằng: Người tham gia tố tụng có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày?

Thứ ba, về việc vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa. Thư ký Tòa án là người tiến hành tố tụng quan trọng trong mỗi phiên tòa, theo quy định tại các Điều 288 và Điều 349 BLTTHS năm 2015 quy định về sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án, phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa. Theo đó, trong trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa, thì phiên tòa phải tạm ngừng và việc tạm ngừng phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 251 BLTTHS năm 2015. Như vậy, trường hợp Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa thì ai sẽ là người ghi biên bản phiên tòa.

Thứ tư, sau khi tạm ngừng phiên tòa thì Hội đồng xét xử sẽ thu thập chứng cứ hay ra thông báo yêu cầu Viện kiểm sát thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 252 BLTTHS. Về số lần tạm ngừng phiên tòa, khoản 2 Điều 251 BLTTHS chưa quy định cụ thể số lần tạm ngừng phiên tòa. Hội đồng xét xử có thể áp dụng nhiều lần tạm ngừng phiên tòa mà không vi phạm quy định của pháp luật thì giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thứ năm, chưa có biểu mẫu áp dụng đối với tạm ngừng phiên tòa. Nghị quyết 5/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành 60 biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự không có biểu mẫu tạm ngừng phiên tòa, vậy khi áp dụng điều luật này ra quyết định tạm ngừng phiên tòa áp dụng theo biểu mẫu nào?

Vướng mắc, bất cập về hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm

Thực tiễn áp dụng quy định về hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm còn có bất cập, vướng mắc đó là:

Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 quy định bị cáo có quyền được nhận bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, cụ thể khoản 2 Điều 240 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra Cáo trạng, Viện kiểm sát phải giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can”; khoản 1 Điều 286 BLTTHS năm 2015 quy định: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa”. Tuy nhiên trong thực tế nhiều trường hợp bị cáo không được giao Cáo trạng, nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc nhận được Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng không đảm bảo thời hạn luật định và khi bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền của bị cáo thì Điều 297 BLTTHS năm 2015 chưa có quy định cụ thể về nội dung này.

Thứ hai, khoản 2 Điều 53 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định”, tuy nhiên trường hợp Chánh án Tòa án là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa do trở ngại khách quan (bị ốm đau, tai nạn) ai là người ký quyết định hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa. Trường hợp này Phó Chánh án có thể ký quyết định hoãn phiên tòa thay Chánh án được không, bởi vì lúc này Chánh án vì lý do sức khỏe hoặc bị tai nạn không thể ký quyết định hoãn phiên tòa được và trường hợp này luật chưa có quy định.

Thứ ba, Điều 297 BLTTHS năm 2015 chưa có quy định trường hợp hoãn phiên tòa do sự kiện bất khả kháng hoặc lý do trở ngại khách quan mà không thể tiến hành mở phiên tòa được như đại dịch Covid-19, thiên tai bão, lũ, hỏa hoạn.

Ví dụ, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ các địa phương có dịch bệnh Covid-19 phải thực hiện cách ly, giản cách xã hội để phòng chống dịch bệnh; như vậy để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các địa phương có dịch bệnh không thể mở phiên tòa xét xử vụ án được mà phải gia hạn, kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, các vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử phải hoãn phiên tòa, tuy nhiên căn cứ để hoãn phiên tòa do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp chưa được nhà làm luật dự liệu để Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa hoặc trong các trường hợp như thiên tai bão, lũ, hỏa hoạn là những sự kiện, lý do bất khả kháng Tòa án không thể mở phiên tòa được mặc dù đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trường hợp này Tòa án phải ra quyết định hoãn phiên tòa và căn cứ để hoãn phiên tòa trong các trường hợp này chưa được quy định.

Thứ tư, quá trình giải quyết vụ án, có những trường hợp mặc dù đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng trong thời gian chuẩn bị mở phiên tòa có bị cáo hoặc người tham gia tố tụng gửi yêu cầu đến Tòa án xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do bất khả kháng không thể tham gia tố tụng tại phiên tòa được. Nhận được yêu cầu của bị cáo hoặc của những người tham gia tố tụng như bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bào chữa… Tòa án tiến hành xác minh và thấy rằng lý do sức khỏe hoặc lý do bất khả kháng nêu ra là đúng sự thật và chính đáng. Theo quy định hiện hành thì việc vắng mặt này được xác định là căn cứ để hoãn phiên tòa. Tuy nhiên Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể ra quyết định hoãn phiên tòa ngay được vì luật không cho phép.

Như vậy, trong trường hợp này mặc dù biết trước phiên tòa sẽ phải hoãn nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải đợi đến ngày mở phiên tòa mới được ra quyết định hoãn phiên tòa, điều này gây lãng phí chi phí tố tụng, khó khăn đối với những người tham gia phiên tòa ở xa, điều kiện đi lại khó khăn, tốn kém.  

Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

Qua nghiên cứu quy định về tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa, để hoàn thiện hơn quy định về tạm ngừng phiên tòa, hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung biểu mẫu tố tụng liên quan đến tạm ngừng phiên tòa như: Quyết định tạm ngừng phiên tòa, biên bản hội ý tạm ngừng phiên tòa của Hội đồng xét xử; biên bản ghi nhận sự vắng mặt Thư ký; thành viên Hội đồng xét xử, đương sự do sức khỏe, do sự kiện bất khả kháng; Quyết định xem xét vật chứng, xem xét hiện trường.

Thứ hai, nên tăng thời gian tạm ngừng phiên tòa tối đa 10 ngày là phù hợp, 10 ngày là khoảng thời gian hợp lý cho giải quyết công việc mang tính chất tạm thời, có đủ điều kiện để thực hiện như các thủ tục tống đạt, thông báo mở lại phiên tòa cho bị cáo, bị hại, Luật sư, người tham gia tố tụng.

Thứ ba, bỏ căn cứ Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa, hướng dẫn “trong các vụ án khi ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử cần phân công Thư ký dự khuyết”. Trường hợp Thư ký chính thức vắng mặt sẽ có Thư ký khác thay thế mà không cần phải tạm ngừng hoặc hoãn phiên tòa. Cần có hướng dẫn cụ thể về lý do tạm ngừng phiên tòa và sau khi tạm ngừng phiên tòa thì Hội đồng xét xử sẽ thu thập chứng cứ hay ra thông báo yêu cầu Viện kiểm sát thu thập chứng cứ.

Thứ tư, Cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung căn cứ hoãn phiên tòa tại khoản 1 Điều 297 BLTTHS năm 2015 như sau:

“1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này;

b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;

c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;

d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.

đ) Do sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thể tiến hành mở phiên tòa được.

e) Bị cáo chưa được giao nhận bản Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định của Bộ luật này và bị cáo có yêu cầu hoãn phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải hoãn hoãn phiên tòa”.

Thứ năm, cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn trường hợp Chánh án Tòa án là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa do trở ngại khách quan (bị ốm đau, tai nạn) ai là người ký quyết định hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa.

Thứ sáu, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung quy định trường hợp bị cáo hoặc người tham gia tố tụng gửi yêu cầu đến Tòa án xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do bất khả kháng. Trường hợp này Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa để tránh lãng phí chi phí tố tụng, khó khăn đối với những người tham gia tố tụng ở xa, điều kiện đi lại khó khăn. Theo đó bổ sung khoản 4 Điều 297 BLTTHS năm 2015 “Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Trường hợp bị cáo hoặc người tham gia tố tụng gửi yêu cầu đến Tòa án xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do bất khả kháng thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa”.

Thứ bảy, Nghị quyết số 5/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành kèm theo về biểu mẫu quyết định hoãn phiên tòa trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án ra quyết định hoãn phiên tòa phần căn cứ các Điều 44, 53, 297, 299, 326 BLTTHS và có căn cứ văn bản ngày tháng năm của Hội đồng xét xử sơ thẩm (phúc thẩm) là phù hợp, tuy nhiên nếu bổ sung căn cứ hoãn phiên tòa “Do sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thể tiến hành mở phiên tòa được” và “Trường hợp bị cáo hoặc người tham gia tố tụng gửi yêu cầu đến Tòa án xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do bất khả kháng” mà Chánh án Tòa án ký quyết định hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tác giả kiến nghị bổ sung thêm biểu mẫu về quyết định hoãn phiên tòa và phần căn cứ tùy từng trường hợp để căn cứ vào các Điều 44, 290, 291, 292, 293, 294, 295, 297 BLTTHS và bỏ phần căn cứ văn bản của Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ phù hợp hơn trên thực tế vì hoãn phiên tòa trước khi mở phiên tòa trong các trường hợp nêu trên không có căn cứ vào văn bản của Hội đồng xét xử sơ thẩm.

BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ ràng, cụ thể về tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm để giải quyết những tình huống có thể xãy ra trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa mà Tòa án (Hội đồng xét xử) xét thấy cần thiết phải tạm ngừng phiên tòa hoặc hoãn phiên tòa để đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn có những hạn chế, bất cập cần thiết phải sửa đổi, hoàn thiện quy định tạm ngừng phiên tòa và thực tiễn áp dụng phát sinh những trường hợp Tòa án không thể tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được cần phải hoãn phiên tòa, những trường hợp này Điều 297 BLTTHS chưa có quy định, vì vậy cần thiết phải bổ sung thêm những quy định, căn cứ hoãn phiên tòa, biểu mẫu hoãn phiên tòa kèm theo cho những trường hợp này để hoàn thiện hơn quy định về hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm, qua đó đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đảm bảo xét xử vụ án được khách quan, công bằng.

(1) Điều 251 BLTTHS quy định về tạm ngừng phiên tòa hình sự như sau: 

‘‘1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;

b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;

c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.

2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 5 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa’’.

(2) Điều 297 BLTTHS năm 2015, quy định về hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm như sau: 

“1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này;

b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;

c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;

d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.

Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

2. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

3. Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án;

c) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa;

d) Vụ án được đưa ra xét xử;

đ) Lý do của việc hoãn phiên tòa;

e) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.

4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.

Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiêm sát cùng cấp và những người văng mặt tại phiên tòa trong then hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định”.

                                                                                 Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA

 Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ cổ đông thiểu số theo quy định pháp luật hiện hành

Lê Minh Hoàng