/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

21/07/2023 06:19 |

(LSVN) - Trách nhiệm hình sự (TNHS) là một dạng của trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải gánh chịu, được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), được thể hiện bằng việc bị áp dụng hình phạt trong bản án kết tội của Tòa án, và có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khác do BLHS quy định. TNHS đối với các tội phạm tham nhũng (CTPTN) cũng là một dạng trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi trước Nhà nước của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức được quy định trong BLHS là tội phạm tham nhũng.

Ảnh minh họa.

1. Quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng của một số nước trên thế giới

TNHS đối với CTPTN được thể hiện qua việc người phạm tội bị áp dụng hình phạt trong bản án kết tội của Tòa án, và/hoặc có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khác do BLHS quy định. TNHS đối với CTPVTN với tội phạm khác về chức vụ có sự phân hóa sâu sắc, xuất phát từ chỗ đối với CTPVTN, người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn như "công cụ, phương tiện" để trục lợi. Tính nguy hiểm của CTPVTN cao hơn hẳn các loại tội phạm khác về chức vụ, do đó, TNHS đối với CTPVTN cũng nghiêm khắc hơn. Cơ sở pháp lý của TNHS đối với CTPTN là việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội của một người có chức vụ, quyền hạn, có năng lực TNHS, đủ tuổi chịu TNHS, có lỗi và hành vi đó thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành một trong CTPTN được quy định trong BLHS.

Mặc dù nhận thức về TNHS của CTPTN như trên, nhưng việc quy định TNHS về CTPTN được PLHS của các nước khác nhau cũng quy định khác nhau tùy thuộc vào quan niệm lập pháp của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dễ dàng nhìn thấy đa phần các nước đều nhận thức CTPTN là nhóm tội có tính nguy hiểm cao và phải chịu TNHS lớn, do đó nhà làm luật ở các nước thường quy định CTPTN (hay tội phạm về chức vụ/công vụ) trong một chương (hay một thiên) hoặc ít nhất là cũng à riêng của BLHS. Bài viết này giới thiệu quy định TNHS của một số nước trên thế giới về CTPTN, trên cơ sở đó đề xuất bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Một là, quy định TNHS của Bộ luật hình sự của Liên bang Nga về CTPTN.

Bộ luật hình sự của Liên bang Nga đã dành một chương độc lập là Chương XXX quy định về: Các tội chống chính quyền, chống lại nền công vụ và các cơ quan chính quyền địa phương, trong đó Mục X "Các tội chống chính quyền Nhà nước" quy định từ Điều 285 đến Điều 293, có quy định về CTPTN gồm: Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Tội phân bổ ngân sách bất hợp lý; Tội lạm quyền; Tội tiếm quyền; Tội nhận hối lộ… Ngoài ra, cũng trong Chương XXX của BLHS này còn quy định CTPTN khác như: Tội đưa hối lộ; Tội giả mạo công vụ; Tội cấp phát bất hợp pháp hộ chiếu công dân Liên bang Nga, cũng như đưa ra những thông tin rõ ràng là giả dối trong các giấy tờ liên quan, dẫn đến việc trở thành công dân Liên bang Nga một cách bất hợp pháp và tội thiếu tinh thần trách nhiệm.

Với các CTPTN, BLHS Liên bang Nga quy định các loại hình phạt bao gồm: Phạt tiền; tước quyền đảm nhiệm một số chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; tước quân hàm, danh hiệu chuyên môn, các danh hiệu vinh dự khác, huân huy chương cấp Nhà nước; lao động bắt buộc; lao động cải tạo; hạn chế quân vụ; hạn chế tự do và tù giam có thời hạn. Qua đó cho thấy Liên bang Nga không quy định hình phạt tử hình và tù chung thân đối với CTPTN. Hình phạt tiền là hình phạt thường được ưu tiên áp dụng, sau đó mới đến các loại hình phạt khác. Bởi, quan điểm của các nhà làm luật Nga cho rằng đối với CTPTN, việc xử phạt bằng chế tài phạt tiền sẽ mang lại hiệu quả hơn so với các loại hình phạt khác. Hình phạt tù có thời hạn cao nhất được quy định trong Chương này là 12 năm tù được áp dụng đối với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (1).

Hai là, quy định TNHS của Bộ luật hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức về CTPTN.

Bộ luật hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức quy định CTPTN trong chương cuối cùng của BLHS với tên gọi "Các tội phạm trong chức trách", từ điều từ Điều 331 đến Điều 357. Theo quy định của BLHS nước này, nhà chức trách (người có chức vụ quyền hạn) được hiểu là công chức hoặc thẩm phán, giữ cương vị nhất định khác trong quan hệ công vụ hoặc được giao đảm nhiệm công việc thuộc hành chính công tại cơ quan đương cục hoặc do được ủy nhiệm mà không phụ thuộc vào hình thức tổ chức được lựa chọn để hoàn thành công việc đó.

Qua nghiên cứu, cho thấy Bộ luật hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức  quy định khá đầy đủ về các hành vi liên quan đến những người có chức vụ quyền hạn (chức trách) với khung hình phạt tối thiểu là 03 tháng tù và cao nhất đến 10 năm tù (đối với Tội nhận hối lộ và đưa hối lộ trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng - Điều 335). Điểm đáng lưu ý nhất, các tội trong Chương này đều quy định hình phạt tiền vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung và có thể áp dụng song song với hình phạt chính (2).

Ba là, quy định Bộ luật hình sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về CTPTN.

 Cũng như BLHS của Cộng hòa Liên bang Đức, BLHS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng quy định CTPTN trong một chương riêng là Chương VIII với tên “Tội tham ô, hối lộ”, được quy định tại 14 điều (từ Điều 382 đến Điều 396). Ngoài ra CTPTN còn được quy định thêm tại một số điều của Chương IX. Tội "Không làm tròn trách nhiệm" (từ Điều 397 đến Điều 419). Nội dung các quy định trên cho thấy, nhà làm luật đã quy định tất cả những người là "nhân viên trong các cơ quan Nhà nước" có hành vi phạm tội vì vụ lợi với động cơ, mục đích phạm tội khác nhau như: Tội "Lạm dụng chức quyền" (Điều 397); Tội "Giảm án, tạm tha, cho chấp hành tại ngoại trái pháp luật vì lợi ích cá nhân của nhân viên làm công tác tư pháp" (Điều 401); Tội "Không thu hoặc giảm thu khoản thuế phải nộp, gây tổn thất cho việc thu thuế của Nhà nước của nhân viên cơ quan Thuế vụ" (Điều 404) hoặc các tội do vô ý hoặc cố ý làm trái của nhân viên trong các cơ quan Nhà nước...

Trung Hoa là một quốc gia đấu tranh quyết liệt với tội phạm tham nhũng. Vì vậy, đường lối, chủ trương của quốc gia này là không khoan nhượng và vô cùng nghiêm khắc xử lý các hành vi tham nhũng. Nhận thức và lĩnh hội sâu sắc đường lối chủ trương trên, các nhà làm luật Trung Hoa đã quy định THNS rất nghiêm khắc đối với CTPTN. Bởi vậy, khung hình phạt quy định đối với CTPTN của BLHS nước này thường có hình phạt đến 10 năm tù, thậm chí người phạm tội còn có thể bị tù chung thân hoặc tử hình (3).

Bốn là, quy định của Bộ luật hình sự của Thái Lan Bộ luật hình sự của Thái Lan về CTPTN.

Bộ luật hình sự của Thái Lan dành hẳn một thiên (chương) riêng quy định về CTPTN. Cũng giống như BLHS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, BLHS Thái Lan là có thể áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham nhũng. Cụ thể, BLHS Thái Lan quy định về tội nhận hối lộ như sau: "Người thực hiện hành vi nhận hối lộ thì bị phạt tù từ 05 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình và bị phạt tiền từ 2.000 baht đến 40.000 baht" (Điều 149 và Điều 150).

Điểm đáng ghi nhận và có thể học hỏi, Bộ luật này quy định khá chi tiết tội danh liên quan đến hoạt động công vụ của công chức như: "Hành vi thanh toán tiền Nhà nước quá mức cho phép khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhằm mang lại lợi ích cho bản thân mình hoặc người khác thì bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm hoặc bị phạt tiền đến 20.000 baht" (Điều 153) hoặc "Hành vi không thu đầy đủ thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính khác với động cơ vụ lợi thì bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm, tù chung thân và bị phạt tiền đến 40.000 baht" (Điều 154). Điều này phản ánh, BLHS Thái Lan không chỉ quy định rất chi tiết, cụ thể về hành vi phạm tội, mà còn quy định phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng song song với hình phạt tù đối với người phạm tội. Trong khi đó BLHS của Việt Nam chỉ quy định phạt tiền là bổ sung và chỉ bắt buộc áp dụng đối với một số tội phạm pham nhũng, còn đối với các tội phạm tham nhũng/chức vụ khác thì "có thể" (không bắt buộc) áp dụng hình phạt bổ sung này (4).

Năm là, quy định của Bộ luật hình sự Philippines về CTPTN.

Trong BLHS của Philippines, CTPTN được quy định trong Chương Các tội phạm về công vụ, nằm tại Thiên (chương) thứ 7 Quyển 2 (từ Điều 203 đến Điều 245). Điểm khác biệt, trong đó có một điều luật riêng (Điều 203) quy định về khái niệm "công chức" là chủ thể của các tội phạm quy định trong Thiên (chương) này. Tuy nhiên, so với Việt Nam chỉ có 07 điều quy định về CTPTN trên 14 điều các tội phạm về chức vụ, thì BLHS của Philippines có tới 42 điều quy định về nhóm tội phạm này, trong đó lại bao gồm cả các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Các hình phạt được áp dụng phổ biến với CTPTN của quốc gia này là hình phạt tù và hình phạt tiền. Đặc biệt, hình phạt cao nhất được BLHS Philippines quy định đối với các tội phạm này là tù chung thân chứ không phải tử hình như Trung Hoa hay Thái Lan nói trên (5). 

2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tiếp tục hoàn thiện quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng

Qua nghiên cứu PLHS quy định về tội phạm, về TNHS đối với tội phạm tham nhũng, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam tham khảo trong việc tiếp tục hoàn thiện quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng như sau:

Một là, các quốc gia nói trên đều chung quan điểm, nhận thức xác định tội phạm tham nhũng là loại tội phạm nguy hiểm, đã, đang và sẽ làm suy giảm hiệu quả quản lý của Nhà nước và làm suy yếu quyền lực Nhà nước, suy giảm dẫn đến mất niềm tin của nhân dân, tác động xấu đến nền kinh tế, gây mất ổn định chính trị, xã hội;

Hai là, hầu hết các quốc gia đều quy định nhóm tội phạm này thành một chương (hoặc một thiên) riêng và đều có chung đường lối xử lý rất nghiêm khắc đối với CTPTN;

Ba là, hình thức TNHS đối với CTPTN đa dạng, có sự phân hóa TNHS đối với CTPVCV rất rõ ràng, hình phạt đối với nhóm các tội phạm này được quy định khác nhau ở mỗi quốc gia nhưng tựu chung lại đều bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính gồm có: phạt tiền, tù có thời hạn, chung thân, tử hình... hình phạt tù đều quy định mức tối thiểu và tối đa; hình phạt bổ sung là phạt tiền, trục xuất, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm làm một công việc nhất định. Đối với biện pháp tư pháp là tịch thu vật, tiền bạc, tài sản của người phạm tội về chức vụ được nhiều quốc gia chú trọng, được áp dụng song song với các hình phạt khác.

 (1) Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2001 của Liên bang Nga, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội

 (2) Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Liên bang Đức, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội

 (3) Đinh Bích Hà (2007), Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb Tư pháp, Hà Nội

 (4) Viện Khoa học pháp lý (2010), Pháp luật hình sự của một số nước ASEAN, Nxb Tư pháp, Hà Nội

 (5) Trần Văn Đạt (2012), Các tội phạm về tham nhũng theo pháp luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Hà Nội.

 

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Đạt (2012), Các tội phạm về tham nhũng theo pháp luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Hà Nội

2. Đinh Bích Hà (2007), Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb Tư pháp, Hà Nội

3. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2001 của Liên bang Nga, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội

4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Liên bang Đức, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

5. Viện Khoa học pháp lý (2010), Pháp luật hình sự của một số nước ASEAN, Nxb Tư pháp, Hà Nội

TS. NGUYỄN THỊ NGỌC LINH

Học viện Hành chính Quốc gia

Hoàn thiện một số quy định về tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Nguyễn Hoàng Lâm