/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Quyền gặp, làm việc của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra: Một số bất cập và kiến nghị

Quyền gặp, làm việc của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra: Một số bất cập và kiến nghị

11/02/2021 01:38 |

(LSVN) - Quyền bào chữa là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự hiện nay. Việc thực hiện tốt các nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định được sự thật khách quan của vụ án, giúp hoạt động tố tụng được tiến hành đúng trình tự, đảm bảo việc xét xử công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, đồng thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng.

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền của người bào chữa tại Điều 73 như sau:

- Gặp, hỏi người bị buộc tội;

- Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

- Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

- Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

- Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

- Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu

- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;

- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;

- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, có thể thấy trong giai đoạn điều tra, Luật sư tham gia bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; tham gia buổi đối chất, nhận dạng,.. và các hoạt động điều tra khác. 

Khi đó, cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo cho cho Luật sư về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác.

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy Luật sư còn gặp nhiều khó khăn trong việc gặp gỡ người bị tạm giữ, tạm giam, bị can hoặc tham gia buổi hỏi cung, lấy lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can trong giai đoạn điều tra. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng thông báo thời gian quá gấp khiến Luật sư không thể tham gia các buổi làm việc và hiện nay cũng chưa có quy định về thời gian thông báo của cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, bị can tham gia buổi hỏi cung, lấy lời khai, đối chất,… mà không có sự tham gia của Luật sư. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can trong giai đoạn điều tra. 

Do đó, tôi cho rằng đây cũng là một điểm bất cập trong quy định hiện hành và cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền hợp pháp của người bào chữa cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm gian, bị can trong giai đoạn điều tra.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, điều tra viên từ chối Luật sư vì lý do vắng mặt, đi công tác,…khiến cho việc gặp gỡ giữa Luật sư và người bị tạm giữ, tạm giam bị cản trở, gián đoạn. Do đó, cũng cần có quy định về việc không giới hạn số lần gặp giữa Luật sư và người bị tạm giữ, tạm gian, bị can, bị cáo. Đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục để đảm bảo quyền gặp gỡ của người bào chữa đối với người bị tạm giữ, tạm gian, bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG 
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả dịp Tết Nguyên đán

Lê Minh Hoàng