Quyền nhân thân của cá nhân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

08/06/2020 16:16 | 4 năm trước

(LSO) - Quyền nhân thân (personalyty rights) là thuật ngữ pháp lý để chỉ những quyền gắn liền với bản thân mỗi con người, gắn liền với đời sống riêng tư của mỗi cá nhân. Từ xưa đến nay, nói đến quyền nhân thân người ta thường liên tưởng đến những quyền có liên quan mật thiết đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Một xã hội càng tiến bộ bao nhiêu, nền tự do dân chủ càng được mở rộng bao nhiêu thì con người càng được tôn trọng bấy nhiêu. Do đó, các quyền nhân thân cũng được pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình”. Đối với quan hệ hôn nhân, cá nhân có quyền kết hôn và quyền ly hôn. Trong đời sống gia đình, cá nhân có quyền bình đẳng của vợ chồng; quyền xác định cha, mẹ, con; quyền nuôi con nuôi… Vì vậy, quyền nhân thân của cá nhân trong quan hệ hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) gồm các quyền cơ bản sau:

Quyền kết hôn: Là quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật thừa nhận, là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: (a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; (b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; (c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; (d) Việc kết hôn không thuộc một trong những trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 của Luật HN&GĐ. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo quy định của Luật HN&GĐ hiện hành, nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, hiện trên thế giới cũng mới chỉ có khoảng gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Canada và một số bang của Hoa Kỳ…). Những quốc gia này trước khi công nhận việc kết hôn giữa những người đồng tính cũng đã có lộ trình từ lâu khi quy định cho phép kết hợp dân sự, chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính (ví dụ: Hà Lan từ năm 1998, đến năm 2001 mới chính thức công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; Cộng hòa Pháp thừa nhận quyền chung sống giữa những người cùng giới tính từ năm 1999, đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân của họ…). Ở châu Á thì chưa có quốc gia nào công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, tuy nhiên thì Trung Quốc (năm 1997), Ấn Độ (2009) đã hợp pháp hóa tình trạng chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.

Ở nước ta, trước đây, theo khoản 5 Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Quy định này đã dẫn đến những phản ứng gay gắt của nhóm người đồng tính, trong quá trình thực thi đã có nhiều quan điểm khác nhau đối với trường hợp chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính. Khoản 2 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, mà đặt ra “điều kiện kết hôn” là: các bên kết hôn phải tuân thủ các điều kiện kết hôn, trong đó hai bên kết hôn phải khác giới tính, đó cũng là điều kiện để việc kết hôn là hợp pháp.

Quyền ly hôn: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của vợ, chồng, chỉ với tư cách là vợ, chồng mới có quyền ly hôn. Điểm cơ bản của Luật HN&GĐ năm 2014 là quy định bổ sung thêm cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (khoản 2 Điều 51). Quy định này xuất phát từ thực tiễn của đời sống xã hội và với mục đích nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của vợ, chồng là người mất năng lực hành vi dân sự và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra.

Pháp luật thừa nhận và bảo hộ quyền ly hôn của vợ, chồng. Tuy nhiên, quyền này cũng bị hạn chế trong một số trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của người vợ và người con là trẻ sơ sinh: chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014). Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà mẹ, trẻ em, phụ nữ có thai và thai nhi. Việc hạn chế quyền ly hôn này chỉ áp dụng với riêng người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Theo quy định trên, dù người vợ đang mang thai hoặc đứa trẻ sinh ra chưa đủ 12 tháng tuổi (mặc dù đứa trẻ không phải là con của người chồng mà có thể là con của bất kỳ người đàn ông nào) thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, trong trường hợp bị tòa án xử bác đơn yêu cầu ly hôn thì người vợ/chồng bị tòa án xử bác đơn yêu cầu ly hôn đó phải đợi sau thời hạn một năm mới được quyền yêu cầu ly hôn.

Quyền bình đẳng giữa vợ, chồng: Điều 17 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, luật này và các luật khác có liên quan.

Nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng được ghi nhận đầu tiên trong sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật (Điều 5), đồng thời là một trong những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật HN&GĐ. Nội dung của nguyên tắc này bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng trong các quan hệ nhân thân và tài sản (được quy định từ Điều 17 đến Điều 50 của Luật HN&GĐ năm 2014). Các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của vợ chồng luôn gắn liền và được thực hiện tương ứng giữa vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân; không thể chuyển giao cho người khác và không thể thực hiện bằng nghĩa vụ khác. Theo đó, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của công việc, nghề nghiệp, học tập, công tác, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, kinh tế, xã hội và lý do chính đáng khác; vợ chồng có quyền lựa chọn nơi cư trú theo thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính…

Trong quan hệ về tài sản, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau, kể cả trong trường hợp vợ chồng ly hôn thì vợ, chồng vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng (Điều 115 Luật HN&GĐ năm 2014). Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau khi một bên vợ, chồng chết hoặc có quyết định của tòa án tuyên bố vợ, chồng đã chết có hiệu lực pháp luật. Đặc biệt, về chế độ tài sản của vợ chồng, do tính chất cộng đồng của quan hệ hôn nhân được xác lập; sau khi kết hôn, vợ chồng cùng chung sống, cùng đóng góp công sức tạo dựng khối tài sản chung nhằm đáp ứng, bảo đảm đời sống chung của gia đình, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Luật HN&GĐ đã dự liệu quy chế pháp lý đặc biệt cho các cặp vợ chồng khi quy định về chế độ tài sản vợ chồng. Chế độ tài sản của vợ chồng (theo nghĩa hẹp) là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng; bao gồm quy định về sự thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng (chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận); căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản đó; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng (chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định).

Một trong những quy định mới của Luật HN&GĐ năm 2014 là đã ghi nhận về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (pháp luật các quốc gia khác thường gọi là hôn ước). Theo đó, có hai loại chế độ tài sản của vợ chồng được áp dụng: chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (từ Điều 47 đến Điều 50) và chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định (từ Điều 33 đến Điều 46). Tuy nhiên, dù vợ chồng lựa chọn loại chế độ tài sản nào thì cũng đều phải tuân thủ các nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng được quy định từ Điều 29 đến Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014. Những nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng luôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của vợ chồng, của các con và những người có quyền, lợi ích liên quan (người thứ ba) đến chế độ tài sản của vợ chồng.

Bảo đảm quyền tự định đoạt và nguyên tắc bình đẳng giữa vợ chồng, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, cho phép trước khi kết hôn, “vợ chồng” (hai bên kết hôn) có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận bằng văn bản; văn bản thỏa thuận này phải được công chứng hoặc chứng thực. Thực chất của văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là một giao dịch dân sự. Luật quy định văn bản thỏa thuận này phải tuân thủ quy định về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn. Nội dung văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; những nội dung khác có liên quan (Điều 48). Trong thời kỳ hôn nhân, nếu có nội dung thỏa thuận nào ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của vợ chồng, các con thì vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung của văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng (Điều 49). Trường hợp văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan, vi phạm một trong các quy định nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình thì bị tòa án tuyên bố vô hiệu khi có yêu cầu (Điều 50). Tại Nghị định số 126/2016/NĐ-CP ngày 31/5/2016 của Chính phủ đã quy định chi tiết chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (Điều 15, 16, 17, 18). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng còn có những quy định chưa thật sự phù hợp với thực tiễn giao lưu dân sự. Pháp luật hiện hành đã quy định “mở” về nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng; buộc vợ chồng có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin về việc vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan. Vợ chồng cũng có thể thỏa thuận thay đổi chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận bằng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.

Đối với chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, trên cơ sở kế thừa và phát triển Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000. Luật HN&GĐ năm 2014 cũng quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định là chế độ cộng đồng tài sản. Luật quy định cụ thể về căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung (Điều 33), bao gồm những tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch từ tài sản riêng.

Đối với tài sản chung, vợ chồng luôn có quyền bình đẳng khi chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung. Luật quy định ba trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng (khi vợ, chồng chết hoặc có quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên bố vợ, chồng là đã chết; chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn). Các quy định này đã lấp được “lỗ hổng” của Luật HN&GĐ năm 2000 đã “quyên” không quy định về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ, chồng chết và chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Đối với tài sản riêng, Luật HN&GĐ đã quy định cụ thể về căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng; quyền nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng (Điều 43, 44, 45, 46). Theo đó, vợ chồng là chủ sở hữu đối với tài sản có trước khi kết hôn; những tài sản mà vợ, chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân; những tài sản được chia từ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và những tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản riêng. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng. Tài sản riêng được thực hiện, bảo đảm nghĩa vụ riêng của vợ, chồng (nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật; nghĩa vụ của vợ, chồng có trước khi kết hôn; nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ, chồng xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình…).

Quyền xác định cha, mẹ, con: Điều 90 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trường hợp cha, mẹ đã chết; con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha. Điều 91 quy định về quyền nhận con: cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trường hợp con đã chết; Trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia. Luật HN&GĐ năm 2014 quy định về nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ con; đặc biệt, Luật đã ghi nhận vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100), đây là quy định mới trong Luật HN&GĐ năm 2014.

Quyền được nhận làm con nuôi và quyền nuôi con nuôi: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi. Việc thực hiện quyền này trên thực tế phải tuân theo các điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Nuôi con nuôi quy định. Luật cũng quy định các nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế, hệ quả của việc nuôi con nuôi và những căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Như vậy, quyền nhân thân của cá nhân trong lĩnh vực HN&GĐ là một trong những quyền dân sự, là quyền tự nhiên cơ bản của con người khi sinh ra đã có, các quyền này đã được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế cũng như trong nước. Mọi cá nhân đều được chủ động thực hiện các quyền trên và các quyền đó đều được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến các quyền trên của cá nhân đều bị xử lý theo những chế tài của pháp luật hiện hành.

ThS. ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI

/y-an-so-tham-vu-xe-container-dam-innova-di-lui-tren-cao-toc-luat-su-cua-tai-xe-le-ngoc-hoang-noi-gi.html