(LSVN) - Quyền tự do hiệp hội là một quyền cơ bản của con người, được ghi nhận và bảo vệ trong luật quốc tế, được ghi nhận trực tiếp tại Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người năm 1948 và đặc biệt là Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966. Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998 của Tổ chức Lao động thế giới (ILO). Và hơn nữa, quyền tự do hiệp hội được quy định cụ thể, rõ ràng trong Bộ luật Lao động (BLLD) 2019.
Về nội dung quyền tự do hiệp hội của người lao động
Quyền tự do hiệp hội là một trong những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được ILO ghi nhận trong tuyên bố về quyền tự do nơi làm việc năm 1988 và được thể hiện thông qua công ước 87 năm 1948 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức và công ước 98 năm 1949 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Quyền tự do hiệp hội được hiểu là quyền của các cá nhân được tự do liên kết, tập hợp lại với nhau thành nhóm để theo đuổi những hoạt động tập thể hướng đến những lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung.
Tự do hiệp hội đề cập đến quyền của người lao động và người sử dụng lao động được thành lập và tham gia vào các tổ chức theo lựa chọn của họ một cách tự do và không sợ bị trả thù hoặc can thiệp. Điều này bao gồm quyền thành lập và liên kết với các công đoàn và các tổ chức quốc tế. Tự do hiệp hội liên quan đến quyền thương lượng tập thể, cho phép người lao động thương lượng điều kiện làm việc của họ một cách tự do với người sử dụng lao động của họ. Những quyền này là phổ quát và áp dụng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, quốc tịch hay quan điểm chính trị. Quyền này được áp dụng cho tất cả người lao động và người sử dụng lao động, kể cả những lao động trong nền kinh tế phi chính thức, những người không thường xuyên có hợp đồng lao động chính thức[1].
Theo ILO, quyền tự do hiệp hội có các nội dung như sau:
- Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình.
Về bản chất, trong quá trình lao động, người lao động không tồn tại như một cá thể riêng biệt độc lập mà tồn tại trong một tập thể những người cùng tham gia lao động trong một điều kiện chung, với chế độ, tiêu chuẩn lao động chung. Và những người lao động trong tập thể đó, với tư cách là bên yếu thế trong quan hệ lao động, xung đột quyền và lợi ích với người sử dụng lao động thường có xu hướng liên kết, tập trung sức mạnh để cải thiện vị thế của mình trong doanh nghiệp bằng việc thành lập nên tổ chức đại diện, thay mặt mình, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đây là nhu cầu tất yếu và là quyền cơ bản của con người, do đó không thể và không nên có bất cứ một giới hạn nào trong việc thanh lập các tổ chức đại diện người lao động. ILO quan điểm, người lao động không chỉ được quyền thành lập một mà là nhiều tổ chức đại diện, và vì đó là quyền của người lao động, nên việc họ thành lập một tổ chức đại diện quyền lợi cho mình không cần thiết phải được sự đồng ý, cho phép hay phê duyệt bởi người sử dụng lao động hay bất cứ cơ quan chức năng nào. Là thành viên của tổ chức đại diện người lao động, người lao động chỉ có nghĩa vụ chấp hành điều lệ của chính tổ chức đó mà thôi.
- Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của người lao động (tự do hiệp hội). Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ.
Tự do hiệp hội là quyền cơ bản của người lao động, vì thế khi người lao động thành lập nên một tổ chức đại diện của mình, tổ chức này sẽ hoạt động theo tôn chỉ, điều lệ… do người lao động xây dựng. Các cơ quan hành chính nhà nước và chính bản thân doanh nghiệp cũng không có quyền sử dụng quyền lực hoặc mệnh lệnh hành chính để ép buộc người lao động phải tham gia hoặc không tham gia tổ chức đại diện người lao động nào ví dụ như tác động vào tiền lương, về quyền việc làm, về môi trường làm việc… Bên cạnh đó, không cơ quan hành chính nào được quyền tác động theo hướng cản trở, giải tán hay đình chỉ hoạt động của tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
- Các tổ chức của người lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi của những phái viên hay thành viên của mỗi bên để can thiệp vào việc tổ chức điều hành và quản lý nội bộ của phía bên kia.
Người lao động có quyền tự do thành lập, gia nhập các tổ chức đại diện người lao động. Suy rộng ra, các tổ chức của người lao động cũng có quyền tự do liên kết, thành lập các tổ chức, liên đoàn, tổng liên đoàn lớn hơn, cũng như liên kết với các tổ chức quốc tế. Điều này nhằm đảm bảo sự tương trợ lẫn nhau, hình thành nên một mối quan hệ bền vững lâu dài. Thực tế cho thấy, việc các tổ chức đại diện người lao động hợp lại dưới dạng liên đoàn hay hiệp hội sẽ giúp nâng cao tiếng nói của người lao động trên thị trường lao động, đồng thời đưa địa vị giữa người lao động và người sử dụng lao động về mức tương đối cân bằng. Chỉ khi địa vị giữa người lao động và người sử dụng được cân bằng thì các quyền của người lao động mới được đảm bảo, bao gồm cả quyền tự do hiệp hội.
Những điểm tiến bộ về quyền tự do hiệp hội trong BLLĐ 2019
Thứ nhất, BLLĐ 2019 đã đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh hơn về tổ chức đại diện người lao động, tiệm cận với tinh thần công ước 87 tại Điều 3 về Giải thích từ ngữ và điểm c, khoản 1 Điều 5 về Quyền và nghĩa vụ của người lao động. Cụ thể, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Nếu như trước đây, BLLĐ 2012 quy định về tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở chỉ là ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, tức người lao động chỉ có một tổ chức duy nhất đại diện và bảo vệ quyền lợi cho mình là tổ chức công đoàn, vốn hoạt động thiếu độc lập và không hiệu quả, thì hiện nay, BLLĐ 2019 đã cho người lao động cơ hội được có các tổ chức đại diện người lao động khác hoạt động độc lập với công đoàn và thật sự vì lợi ích của người lao động. Điều này tránh được sự can thiệp có tính hành chính của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người lao động thông qua công đoàn vì suy cho cùng công đoàn trực thuộc tổng liên đoàn lao động, vốn là cơ quan nhà nước. Như vậy người lao động Việt Nam, bên cạnh việc gia nhập công đoàn (thuộc tổng liên đoàn lao động Việt Nam ) theo quy định tại Luật công đoàn, hoàn toàn có quyền thành lập, tham gia, hoạt động trong một tổ chức khác của người lao động ngoài công đoàn, được thành lập không trực thuộc Liên đoàn lao động Việt Nam và hoạt động không theo luật công đoàn. Những tổ chức này có quyền và nghĩa vụ gần như tương tự với tổ chức công đoàn như tham gia xây dựng quan hệ lao động (Điều 7), tham gia vào quy chế đánh giá mức độ hành thành công việc của người lao động (Điều 36), đóng góp ý kiến vào phương án sử dụng lao động (Điều 44), đối thoại tại nơi làm việc (Điều 63), tham gia thương lượng tập thể (Điều 65), tham gia ý kiến vào việc xây dựng thang lương, bảng lương (Điều 93), tham gia vào việc xử lý kỷ luật lao động (Điều 122)… Đây vốn chỉ là những quyền, nghĩa vụ chỉ thuộc về tổ chức duy nhất là công đoàn thì hiện nay đã được trao cho những tổ chức bất kỳ được thành lập để đại diện cho người lao động.
Thứ hai, BLLĐ 2019 quy định về những hành vi bị cấm vì hạn chế hay xâm phạm quyền tự do hiệp hội của người lao động. Cụ thể Điều 175 BLLĐ 2019 quy định, nghiêm cấm các hành vi “Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động như yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động; Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác; Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;…
Điều 177 BLLĐ 2019 cũng quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm quyền tự do hiệp hội của người lao động như “Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được thành lập hợp pháp….”, đồng thời phải đảm bảo quyền của ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động như phải giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động.
Các quy định này góp phần bảo vệ người lao động trong trường hợp người lao động có thể không muốn tham gia công đoàn mà muốn tham gia một tổ chức đại diện khác để đảm bảo quyền lợi của mình, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng quyền lực của mình để ngăn cản người lao động. Người lao động có thể thoải mái thành lập hoặc gia nhập một tổ chức đại diện người lao động mà không lo bị ảnh hưởng, trừng phạt về lương, về cơ hội việc làm, thăng tiến, thời gian làm việc.
Thứ ba, BLLĐ 2019 quy định riêng về ban lãnh đạo công đoàn. Theo đó, Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Trước đây, nhân sự trong ban chấp hành công đoàn cơ sở chịu sự tác động khá lớn bởi các quy định của Luật công đoàn và của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, với những tiêu chuẩn, điều kiện phức tạp.
Trong khi đó, việc thành lập tổ chức đại diện người lao động không phải công đoàn hoàn toàn do người lao động chủ động, ban lãnh đạo tổ chức chỉ cần là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, đảm bảo một số điều kiện về nhân thân như không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân,… không cần đảm bảo nhiều quy tắc như ban chấp hành công đoàn (độ tuổi, thành phần, số lượng…). Điều này giúp cho trình tự bầu ban lãnh đạo diễn ra gọn nhẹ hơn, tránh thủ tục, rườm rà, hình thức. Ban lãnh đạo hoàn toàn do người lao động bầu, không chịu sự chi phối về nhân sự bởi cấp trên.
Tính khả thi và những biện pháp đảm bảo quyền tự do lập hồi của người lao động trong BLLĐ 2019
Thứ nhất, về tính khả thi của quy định mới về tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động theo quy định tại BLLĐ 2019.
Đứng trước sức ép từ việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và yêu cầu phải hài hòa hóa quan hệ lao động của ILO thì việc quy định về việc người lao động và người sử dụng lao động được tự do lựa chọn, thành lập và tham gia tổ chức đại diện của mình là một yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, còn rất nhiều ý kiến băn khoăn liệu có các quy định này có đảm bảo được tính khả thi tại Việt Nam hay không, câu trả lời là hoàn toàn có.
Có những ý kiến cho rằng việc cho phép người lao động được thành lập, tham gia vào tổ chức đại diện cho mình ngoài tổ chức công đoàn sẽ dễ dẫn tới hiện tượng “lạm phát” các tổ chức đại diện doanh nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên theo quy định tại Chương XIII, BLLĐ 2019 thì Tổ chức đại diện cho người lao động phải có điều lệ, quy chế hoạt động, tổ chức bộ máy, tôn chỉ mục đích hoạt động, phải có số lượng thành viên đủ lớn tự nguyện tham gia theo quy định mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập.
Khi thành lập thì phải hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, nếu hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích, hoặc lợi dụng tổ chức này để trục lợi, đặc biệt hoạt động mang màu sắc chính trị, không chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải tán.
Chính vì vậy việc lạm phát tổ chức đại diện cho người lao động trong doanh nghiệp là một điều không đáng ngại. Song, để các tổ chức đại diện cho người lao động được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này, trong đó có các quy định về đối thoại, thương lượng tập thể, hợp tác, thỏa ước tập thể, tham vấn trong quan hệ lao động... được quy định tại BLLĐ, Luật Công đoàn.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động của dự thảo BLLĐ 2019 là ở mức độ vừa đủ, đáp ứng đồng thời các yêu cầu: vừa tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và đặc điểm của quan hệ lao động của Việt Nam.
Hơn nữa, việc quan tâm đến yếu tố lao động không thể dừng lại ở việc chỉ chú trọng vào việc xây dựng và thực hiện các quy định phục vụ cho riêng người lao động, mà phải bảo đảm tính toàn diện của mối quan hệ lao động, tức là quan tâm tới cả hai bên: người lao động, tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của họ.
Thứ hai, về những biện pháp đảm bảo tính khả thi của các quy định về quyền tự do lập hội của Người lao động theo BLlĐ 2019.
Các nhà lập pháp cần cụ thể hóa trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập các tổ chức đại diện cho người lao động. Do những quy định về tổ chức đại diện của Người lao động là những quy định mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam nên việc cụ thể hóa trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập tổ các tổ chức này là một điều cần thiết.
Cần phải thiết kế các điều luật quy định về quyền liên kết của các tổ chức đại diện cho người lao động với nhau; cần quy định rõ về quyền đăng ký và hoạt động của hệ thống giải quyết tranh chấp lao động để đảm bảo cơ chế này hoạt động hiệu quả.
Cần phải có những quy định về trình tự, thủ tục cụ thể để thành lập và gia nhập tổ chức đai diện của người lao động. Việc quy định rõ về trình tự thủ tục thành lập của các tổ chức đại diện vừa tạo ra hành lang pháp lý thống nhất cho việc thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động vừa đảm bảo được tính pháp lý của các tổ chức này, tránh tình trạng thành lập các tổ chức một cách tràn lan, thiếu hiệu quả và hoạt động với mục đích trái pháp luật hay các mục đích thương mại, không đảm bảo đúng chức năng của tổ chức đại diện cho người lao động.
Những quy định rõ ràng về việc thành lập các tổ chức này cũng là cơ sở để Chính phủ có thể kiểm soát, giám sát hoạt động của các tổ chức này một cách có hiệu quả, tránh tình trạng không có cơ chế quản lý việc các tổ chức này hoạt động sai mục đích ban đầu
Quán triệt tư tưởng về việc tuân thủ pháp luật đối với những tổ chức đại diện cho người lao động ngoài công đoàn. Đưa nội dung giáo dục về pháp luật lao động, tác phong lao động, mục đích vai trò của các tổ chức đại diện người lao động và người lao động vào các chương trình giáo dục, đào tạo nghề để người lao động và các tổ chức đại diện người lao động có thể nhận thức và hành xử đúng pháp luật, đồng thời tăng cường năng lực giám sát đối với các tổ chức này trong việc chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật
Các tổ chức đại diện cho người lao động cần tuân thủ nghiêm túc tôn chỉ mục đích đề ra, hoạt động trên cơ sở các quy định của pháp luật, cạnh tranh bình đẳng với các tổ chức khác trong một doanh nghiệp để thể hiện được vai trò đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên của mình.
_________________________ [1] Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tự do hiệp hội và phát triển, 2011, tr.2. |
MỸ LINH