Quyết định, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong lĩnh vực đất đai bị khiếu kiện ngày càng gia tăng

22/02/2024 10:49 | 2 tháng trước

(LSVN) - Tình hình khiếu kiện quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch UBND,UBND các cấp trong lĩnh vực đất đai đang có chiều hướng gia tăng. Đây là thực trạng liên quan đến các QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp bị khiếu kiện được nêu tại Báo cáo tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn 7 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính 2015.

Ảnh minh họa.

Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính 2015 của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng kết thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND và UBND.

Theo Báo cáo, kể từ ngày 01/7/2016 đến hết ngày 31/7/2023, tổng số QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp trên toàn quốc bị khiếu kiện là 28.055 QĐHC, HVHC. Trong đó, cấp tỉnh là 5.625; cấp huyện là 20.856; cấp xã là 1.574. Trong số, 28.055 QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp bị khởi kiện có 3.132 quyết định bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ (cấp tỉnh: 516, cấp huyện 2.472, cấp xã 144) và 508 HVHC của Chủ tịch UBND, UBND bị Tòa án tuyên bố là trái pháp luật (cấp tỉnh: 27, cấp huyện: 416, cấp xã: 65).

Báo cáo tổng kết của hầu hết các địa phương cũng nhận định tình hình khiếu kiện QĐHC, HVHC trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng thể hiện ở số lượng các QĐHC, HVHC bị khởi kiện tăng và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, như: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; quyết định giải quyết khiếu nại; quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về việc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định cưỡng chế thu hồi đất; quyết định về việc kiểm đếm bắt buộc và hành vi không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... Ngoài ra còn có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai.

Về nguyên nhân dẫn đến việc các QĐHC, HVHV bị khởi kiện ngày càng gia tăng, theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

- Về phía cơ quan nhà nước: Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức làm công tác tham mưu ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC còn hạn chế, chưa nắm bắt đầy đủ hoặc chưa hiểu đúng quy định của pháp luật để ban hành QĐHC, thực hiện HVHC giải quyết công việc của người dân.

Quá trình giải quyết khiếu nại còn lúng túng trong việc phân loại xử lý đơn và xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết,... dẫn đến phát sinh các khiếu kiện hành chính. Người có thẩm quyền ban hành QĐHC, thực hiện HVHC còn chưa xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan nội dung, bản chất của vụ việc và các quy định của pháp luật dẫn đến việc ban hành QĐHC, thực hiện các HVHC có nội dung chưa đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, rà soát, đánh giá các QĐHC chưa được thực hiện thường xuyên. Việc kiểm tra, giám sát cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu chưa được kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương có giai đoạn thiếu chặt chẽ dẫn đến việc tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện.

- Về phía người dân: Nhận thức của người bị thu hồi đất về chính sách, pháp luật chưa thật sự đầy đủ. Tâm lý người dân muốn khiếu kiện để được quyền lợi nhiều hơn, có trưởng hợp QĐHC, HVHC của các các cơ quan có thẩm quyền ban hành có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật nhưng người phải chấp hành QĐHC cố tình trì hoãn việc chấp hành, kéo dài thời gian thi hành bằng việc sử dụng quyền khởi kiện vụ án hành chính.

Đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, bồi thường khi phát sinh khiếu nại, người dân có tâm lý không tin tưởng vào nội dung giải quyết khiếu nại của cấp dưới và gửi đơn vượt cấp lên tỉnh, Trung ương.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tình trạng khiếu kiện đối với các QĐHC, đặc biệt là các QĐHC trong lĩnh vực đất đai đó là sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hoá nhanh, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhiều dẫn đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án diễn ra mạnh mẽ, giá đất biến động theo chiều hướng tăng, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa người dân và nhà nước về giá bồi thường.

Chính sách đất đai có nhiều thay đổi qua các thời kỳ, nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Hệ thống các quy định của pháp luật thường xuyên thay đổi, nhất là lĩnh vực đất đai còn một số bất cập như một số chính sách pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư,... giá đất chưa phù hợp với thực tế dẫn đến khó khăn cho cán bộ, công chức trong việc nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời để áp dụng thống nhất trên thực tế.

Có trường hợp tranh chấp dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất đã hết thời hiệu khởi kiện dân sự nhưng còn thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính nên người dân thực hiện khởi kiện vụ án hành chính.

Cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ công tác xây dựng ban hành QĐHC chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trong công tác đo đạc quản lý đất đai thời kỳ trước. Việc quản lý hồ sơ đất đai do lịch sử để lại còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, thậm chí có lúc còn buông lỏng quản lý…

Từ thực trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai một cách khoa học, thống nhất, đầy đủ, bảo đảm xây dựng pháp luật về đất đai tương đối hoàn chỉnh, toàn diện, bao quát các vấn đề liên quan, minh bạch về đất đai, dự báo được các biến động trong tương lai. Cần bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan liên trong việc quản lý và khai thác thông tin đất đai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai đối với chính quyền địa phương các cấp…

Luật sư HỒNG HÀ

Hướng dẫn đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài