Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Vụ án cựu Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương) Nguyễn Hồng Khanh bị cáo buộc tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trở thành tâm điểm dư luận của xã hội bởi khi bị khởi tố, ông là cán bộ đương chức của tỉnh, “phạm tội” liên quan đến đất đai – vốn là “sở trường ăn đất” của cả một dàn lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ông bị cáo buộc là đồng phạm, cấu kết với 2 cán bộ ngân hàng làm thất thoát tài sản Nhà nước, phiên tòa sơ thẩm đã tuyên 10 năm tù giam đối với ông, 11 và 12 năm tù với 2 cán bộ ngân hàng.
Mới đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại, đồng thời vạch rõ những sai phạm về tố tụng, chưa đủ cơ sở để buộc tội cũng như các “góc khuất” khó hiểu trong vụ án này.
Trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2014, vợ chồng ông Khanh đã 4 lần mua đất của bà Hồ Thị Hiệp đều có công chứng đầy đủ. Sau khi bà Hiệp chết, con trai bà có đơn tố cáo gửi Công an Bình Dương với nội dung ông Khanh cấu kết với cán bộ ngân hàng để mua rẻ đất. Cùng ngày với con trai bà Hiệp gửi đơn tố cáo tại cổng bảo vệ cơ quan thì Công an và Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương đã phân công cán bộ của mình giải quyết đơn tố cáo này và đến 2 ngày sau mới có quyết định thụ lý vụ việc, 17 tháng sau mới khởi tố vụ án. Đó là những hành vi vi phạm thủ tục tố tụng mà Tòa án nhân dân Cấp cao đã chỉ ra.
Mấu chốt của vấn đề là ông Khanh có “cấu kết với cán bộ ngân hàng để gây thất thoát tài sản của Nhà nước" không cũng được vạch rõ. Khu đất này của bà Hiệp thế chấp cho ngân hàng BIDV để vay tiền và do không có tiền trả nên phải bán đất, được ngân hàng đồng ý, việc mua bán công khai, đúng pháp luật.
Một điểm nhấn đáng chú ý là đây là tài sản thế chấp, tài sản đó vẫn thuộc quyền bà Hiệp quản lý, sử dụng chứ không phải tài sản của ngân hàng, hơn nữa, ngân hàng BIDV đã cổ phần hóa từ năm 2012, Nhà nước chỉ là một cổ đông mà thôi, do đó, nếu có gây thất thoát thì khách thể bị xâm hại cũng không phải tài sản Nhà nước như tội danh đã cáo buộc đối với ông Khanh và 2 cán bộ ngân hàng.
Một số tình tiết khác không có cơ sở để cáo buộc tội danh với ông Khanh cũng đã được chỉ ra làm cơ sở cho việc hủy án sơ thẩm. 3 bị cáo trong vụ án này đều kêu oan, đến nay, sau 2 năm bị tạm giam, ông Khanh đã được tại ngoại, còn 2 cán bộ ngân hàng vẫn bị giam giữ.
“Việc dân sự cốt ở hai bên” nhưng khi có người thứ ba nhảy vào thì rất dễ để trở thành việc hình sự và xem ra việc hình sự hóa một quan hệ dân sự quá dễ dàng thì cũng rất dễ dàng dẫn tới oan sai.
NHỊ NGỌC
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật