Sở hữu kỳ nghỉ không phải là sở hữu bất động sản

08/02/2020 14:20 | 4 năm trước

LSVNO - Bản chất của “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” là hợp đồng cung cấp dịch vụ lưu trú không phải là quyền sở hữu bất động sản.

LSVNO - Bản chất của “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” là hợp đồng cung cấp dịch vụ lưu trú không phải là quyền sở hữu bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cuối năm 2018, TAND thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thụ lý hàng chục vụ kiện tranh chấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ giữa các khách hàng với công ty cung cấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến hình thức mua bán, sở hữu kỳ nghỉ, rất nhiều khách hàng ký  hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoặc hợp đồng đặt chỗ với công ty cung cấp sở hữu kỳ nghỉ. Đây là hình thức mua bán dịch vụ với hình thức mới lạ, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối  với bên mua  nếu chỉ  tin quảng cáo mà không tìm hiểu kỹ về căn cứ pháp lý trước khi giao dịch.

Ngay cả tòa án cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp này. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có khuyến cáo người dân cần phải cẩn trọng, nên tìm hiểu rõ bản chất, cơ sở pháp lý khi giao dịch mua bán hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Theo bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có hiệu lực, đã  xác định hai vấn đề pháp lý cơ bản như sau:

Thứ nhất, về thủ tục tố tụng.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là hợp đồng theo mẫu do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, có soạn sẵn quy định thỏa thuận chọn cơ quan và phương thức giải quyết tranh chấp: “... các Bên có thể thỏa thuận trong quá trình tiến hành thương lượng và hòa giải, sẽ được giải quyết bằng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singgapore (“SIAC”) theo các quy tắc trọng tài của SIAC có hiệu lực tại thời điểm giải quyết tranh chấp”.

Theo quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại; Hướng dẫn tại khoản 5 Điều 4 Nghi ̣ quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/4/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, khi: “Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều khoản chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp”.

Nguyên đơn là người tiêu dùng  không đồng ý lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp và yêu cầu TAND thành phố Nha Trang giải quyết tranh chấp, và  TAND thành phố thụ lý, giải quyết tranh chấp là đúng thẩm quyền. (Trước đó, TAND TP. Nha Trang đã trả lại đơn khởi kiện dẫn đến việc đương sự khiếu nại  và được TAND tỉnh  Khánh Hòa chấp nhận yêu cầu TAND TP. Nha Trang phải thụ lý giải quyết).

Thứ hai, về nội dung.

Theo quy định tại khoản 3.1 Điều 3 của Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ: Khách nghỉ dưỡng theo Hợp đồng này, đồng ý thuê phòng từ Công ty và Công ty tại đây đồng ý cho khách nghỉ dưỡng được thuê phòng... Như vậy, bản chất của “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” là hợp đồng cung cấp dịch vụ lưu trú, không phải là quyền sở hữu bất động sản.

Việc ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và việc đặt cọc để được sở hữu kỳ nghỉ khi giải quyết tranh chấp áp dụng Điều 328, Điều 401, Điều 513 và Điều 514 Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 11 Luật Thương mại; Điều 14, Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 17 Luật Trọng tài thương mại; Mục 4 Chương IV Luật Du lịch.

Như vậy, Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ  là Hợp đồng cung cấp dịch vụ lưu trú, không phải hợp đồng chuyền quyền sở hữu bất động sản, nên không điều chỉnh bởi Luật Nhà ở 2014; Luật Đất đai 2013; Luật Kinh doanh bất động sản.

Vì vậy, người có nhu cầu mua bất động sản cần biết để không mua “nhầm” sở hữu kỳ nghỉ, nhằm hạn chế tranh chấp gây thiệt hại cho người mua như đã xảy ra trong thời gian qua.

Đại Hưng