Số phận kẻ trở về từ San Jose (Kỳ 2): Cuộc tình với nữ tiếp viên nhà hàng Phong Trầm

15/06/2020 19:00 | 3 năm trước

(LSO) - Trong một tháng ở thành phố, cô ta không nhớ hắn đã ghé nhà hàng bao nhiêu lần, chỉ biết tình cảm giữa hai người trở nên thân thiết, nhất là khi hắn biết gia đình cô có ý định xuất cảnh sang Mỹ.

Sau khi Đào Quang từ Việt Nam trở về San Jose báo cáo tình hình cho tổ chức, cả bọn nhóm hợp lại với nhau vào đầu năm 1992 nhằm đánh giá “tình hình”. Mặc dù Đào Quang về nước lần đầu tiên với danh nghĩa du lịch thăm thân nhân, tận mắt thấy được từng ngày những đổi thay của quê hương xứ sở, nhưng y vẫn cố tình bóp méo sự thật... Ngay trong số những người trước đây từng tham gia bộ máy đàn áp nhân dân của chế độ cũ, khi gặp Quang ở Việt Nam cũng đều lắc đầu khi Quang nói muốn nghe về “sự thật”. Họ nói thẳng với Đào Quang: “Đất nước bây giờ hòa hợp rồi, đang trên đà đổi mới. Chúng tôi đang được Chính phủ tạo mọi điều kiện làm ăn, nay được chấp thuận đi diện HO. Chúng tôi còn gia đình, không ham hố gì chính trị, chẳng dại”. Dĩ nhiên những thành viên trong tổ chức không muốn tiếp nhận những “thông tin kiểu vậy”.

Nguyễn Phùng khoảng 45 tuổi dáng cao to, da ngăm đen, đang là chủ hiệu sửa xe hơi ở San Jose cùng với Trần mạnh Quỳnh và đồng bọn “nhận xét” rằng tình hình Việt Nam hiện nay chưa có gì thay đổi, nay “nhân Tổng thống Bush đang có kế hoạch chu du trên thế giới vận động nhân quyền”, “tổ chức” vạch ra một kế hoạch hành động cho mình là phải “phá hoại một cái gì đó ở trong nước để thế giới biết được ở tại Việt Nam vẫn còn các nhóm chống đối, chưa có dân chủ...”(?). Cả nhóm nhất trí phải “xuất tướng” về nước khảo sát địa bàn và móc nối gây dựng cơ sở, người đó không ai khác hơn là Trần Mạnh Quỳnh.

***

Trước khi rời San Jose về Việt Nam, Quỳnh đã suy nghĩ đến những đối tượng quen biết cũ, nhất là những kẻ thuộc “típ” người liều mạng, ham tiền, thuyết phục họ thực hiện nhiệm vụ do “tổ chức” giao là đặt chất nổ ở TP. HCM...

Phiên tòa sơ chung thẩm xét xử vụ án Trần Mạnh Quỳnh. Ảnh Xuân Ngọc.

Mới mùng 4 tết âm lịch năm 1992, nhà hàng Phong Trầm  đã mở cửa đón khách. Nằm khuất bên trong một con hẻm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhà hàng Phong Trầm lúc nào cũng đông khách bởi khuôn viên rộng rãi thoáng mát, tiếp viên vui vẻ, lịch thiệp... Trong số các tiếp viên ở đây có Trần Thị Hương (thường gọi là Thanh Tâm) là người tuy lớn tuổi, không “sắc nước hương trời” nhưng được cái “mặn mòi” có duyên. Tính Hương ít nói, không ai hiểu được cuộc sống riêng của cô ra sao. Nếu nói về kinh nghiệm, cô ta có thừa, vì từ năm 1986, khi cô thất nghiệp ở nhà trị bệnh, Hương đã vào làm tiếp viên khá nhiều nhà hàng. Bữa nay, Hương ngồi trầm ngâm một mình trên ghế salon đặt ở quầy tiếp tân, nhìn mơ màng vào hồ cá đặt trên tường... Hoàn cảnh của cô ta ít người biết: Chồng mới ra tù, sau 5 năm nằm trong trại giam do tham ô ở xí nghiệp thuốc lá, con còn nhỏ. Nhiều người nghĩ cái nghề tiếp viên này sướng, thu nhập cao nhờ vào tiền “bo” của khách, nhưng có ở trong hoàn cảnh mới biết nỗi tủi nhục ê chề khi phải ngả ngớn chiều những sở thích quái gở của khách đã nốc say tí bỉ... Đã hơn 7 giờ tối, chỉ có một vài người khách lẻ tẻ “nhớ” không khí bia ôm sau mấy ngày Tết mò đến. “Kiểu này chắc dông cả năm” - cô ta thầm nghĩ...

Bỗng lúc đó trước cửa đỗ xịch chiếc xe Isuzu 12 chỗ ngồi. Có khoảng 5 người đàn ông bước xuống. “Có khách!” - tiếng cậu chạy bàn hô lớn. Đi ngang qua quầy tiếp tân, người khách đi sau cùng nhìn về phía Hương. Cô ta thờ ơ, tiếp tục theo dõi những bọt không khí nổi lăn tăn trên hồ cá... Được chừng 5 phút sau, Hương cùng 4 tiếp viên được kêu lên phục vụ khách. Chính người khách đi lên sau cùng đã chọn Hương ngồi cạnh mình. Trông anh ta khoảng ngoài 40 tuổi, tóc thưa, nước da tái, mặc đồ khá lịch sự. Ngồi cạnh khách, lúc đầu Hương chẳng nói gì.

- Xin lỗi, cô tên gì? Người khách nói bằng giọng Huế.

- Dạ em là Tâm, Thanh Tâm. Chắc anh lần đầu tiên đến đây?

- Phải lần đầu...

Câu chuyện bị ngắt quãng bởi tiếng cụng ly. Trông “hắn” cũng hiền lành. Hương thầm nghĩ. Qua chuyện phiếm, cô ta hiểu người khách ngồi bên cạnh là một Việt kiều mới từ Mỹ trở về thăm quê hương. Những người đi cùng là bạn cũ của anh ta. Buông ly bia đã cạn xuống bàn, người khách quay người sang phía Hương:

- Tôi là Nhị, tên Mỹ là Jimmy Trần. Nhà hàng đẹp quá, phải không cô?

Hương không hiểu “hắn” khen thiệt tình hay chỉ là xã giao, nhưng thấy đôi mắt dưới đôi lông mày rậm nhìn chằm chặp trên người cô, Hương khẽ thu mình lại... Cô ta đã tiếp nhiều vị khách vào nhà hàng, mỗi người một kiểu, kẻ thô lỗ sỗ sàng như muốn ngấu nghiến cô, kẻ trầm mặc uống bia cả buổi không nói lời nào, nhưng tất cả cũng chỉ đến thế! Một ranh giới không thể vượt qua. Còn người khách lần đầu tiên đến nhà hàng này, cô thấy lạ. “Hắn” không ve vãn, tán tỉnh, chỉ nhìn cô bằng ánh mắt lạ lùng. Trong tiệc vui, những vị khách chỉ nói với nhau về những kỷ niệm thời chiến tranh, thỉnh thoảng bàn tiệc lại im ắng đột ngột... Chỉ có tiếng cười hích hích của cô gái cuối bàn chống đỡ bàn tay mò mẫm của vị khách tóc đã điểm bạc... Ánh đèn nê-ông soi rõ những khuôn mặt đỏ au vì men bia, duy chỉ có Jimmy Trần nước da cứ tái dần đi. Đến hơn 10 giờ đêm thì tiệc tàn. Đưa khách xuống sân, Hương đi cạnh Jimmy Trần ra xe, không quên dặn “hắn” có dịp quay lại nhà hàng. Hắn bóp nhẹ tay Hương...

Vài ngày sau, đúng lúc Hương đang kẹt bàn thì hắn đến một mình. Nhận ra hắn, cô đã quên cả thói quen, nắm chặt tay. Nhìn mắt hắn cô ta cảm thấy hình như... Hay là lâu ngày xa quê hương, hắn thèm khát một hình dáng, một vóc hình nào đó, mà thời trai trẻ hắn đã từng say mê? Cô ta bỏ cả bàn trước, dành cả buổi tối cho Jimmy Trần. Cả hai chỉ nói chuyện bâng quơ... Lấy cớ không biết các điểm du lịch thành phố, hắn nhờ Hương đưa đi chơi. Trong một tháng ở thành phố, cô ta không nhớ hắn đã ghé nhà hàng bao nhiêu lần, chỉ biết tình cảm giữa hai người trở nên thân thiết, nhất là khi hắn biết gia đình cô có ý định xuất cảnh sang Mỹ. Quỳnh đã đưa Hương đến thăm nhà một số bạn bè mà hắn mới gặp lại, trong đó có Quang Heineken nhà ở đường Đặng Trần Côn, buôn bán xe ở Gia Long do Vinh đem từ bên Pháp giới thiệu cho hắn... Quỳnh xài tiền như nước, chiêu đãi bạn bè liên tục. Nhưng hình như số bạn bè hắn mời nhậu đều nghèo cả - Hương thầm nghĩ. Nhất là có cả một ông già tóc đã điểm bạc tên Liêm say xỉn suốt ngày...

Khi hắn ra sân bay trở về Mỹ, Trần Thị Hương không khỏi bùi ngùi. Cô ta đã cố giữ mình những khi hắn đòi hỏi... Không phải vì cô ta không thích mà chủ yếu là muốn tạo cho Quỳnh một khoảng cách đủ để hắn không thể khinh thường cô... Lúc ngồi trong phòng đợi chuẩn bị ra máy bay, hắn dúi vào tay cô 200 USD và 700.000 đồng Việt Nam, hứa hẹn sẽ quay trở về Việt Nam và không quên thỏa thuận cách thức liên lạc qua điện thoại nhà hàng hoặc qua bưu điện quận Phú Nhuận. Hắn còn nhắc cô thỉnh thoảng ghé nhà Lê Trọng Quang, Lê Thiện Quang, Lê Quang Trinh, Bùi Gia Liêm xem họ “làm ăn” thế nào. Chỉ một tuần sau khi hắn đi, Hương đã nhận được điện thoại từ Mỹ. Vài ngày sau, cô ta nhận được cả thư! “Hắn điên rồi!”. Cô ta nghĩ thầm trong bụng. Lời lẽ của hắn chứa chan tình cảm yêu thương, hứa hẹn sẽ gửi tiền giúp cô trong cuộc sống. Đôi khi, ngồi một mình ngắm nhìn những bọt không khí nổi lăn tăn trên mặt hồ cá, cô ta lại mỉm cười bâng quơ...

Trở về San Jose, Quỳnh báo cáo với “tổ chức” về việc đã móc nối được với một số người có thể giao nhiệm vụ phá hoại. Nhưng hắn cố tình giấu đi chi tiết là những kẻ được tuyển dụng không thuộc diện HO, gia cảnh nghèo khó, ham nhậu nhẹt. Trong một buổi tiệc chiêu đãi chiến hữu, hắn khoe đã tìm được một “ý trung nhân” ở Việt Nam. Đó là Trần Thị Hương - tức Thanh Tâm. Chính trong lúc hắn cao hứng khoe những tấm hình chụp chung với Trần Thị Hương khi đi chơi, hắn đã bị Nguyễn Hùng “quạt” cho một trận về cái tội “hám gái”. Ba thứ đàn bà con gái mà đưa vào “tổ chức” thì chỉ hôm sau là mọi bí mật sẽ lọt ra ngoài ngay - vì không kín mồm kín miệng Phùng nói với hắn như thế. Quỳnh cam đoan là sẽ cẩn thận, chỉ dùng Hương làm vỏ bọc che đậy hoạt động trong thời gian hắn về Việt Nam mà thôi. Đồng thời, qua Hương, hắn có thể nhờ kiểm tra xem hoạt động của đồng bọn trong nước như thế nào...

(Mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo: “Số phận kẻ trở về từ San Jose (Kỳ 3): Kế hoạch chăm bón cà phê, hạt điều” sẽ được đăng tải vào ngày 18/6/2020).

PHONG LINH

/so-phan-ke-tro-ve-tu-san-jose-ky-1-ke-co-lenh-truy-na.html