Sửa đổi Luật Giám định Tư pháp để tăng hiệu quả xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng

20/05/2020 19:47 | 3 năm trước

(LSO) - Hôm nay (21/5), Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 9 với hoạt động xây dựng pháp luật. Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết.

Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 9 với hoạt động xây dựng pháp luật .

Theo Chương trình kỳ họp, chiều nay (21/5), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Dự án Luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sửa đổi 25 điều, tập trung vào những quy định nhằm xử lý vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc, phục vụ hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp 9, bao gồm: bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao;” điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; trưng cầu giám định, thời hạn giám định…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo Luật cho biết, nhiều ý kiến thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan (trong đó có Bộ Công an) cho rằng đây là vấn đề mới, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu, phải đầu tư khoản kinh phí lớn, đồng bộ về trang thiết bị, trong đó giám định âm thanh chỉ là một trong 10 chuyên ngành kỹ thuật hình sự. Do vậy, Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động, cung cấp số liệu, báo cáo cụ thể về sự cần thiết bổ sung tổ chức này tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời cần làm rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (chỉ giám định về âm thanh hay có cả các chuyên ngành khác). Do đó, nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu và chưa đưa vào sửa đổi lần này.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan như Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tán thành với quy định của dự thảo Luật. Ý kiến này cho rằng, việc bổ sung sẽ tăng cường năng lực cho Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong điều tra, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường cho biết, về lý luận, hiện nay Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự quy định có 3 cơ quan điều tra chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan điều tra có nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định, nhưng Luật Giám định tư pháp chỉ quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa có tổ chức giám định công lập.

Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trước khi cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo). Dự án Luật này có mục tiêu nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành;

Khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng ngày, Quốc hội cũng sẽ thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Một trong những nội dung tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa).

Dự thảo Luật đưa ra hai phương án để xin ý kiến: Phương án 1: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Phương án 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH trình bày trước Quốc hội trong phiên làm việc chiều nay (21/5) so với Luật hiện hành có những sửa đổi, bổ sung cơ bản theo 6 nhóm chính sách; bổ sung các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu về lao động di cư trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính mà qua công tác quản lý nhà nước đã thực hiện tốt trong thời gian qua.

LSO (t/h)

/tu-vu-duong-nhue-thao-tung-dau-gia-qsdd-tai-thai-binh-lat-tay-cac-chieu-lach-luat-va-kinh-nghiem-thuc-te-cua-binh-dinh.html