/ Kinh tế - Pháp luật
/ Sửa đổi một số điều về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định AKFTA

Sửa đổi một số điều về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định AKFTA

31/03/2024 07:05 |

(LSVN) - Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25/6/2014.

Ảnh minh hoạ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nội dung gồm: Sửa đổi Điều 4 Phụ lục I (Quy tắc xuất xứ) ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT về trao quyền lựa chọn công thức tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC) theo cách tính trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhà xuất khẩu/nhà sản xuất để sử dụng cố định trong suốt một năm tài chính và phục vụ xác minh hậu kiểm.

Cụ thể, Điều 4 về Hàng hoá có xuất xứ không thuần tuý quy định: để áp dụng điểm b khoản 1 Điều 2, hàng hoá không thuộc Điều 5 quy định tại Phụ lục này được coi là xuất xứ nếu đạt hàm lượng giá trị khu vực ít nhất 40% tính theo giá trị giao hàng trên tàu (FOB) hoặc trải qua một quá trình chuyển đổi mã số hàng hoá ở cấp 4 số (CTH) của Hệ thống hài hoà. Theo đó, công thức tính RVC sẽ dựa trên hai phương pháp trực tiếp là RVC bằng VOM chia FOB nhân 100%; trong đó, VOM là trị giá nguyên liệu có xuất xứ, bao gồm trị giá nguyên liệu có xuất xứ, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, chi phí vận chuyển và lợi nhuận.

Thông tư cũng nêu rõ, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất của nước thành viên xuất khẩu linh hoạt áp dụng công thức tính RVC trực tiếp hoặc gián tiếp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Công thức tính RVC đã lựa chọn phải được tiếp tục áp dụng suốt một năm tài chính của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đó. Trường hợp nước thành viên nhập khẩu tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hoá bất kỳ việc kiểm tra, xác minh nào đối với tiêu chí RVC phải được thực hiện trên cơ sở công thức tính RVC mà nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất của nước thành viên xuất khẩu đã sử dụng.

Bên cạnh đó, sửa đổi khoản 1 Điều 5 Phụ lục V (Thủ tục cấp và kiểm tra tự chứng nhận xuất xứ (C/O) ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT về hợp thức hóa thực tiễn lựa chọn cấp C/O điện tử (ký, đóng dấu và cấp dưới dạng điện tử) hoặc cấp C/O truyền thống (ký, đóng dấu và cấp tay). Việc cấp C/O dưới dạng điện tử nêu trên đã và đang được Hàn Quốc áp dụng và cơ quan hải quan ASEAN chấp nhận kể từ năm 2008 sau khi các Bên ký Hiệp định AKFTA.

Theo Thông tư này, C/O ở bản giấy được in ra có chữ ký, cấp con dấu theo hình thức cấp tay hoặc có chữ ký, con dấu dưới hình thức cấp dạng điện tử của các Tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu; làm trên khổ A4; phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục VI-A ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT được gọi là C/O mẫu AK và phải khai bằng tiếng Anh...

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Thông tư số 04/2024/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ có hiệu lực kể từ ngày 11/5/2024.

Nguyễn Mỹ Linh