Tác động của ESG tới trong môi trường cạnh tranh

07/06/2024 20:19 | 3 tháng trước

(LSVN) - ESG là từ viết tắt của “Environment” – Môi trường, “Social” – Xã hội và “Governance” – Quản trị. Đây là một hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị mà khi được đưa vào áp dụng sẽ đưa doanh nghiệp vào khuôn khổ an toàn, hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro, là thước đo để cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và bên liên quan khác của tổ chức, doanh nghiệp đánh giá tính bền vững, ổn định trong vận hành, hoạt động của chính tổ chức, doanh nghiệp (1).

Ảnh minh họa.

ESG tác động đến môi trường cạnh tranh như thế nào?

Từ góc độ doanh nghiệp áp dụng ESG

Như phân tích bên trên, mục tiêu của ESG là hạn chế xuống mức thấp nhất các rủi ro có thể phát sinh gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, về thể hiện được tính ổn định, bền vững của doanh nghiệp trên thị trường thông qua các báo cáo ESG được công bố, đồng thời “rèn” cho doanh nghiệp được tính “chồng chịu” khi trải qua các tình hỉnh nguy cấp hoặc các tác nhân từ bên ngoài tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.

Fernández-Kranz, D. và Santaló, J. (2) đã có nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty chấp nhận thực hành ESG trong hoạt động của mình một cách nghiêm túc, chặt chẽ có thể trở nên “mạnh mẽ”, “cứng cáp” hơn trong môi trường cạnh tranh, có được sự quản trị tốt hơn, ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro và tạo ra những đóng góp lớn vào hiệu suất tài chính dài hạn. Những nghiên cứu như thế này đã góp phần tăng cường lòng tin của nhà đầu tư vào kết quả của ESG và góp phần lớn vào sự phổ cập của các yếu tố ESG trong nền kinh tế.

Dựa trên tác động tích cực của việc áp dụng ESG đến kết quả kinh doanh và trong xu hướng của bối cảnh kinh tế hiện nay là đang hướng đến việc phát triển ổn định, bền vững đồng thời phát huy được các giá trị xã hội, nên số lượng các doanh nghiệp lựa chọn đưa ESG vào áp dụng tại doanh nghiệp đang dần tăng lên.

Theo phân tích của công ty PwC, trong thị trường hiện nay, những doanh nghiệp có có báo cáo thông tin về phát triển bền vững, báo cáo ESG thể hiện sự minh bạch và hiệu quả khi áp dụng ESG sẽ thu hút được nhiều khách hàng và đối tác hơn, do sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang hướng đến những sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường và xã hội (3), vì vậy, việc áp dụng ESG đối với doanh nghiệp ngày nay đã trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn đối với thị trường.   

Ví dụ, với trường hợp của ngân hàng thương mại cổ phần bên trên, việc thỏa tiêu chí đạt được tỉ lệ yêu cầu về lãnh đạo nữ đã trở thành một điểm cộng tốt đối với các khách hàng là doanh nghiệp do lãnh đạo nữ đứng đầu hiện nay (hiện số lượng doanh nghiệp này chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh), tạo được lợi thế cạnh tranh để thu hút được tệp khách hàng doanh nghiệp được lãnh đạo bởi nữ giới.

Trong môi trường kinh tế có sự cạnh tranh cao, khi một doanh nghiệp thực hành ESG thành công và thể hiện được kết quả tốt, các doanh nghiệp đối thủ trong cùng thị trường cũng sẽ học hỏi, làm theo và có thể làm tốt hơn vì đã khắc phục được các nhược điểm mà doanh nghiệp đối thủ gặp phải trước đó.

Vậy ở góc độ của doanh nghiệp thực hiện ESG trong môi trường cạnh tranh, việc một doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG trước sẽ tạo nên một lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp còn lại, tuy nhiên, việc này cũng tạo đà để các doanh nghiệp đi sau học hỏi kinh nghiệm để cải tiến việc thực hiện ESG so với các doanh nghiệp đi trước, góp phần làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của đối thủ.

Tuy nhiên, nhìn chung ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp học tập thực hành ESG lẫn nhau giúp lan tỏa ESG rộng rãi hơn trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời cũng thể hiện sự tương quan hai chiều khi cạnh tranh tác động tích cực đến việc thực hiện ESG, bên cạnh yếu tố việc thực hiện ESG tạo nên lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp, tác động tích cực đến doanh nghiệp đó.

Từ góc độ tài chính

Dưới góc độ đầu tư, nhận thấy việc đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững là một lĩnh vực mới, đầy tiềm năng và đạt được hiệu quả lâu dài và to lớn, đồng thời góp phần phát triển thế giới tốt đẹp hơn, các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính chấp nhận việc đầu tư vào các doanh nghiệp có nhu cầu để hỗ trợ việc áp dụng ESG vào vận hành và hoạt động kinh doanh của mình.

Việc đầu tư vào ESG đã trải qua sự tăng trưởng đáng kể, chuyển từ một kênh đầu tư ít được chú trọng, chưa phổ biến trở thành một trong những chiến lược đầu tư quan trọng hiện nay. Trong những năm gần đây, nguồn vốn tập trung vào ESG và quy mô tài sản quản lý (AUM) đã có sự bùng nổ lớn và bứt phá về quy mô và giá trị. Các nhà đầu tư đã xem xét, tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào làm cơ sở để đánh giá một doanh nghiệp, nhằm đưa ra quyết định đầu tư. Sự chuyển biến này chứng tỏ rằng nhận thức về tầm quan trọng của ESG đối với một doanh nghiệp và với nền kinh tế đang ngày càng rộng rãi hơn, kể cả về mặt tài chính.

Từ góc độ đầu tư của các ngân hàng

Trong lĩnh vực đầu tư vào thực hành ESG tại các doanh nghiệp, ngân hàng thường không đóng góp nguồn vốn cho mục đích sử dụng vốn là thực hiện ESG, mà mối liên hệ giữa ngân hàng và ESG với doanh nghiệp vay vốn nằm ở 2 khía cạnh: một là ngân hàng dựa vào việc thực hiện ESG tại doanh nghiệp để đánh giá về tính an toàn, mức độ rủi ro của doanh nghiệp vay vốn và/hoặc mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp (ví dụ ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn để thực hiện dự án xây dựng nhà ở, thì ngân hàng sẽ xem xét dự án có đảm bảo tiêu chuẩn theo ESG hay không); hai là khi đáp ứng về bước đầu, ngân hàng vẫn sẽ yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện và tuân thủ đúng tiêu chuẩn ESG mà ngân hàng yêu cầu, và trong thời hạn cho vay, ngân hàng cũng sẽ đóng vai trò giám sát doanh nghiệp thực hiện và tuân thủ tiêu chuẩn ESG, yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ đúng cam kết.

Tác giả nhìn nhận từ thực tế rằng, trong giai đoạn khuyến khích thực hiện ESG, ngành ngân hàng là một móc xích quan trọng, bởi vì ngân hàng cũng sẽ đóng vai trò trung gian trong việc khuyến khích và khởi đầu trong việc đưa ESG vào hoạt động vận hành và kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua các gói tín dụng và nguồn vốn được cấp thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế thuộc hệ thống Ngân hàng Thế giới (World Bank Group - WBG).

Ngày nay, việc ngân hàng quan tâm đến tiêu chuẩn ESG, dựa trên ESG để đưa ra đề xuất, đánh giá, thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng dần trở nên phổ biến. Theo hiểu biết của tác giả, hiện có một số ngân hàng tại Việt Nam đã thực hiện quy trình này, tiêu biểu có thể kể đến HDBank, BIDV, ...

Cụ thể, trước khi đề xuất được cấp tín dụng, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp tài liệu chứng minh cho ngân hàng rằng doanh nghiệp đã thực hành ESG và kết quả triển khai ESG như thế nào. Từ đó, ngân hàng sẽ xem xét, rà soát việc thực hành ESG tại doanh nghiệp đã đáp ứng được quy định của ngân hàng về các tiêu chuẩn ESG áp dụng đối với khách hàng hay chưa. Trường hợp doanh nghiệp chưa đáp ứng, ngân hàng sẽ hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh việc thực hành ESG và tiếp tục đánh gía khả năng đáp ứng, từ đó mới xem xét đến việc chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp và thẩm định đến các yếu tố khác của doanh nghiệp như hồ sơ tài chính, khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn, …

Đồng thời, như tác giả có phân tích tại mục 2.2 bên trên, thực tế việc áp dụng ESG ở giai đoạn đầu tốn rất nhiều chi phí để có thể thực hiện, cùng với thời gian nhận được kết quả khá dài, dẫn đến các doanh nghiệp có nguồn vốn hạn chế, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó tiếp cận và thực hiện ESG, điều này dẫn đến hệ lụy là các doanh nghiệp này sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh, dẫn đến tình huống không thể phát triển kinh doanh, phát triển thị phần trong thị trường liên quan, hạn chế về lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp có thực hành ESG khác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có khả năng thực hành ESG chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, tiếng tăm và có sẵn nguồn tài chính sẵn sàng để chi trả cho việc thực hiện ESG vốn là các doanh nghiệp đã có lợi thế về kinh doanh, về vốn, hoặc về thị phần hoặc đang ở vị trí thống lĩnh thị trường, vì vậy, có thể nói, việc thực hiện ESG với các doanh nghiệp này là “trong tầm tay” với đủ nguồn lực từ tài chính, kinh tế, nhân sự và các mối quan hệ đối tác hỗ trợ. Như người xưa thường ví von “như hổ mọc thêm cánh”, các doanh nghiệp vốn đã có lợi thế về vốn, về thị phần hoặc ở vị trí thống lĩnh thị trường, nay lại có thêm lợi thế cạnh tranh hoàn hảo khi đã hoàn thành ESG và dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng.

Vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn vốn hạn chế mà chưa thực hành ESG sẽ được xem là yếu thế và không có khả năng cạnh tranh lại được so với các doanh nghiệp lớn đã hoàn thành ESG. Từ đó, tác giả cho rằng việc các ngân hàng đặt ra yêu cầu về ESG khi ở giai đoạn tiếp xúc như vậy là đang tạo ra rào cản cho việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vốn yếu thế, không thể đáp ứng về ESG.

Nhận thấy được hạn chế này, hiện một số ngân hàng tại Việt Nam đã đưa ra một số chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ở nhóm yếu thế như thế này. Cụ thể, ngân hàng đặt ra một chính sách riêng, chấp nhận các hồ sơ đề nghị cấp tín dụng từ các doanh nghiệp không đủ điều kiện về ESG (nhưng đã thỏa các điều kiện cơ bản để được cấp tín dụng). Trong thời hạn được cấp tín dụng, ngân hàng sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu thực hiện ESG đối với doanh nghiệp cho từng giai đoạn, mốc thời gian cụ thể của dự án được cấp tín dụng, hoặc trường hợp cấp tín dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì ESG sẽ thực hiện cho chính các hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp đang thực hiện.  Các chính sách này của ngành ngân hàng đã góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp yếu thế, hài hòa, cân bằng lợi thế cạnh tranh của môi trường cạnh tranh, góp phần giảm các tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Từ góc độ đầu tư của các nhà đầu tư

Trong ví dụ kể trên, để ngân hàng có được kiến thức, kinh nghiệm trong việc rà soát các nội dung về ESG của doanh nghiệp đề nghị cấp tín dụng, hoặc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện ESG, các nhà đầu tư quốc tế đã có sự đóng góp rất lớn.

Một trong các chiến lược để phổ biến ESG đó chính là thông qua nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) trong đó có IFC, đầu tư, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng/định chế tài chính trên thế giới thông qua các chương trình cho vay vốn, đầu tư hỗ trợ vốn, các dòng tín dụng xanh để thực thi chính sách về môi trường và xã hội.

Mặc dù vậy, ở lĩnh vực đầu tư quốc tế, việc áp dụng ESG đối với các ngân hàng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng về lợi thế cạnh tranh khi thực hành ESG.

Ví dụ, đối với chính sách cho các doanh nghiệp/định chế tài chính (bao gồm ngân hàng) vay vốn của IFC, IFC cũng yêu cầu các điều kiện cơ bản về tiêu chuẩn thực hành ESG (4) đối với doanh nghiệp/định chế tài chính đó. Để được IFC cho vay, bên vay phải đảm bảo được các yếu tố bao gồm không sử dụng nguồn vốn vay vào các mục đích nằm trong Danh sách loại trừ (Exclusion Lists) do IFC ban hành, không sử dụng lao động chưa thành niên, có các chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ theo quy định quốc gia sở tại, đạt tỉ lệ tối thiểu số người lãnh đạo là nữ giới, và phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch trong quản trị doanh nghiệp như yêu cầu bên vay phải thực hiện cam kết và áp dụng các cam kết này với công ty con của mình, áp đặt các chỉ số an toàn trong hoạt động kinh doanh của bên vay, thực hiện các chính sách bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro hoạt động … mà theo tác giả, có một số yêu cầu mà IFC đặt ra sẽ khó để bên vay thực hiện trong bối cảnh kinh tế, pháp luật cụ thể của bên vay.

Cụ thể đối với khoản vay của IFC cho một ngân hàng tại Việt Nam, khi yêu cầu Bên vay áp dụng các cam kết với cả công ty con của ngân hàng, điều này chỉ có thể thực hiện khi công ty con thuộc sở hữu 100% vốn bởi ngân hàng, vì để áp dụng một chính sách bất kỳ ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, công ty sẽ phải lấy ý kiến của các chủ sở hữu công ty, rất có khả năng các chủ sở hữu còn lại của công ty ngoài ngân hàng không đồng thuận, vậy thì ngân hàng sẽ không thể đưa ra cam kết này. Đối với nguyên tắc minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, khi giao dịch với người có liên quan, ngân hàng sẽ phải đảm bảo tuân thủ quy định của luật doanh nghiệp, luật các tổ chức tín dụng, thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nếu là ngân hàng niêm yết thì sẽ có thêm Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, trong khi chính sách về giao dịch của người có liên quan do IFC ban hành lại chặt chẽ hơn cả các quy định pháp luật của Việt Nam, do đó, ở bối cảnh kinh tế, pháp luật của Việt Nam hiện tại, các chính sách này của IFC sẽ rất khó để ngân hàng có thể đảm bảo tuân thủ. Điều này dẫn đến ngân hàng tại Việt Nam sẽ không thể tiếp cận đến nguồn vốn vay của IFC.

Đây là tình hình chung của các quốc gia đang trong giai đoạn phát triển, do đó, nếu IFC không thể điều chỉnh chính sách của mình để tiếp cận và tiệm cận với bối cảnh kinh tế, háp luật của các quốc gia đang phát triển, sẽ làm tăng rào cản tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức/doanh nghiệp/định chế tài chính từ các quốc gia này – vốn là đối tượng chính mà nhóm Ngân hàng Thế giới hướng đến để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển. Vô hình chung, việc này cũng dẫn đến việc mất đi lợi thế cạnh tranh so với các tổ chức/doanh nghiệp/định chế tài chính từ các quốc gia phát triển, gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cũng có thể phản tác dụng, làm khoảng cách về trình độ, phát triển kinh tế giữa các quốc gia phát triển so với quốc gia đang phát triển ngày càng tăng, đi ngược với mục tiêu xã hội bền vững phát triển của Liên Hợp Quốc.

(1) https://www.thecorporategovernanceinstitute.com/insights/lexicon/what-is-the-history-of-esg/
(2) Fernández-Kranz, D.; Santaló, J. When necessity becomes a virtue: The effect of product market competition on corporate social responsibility. J. Econ. Manag. Strategy 2010, 19, 453–487
(3) https://www.pwc.com/vn/vn/services/risk-assurance/sustainability.html
(4) Xem thêm tại: https://www.ifc.org/en/insights-reports/2012/ifc-performance-standards và https://www.ifc.org/en/what-we-do/sector-expertise/corporate-governance/cg-methodology-tools

Luật sư QUÁCH MINH TRÍ

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

HỒ THỊ CẨM NHUNG

Trưởng Hợp đồng ngoại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh

Cải cách tư pháp nước Anh đầu thế kỷ XXI và những gợi mở cho Việt Nam