Lâm Hải Long bị chấn thương đầu sau khi chạy ra đường và lao vào xe máy.
Sau khi phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích" khép lại, tuyên y án sơ thẩm, không chấp nhận lời kêu oan của 04 bị cáo “chém người trong đêm”, một bị cáo đã lao người vào dòng xe đang lưu thông trước cổng tòa, ngã xuống đường ngất xỉu, người nhà đưa đi cấp cứu.
Đáng lưu ý là bị cáo có hành vi tự sát này bị tuyên mức án nhẹ nhất là 04 năm tù so với các bị cáo còn lại, người chịu mức án cao nhất là 07 năm 06 tháng tù.
Vụ án xảy ra vào đêm 14 rạng ngày 15/3/2015, tại cầu nối rang giới giữ TP. Cà Mau và huyện Cái Nước. 03 người đang đi bộ ở đầu cầu bên phía huyện Cái Nước thì bị chém, vài chục phút sau 03 người khác ở đầu cầu bên kia cũng bị chém. Các bị hại đều khai rằng có một nhóm 07 - 08 người đi trên xe máy vô cớ chém tới tấp vào họ. Thế nhưng, nạn nhân của vụ bị chém trước lại bị cáo buộc là hung thủ gây ra vụ chém sau với lập luận là để trả thù lại những người đã chém mình. Hai lần xét xử sơ thẩm trước đó (một lần bị hủy) và tại phiên phúc thẩm lần này, các bị cáo đều kêu oan, đưa ra những chứng cứ mình không phạm tội, Luật sư bào chữa cho các bị cáo nêu nhiều tình tiết để chứng tỏ việc truy tố sai, có dấu hiệu ép cung, nhục hình nhưng HĐXX đã không chấp nhận và kết quả cuối cùng như chúng ta đã thấy.
Bất luận như thế nào thì trong tất cả các vụ tự vẫn sau khi xét xử, đang xét xử hay vừa kết thúc phiên tòa, trong lĩnh vực hình sự hay dân sự, dù nhảy lầu, uống thuốc độc hay lao vào xe đang chạy đều là hành động tỏ sự phẫn uất với phán quyết của Tòa và sau đó, bằng hình thức này hay hình thức khác đều được minh oan hoặc được xem xét lại để hưởng sự công bằng.
Cũng cần phải khẳng định rằng khi người ta phải tìm đến cái chết để minh oan thì đó là bước đường cùng, là một sự tiêu cực cùng cực để tiếp cận công lý. Đó không chỉ là tiếng thét phẫn uất cuối cùng của người đã chết mà dư âm và đồng vọng còn gây nên một hiệu ứng bức xúc và phẫn nộ của toàn xã hội. Sự vang vọng tuyệt vọng đó làm niềm tin vào hệ thống tư pháp nước nhà. Đó là điều không ai mong muốn cả!
Sản phẩm của một nền tư pháp trong sạch và nghiêm minh là những bản án “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, hợp lý, hợp tình và tất cả mọi người đều “tâm phục, khẩu phục”. Đó cũng là thành quả của các vị Thẩm phán công tâm, hiểu biết, trọng đạo lý, quý ân tình, biết kết hợp giữa cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Pháp luật cũng là biểu hiện của sự nhân văn là ở chỗ này đây!
NHỊ NGỌC