Thể chế vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội

19/12/2018 17:21 | 5 năm trước

LSVNO - Theo khái niệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó...

LSVNO - Theo khái niệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị mất hoặc bị giảm đột ngột nguồn thu nhập vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời bảo đảm các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình có con nhỏ (ILO-1984). Như vậy, về mặt bản chất, an sinh xã hội là góp phần bảo đảm thu nhập và đời sống cho người dân trong xã hội; tạo ra cuộc sống tốt đẹp, bình an cho mọi thành viên trong xã hội.

Việc bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện bằng cơ chế, chính sách giải pháp của nhà nước và cộng đồng nhằm trợ giúp mọi thành viên trong xã hội để mọi người có cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập bảo đảm công bằng xã hội, đặc biệt chú trọng đến những người thất nghiệp, những người phải đối phó với các rủi ro, bị ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, già cả không còn sức lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác rơi vào cảnh nghèo khổ, bần cùng cần được nhà nước và cộng đồng giúp đỡ.

Chăm lo đời sống an sinh xã hội của nhân dân là một trong những nội dung Đại hội lần thứ XII của Đảng đặc biệt chú trọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm trọng 5 năm 2016-2020 đã nêu rõ phải “Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[1] và một trong các nhiệm vụ trọng tâm là “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững”[2]. Việc chăm lo đời sống của nhân dân luôn được Đảng chú trọng và là quan điểm được thể hiện trong các chính sách quản lý phát triển xã hội, chính sách an sinh xã hội. Đảng ta xác định: “Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo”[3]. Quan điểm của Đảng chỉ rõ Nhà nước sử dụng thể chế chính sách pháp luật để bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Việc tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người có việc làm và có thu nhập, nhất là những người thất nghiệp do bị thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng luôn được Đảng ta quan tâm. Tại Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Huy động tốt nhất nguồn nhân lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động”[4]. Như vậy, chính sách an sinh xã hội của Đảng đã tạo ra cơ sở pháp lý cho tất cả các thành viên xã hội trong trường hợp bị giảm, mất thu nhập hay gặp phải những rủi ro khác được bảo đảm an toàn thu nhập, khắc phục những rủi ro và cuộc sống ổn định cho mỗi thành viên trong xã hội. An sinh xã hội thực hiện một phần công bằng và tiến bộ xã hội. An sinh xã hội là một công cụ để cải thiện các điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với những người nghèo khó được chăm lo cải thiện đời sống và tiến tới thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, tạo điều kiện giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là cho nông dân. Hơn nữa, an sinh xã hội tạo chế độ đãi ngộ cho người lao động, cho người có công với cách mạng và tạo động lực để phát triển từ đó điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Nhằm chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân tốt hơn thì chính sách y tế phải hoàn thiện để phục vụ khám và chữa bệnh cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Bảo đảm cho người dân có bảo hiểm y tế được khám, chữa bệnh thuận lợi và mọi công dân khi có nhu cầu và khả năng đều được đáp ứng dịch vụ y tế chất lượng cao. Đồng thời, phải củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế từ cơ sở, huyện, tỉnh đến trung ương.

Chăm lo đời sống an sinh xã hội của nhân dân là một trong những nội dung Đại hội lần thứ XII của Đảng đặc biệt chú trọng. 

Thể chế pháp lý vai trò của Nhà nước đối với an sinh xã hội 

a) Những kết quả đạt được

Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật thể hiện rõ vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong các văn bản như: Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Người khuyết tật, Luật Bảo hiểm xã hội...

Tại Điều 34 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Đây là quy định rất quan trọng đối với quyền của công dân vì được Hiến định và được Nhà nước bảo đảm. Để bảo đảm việc thực hiện quyền này, khoản 2 Điều 29 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”. Thể chế pháp lý vai trò của Nhà nước trong việc “tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội” và “phát triển hệ thống an sinh xã hội”, các văn quy phạm pháp luật đã cụ thể hóa thành các quy định để thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Quy định về vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực lao động, trong đó có quy định Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; có chính sách để người lao động mua cổ phần, góp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội. Đồng thời Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động. Cũng với những quy định quan trọng khác như Nhà nước có vai trò bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên[5].... Những quy định này được Nhà nước ta thực hiện ngày càng hiệu quả với vai trò bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Đối với việc làm, Nhà nước ban hành chính sách như: phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp; chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề; chính sách ưu đãi đối với ngành, nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc sử dụng nhiều lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời Nhà nước phải có biện pháp khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có thu nhập từ mức lương tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường lao động. Nhà nước có vai trò hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số[6]. Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác[7].

Bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung quan trọng đối với an sinh xã hội, theo đó Nhà nước hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già… thông qua tham gia bảo hiểm xã hội để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro. Nhà nước có vai trò bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ.

Bên cạnh đó, Nhà nước có vai trò thực hiện các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông. Chính sách giảm nghèo tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng nghèo, huyện nghèo, xã nghèo.

Hệ thống pháp luật về vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trên các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Nhà nước huy động các nguồn lực để thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua Nhà nước đề ra các chính sách mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức hỗ trợ và thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đối với người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội, hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo. Trong 5 năm đã tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người, trong đó đi lao động ở nước ngoài khoảng 469 nghìn người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 là 2,3%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng[8]. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 17,5 m2 năm 2010 lên 22 m2 năm 2015. Nhà ở xã hội được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.

b) Một số bất cập cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề phát sinh cần được giải quyết như tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2011 là 2,58%, trong đó khu vực thành thị 3,96%, khu vực nông thôn 2,02%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,9%, trong đó khu vực thành thị 2,15% và khu vực nông thôn 4,6%. Các tỷ lệ này hầu như đều thấp hơn các tỷ lệ tương ứng năm 2010. Năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,88%, trong đó khu vực thành thị là 4,43%, nông thôn 2,27%[9]. Mặc dù trong thời gian gần đây Nhà nước đã nỗ lực cải thiện chính sách pháp luật nhằm bảo đảm đời sống cho người dân nói chung và an sinh xã hội nói riêng những vẫn còn nhiều bất cập, tỷ lệ thất nghiệp giảm chưa đáng kể.

Nhà nước có đề xuất và thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo nhưng thực tiễn chưa thực sự hiệu quả và mang tính lâu dài. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại một số nơi, tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của các nước[10].  

Hệ thống chính sách an sinh xã hội do Nhà nước ban hành còn phân tán, chồng chéo, hiệu quả chưa cao dẫn đến công tác thực hiện còn nhiều bất cập. Tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; mức trợ cấp xã hội còn thấp; giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; đời sống của một bộ phận người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chưa bảo đảm được mức tối thiểu và có sự chênh lệch giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước[11]. Người nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ tiếp cận với hệ thống dịch vụ xã hội của người nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất hạn chế. Mặc dù đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, song tỷ lệ nghèo ở các hộ vẫn còn cao so với các nhóm còn lại, mức độ bình đẳng trong các cơ hội tiếp cận hệ thống dịch vụ xã hội còn nhiều hạn chế, bất bình đẳng giữa các vùng miền, các dân tộc còn cao.

 Một số kiến nghị

Vai trò của Nhà nước đối với an sinh xã hội cần thể chế theo hướng trợ giúp xã hội có sự bảo đảm về thu nhập và các điều kiện sống cho nhóm người nghèo, người yếu thế trong xã hội bằng các hình thức và các biện pháp khác nhau như trợ giúp thường xuyên và trợ giúp đột xuất để họ có khả năng khắc phục được khó khăn trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách an sinh xã hội bảo đảm sự thống nhất đồng bộ hài hòa với các chính sách kinh tế như chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập, chính sách thuế...

Chính sách phát triển hệ thống dịch vụ công bên cạnh việc cung cấp dịch vụ là Nhà nước nhưng cần mở rộng theo hướng xã hội hóa với các mô hình tổ chức, hình thức đa dạng, linh hoạt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, nhất là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Qua đó cho thấy, thể chế pháp lý vai trò của Nhà nước đối với an sinh xã hội cần được chú trọng nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương; chủ động phòng ngừa, giảm tới mức thấp nhất và khắc phục những rủi ro do tác động của kinh tế, xã hội, môi trường.

TS Phạm Thị Hương Lan

 

[1]Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQG - 2016, tr430.

[2]Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQG - 2016, tr434.

[3]Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQG - 2016, tr269.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 136-137.

[5]Điều 4 Bộ luật Lao động quy định về chính sách của Nhà nước về lao động.

[6]Điều 5 Luật Việc làm quy định về chính sách của Nhà nước về việc làm.

[7]Điều 10 Luật Việc làm quy định về tín dụng ưu đãi tạo việc làm.

[8]Đến cuối năm 2015, đã có trên 12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Nguồn: Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQG - 2016, tr239.

[9]Tổng cục Thống kê, Điều tra lao động và việc làm Việt Nam, 2011.

[10]Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương. http://soldtbxh.haiduong.gov.vn/cacchinhsach/baotroxahoi/Pages/giam-ngheo-tai-viet-nam-con-nhieu-thach-thuc.aspx

[11]Định hướng công tác an sinh xã hội đến năm 2020, Nguyễn Trọng Đàm -Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=20982