/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Thiếu tướng Hoàng Sâm: Người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm: Người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

26/11/2024 16:04 |

(LSVN) - Sớm giác ngộ cách mạng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn làm liên lạc cho Người từ miền đất Thái Lan. Qua rèn luyện, thử thách và chiến đấu, đồng chí Trần Văn Kỳ (Hoàng Sâm) đã có nhiều cống hiến với sự ra đời và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, xứng danh người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Sâm

Sinh ra trên miền đất nghèo khó ở làng Lệ Sơn (nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Năm 1927, ông theo gia đình sang sinh sống tại Thái Lan nhằm kiếm kế sinh nhai. Gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động cách mạng tại nơi đây, qua một thời gian thử thách Người đã chọn Trần Văn Kỳ làm liên lạc.

Năm 1932, Trần Văn Kỳ thi đỗ bằng THPT nhưng không muốn làm giáo học, bởi ông muốn đi theo con đường cách mạng. Năm 1933, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao phụ trách liên lạc, in phát truyền đơn. Năm 1934, ông bị nhà cầm quyền Thái Lan trục xuất. Năm 1938 tại Trung Quốc, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt cho bí danh là Hoàng Sâm và cùng 40 cán bộ được Người cử về Việt Nam hoạt động.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ họ Trần của Thiếu tướng Hoàng Sâm tại xã Văn Hóa.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ họ Trần của Thiếu tướng Hoàng Sâm tại xã Văn Hóa.

Tháng 6/1941, tại Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ châu Hà Quảng, đồng chí Hoàng Sâm được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ châu khóa I, được giao làm Đội trưởng du kích Pắc Bó năm 1942. Tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Nguyễn Ái Quốc chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau thời gian hoạt động, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành đại đội và đồng chí làm Đại đội trưởng.

Ngày 16/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Thiếu tướng Hoàng Sâm được phân công phụ trách quân sự các địa bàn Bắc Kạn - Thái Nguyên - Tuyên Quang. Tháng 10/1945, được bổ nhiệm làm Khu trưởng Chiến khu 2 và đầu năm 1947 kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây tiến. Đầu năm 1948, được phong hàm Thiếu tướng trong đợt phong tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Những năm 1948 đến 1957, Thiếu tướng Hoàng Sâm liên tiếp được cử giữ các chức vụ như: Tư lệnh Chiến khu 2, 3; phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh các đại đoàn 312, 304; Tư lệnh Liên khu 3, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào; sau Hiệp định Giơnevơ (1954), được Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP. Hải Phòng; tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 022/SL bổ nhiệm Thiếu tướng Hoàng Sâm giữ chức Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.

Miếu thờ họ Trần của Thiếu tướng Hoàng Sâm tại làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa.

Miếu thờ họ Trần của Thiếu tướng Hoàng Sâm tại làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa.

Những năm 1960 - 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III; Phó đoàn Chuyên gia quân sự 959 giúp cách mạng Lào, Tư lệnh Quân khu 3. Tháng 10/1968, Bộ Chính trị quyết định bổ sung vào Thường vụ Khu ủy Trị Thiên Huế. Ngày 15/01/1969, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã anh dũng hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Trị Thiên. Dẫu đang trong chiến tranh các liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương chỉ thị đưa thi hài Thiếu tướng ra Bắc, tổ chức tang lễ vào ngày 01/02/1969 tại Câu lạc bộ Quân nhân, số 19 Hoàng Diệu - Hà Nội.

Người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Sớm giác ngộ cách mạng, được Đảng giáo dục bồi dưỡng, trải qua rèn luyện thử thách nhiều trong chiến đấu, Thiếu tướng Hoàng Sâm luôn nêu cao phẩm chất và đạo đức của người chiến sĩ cộng sản. Là tấm gương tiêu biểu của thanh niên yêu nước đến với con đường cách mạng vô sản đầy gian khổ và đã trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung, phấn đấu trọn đời cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng giành lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Ông đã cống hiến suốt đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, góp nhiều công lao vào việc xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng từ những ngày mới thành lập đến khi hy sinh.

Thiếu tướng Hoàng Sâm xa quê từ năm 12 tuổi, song nhân dân Quảng Bình, quê làng Lệ Sơn vẫn luôn nhớ về ông, một người con ưu tú của quê hương, người cộng sản kiên trung, vị chỉ huy quân sự có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự ra đời, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Thân thế và sự nghiệp cách mạng của người vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Quảng Bình nói riêng.

Một góc làng Lệ Sơn ngày nay.

Một góc làng Lệ Sơn ngày nay.

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tôn vinh công lao cống hiến, hy sinh của Thiếu tướng Hoàng Sâm đối với cách mạng Việt Nam, với Quân đội nhân dân Việt Nam.

08 giờ sáng ngày 29/11//2024, tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự tổ chức Hội thảo khoa học: “Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.

Với 03 chủ đề và gần 60 bài viết tham luận tại Hội thảo sẻ giới thiệu về những đóng góp lớn của Thiếu tướng Hoàng Sâm trong sự nghiệp cách mạng dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, phẩm chất, đạo đức cao đẹp của người con ưu tú quê hương Quảng Bình. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam học tập, noi gương Thiếu tướng Hoàng Sâm góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.

ĐẠI XUÂN

Các tin khác