Tháng 10/1974, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và thời cơ chiến lược mới. Hội nghị khẳng định: “Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng đưa quân trở lại và dù chúng có can thiệp đi nữa cũng không thể cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 đến 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975.
Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) soát xét tình hình địch, ta ở miền Nam và sau chiến thắng Phước Long (ngày 06/01/1975), Bộ Chính trị quyết định: “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà”. Bộ Chính trị còn dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Cũng vào thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của Chiến dịch Nam Tây Nguyên. Việc lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong mùa xuân 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk và cũng là thị xã đầu tiên của Tây Nguyên. Đây là một đô thị có giá trị lớn về chiến lược, không những đối với Tây Nguyên mà cả miền Nam. Đánh chiếm Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra bàn đạp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn. Để chuẩn bị cho giải phóng Buôn Ma Thuột, Trung ương chi viện cho Đắk Lắk Sư đoàn 10, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn 25, Tiểu đoàn 196 công binh và bộ binh, pháo binh.
So sánh tương quan lực lượng lúc bấy giờ, quân ta hơn hẳn quân địch về số lượng, chất lượng và thiết bị, bố trí thế trận liên hoàn và hiểm hóc, hình thành những “quả đấm” mạnh ở những khu vực tác chiến then chốt của chiến dịch. Được Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, với sự chi viện dồi dào của hậu phương lớn, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực và địa phương đều phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm, hăng hái lập công.
Về lực lượng của địch, trước ngày ta nổ súng có khoảng 10.000 tên cả chủ lực, bảo an, cảnh sát và dân vệ, có Sư đoàn 23 với hàng trăm cố vấn Mỹ và mạng lưới đồn bốt dày đặc kiên cố. Phối hợp với kế hoạch quân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiến hành nhiều phiên họp ra nghị quyết và bàn các biện pháp phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Tỉnh ủy đã quán triệt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, trước hết là các cấp ủy đảng, phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trước thời cơ lịch sử. Xác định kế hoạch tiến công và nổi dậy trong toàn tỉnh, đặc biệt là trên các địa bàn trọng điểm: Buôn Ma Thuột, Đức Lập (Đắk Min), Cẩm Gar-Thuần Mẫn (Ea H’Leo), Đức Xuyên, Lạc Thiện (Lắk). Đồng thời, dự kiến và có kế hoạch hướng phát triển theo các trục đường số 14, 21 (nay là Quốc lộ 26) khi có thời cơ thuận lợi. Củng cố và phát huy vai trò của các đội vũ trang công tác, khôi phục và mở rộng các cơ sở quần chúng, tạo hành lang và bàn đạp cho các vùng sâu, vùng yếu, vùng tiếp cận đô thị. Tỉnh ủy Đắk Lắk và thị xã Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ dân vận, phát động quần chúng áp sát vào thị xã để làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương, dẫn đường liên lạc, làm công tác vận động binh lính, gọi hàng, trình diện, phục vụ chiến đấu và nổi dậy của quần chúng với khẩu hiệu hành động là “tất cả cho phía trước, tất cả để giành thắng lợi”.
Để tạo bí mật bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, bộ đội chủ lực của ta ở Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh rất tài tình, thu hút sự chú ý, đối phó của địch ở bắc Tây Nguyên. Cuối tháng 2/1975, Sư đoàn 968 đánh tiêu diệt chốt Mỹ, bức rút Đồn Tám và một số cứ điểm ở tây Pleiku, uy hiếp các quận lỵ Thanh An, căn cứ Thanh Bình. Ở phía đông An Khê, ngày 04/3/1975 Sư đoàn 3 của Quân khu V cắt đường 19 và đánh tiêu diệt một số vị trí của địch từ An Khê đến Bình Khê.
Cho đến đầu tháng 3/1975, địch vẫn chưa phát hiện ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột, chúng còn đưa Trung đoàn 45 ở Đắk Lắk ra Pleiku đối phó với hoạt động của chủ lực ta ở bắc Tây Nguyên. Sáng 05/3/1975, Trung đoàn 25 cắt đường 21 (nay là Quốc lộ 26) trên đoạn Cư Kúc; ngày 08/3/1975 Trung đoàn 48 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn và căn cứ Cẩm Ga cắt đứt đường 14, diệt một tiểu đoàn bảo an, bắt sống 120 tên, thu 200 súng. Ngày 09/3/1975, ta đã triển khai lực lượng, cài xong thế chiến lược và chiến dịch kết hợp với chiến trường, ta đánh quận lỵ Đức Lập, nghi binh bao vây đánh vào Pleiku, Kon Tum, cắt đường 19 tạo ra chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt phía Nam với phía Bắc, hoàn toàn bao vây, cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.
Đúng 2 giờ 03 phút, sáng ngày 10/3/1975, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu, đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu Kho Mai Hắc Đế, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình; cùng thời gian này hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch.
Sáng ngày 10/3/1975, ở hướng bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng tây bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu Kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbuôr, Cư Dluê... phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây quân ta đánh chiếm doanh trại Tiểu đoàn Quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào Khu Hành chính, Khu Tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, Khu cư xá Sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình. Ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó sư 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Ngày 12/3/1975, ta tiến quân tiêu diệt căn cứ 45 ngụy, đánh địch ở Cư Bao, Đạt Lý, giải phóng Buôn Hồ.
Ngày 13/3/1975, ta giải phóng Châu Sơn, diệt địch cứ điểm Cư M’Gar phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh đánh chiếm và làm chủ quận lỵ Lạc Thiện. Trong khi bộ đội đánh chiếm thị xã, các đội công tác chính trị của tỉnh cũng như các phường trong nội tuyến, phát động quần chúng ổn định tư tưởng, sửa chữa điện nước, làm công tác tiếp quản, thành lập Uỷ ban quân quản ở các địa phương, giữ vững trật tự an ninh, bảo đảm sinh hoạt bình thường cho Nhân dân. Ngày 14/3/1975, ta tấn công hậu cứ Trung đoàn 53 khu sân bay Hoà Bình và giải phóng Buôn Đôn, quét sạch căn cứ FULRO ở Tây Nguyên. Ngày 17/3/1975, quân chủ lực mở trận đánh quyết định vào Phước An, tiêu diệt và bắt sống gần hết mấy ngàn tên địch, giải phóng Phước An. Ngày 18/3/1975, Trung đoàn 25 đã ngăn chặn và đánh trận cuối cùng, tiêu diệt tàn quân của Sư đoàn 23 tháo chạy ở vùng Cư Kúc, thị xã Cheo Reo, tiêu diệt cơ quan hành chính tiểu khu Phú Bổn.
Cũng trong ngày 18/3/1975, Uỷ ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột được thành lập, ra mắt tại Đình Lạc Giao do đại tá Y Blốk Êban làm Chủ tịch. Ngày 19/3/1975 đến 21/3/1975, quân ta đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương truy quét sạch quân địch co cụm ở đây, tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn dù 3 ngụy, chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng mở đường cho quân ta tiến xuống tỉnh Khánh Hòa. Sau khi tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Đến ngày 24/3/1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng. Chỉ 20 ngày trong tháng 3/1975 lịch sử (từ ngày 05/3/1975 đến ngày 24/3/1975), quân chủ lực đã đánh đòn quyết chiến chiến lược, diệt và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực phòng ngự và rút chạy của Quân đoàn 2 ngụy cùng với toàn bộ binh khí kỹ thuật trên địa bàn Đắk Lắk và Tây Nguyên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt bọn địch ở cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ và giải phóng hoàn toàn 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh của địch là Đắk Lắk, Quảng Đức, Phú Bổn với khoảng 400.000 dân. Phối hợp với quân chủ lực, các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, đội vũ trang công tác của tỉnh đã đánh địch 99 trận, diệt 329 tên, bắt 1.013 tên; bắt gọn Ban chỉ huy quận Lạc Thiện. Diệt và làm tan rã 3 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn FULRO, 50 trung đội nghĩa quân và toàn bộ lực lượng phòng vệ dân sự, thu 13.000 súng, 4 pháo 105mm...
Trong gần 100 năm đấu tranh chống thực dân Pháp, gần 30 năm đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã kiên cường, anh dũng, một lòng một dạ, rất mực thủy chung và đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn gian khổ, chịu đựng nhiều tổn thất hy sinh, bền bỉ đấu tranh giành được nhiều thắng lợi to lớn trong từng thời kỳ cách mạng, đã đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng. Từ đây cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Đắk Lắk bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do, hòa bình thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
LAM SƠN