(LSVN) - Nghề Luật sư không giống như những nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì việc hành nghề Luật sư còn phải tuân thủ quy chế đạo đức nghề nghiệp. Việc gia nhập WTO và ký kết nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,.. đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và cả thách thức đối với hệ thống tư pháp nói chung và nghề Luật sư nói riêng. Để theo kịp bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, bên cạnh việc nâng cao chuyên môn, chúng tôi cho rằng người hành nghề Luật sư cần phải hội đủ thêm các tố chất dưới đây.
Yêu nghề
Mỗi ngành nghề đều sẽ có những đặc thù và khó khăn riêng. Đối với người hành nghề Luật sư, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về tính chuyên môn cao, còn phải sẵn sàng đối diện với những khó khăn, định kiến từ xã hội. Ở Việt Nam, những định kiến, ngộ nhận về nghề Luật sư không chỉ giới hạn về mặt quan điểm. Nó còn thể hiện ra bằng nhiều thái độ, hành động không đúng mực giữa viên chức điều tra, xét xử với Luật sư trong giải quyết các vụ án.
Có người cho rằng hoạt động hành nghề của Luật sư là cách “vẽ đường cho hươu chạy”; xui bị can, bị cáo đối phó và gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử. Có người khuyên đương sự không nên nhờ Luật sư vì thêm tốn tiền. Luật sư chỉ là những người tham gia tố tụng. Người tiến hành tố tụng mới có quyền ra quyết định hoặc phán quyết. Pháp luật hiện hành đã mở rộng quyền của Luật sư trong tiến hành tố tụng, nhưng hiện tượng Luật sư bị gây khó khăn trong tiếp xúc với bị can, bị cáo vẫn còn xảy ra. Việc khắc phục các hiện tượng cố tình gây cản trở Luật sư hành nghề đã được bàn đến nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến như mong đợi. Trong cuộc sống, không ít người chọn lối sống khép kín vì cho rằng “sinh sự thì sự sinh”. Phần đông người dân tìm đến Luật sư chỉ khi gặp rắc rối với pháp luật. Các cuộc điều tra xã hội học cho thấy số người tin vào kết quả của Luật sư bảo vệ được công lý cho thân chủ khá thấp.
Không ít viên chức thiếu thực tâm trong việc ủng hộ hoạt động hành nghề của Luật sư vì lo ngại hoạt động của Luật sư sẽ gây khó khăn cho công việc lãnh đạo, quản lý của họ.
Trước những định kiến và quan điểm có phần sai lệch đó, người Luật sư đầu tiên phải có một lòng yêu nghề, một sự gắn bó với công việc. Lòng yêu nghề không chỉ giúp người Luật sư thành công trong chuyên môn mà còn đưa họ tiến xa hơn trên con đường bảo vệ công lý.
Độc lập
Nói tới tính độc lập của Luật sư khi hành nghề, chúng ta hẳn sẽ nhớ tới một vị Luật sư người Anh có công rất lớn với đất nước Việt Nam - Luật sư Lô-dơ-bi (Loseby). Ông chính là người đã bào chữa thành công cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vụ án năm 1931 ở Hồng Kông. Tại thời điểm đó, chính quyền Hồng Kông có quan hệ rất mật thiết với chính quyền Đông Dương và Luật sư Lô-dơ-bi chỉ có thể hoàn thành công việc bào chữa của mình với một tinh thần độc lập khi hành nghề.
Thực tế, ngay từ khi học tập trong các trường đào tạo luật, các sinh viên luật đã luôn phải linh hoạt trong tư duy. Hầu hết các trường đại học đều yêu cầu sinh viên không chỉ nghiên cứu những điều luật có sẵn mà còn cần có một tư duy sáng tạo, độc lập về nhiều mặt trong xã hội.
Độc lập là một trong những nguyên tắc hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, tính độc lập được thể hiện rõ trong quá trình làm việc với khách hàng. Luật sư được toàn quyền chọn cho mình phương thức cũng như các luận cứ bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho khách hàng gần như một cách tuyệt đối mà không có sự can thiệp của khách hàng. Luật sư có quyền từ chối lời yêu cầu của khách hàng để không đưa nội dung bào chữa hay phát biểu trước tòa. Trong trường hợp cần thiết, Luật sư chỉ có thể thông báo cho khách hàng biết hướng giải quyết vụ án/vụ kiện hoặc sẽ thuyết phục khách hàng phải chấp nhận quan điểm của mình nhằm giải quyết vụ việc phù hợp với luật pháp. Nếu khách hàng vẫn không đồng ý, Luật sư có quyền từ chối việc cung cấp dịch vụ.
Với bác sĩ, khách hàng là bệnh nhân và bệnh nhân luôn nói thật căn bệnh của mình. Nhưng thường thì thân chủ không nói hết sự thật với Luật sư. Họ chỉ trình bày hoặc cung cấp tài liệu chứng cứ được xem là có lợi cho mình để Luật sư ứng xử theo hướng có lợi cho khách hàng. Một trường hợp đòi hỏi Luật sư phải có cách ứng xử độc lập đó là một vụ án có nhiều bị cáo mà trách nhiệm hình sự có thể đối lập nhau. Trong trường hợp này, Luật sư phải hiểu rằng không thể bào chữa cho khách hàng của mình bằng cách buộc tội bị cáo khác. Nếu Luật sư hành xử ngược lại là đã tự mình đánh mất đi tính độc lập của nghề, vì chức năng của Luật sư là bào chữa cho bị cáo.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng độc lập không có nghĩa là tách khỏi các hoạt động tố tụng khác. Người Luật sư vẫn phải bảo đảm các quy tắc tố tụng và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về đạo đức nghề luật.
Luôn nâng cao tinh thần học hỏi
Luật sư là một nghề đòi hỏi tính chuyên môn cao. Hành nghề luật trong điều kiện hội nhập toàn diện của Việt Nam có nghĩa là giới Luật sư của nước ta được tiếp cận với một thị trường dịch vụ hoàn toàn mới mẻ và rộng lớn. Nếu trước đây các dịch vụ pháp lý phi hình sự được cung ứng chủ yếu là việc tham gia các vụ tranh tụng về kinh tế và dân sự của các đơn vị kinh tế và cá nhân trong nước, việc soạn thảo và thương lượng các hợp đồng kinh tế thường được bộ phận kinh doanh của các doanh nghiệp tự thực hiện. Chính vì vậy mà hoạt động tư vấn của Luật sư rất hạn chế. Trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, song song với làn sóng đầu tư từ nước ngoài đổ vào trong nước, những loại hình kinh doanh trong nước đang ngày càng đa dạng và phức tạp hơn như lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thị trường chứng khoán, thị trường công cụ tài chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước trong quá trình mở rộng tầm kinh doanh của mình ra thế giới đã phải tiếp cận với những quy định pháp lý khác nhau, vấn đề này thực sự vượt quá khả năng của doanh nghiệp nên hoạt động tư vấn của Luật sư trở nên rất cần thiết.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế cũng mở ra rất nhiều khó khăn đòi hỏi người Luật sư phải luôn nâng cao tinh thần học hỏi. Học hỏi về ngoại ngữ, về kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng cách phương thức thay thế tòa án như trọng tài, hòa giải, trung gian… Tại Việt Nam, các Luật sư thường có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề tại tòa án nhưng vẫn còn chưa quen thuộc với hoạt động tham gia tố tụng trọng tài. Trong tố tụng trọng tài, ngôn ngữ sử dụng có thể là ngôn ngữ khác tiếng Việt, mà thông thường là tiếng Anh, đối với trường hợp quan hệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp với một bên có vốn đầu tư nước ngoài. Do trình độ ngoại ngữ của Luật sư Việt Nam còn hạn chế nên nhiều trường hợp Luật sư cần có phiên dịch trong các phiên xử trọng tài, dẫn đến tốn kém chi phí và kéo dài thời gian tố tụng. Đó là một trong những lý do dẫn tới việc người Luật sư luôn luôn phải học hỏi, nghiên cứu không chỉ pháp luật trong nước mà còn cập nhật các điều ước quốc tế, tập quán thương mại hay án lệ mới. Chỉ có tinh thần luôn học hỏi mới giúp người Luật sư làm giàu thêm kinh nghiệm, nắm kiến thức pháp lý vững vàng.
Để có thể học và trở thành một người Luật sư hay hành nghề trong lĩnh vực luật pháp là một con đường khó khăn và lâu dài, bởi đây là một nghề đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và chịu nhiều sức ép. Khi đã dấn thân vào nghề, không phải Luật sư nào cũng có thể đeo đuổi sự nghiệp đến suốt đời. Có người vào nghề chưa được 5 năm đã phải bỏ nghề vì không chịu nổi sức ép của công việc. Nhiều Luật sư cho biết, đầu óc họ luôn căng thẳng vì các tình tiết đa dạng của cuộc sống. Họ buộc phải ngồi nhiều giờ trong văn phòng để đào bới, tra cứu, tìm tòi công phu mọi ngóc ngách của luật, văn bản dưới luật, luật quốc tế, các án lệ, phong tục, tập quán… để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lập luận biện hộ của mình.
Bởi vậy, khi đã lựa chọn trở thành một Luật sư, các sinh viên, cử nhân luật hãy nuôi dưỡng cho mình một lòng yêu nghề, một động lực cố gắng không ngừng nghỉ. Nghề Luật sư không chỉ cần chuyên môn giỏi, mà còn cần phẩm chất đạo đức tốt và một tinh thần trách nhiệm cao cả.
Tiến sĩ, Luật sư NGUYỄN THÀNH NAM Giám đốc Công ty Luật Gattaca |