(LSVN) - Để những bản án, quyết định của Toà án, quyết định của Trọng tài thương mại được thi hành trên thực tế, ngoại trừ một số trường hợp được chủ động ra quyết định thi hành án, còn lại các bản án, quyết định của Toà án, quyết định của Trọng tài thương mại không "đương nhiên" được thi hành trên thực tế nếu người được thi hành án không tiến hành thủ tục yêu cầu thi hành án. Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự.
Về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án, thì:
1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn; Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Hiện nay, thời hiệu thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định của Chính phủ số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo các quy định này thì việc tính thời hiệu yêu cầu Thi hành án dân sự như sau:
- Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
- Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định trên thì đương sự có quyền đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án.
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
+ Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn (điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định của chính Phủ số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự).
- Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh. Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, phải nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh quy định trong từng trường hợp cụ thể như sau:
+ Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng;
+ Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có;
+ Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó;
+ Đối với trường hợp do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra bản án, quyết định, cơ quan thi hành án có thẩm quyền;
+ Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp thì phải có văn bản hợp pháp chứng minh thời gian chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án;
+ Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
- Khi nhận được đơn của đương sự và các tài lệu kèm theo, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án dân sự phải xem xét lý do của việc yêu cầu thi hành án quá hạn. Nếu việc yêu cầu thi hành án quá hạn do sự kiện bất khả kháng hoặc gặp trở ngại khách quan thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và thụ lý đơn yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp việc yêu cầu thi hành án quá hạn không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và thụ lý đơn yêu cầu thi hành án tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản...
Do đó, Tòa án phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền những bản án, quyết định này để tổ chức thi hành án. Theo quy định tại Điều 485 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 28 Luật Thi hành án dân sự và Điều 51 Luật Trọng tài thương mại thì việc chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền được thực hiện sau:
+ Đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định;
+ Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án, Trọng tài đã ra quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định;
+ Đối với bản án, quyết định khác thì Tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra bản án, quyết định.
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan. Theo quy định tại Điều 29 Luật Thi hành án dân sự, khi nhận bản án, quyết định do Tòa án, Trọng tài thương mại chuyển giao, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định và cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành (Điều 19 Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự). Việc yêu cầu giải thích bản án, quyết định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp vụ viêc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Văn bản trả lời của Tòa án, Trọng tài thương mại là căn cứ để cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án dân sự, quyết định thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành.
- Đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có. Trường hợp không còn quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án xác nhận về việc đã trả đơn và thụ lý giải quyết việc thi hành án.
- Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được ủy quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận.
Lưu ý, trường hợp hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà người được thi hành án không đến nhận tiền, tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước, sau khi khấu trừ tiền, tài sản mà họ phải thi hành theo quyết định thi hành án khác, nếu có.
Về đơn yêu cầu thi hành án và thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án
Tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án, thì thủ tục gửi đơn yêu cầu thi hành án như sau:
1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây: a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu; b) tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; c) tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; d) nội dung yêu cầu thi hành án; đ) thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có; e) ngày, tháng, năm làm đơn; g) chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
3. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
4. Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.
5. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây: a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này; b) cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án; c) hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Như vậy, theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, đương sự bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự hoặc ủy quyền cho Luật sư để yêu cầu thi hành án. Hiện nay, có ba hình thức yêu cầu thi hành án, đó là: (i) Trực tiếp nộp đơn yêu cầu thi hành án; (ii) trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói; (iii) gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường bưu điện. Người yêu cầu thi hành án phải nộp bản án, quyết định, các tài liệu khác có liên quan cho cơ quan thi hành án.
Đối với trường hợp nộp đơn yêu cầu thi hành án thì cần phải có đầy đủ các nội dung như quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án. Mẫu đơn chi tiết có thể tham khảo tại mẫu số: D 04-THADS ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ lập biên bản có các nội dung như đơn yêu cầu thi hành án, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.
Trường hợp gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường bưu điện thì cần phải có đầy đủ các nội dung như trường hợp nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tiếp; biên lai gửi bưu điện là căn cứ xác định thời gian nộp đơn yêu cầu thi hành án.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, trong thời hạn 05 ngày làm việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Quyết định thi hành án có thông tin về người thi hành án, nội dung phải thi hành án và phân công chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ. Người thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo về quyết định thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án và các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Những bất cập, hạn chế
Quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự, chúng tôi nhận thấy đã bộc lộ một số những bất cập, hạn chế sau:
Thứ nhất, Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, đơn yêu cầu phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Quy định này bắt buộc người yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trên thực tế, những người được thi hành án khó có thể tự bản thân họ xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, do bản thân họ không có chuyên môn nghiệp vụ để thu thập xác minh tài sản của người phải thi hành án, mặt khác họ cũng không có thẩm quyền để yêu cầu các đơn vị, đương sự khác có liên quan đến tài sản của người phải thi hành án và đặc biệt họ càng không thể đến gặp người phải thi hành án để yêu cầu họ cung cấp thông tin về tài sản của mình được, bởi giữa hai bên đã xảy ra tranh chấp, nên điều này là bất khả thi. Do đó, để có thông tin về tài sản của người phải thi hành án thì người được thi hành án phải nhờ đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Theo đó, họ sẽ phải yêu cầu chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Sau một thời gian có kết quả, thì người được thi hành án mới có thông tin về tài sản của người phải thi hành án để điền vào nội dung trong đơn yêu cầu thi hành án gửi cơ quan thi hành án.
Thứ hai, việc tiến hành xác minh điều kiện thi hành án được chấp hành viên thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án cũng còn có một số bất cập như sau:
+ Theo điểm b khoản 6 Điều 44 Luật Thi hành án quy định bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Theo đó, tổ chức tín dụng có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Trên thực tế, vẫn còn các tổ chức lấy lý do bảo mật thông tin của khách hàng nên từ chối, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án.
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Khi tiến hành xác minh, chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án; nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Chấp hành viên phải nêu rõ trong việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án”. Theo quy định này, khi xác minh nhất thiết trong mọi trường hợp chấp hành viên phải gặp được người phải thi hành án mới lập được biên bản xác minh; chờ việc kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án từ người phải thi hành án rất khó để thực hiện được do người phải thi hành án đa số thường không hợp tác với chấp hành viên hoặc trốn tránh trách nhiệm.
+ Việc quy định trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì chấp hành viên phải xác minh từ 06 tháng một lần hoặc ít nhất 01 năm một lần. Thời gian quy định như vậy là quá lâu, việc chậm xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến bên phải thi hành án kịp thời tẩu tán tài sản, gây thiệt hại cho người được thi hành án.
+ Kết quả xác minh phụ thuộc chủ yếu vào trình độ, kỹ năng của chấp hành viên, nhất là những vụ việc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, kỹ thuật và công nghệ cao. Trong khi đó, am hiểu các lĩnh vực chuyên môn của chấp hành viên là chưa thể đáp ứng yêu cầu như: Xác minh vốn trong doanh nghiệp, các tài sản là các thiết bị, khoa học… Mặc dù Luật Thi hành án dân sự có quy định thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh nhưng thực tế thuê chuyên gia là hết sức khó khăn, vướng mắc vì kinh phí hạn chế.
+ Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án thì việc “chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” cũng là căn cứ để thủ trưởng cơ quan thi hành dân sự sẽ ra quyết định hoãn thi hành án dẫn đến việc ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Từ những thực tiễn thực hiện Luật Thi hành án, đã gặp phải những bất cập nêu trên, chúng tôi kiến nghị hoàn thiện pháp luật theo hướng sau:
1. Quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự thực tế mang tính chất lý thuyết, khó áp dụng được với thực tế. Nên đề nghị bãi bỏ nội dung quy định bắt buộc người yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án ghi trong đơn yêu cầu thi hành án. Thay vào đó đưa vào điều khoản nghĩa vụ của chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
2. Để tránh tình trạng trốn tránh trách nhiệm của một số các tổ chức trong việc phối hợp với cơ quan thi hành án thực hiện hoạt động thi hành án, Luật Thi hành án hiện hành chỉ có quy định về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong thi hành án dân sự, mà chưa có chế tài xử phạt về vấn đề này. Đề nghị bổ sung quy định trong Luật Thi hành án dân sự và Bộ luật Hình sự về trách nhiệm và chế tài (bao gồm chế tài xử phạt hành chính và chế tài xử lý hình sự trong trường hợp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thi hành án) đối với các cơ quan, tổ chức hay cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án.
3. Việc người phải thi hành án trốn tránh trách nhiệm, khai gian dối và không hợp tác với chấp hành viên trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, mà việc xác minh này bắt buộc phải có mặt của người phải thi hành án mới có thể tiến hành yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập... và tiến hành lập biên bản xác minh được khiến cho cơ quan thi hành án gặp khó khăn, bất lợi trong quá trình này. Theo Luật hiện hành chỉ quy định chung chung về việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Đề nghị bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi này trong quy định của Bộ luật Hình sự, nhằm tăng tính răn đe đối với các trường hợp trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
4. Thời gian tiến hành xác minh điều kiện thi hành án từ 6 tháng một lần hoặc ít nhất 1 năm một lần đối với trường hợp chưa có điều kiện thi hành án là quá lâu, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Đề nghị xem xét rút ngắn thời gian tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đối với trường hợp chưa có điều kiện thi hành án tránh việc bên phải thi hành án kịp thời tẩu tán tài sản trong thời gian này, gây kéo dài thời gian thi hành án.
5. Mở các khóa đào tạo nghiệp vụ về xác minh điều kiện thi hành án cho chấp hành viên, giúp nâng cao trình độ, kỹ năng trong hoạt động lĩnh vực này, giúp đẩy nhanh tiến độ hoạt động xác minh điều kiện thi hành án.
Luật sư PHẠM VĂN PHƯỢNG
Công ty Luật Vietthink