Thừa kế tài sản khi không có di chúc – Những bất cập và kiến nghị

27/11/2020 04:10 | 3 năm trước

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật, trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc trường hợp những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.

Ảnh minh họa.

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Phạm vi những người thừa kế theo pháp luật rất rộng, vì vậy pháp luật quy định thành nhiều hàng thừa kế. Trong đó, hàng thừa kế thứ nhất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống gần gũi nhất so với các hàng khác. Các hàng thứ hai, thứ ba là những hàng “dự bị” nếu như những hàng thừa kế trước không có (chết hoặc từ chối nhận di sản).

Bộ luật Dân sự năm 2015 nói chung và chế định về thừa kế nói riêng được đánh giá là hoàn thiện hơn nhiều so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, qua một thời gian đi vào cuộc sống đã cho thấy vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, từ đó dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau, việc áp dụng trên thực tế cũng không thống nhất. Chẳng hạn như quy định về quyền thừa kế thế vị của cháu và chắt hay của con nuôi; quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ hay giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế vẫn còn chưa phù hợp về mặt lý luận lẫn thực tiễn.

Theo quy định tại Điều 652 BLDS năm 2015 thì: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Với quy định trên, nếu hiểu theo câu chữ của điều luật thì khi cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt không được quyền hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ do có một trong các hành vi được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 sẽ kéo theo cháu hoặc chắt cũng không thể được thay thế vị trí của cha mẹ để hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ. Theo quy định những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Theo giải đáp tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thì: Thừa kế thế vị được hiểu là hưởng thay và đối tượng hưởng thay đã được quy định rõ là “phần di sản của cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Trường hợp một người đã không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của BLDS năm 2015, như bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng người cha thì họ sẽ không được hưởng di sản của người cha. Do vậy, nếu họ còn sống khi cha chết thì họ cũng không được hưởng di sản thừa kế nên không có “phần được hưởng nếu còn sống” để cho người khác hưởng thế vị.

Như vậy, cha mẹ của cháu hoặc chắt phải là người được quyền hưởng di sản thì cháu hoặc chắt mới được hưởng thế vị thay cha, mẹ khi cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

Dưới góc độ nghiên cứu khoa học pháp lý, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định nêu trên. Theo quan điểm của tôi thì nên hiểu và quy định theo hướng cho họ được hưởng thừa kế thế vị, mặc dù cha mẹ của họ trước khi chết đã rơi vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.

Kiến nghị

Trường hợp cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt có một trong các hành vi vi phạm được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015 thì cháu hoặc chắt là người không có lỗi và cũng không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi do cha, mẹ của họ gây ra. Do vậy, quyền thừa kế thế vị của cháu hoặc chắt không thể bị pháp luật tước bỏ khi mà giữa cha, mẹ và các con hoàn toàn chịu trách nhiệm độc lập với nhau trước pháp luật. Hơn nữa, nếu chỉ hiểu một cách đơn thuần là cha hoặc mẹ của cháu khi còn sống không có quyền hưởng di sản, thì cháu cũng không có quyền hưởng thừa kế thế vị nếu cha, mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng với ông, bà thì đó là điều không hợp lý, không phù hợp với xu hướng chung của pháp luật hiện đại và không phù hợp với truyền thống, tập quán, quan niệm về thừa kế trong nhân dân.

Do vậy, thiết nghĩ để đảm bảo quyền, lợi ích của các cháu của người để lại di sản, đặc biệt là trường hợp cháu và chắt là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Cho nên, BLDS cần quy định bổ sung trường hợp cháu và chắt vẫn được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu và chắt khi còn sống đã bị kết án về một trong các hành vi theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.

Mặt khác, để bảo vệ quyền được hưởng di sản của cháu và chắt khi bản thân họ không bị Tòa án tước quyền và cũng không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản, nhưng do họ không có khả năng lao động để tự nuôi sống bản thân mình, thì pháp luật cũng nên cho họ hưởng thừa kế thế vị thay cho cha mẹ họ bị truất hoặc bị tước quyền khi còn sống nhưng chết trước người để lại di sản để cháu được thừa kế di sản của ông bà, chắt được hưởng di sản của các cụ (tương tự như quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 về trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc), trừ trường hợp chính con, cháu của họ cũng có một trong các hành vi vi phạm được nêu tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.

Luật sư LÊ HỒNG HIỂN
Hãng Luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự 
/vai-tro-cua-luat-su-trong-cac-vu-an-hinh-su.html