/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực tiễn xét xử án hành chính

Thực tiễn xét xử án hành chính

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính Nhà nước, các quan hệ này được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính. Việc giải quyết khiếu kiện hành chính của TAND các cấp đã góp phần nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước nói chung, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách nền hành chính Nhà nước; Buộc cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước phải tự nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm với mỗi quyết định hành chính hay hành vi hành chính của mình trong hoạt động công vụ. Bài viết đánh giá thực tiễn xét xử án hành chính hiện nay ở Việt Nam và vai trò của Luật sư khi tham gia giải quyết loại án này.

Ảnh minh họa.

Thực tiễn xét xử án hành chính

Trong năm 2021 vừa qua, việc xét xử, giải quyết các vụ án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. TAND các cấp đã thụ lý 10.728 vụ; đã giải quyết, xét xử được 5.693 vụ, đạt tỉ lệ 53,1% (thụ lý giảm 1.742 vụ, xét xử giảm 2.889 vụ). Cũng trong năm qua, chất lượng các bản án, quyết định hành chính được nâng lên và có nhiều tiến bộ, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước (hủy do nguyên nhân chủ quan giảm 0,18%, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,1%), đã khắc phục triệt để việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật và không có bản án, quyết định hành chính nào phải giải thích hoặc kháng nghị do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án,… Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng về thực trạng xét xử án hành chính hiện nay ở nước ta.

Tuy nhiên, công tác xét xử án hành chính vẫn còn một số bất cập, những tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho việc xét xử bị ảnh hưởng. Trước khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực, tỉ lệ bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện bị hủy, sửa chiếm tỉ lệ cao. Việc giao cho TAND cấp huyện thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện có thể không bảo đảm được sự khách quan, công bằng trong xét xử án hành chính của Tòa án, vì có sự ảnh hưởng, tác động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực đã giải quyết được vấn đề này khi giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm những khiếu kiện liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện cho TAND cấp tỉnh thực hiện. Quy định này có ý nghĩa trong việc thúc đẩy dân chủ, công khai, minh bạch nền hành chính, tạo điều kiện để Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc độc lập, tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, việc bổ sung thẩm quyền này cho TAND cấp tỉnh không chỉ tạo áp lực công việc, số lượng án hành chính cần giải quyết mà còn gây khó khăn cho cấp Tòa án này trong việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án, nhất là đối với hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ, xác minh lấy lời khai của các đương sự, người làm chứng. Đối với những vùng còn khó khăn, giao thông không thuận tiện cũng khiến TAND cấp tỉnh phải tốn nhiều chi phí và thời gian cho việc di chuyển để thu thập tài liệu, chứng cứ. Đương sự cũng gặp khó khăn trong việc đi lại, thực hiện những thủ tục cần thiết.

Thực tế cho thấy, số lượng án hành chính có liên quan chủ yếu đến đất đai chiếm tỉ lệ tương đối cao, đa số vụ án hành chính là khởi kiện các quyết định về thu hồi đất. Đặc thù về tính chất của những án hành chính liên quan đến đất đai thường phức tạp và rất khó. Giải quyết, xét xử án hành chính về lĩnh vực đất đai do vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ lý do chủ quan như hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật, trong khi nội dung đơn khởi kiện thể hiện rõ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nhưng nhiều cá nhân là người dân khởi kiện chỉ yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song, Tòa án thì lại phải tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện theo quy định tại Điều 8, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, dẫn tới kết quả xét xử của Tòa án có thể đã chính xác với những gì người khởi kiện yêu cầu nhưng thực chất lại chưa “đúng ý” của người khởi kiện, và do đó những khúc mắc, vấn đề tranh chấp của người dân không được giải quyết một cách thỏa đáng, triệt để.

Những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, quy định về giãn cách xã hội cũng khiến cho việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện ảnh hưởng. Trong khi, kết quả của việc đối thoại là cơ sở để Tòa án quyết định có đưa vụ án ra xét xử hay không. Việc tống đạt văn bản tố tụng cho người bị kiện là UBND hay Chủ tịch UBND gặp phải khó khăn vì bộ phận văn thư của những cơ quan bị kiện hoặc có đối tượng bị kiện làm việc thường không đồng ý ký tên vào biên bản tống đạt để việc tống đạt được hợp lệ. Trong những vụ án hành chính, người bị kiện là người đứng đầu của cơ quan thường ủy quyền cho cấp phó của mình. Thực tế, cấp phó thường bận rộn không kém gì so với người đứng đầu nên việc ủy quyền cho cấp phó đôi khi không giúp giải quyết vụ án hành chính một cách nhanh chóng mà còn làm thời gian giải quyết, xét xử kéo dài thêm. Tòa án cũng có thể lựa chọn xét xử vắng mặt, nếu kết quả xét xử có lợi cho phía cơ quan nhà nước thì sẽ không có gì đáng nói.

Nhưng nếu kết quả xét xử gây ra bất lợi về phía cơ quan nhà nước thì có thể họ sẽ kháng cáo, vụ án lại một lần nữa kéo dài thêm, trở về vòng lặp lại. Nhiều trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giám đốc thẩm, khi giải quyết các vụ tương tự, Thẩm phán thường chần chừ giải quyết để đợi kết quả xét xử giám đốc thẩm. Với các hồ sơ pháp lý giống nhau nhưng kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án lại khác nhau cũng làm cho các Thẩm phán e dè, không yên tâm khi giải quyết những vụ tương tự. Việc người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng đồng thời cũng không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng, không trả lời ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện nên Tòa án thường không thể tiến hành đối thoại được và việc giải quyết vụ án luôn bị kéo dài vì Tòa án phải lần lượt triệu tập lấy lời khai, yêu cầu cung cấp chứng cứ, tiến hành đủ hai lần đối thoại, hai lần triệu tập xét xử mới xét xử vắng mặt được; thực tế này thường làm cho người khởi kiện bức xúc, phản ứng rất gay gắt, không đồng tình việc Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt người bị kiện và họ khiếu nại, yêu cầu thay đổi Thẩm phán… 

Luật sư ngại tham gia vụ án hành chính

Thực tế, người khởi kiện trong vụ án hành chính thường là những cá nhân, tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước. Những cá nhân, tổ chức này thường không có hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về pháp luật, vậy nên vai trò của Luật sư trong vụ án hành chính là rất quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, tỉ lệ những vụ việc khiếu nại hành chính, vụ án hành chính, tình trạng thiếu vắng sự xuất hiện hay vai trò mờ nhạt của Luật sư vẫn xảy ra. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan.

Các khiếu kiện hành chính hiện nay chủ yếu là khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Người bị kiện thường là UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Những người này hay ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng. Việc ủy quyền thể hiện rằng thủ trưởng cơ quan rất bận, không thể tham gia nên mới phải ủy quyền cho cấp dưới của mình tham gia, với mục đích để việc xét xử vụ án hành chính được diễn ra theo đúng thời gian, thời hạn quy định. Vậy mà chúng ta lại thấy một sự thật trái ngược khi tại các phiên hòa giải hay phiên tòa sơ thẩm, đại diện người bị kiện đều có đơn xin vắng mặt. Phiên tòa sau đó cũng được tạm hoãn để bổ sung chứng cứ. Tới khi được xét xử lại, đại diện bên bị kiện cũng xin vắng mặt, khiến cho thời gian giải quyết một vụ án hành chính quá lâu, gây ra nhiều bất lợi đối với người khởi kiện và Luật sư. Điều này vô hình trung hình thành tâm lý mệt mỏi và chán nản, e dè đối với Luật sư mỗi khi có đề nghị, yêu cầu tham gia tố tụng vụ án hành chính trong tương lai.

Việc xin vắng mặt của cấp phó được ủy quyền là không trái với quy định pháp luật nhưng lại gây ảnh hưởng, khó khăn rất lớn đối với việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, tranh luận để làm rõ các tình tiết. Việc đánh giá chứng cứ tại phiên tòa bị ảnh hưởng rất nhiều khi vắng mặt người bị kiện, rất nhiều vụ án đã phải hoãn xét xử hoặc tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ. Do vậy, vụ án hành chính thường bị kéo dài, gây tâm lý bức xúc cho người khởi kiện vì không được đối thoại, tranh tụng để làm rõ những vấn đề mà trong quá trình khiếu nại đến các cấp hành chính có thẩm quyền, người khởi kiện chưa được giải thích rõ hoặc tuy đã được giải thích nhưng vẫn còn khúc mắc, chưa thông suốt…

Có thể nói, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tham gia đối thoại với người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, họ thường vắng mặt và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, họ lại rất quan tâm tới kết quả của phiên tòa. Nếu nhận được kết quả gây bất lợi cho phía cơ quan nhà nước, thông thường họ sẽ kháng cáo để Tòa án cấp cao hơn giải quyết lại. Tòa án thường có quan điểm, hướng bảo vệ cơ quan nhà nước khiến cho người dân dần mất niềm vào hệ thống cơ quan tư pháp. Nếu không chấp nhận và muốn đi tìm sự thật khách quan thì lại phải nhờ đến cấp cao hơn, gây tốn kém chi phí và thời gian, công sức của nhân dân. Không ít những trường hợp, mặc nhiên phải nhờ tới Tòa án phúc thẩm, người khởi kiện mới có được một đáp án chính xác, thậm chí là tới cả phiên giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tòa án giải quyết vụ án hành chính thường là Tòa án tại chính địa phương đó, quá trình tham gia tố tụng của Luật sư ít nhiều bị ảnh hưởng. Người bị kiện trong những trường hợp này thường là các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nên Luật sư tại địa phương có thể sẽ dè chừng và lưỡng lự, không bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự một cách tốt nhất, toàn diện nhất. Nếu Luật sư từ địa phương khác đến thì sẽ gặp phải những khó khăn cả về việc di chuyển cũng như trong quá trình thực hiện những quyền lợi mà được đương sự ủy quyền khi tham gia tố tụng hành chính. Như vậy, thực tiễn tham gia tố tụng của Luật sư trong vụ án hành chính hiện nay còn gặp nhiều bất cập. Pháp luật về tố tụng hành chính cần hoàn thiện hơn nữa để nâng cao vị thế, vai trò và tầm quan trọng của Luật sư khi tham gia tố tụng vụ án hành chính, bảo đảm Luật sư được sử dụng trên thực tế những quyền đã được quy định, không bị cản trở hoặc gây khó khăn và tham gia có hiệu quả vào quá trình giải quyết vụ án.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Trí Tuệ, Những thành tích nổi bật trong công tác xét xử năm 2021 của TAND, 31/12/2021, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/nhung-thanh-tich-noi-bat-trong-cong-tac-xet-xu-nam-2021-cua-toa-an-nhan-dan5617.html.

2. TAND tối cao, Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016-2020; Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021 của các Tòa án, Cổng thông tin điện tử TAND tối cao, 2020.

Luật sư HOÀNG TÙNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Bất cập và đề xuất hoàn thiện

Lê Minh Hoàng