Tính nhân văn của pháp luật

17/01/2019 16:30 | 5 năm trước

LSVNO - Trong đời sống xã hội con người ở mỗi quốc gia, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là phương tiện không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói c...

LSVNO - Trong đời sống xã hội con người ở mỗi quốc gia, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là phương tiện không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc tăng cường vai trò của pháp luật được đặt ra như một tất yếu khách quan. Điều đó không chỉ nhằm mục đích xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh, mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính, trong đó có ý thức đạo đức. Đâu đó vẫn có những câu chuyện pháp luật ẩn chứa những giá trị nhân văn sâu sắc nơi mà tình người lay động những thứ khô khan và rập khuôn. Đó chính là sự song hành của pháp luật và đạo đức trong đời sống xã hội.

Ảnh minh họa.

Pháp luật và vai trò của pháp luật

Ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, dù đó là một siêu cường hay chỉ là một quốc gia nhỏ bé thì pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu, pháp luật là tối thượng, tuân thủ pháp luật trở thành một nét văn minh không thể thiếu. Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và là một đất nước văn minh, khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã trở nên quen thuộc, là phương châm sống, là mục đích sống và len lỏi vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt.

Có thể nói, vai trò quan trọng đầu tiên của pháp luật chính là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước, nhà nước lấy pháp luật làm công cụ để duy trì trật tự xã hội. Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Pháp luật góp phần tạo dựng những quan hệ mới.

Trong quá trình phát triển lịch sử nhân loại, cùng với nhà nước, pháp luật ra đời nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đạo đức và dư luận xã hội, pháp luật là công cụ quản lý xã hội chủ yếu của nhà nước.

Giữa đạo đức và pháp luật luôn có mối quan hệ qua lại, tác động tương hỗ lẫn nhau. Để nâng cao vai trò và phát triển ý thức đạo đức, ngoài các biện pháp tích cực khác, thì không thể thiếu vai trò của pháp luật và ý thức pháp quyền. Pháp luật càng chặt chẽ, càng đầy đủ và được thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được đề cao, khả năng điều chỉnh và giáo dục của đạo đức càng được mở rộng và ảnh hưởng một cách toàn diện, tích cực đến mọi hành vi, mọi mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.

Tính nhân văn của pháp luật

Tuy nhiên, trái ngược với những nội dung trên, đâu đó trong cuộc sống vẫn còn những câu chuyện pháp luật mang tính nhân văn sâu sắc, đó chính là sự lồng ghép làm mềm hóa tính khô khan của pháp luật.

Gần đây nhất là câu chuyện ở thành phố Cần Thơ khi mà anh nông dân Cà Rê  mang 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực để đổi, bản thân anh Cà Rê hoàn toàn không biết được rằng việc làm của anh đã vi phạm quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ. Ủy ba nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt anh Cà Rê số tiền 90 triệu đồng. Bản thân anh Cà Rê cũng như tất cả mọi công dân trên đất nước Việt Nam không phải ai cũng biết quy định của pháp luật này, nhưng tất cả mọi người đều biết và nhận thức một điều rằng luật pháp là rất nghiêm minh và buộc mọi người phải tuân thủ để bảo đảm duy trì trật tự xã hội. Sau khi sự việc xảy ra, dư luận xã hội lên tiếng và đây đã trở thành một vấn đề “nóng” được đưa ra bàn luận tại nghị trường Quốc hội. Lâu lắm rồi một câu chuyện nhỏ nhặt từ trong cuộc sống lại được đưa ra bàn luận tại “Hội nghị Diên Hồng” và đa số các ý kiến của đại biểu đều cho rằng việc xử phạt đó của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ là thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng pháp luật có lẽ không phải lúc nào cũng cứng nhắc và rập khuôn mà luôn chứa đựng tình người, giá trị nhân văn trong đó. Khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình anh Cà Rê, ai cũng phải động lòng thương xót bởi gia cảnh khó khăn và anh là lao động chính trong gia đình có 6 người, gồm: 2 vợ chồng anh Rê, 2 đứa con chưa đến tuổi lao động và cha mẹ vợ đã lớn tuổi, già yếu. Trong đó, cha vợ anh Rê là  người sống phụ thuộc vào 2 vợ chồng anh Rê, hiện mắc bệnh hiểm nghèo, đi lại khó khăn. Vợ anh Rê phải ở nhà để chăm sóc cha mình và các con. Hiện nay hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn đặc biệt, địa phương phải trợ cấp hàng tháng.

Và rồi câu chuyện đổi tiền của anh Cà Rê cũng kết thúc có hậu khi mà Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định miễn toàn bộ số tiền phạt cho anh, quyết định này không chỉ mở ra một con đường cho bản thân anh Cà Rê và gia đình mà điều quan trọng hơn cả là nó ẩn chứa giá trị nhân văn đằng sau pháp luật.

Trở lại câu chuyện vụ án cướp giật bánh mỳ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 20/7/2016, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) 10 tháng tù, Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù - bằng thời gian tạm giam, về tội cướp giật tài sản.

Khuya 17/10/2015 Tuấn gặp Tân, cùng chơi internet tới sáng hôm sau thì rủ nhau đến nhà hàng ở quận Thủ Đức kiếm việc làm.

Trên đường đi cả hai đói bụng, không có tiền nên bàn cách vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Khoảng 12 giờ, chúng đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức). Tuấn hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mỳ ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì cậu ta giật phăng, tăng ga bỏ chạy.

Nghe chủ quán tri hô, hai người đàn ông gần đó đuổi theo bắt Tân và Tuấn giao công an. Số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng.

Vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm, hành vi cướp giật tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội và trong những năm qua, hành vi này đã gây hoang mang cho dư luận xã hội, gây ra tình trạng bức xúc của người dân. Hành vi cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác một cách nhanh chóng và bất ngờ rồi tẩu thoát để tránh sự phản kháng của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Như vậy, mục đích của hành vi cướp giật tài sản chính là để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, qua vụ án nêu trên có thể thấy rằng mục đích của Tuấn và Tân khi cướp bánh mỳ là do đói bụng nhưng không có tiền mua mà không phải là mục đích chiếm đoạt tài sản. Ngày 15/9/2016, Tòa Gia đình và người chưa thành niên  Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm, chấp nhận quan điểm của đại diện viện kiểm sát và luật sư bào chữa, tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn về tội cướp giật tài sản.

Câu chuyện này cũng mang lại cảm xúc cho tất cả mọi người về giá trị nhân văn mà pháp luật mang lại, điều đó khẳng định giá trị đạo đức luôn tồn tại và đó chính là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, đổi bổ sung năm 2017, “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Quy định này chính là sự cởi nút thắt cho nhiều vụ án và đã đem lại cơ hội làm lại cuộc đời cho nhiều người.

Không chỉ ở nước ta mà trên thế giới cũng đã từng có nhiều câu chuyện pháp luật lấy đi nước mắt của hàng triệu người. Năm 1935, ở nước Mỹ đã từng có một câu chuyện trộm bánh mỳ xảy ra giữa thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ (kéo dài từ năm 1929 tới nửa sau thập niên 30) tại một nơi nghèo nhất trong thành phố New York. Người ta xét xử một phụ nữ ăn trộm bánh mỳ vì đói. Một buổi tối lạnh lẽo tháng 01/1935, phiên tòa ban đêm đang được tiến hành tại một phường khó khăn nhất thuộc thành phố New York.

Một phụ nữ già và rách rưới được đưa đến, bà bị buộc tội ăn trộm một ổ bánh mỳ. Khuôn mặt bà u sầu, ẩn trong vẻ u sầu đó là một sự xấu hổ.

Quan tòa hỏi: “Bị cáo, có đúng là bà đã ăn trộm bánh mỳ không?”

Người phụ nữ cúi đầu và lúng túng trả lời: “Đúng vậy! Thưa quan tòa, tôi thực sự đã ăn trộm bánh mỳ!”

Quan tòa lại hỏi: “Động cơ ăn trộm bánh mỳ của bà là gì? Có phải vì đói khát không?”

“Đúng ạ!” Người phụ nữ ngẩng đầu lên, đôi mắt nhìn vị thẩm phán và nói: “Đúng là tôi đói. Con rể đã bỏ rơi gia đình, con gái tôi thì bị bệnh còn 2 đứa cháu nhỏ đang chết đói. Chúng đã mấy ngày hôm nay không được ăn rồi. Tôi không thể trơ mắt nhìn chúng chết đói được, chúng vẫn còn quá nhỏ!”

Nghe người phụ nữ nói xong, mọi người xung quanh bắt đầu lầm rầm bàn tán.

Tuy nhiên, người chủ cửa hàng nơi bị trộm bánh mỳ thì không đồng ý tha thứ. “Đây là một vùng kém an ninh, thưa Ngài,” ông nói. “Bà ấy phải bị trừng phạt để làm gương cho những người khác”.

Vị thẩm phán thở dài, nhìn về phía người phụ nữ và nói: “Bị cáo, tôi phải làm việc theo lẽ công bằng, chấp hành theo pháp luật. Bà có hai lựa chọn: nộp phạt 10 đô la hoặc chấp nhận bị giam 10 ngày”.

Thị trưởng của thành phố New York khi đó - ông Fiorello LaGuardia cũng có mặt và ông chính là vị thẩm phán trong buổi tối hôm đó. Khi đọc tuyên án trên, ông đồng thời cũng đưa tay vào túi, lấy ra một tờ tiền và thả vào chiếc mũ của mình. Ông nói lớn: “Đây là 10 đô la mà tôi sẽ trả cho án phạt này. Ngoài ra tôi phạt mỗi người trong phòng xét xử này 50 cent, đó là số tiền phạt cho sự thờ ơ của chúng ta khi ở cùng khu phố mà lại để cho một người phụ nữ phải đi ăn trộm bánh mỳ về nuôi cháu. Ông Baliff, hãy đi thu tiền và đưa tặng cho bị cáo”.

Ngày hôm sau, tờ báo thành phố New York đưa tin đã có 47,5 đô la được gửi đến cho người phụ nữ khốn khó kia. 50 cent trong đó là do người chủ cửa hàng tạp hóa đóng góp, ngoài ra còn có khoảng vài chục bị cáo khác đang chờ xét xử và các cảnh sát có mặt khi đó, họ đều vinh hạnh được đóng góp 50 cent và đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt.

Về lý thuyết, một phụ nữ ăn trộm bánh mỳ bị phạt tiền đâu có quan hệ gì đến người khác? Vị Thị trưởng trả lời một cách minh bạch - đó là trả tiền cho sự lạnh lùng của chúng ta.

Cùng với sự phát triển của xã hội thì những giá trị nhân văn ngày càng được duy trì, bảo tồn và nhân rộng. Có thể nói cơ chế thị trường ở nước ta bên cạnh những giá trị to lớn mà nó mang lại cũng đã bộc lộ rõ tính hai mặt nguy hiểm của nó, trong đó mặt tiêu cực đang len lỏi vào đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ đến lối sống, sinh hoạt, các quan hệ xã hội, kể cả quan hệ tưởng không gì có thể phá vỡ như quan hệ huyết thống trong gia đình, dòng họ, thầy trò… khiến đạo đức  con người đang có chiều hướng suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét dưới góc độ xã hội, suy cho cùng thì tội phạm cũng chỉ là những vấn đề thuộc về hiện tượng xã hội. Không thể vì để giải quyết hiện tượng mà phải làm thay đổi cả bản chất của pháp luật hình sự, trong đó những giá trị nhân đạo, đặc biệt nhân đạo với những hành vi phạm tội mà gây hậu quả chưa lớn hoặc xét về hoàn cảnh, điều kiện gia đình và bản thân họ gặp nhiều khó khăn mà phải thực hiện những hành vi đó, những giá trị nhân văn sâu sắc từ những câu chuyện pháp luật đó là giá trị đạo đức của loài người, xây dựng, đúc kết trở thành những nguyên tắc có giá trị nhân văn từ lâu đời. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, không thể sửa đổi luật để tử hình người chưa thành niên phạm tội với mục đích làm giảm cơn đau tức thời của lương tri con người.

Trong pháp luật có đạo đức và trong đạo đức có sự tồn tại của pháp luật, đó sẽ là những giá trị trường tồn giúp duy trì trật tự xã hội, từ đó tạo ra cho con người ý thức chấp hành pháp luật nghiêm túc và góp phần duy trì trật tự xã hội, thể hiện tính “thượng tôn pháp luật”.

 

Trần Văn Hùng